PDA

View Full Version : N - Nói chuyện với các em về phá thai



Dan Lee
01-14-2009, 12:21 AM
NÓI CHUYỆN VỚI CÁC EM VỀ PHÁI THAI



Ðạo luật Roe vs. Wade đã mở cánh cửa cho nền văn hóa sự chết đi vào sinh hoạt thường ngày của người dân Hoa Kỳ. Người ta ước tính riêng tại Hoa Kỳ mỗi năm có đến hơn một triệu vụ phá thai chính thức. Riêng đối với các em vị thành niên, phái thai còn là một vấn đề hết sức quan trọng không những liên quan đến luật pháp, và còn cả đến những khía cạnh luân lý, đạo đức, và giáo dục nữa.

Trong kỳ bầu cử vừa qua, ngày 4 tháng 11 năm 2008, Ðạo Luật 4 đã bị đánh bại tại tiểu bang California với 52.2% chống đối và 47.8% ủng hộ. Với kết quả này, tại California các em ở tuổi vị thành niên từ nay muốn phá thai thì những người làm công việc phá thai cho các em sẽ không phải thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các em 48 tiếng trước như vẫn đòi hỏi trước đây.

Thông báo cho phụ huynh hay người giám hộ trước 48 tiếng có thể là một quyết định muộn màng, tuy nhiên, nó vẫn giúp ngăn chận hàng loạt những vụ phá thai trong các em tuổi vị thành niên. Theo tài liệu của những người ủng hộ đạo luật số 4, thì:

· Trên 16.000 vụ phá thai đã được thực hiện hàng năm tại California đối với các em vị thành niên dưới 18 tuổi (theo tài liệu của AGI). Những em này chịu đựng những hậu quả tình cảm và y học do phá thai, bao gồm nhiều nguy cơ bệnh ung thư ngực. Trong khoảng từ năm 2005-2006, chương trình Hoặch Ðịnh Vai Trò Phụ Huynh đã thực hiện trên 264.000 vụ phá thai.

· Mỗi ngày vẫn có những người đàn ông lớn tuổi làm cho các em gái vị thành niên có thai và cưỡng bức các em (mà cha mẹ không hay biết và bảo vệ) phá thai lén lút để che đậy những tội phạm của mình.

· Trên 30 tiểu bang hiện nay có Luật Thông Báo Phụ Huynh/Gia Ðình. Những tiểu bang này đã nhận ra sự giảm thiểu rõ ràng những vụ các em gái vị thành niên mang thai và phá thai.

Với đạo luật số 4, tại California, những em vị thành niên muốn phá thai sẽ được tự do hơn, vì người thực hiện những vụ phá thai này không đòi hỏi phải thông báo cho phụ huynh hoặc người giám hộ các em 48 tiếng trước khi phá thai. Hậu quả sẽ ra sao?

Các em có thể sẽ bị lợi dụng, bị dụ dỗ, và bị thách đố đi vào những phiêu lưu tình cảm, tình dục. Các em sẽ được yên tâm vì được bao bọc bởi đạo luật 4, có nghĩa là các em sẽ không sợ cha mẹ, hoặc người giám hộ phiền trách, và nếu các em phá thai thì đó là quyền tự chọn của mình.

Chúng ta hãy tưởng tượng rồi ra con em của chúng ta sẽ như thế nào với đạo luật này? Các em sẽ bị lợi dụng, bị dụ dỗ, và có thể bị hãm hiếp rồi mang thai, mà không cần biết ai là tác giả của những bào thai đó. Những kẻ gây ra những tội lỗi ấy sẽ không bị đưa ra ánh sáng pháp luật, vì các em đã tự mình đi phá thai, hoặc bị cưỡng bức làm việc này. Hành động này nếu tiếp diễn, chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả tồi tệ về luân lý, đạo đức, và sẽ làm băng hoại nền tảng đạo đức gia đình cũng như xã hội.

Luân lý, đạo đức, và giá trị của đời sống hôn nhân, gia đình sẽ đi về đâu? Nhưng đó lại là điều mà luật pháp cho phép! Một điều ngạc nhiên là khi đạo luật không cho phép hôn nhân đồng tính được thông qua với 52.4% ủng hộ và 47.6% chống đối, thì hàng ngàn, hàng ngàn người xuống đường biểu tình đòi hủy bỏ kết quả cuộc đầu phiếu, trong khi đó các phụ huynh và những người giám hộ lại im lặng không một phản ứng khi đạo luật số 4 được thông qua.

