PDA

View Full Version : T - Tuần Cầu Cho Hiệp Nhất KITÔ Hữu



Dan Lee
01-16-2009, 05:33 PM
TUẦN CẦU CHO HIỆP NHẤT KITÔ HỮU

Ga 1, 35 – 42

B.O.T (Phương thức BOT)

Do hạn chế trình độ kỹ thuật, quản lý và tài chánh, cho nên thời gian qua, nhà nước Việt-Nam buộc phải sử dụng phương thức B.O.T để kêu gọi đầu tư vào những công trình có quy mô lớn. Phương thức nầy có lợi thế là giảm thiểu tối đa tham ô thường thấy trong mọi công trình có vốn nhà nước, dù phải chấp nhận nhìn cảnh tiền bạc chảy vào hầu bao khi người ta hoàn tất và khai thác công trình đó. Người dân thì hài lòng vì nhờ phương thức B.O.T nầy mà “BỚT” được rất nhiều những vụ “ăn bớt, rút ruột công trình”. B.O.T thực ra là viết tắt của phương thức XÂY DỰNG ( Build) – KHAI THÁC (Own) - CHUYỂN GIAO (Transfer). Pháp nhân thực hiện toàn bộ công trình trúng thầu . Sau khi hoàn tất, họ được quyền khai thác trong phạm vi, theo cách thức và thời gian thoả thuận trong hợp đồng. Khi thời hạn khai thác đã chấm dứt, họ bàn giao công trình cho nhà nước.

Sau 150 năm thuộc quyền quản lý của nước Anh, đúng nửa đêm ngày 30.06.1997, Hồng Kông chính thức đươc trao trả lại cho Trung Quốc. Dù rất khó chịu, nhà nước Trung Hoa vẩn phải cắn răng giữ đúng nguyên tắc quốc tế. Dù bất đắc dĩ và tiếc nuối - như “Bà đầm Thép Thatcher thú nhận - nước Anh vẫn phải “miếng ngon”. Trung Quốc cũng nhận lại nhượng địa Macau từ tay người Bồ Đào Nha, ngày 20.12.1999 . Đây không phải là phương thức BOT, dù cũng có đủ ba yếu tố xây dựng, khai thác, chuyển giao vì quả thực, người Anh cũng như người Bồ Đào Nha đã bỏ rất nhiều công sức, tiền của để biến hai điểm nấy thành những lãnh thổ giàu có thịnh vượng nỗi tiếng thế giới, kể cả phát triển nghề cờ bạc. Người Anh và người Bồ đã dùng vũ lực hoặc âm mưu chính trị để ép triều đình nhà Thanh phải ký nhượng đất. BOT không thể xuất phát từ sự o ép, thủ đoạn, vũ lực. Nó chẳng khác gì lắm với hình thức người ta tránh nhắc đến: thực dân!

Những ngày nầy, các quốc gia đất chật người đông, như Hàn Quốc, Nhật Bản (và cả người khổng lồ Trung Quốc) sục sạo tìm”mua” đất của các nước đất rộng người thưa, không đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật để khai thác. Diện tích được rao bán gây ngạc nhiên: 20 triệu hec-ta, nghĩa là 200.000 cây số vuông tương đương hai phần ba diện tích nước Việt-Nam. Danh sách các quốc gia rao bán cũng gây bất ngờ không kém: Nam Mỹ có Achentina (10% lãnh thổ); Brasil (22.000 km2). Châu Phi có Sudan (10.000 km2); tương tự là Congo, Uganda, Zimbabwe (nơi vừa phát hành đồng tiền giấy mệnh giá 50 tỷ đô-la, nhưng sức mua chỉ là hai chiếc bánh mì nhỏ), trong khi Madagascar cho Hàn Quốc (Daewoo) thuê toàn bộ đảo quốc nầy trong 99 năm. Châu Á có Indonesia, Lào, Cambốt, Mông Cổ, Pakistan. Nhiều quốc gia khác như Việt-Nam tránh tiếng bán đất đai, nhưng hàng trăm sân Golf mênh mông đã, đang và sẽ xây dựng trên những vùng đất nông nghiệp thượng đẳng, đuổi nông dân nghèo đi để lấy chỗ cho đám nhỏ qúy tộc dư tiền thừa bạc ăn chơi hưởng thụ, cũng chính là bán đất bán nước. Dù bán cho ai, theo cách thức nào, với mục đích gì, thì đây cũng không phải là B.O.T.