Ðể tránh khỏi những lạm dụng này, trách nhiệm của phụ huynh và những ai quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên, là phải để tâm và hướng dẫn con cái mình; đặc biệt, các em gái để không rơi vào những cạm bẫy và những luật lệ phi luân lý như thế. Nếu không, khi lớn lên, các em sẽ coi thường giá trị mạng sống, coi thường giá trị trinh tiết, coi thường giá trị hôn nhân, và hậu quả là các em mặc tình ly dị, phá thai, hoặc nếu muốn cũng chuyển qua lối sống đồng tính. Và đây cũng là một đòi hỏi của Giáo Hội đối với các phụ huynh và các nhà giáo dục. Trong tài liệu của Hội Ðồng Giáo Hoàng Về Gia Ðình đã viết: “Cần phải dùng những từ ngữ xứng hợp với luân lý Kitô Giáo để giải thích về sự sống con người cho các em vị thành niên trước sự vô luân của hành động giải phẫu hoặc dùng hóa chất để phá thai (1995: The Truth and Meaning of Human Sexuality, n. 137).

Theo Lm. Frank Pavone, người từ 1993 đã được Ðức Hồng Y O’Connor đặt làm Giám Ðốc Chương Trình Linh Mục Phò Sự Sống (Priests for Life), một tổ chức được công nhận theo Giáo Luật nhằm mục đích khuyến kích Dân Chúa, đồng thời cũng được chỉ định làm việc trong Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình đã cho rằng phụ huynh và những người giám hộ cần phải giải thích và nói với con cái mình về tệ nạn phá thai. Theo ngài, đây là việc làm hết sức cần thiết để chuẩn bị cho các em đối đầu với những cám dỗ, hoặc những hướng dẫn sai lầm từ bạn bè, từ những người chủ trương phá thai. Ngài đã thuật lại câu truyện trong một buổi hội thảo về việc phụ huynh hay người giám hộ phải nói với các trẻ em về phá thai, ngài đã hỏi em Sharon mới lên 6 và được em trả lời như sau:


- Sharon , con có thấy những người dưới kia lớn hơn con không?
- Dạ có.

- Con có thấy họ nhiều tuổi hơn con không?
- Dạ có.
- Con có nghĩ rằng họ khỏe mạnh hơn con không?
- Dạ có.
- Vậy con có nghĩ rằng họ quan trọng hơn con không?
- Dạ không.



Bỡ ngỡ về câu trả lời của em, ngài đã nói với em Sharon và mọi người trong buổi hội thảo rằng, mọi người đều quan trọng và giá trị như nhau vì đều là những con người, dù đó mới chỉ là một phôi thai. Không ai quan trọng hơn ai như em Sharon đã trả lời. Và vì thế, không ai được quyền giết chế ai. Những người phò sự sống, những người chống phá thai đã dựa trên giới rằng thứ Năm của Thiên Chúa: “Ngươi không được giết người” ( Ex 20:13). Và cả các em nữa, các em cũng cần phải được hướng dẫn để trở nên những chứng nhân với nhau. Sắc lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã viết: “Cả các em nữa cũng có nhiệm vụ chứng nhân của mình. Trong cách đo lường của mình, các em sống đời sống chứng nhân thật sự cho Chúa Kitô giữa các bạn hữu mình” (Sắc lệnh the Apostolate of Lay People, n. 12).

Tâm lý học cho biết lên 4 tuổi, một em bé đã biết phân biệt mình là trai hay gái. Ở tuổi 15, các em có khả năng lý luận như một người trưởng thành. Cũng trong những khảo cứu của tâm lý, phần lớn những tin tức, hiểu biết về phái tính, về tình dục các em đều học lẫn nhau, hoặc tò mò dò hỏi trên internet, sách báo, hoặc tin tức. Tóm lại, nếu không hướng dẫn các em, thì như linh mục Pavone và như hầu hết các nhà tâm lý đều đồng ý là các em sẽ tự mình tìm hiểu lấy. Và như vậy, hậu quả sẽ hết sức khó lường.

Một số phụ huynh sẽ đưa ra nhận định cho rằng khi giải thích hiện tượng và những hình thức phá thai sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Thực tế, chúng ta thấy hằng ngày nhan nhản những bảng hiệu, những quảng cáo về nghiện hút, về sinh lý, về ly dị, về đồng tính, hôn nhân đồng tính xuất hiện trên truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh nhưng không ai cho rằng những quảng cáo, sách báo, phim ảnh, tài liệu ấy có tác dụng tâm lý tiêu cực đối với các em. Theo The Parnership for a Drug-Free America thì thời gian tốt nhất để nói với các em về việc dùng ma túy là lúc các em còn nhỏ chưa biết về việc dùng ma túy. Hãy nói với con em mình trước khi chúng bị những người khác nhồi sọ các em.