Hôm nay, Tin Mừng Thánh Gioan cho chúng ta chứng kiến một cuộc chuyển giao (Transfer) từ một phương thức mà Thánh Gioan Tìên Hô đã thực hiện và chính chúng ta cũng phải làm theo trong cuộc đời Kitô hữu, có thể so sánh được với phương thức B.O.T . Nhưng lúc nầy, - chúng ta hãy tưởng tượng đang ở bờ sông Gio-đan, đất Israel: quang cảnh một phiên chợ chiều! Sau những ngày tháng tưng bừng, nhộn nhịp chen chúc ở bờ sông, để được nhìn “người ngoài hành tinh Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da và và ăn châu chấu” giảng dạy và làm phép rửa, rồi bỗng dưng một Người Khác xuất hiện, được Gioan Tẩy Giả vô cùng kính ngưỡng và long trọng giới thiệu: Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai. Vị nầy cũng đến, cũng xin nhận phép rửa như mọi người, nhưng khi Đấng ấy bước lên bờ, rời sông Gio-đan, thì mỗi bước đi như cuốn theo toàn bộ những náo động xôn xao, để lại cho Gioan gần như hai bàn tay trắng và sự cô đơn: các môn đệ hạng nhất đi theo Chúa Giêsu; dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Gioan lui vào hậu trường, làm nốt vai trò người “sửa lối cho thẳng để Đức Chúa đi” (Is 40,3). Không thể khoanh tay đứng nhìn Vương Quốc Mới phải đồng hành với vương triều dâm dật loạn luân, không chấp nhận Vương Triều khai sinh trong phép rửa lại ngang vai bằng vế với triều đại thối rửa trong sa đọa dâm bôn, Gioan Tẩy Giả tự thấy còn một việc phải thực hiện để làm trọn sứ mệnh Tiền Hô của mình: chết vì chân lý, khi công khai vạch ra hành vi xấu xa bất nhân bất nghĩa của vua Herôđê và vì thế mà phải nhận “đòn thù” của dâm phụ Hêrôđiađê và đứa con gái Salômê độc dữ nhất trong lịch sử nhân loại. Hành vi và kết thúc bi thảm do hành động ấy, như tiếng chuông gióng lên tuyên ngôn Nước Trời: Từ nay, trần thế sẽ là bãi chiến trường một mất một còn giữa tinh thần do Thần Khí Chúa tác thành, đổi mới, thánh hoá và tinh thần ma qủy, xác thịt, thế gian lún sâu trong tội tình.

Còn lại là thái độ của chúng ta khi “chuyển giao”: dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa người “có tinh thần khó nghèo” (x. Bát Phúc) và những người luôn nhìn thấy hình ảnh mình, vị trí hàng đầu của mình trong những gì mình có được hôm nay, về vật chất và nhất là về tri thức, địa vị xã hội, giống như nhân vật Narcisse trong thần thoại Hy Lạp say mê bản thân đến điên cuồng. Người nghèo nhìn thấy tình thương và ân huệ Chúa trong từng chi tiết đời sống, để không ngừng tạ ơn Chúa và “chuyển giao” tất cả những gì họ có được, để thêm nhiều người nhận ra và cũng được hưởng tình yêu và phúc ân Chúa ban. Người “giàu” nuối tiếc, so đo tính toán và bất đắc dĩ lắm mới chọn “chuyển giao” những gì tối thiểu, thừa thải và ít gắn bó nhất với họ, như là bố thí. Thái độ “cam của” ấy, thái độ “thương hại bố thí” ấy làm cho họ nên vô cùng nghèo khó trong đời sống đức tin, tổn hại và bất công với tha nhân, vì lẽ ra tha nhân đã được hưởng những gì tốt đẹp giá trị nhất được “xây dựng - khai thác - chuyển giao” nơi và qua những kẻ ấy. Cuối cùng nơi để họ thi thố tài năng là chính Giáo Hội, nhưng không phải với thái độ phục vụ, mà với những lời lẽ, bài viết, sách viết và thái độ khích bác, chống đối, phá hoại.

Vì vậy, luôn đòi hỏi phải nhìn lại, phải xoá bỏ tội lỗi là ngăn trở mọi canh tân, nghĩa là “trở lại”, như Thánh Phaolô đã trải qua, trước khi tin cậy vững vàng vào Chúa Kitô Phục Sinh và tận hiến trọn đời để “chuyển giao” Chúa cho mọi dân. Vẫn biết khi “cho đi” (chuyển giao), khó tránh khỏi cảm giác hụt hẩng, mà nói như Bà Đầm Thép Thatcher khi ký trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc, là “ít nhiều tiếc nuối”. Con người không phải là kho hàng hoặc như cái bình bất động vô cảm, ai bỏ gì vào hoặc lấy đi thứ gì chứa bên trong, cũng chẳng mảy may xúc động, ảnh hưởng. Trái lại, những gì Chúa ban về tinh thần và vật chất thực sự thuộc quyền sở hữu người ấy, và được người ấy tô bồi, vun đắp, làm cho tốt đẹp phong phú hơn. Nhiều người vượt trội về tri thức, về vật chất, vì có được những điều kiện thuận lợi nhất, những cơ hội may mắn nhất trong cuộc đời, từ gia đình, từ môi trường xã hội và dĩ nhiên có cả nỗ lực cầu tiến không ngừng của bản thân. Nhưng càng như thế, họ phải càng hiểu ra nguồn gốc những đặc ân họ có được so với những thiệt thòi của nhiều người, để từ đó nhận ra trách nhiệm san sẻ với tha nhân. Âu cũng chỉ là lẽ công bằng mà thôi! Đó là “chuyển giao” vậy! Không ai không phải “chuyển giao”: Quảng đại, tự nguyện, vị tha, sẽ làm cho người ấy lớn lên trong nhân cách và trong ân sủng; ngược lại, tự tôn vô lối, vị kỷ sẽ làm hại cho chính mình và tha nhân. Cầu cho hiệp nhất Kitô-hữu, chính là xin cho mọi Kitô hữu biết nỗ lực không ngừng “xây dựng” đời sống đức tin qua ân sủng Bí Tích, không ngừng đem ra thực hành trong cuộc sống Kitô hữu và chuyển giao cho người khác qua việc làm rao truyền Tin Mừng.

CVK Nguyễn-Thế-Bài