Hàng năm riêng tại tiểu bang New York có đến 231 vụ phá thai mà các em chỉ ở vào tuổi 13. Linh mục Pavone kể lại rằng, một em nhỏ sau khi được người bạn em cho biết rằng, cha mẹ em đã không cho phép em được xem tấm hình đứa bé trong bụng của em trước khi nó bị phá hủy. Trên đường về nhà em đã buồn bã hỏi cha mẹ em tại sao lại không cho em xem những gì thực sự đang xẩy ra cho một bào thai trong bụng mình. Tại sao lại ngăn cản em biết về một sự thật!

Như vậy, chứng tỏ rằng không phải các em đều vô ý thức hoặc không quan tâm đến những hành động của người lớn, đặc biệt, trong những trường hợp phá thai. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đã có bao nhiêu câu chuyện được kể về cha mẹ đã cưỡng bức con mình phải phá thai để giữ mặt mũi, giữ thể diện. Có những trường hợp thuyết phục được người con bỏ ý định phá thai lại gặp phải sự chống đối của cha mẹ, vì họ quyết liệt muốn con họ phải phá thai. Một phụ huynh đã nói về trường hợp con ông như sau: “Một là nó chết, hai là đứa bé trong bụng nó phải chết. Hoặc cả hai cùng chết. Tôi không thể nào chấp nhận để cho nó mang cái bầu ấy trong nhà tôi”. Và những trường hợp như vậy không hiếm trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Chiến đấu để giữ lấy mạng sống, và kéo dài thời gian sống là một công việc cực kỳ vất vả đối với những bác sỹ, y tá, và y công tại các bệnh viện. Mới đây nhất, người nhà tôi do một cơn bạo bệnh đã phải vào nhà thương cấp cứu ở Việt Nam . Trong số 12 người vào phòng cấp cứu ngày hôm đó, chỉ có 1 mình người nhà của tôi sống sót! Người y tá trực ở đó đã cho biết có đến 99% những người như người nhà của tôi vào đây bằng cửa trước nhưng đã ra cửa sau, nghĩa là họ đã được đưa vào nhà xác bằng cửa sau. Những ai lúc này đang chiến đấu trong trận chiến bảo vệ thai nhi thì cũng có cùng một cảm nhận tương tự. Vì thật là hết sức khó khăn để chinh phục một người đã đến trung tâm phá thai để họ bỏ ý định phá thai. Nhiều người trong họ cũng vào cửa trước và ra cửa sau, có nghĩa là họ đã phá thai rồi ra về bằng cửa sau.

Tóm lại, làm giảm bớt hậu quả tai hại của tệ nạn phá thai đối với các em vị thành niên, và để cho các em biết mình phải ý thức được hành động của mình hầu tránh rơi vào những cảnh phá thai bừa bãi, cũng là việc làm cực kỳ khó khăn. Việc làm này hiển nhiên thuộc về một phần trách nhiệm giáo dục của các phụ huynh và những người giám hộ, những nhà giáo dục, và những nhà hướng dẫn tinh thần. Họ phải nói cho con cái mình, cho giới trẻ và trình bày cho chúng về những nguy cơ và những hậu quả trầm trọng theo sau phá thai, để chúng ý thức và tránh rơi vào những cạm bẫy, hoặc để mình bị lường gạt rồi phá thai. Và tôi muốn kết thúc bài viết này bằng những tâm sự sau đây của một em bé gái lớp 4 viết về cảm tưởng của em thay cho một em nhỏ bị giết vì phá thai:*

Các bạn Kitô hữu thân mến,


Em sẽ rất vui biết bao về những gì cuộc sống của em sẽ diễn ra trên trái đất này. Em nghĩ đến tất cả những gì em có thể thích thú như chơi với các đồ chơi, cỡi xe đạp, đi thăm sở thú, và có một con chó nhỏ. Em muốn đi xem phim, cắp sách đến trường, có nhiều bạn, và đi chơi ngoài công viên hoặc đi coi xiếc. Em muốn mừng lễ Giáng Sinh và muốn được rước Chúa trong ngày Rước Lễ lần đầu. Em muốn được nghe những bài nhạc du dương, được khiêu vũ, được đi bơi lội, đá banh, và có những con búp bê xinh xắn.

Em buồn biết bao vì không được làm những việc ấy. Mẹ em đã không cho em cơ hội được sinh ra. Em không hiểu tại sao? Và tại sao các bạn lại không giúp em? Em ước gì em được như thế. Nhưng nào có ai nghe được tiếng nức nở của em.


Em,

Một đứa bé bị phá thai.




______

* Nói với các em về phá thai

Trần Mỹ Duyệt

Lm. Frank Pavone
Priests For Life
PO Box 141172, Stanten Island , NY 10314
Tel: 888-PFL-3448, 718-0-4400
Fax: 718-980-6515
Email: mail@priestsforlife.org
Web: www.priestsforlife.org