PDA

View Full Version : B - Bài Giáo Lý mới XVIII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô



Dan Lee
01-16-2009, 05:43 PM
Bài Giáo Lý mới XVIII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

Đức Kitô là Đầu Hội Thánh và Vũ Trụ

http://www.vietcatholic.org/Pics/2009JesusChrist.jpg

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung ngày 14 tháng 1, 2009 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về con người và giáo huấn của Thánh Phaolô.


* * *

Anh chị em thân mến,

Trong số các Thư của Thánh Phaolô, có hai Thư là Thư gửi tín hữu Côlôxê và Thư gửi tín hữu Êphêxô, một cách nào đó có thể được coi như một ống nhòm hai kính. Thật vậy, cả hai Thư đều có những cách diễn tả mà chúng ta không thể tìm thấy ở những nơi khác, và tính ra thì hơn một phần ba những từ ngữ trong Thư Côlôxê cũng được tìm thấy trong Thư Êphêxô.

Chẳng hạn như trong Thư Côlôxê chúng ta thấy lời mời gọi: “Anh em hãy hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca với một lòng tri ân trong tâm hồn anh em mà dâng lên Thiên Chúa” (x. Col 3:16), thì trong Thư Êphêxô, Thánh Nhân cũng khuyên: “Anh em hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca; hãy đàn ca chúc tụng Chúa trong tâm hồn anh em” (x. Eph 5:19).

Chúng ta có thể suy niệm về những cụm từ: Tâm hồn phải ca hát, cũng như bằng lời, cùng với các bài thánh vịnh và thánh thi trong truyền thống cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh thời Cựu Ước và Tân Ước. Như thế chúng ta học được cách kết hợp với nhau, cùng nhau, và với Thiên Chúa. Thêm vào đó, trong cả hai Thư đều có một điều gọi là “luật trong gia đình” mà chúng ta không thấy trong các Thư khác của Thánh Phaolô, đó là hàng loạt những đề nghị dành cho vợ và chống, cha mẹ và con cái, chủ nhân và nô lệ (x. Col 3:18-4:1 và Eph 5:22-6:9).

Điều quan trọng hơn nữa là chỉ có hai Thư này là hai Thư xác nhận danh hiệu “đầu” kefalé dành cho Đức Chúa Giêsu Kitô. Và danh hiệu này được sử dụng ở hai mức độ. Theo nghĩa thứ nhất, Đức Kitô được coi như là Thủ Lãnh của Hội Thánh (x. Col 2:18-19 và Eph 4:15-16). Điều này có hai nghĩa: trước hết Người là Đấng cai quản, là Người hướng dẫn, là Người có nhiệm vụ dẫn dắt cộng đồng Kitô hữu như vị Thủ Lãnh và Chúa của cộng đồng này (x. Col 1:18: “Người cũng là đầu của một thân thể là Hội Thánh”), và nghĩa khác là như cái Đầu kích thích và làm sống động tất cả mọi chi thể của thân xác mà nó được đặt trên đó (thực ra, theo Col 2:19 thì [thân thể] “phải kết hợp với đầu mà từ đó toàn thân được nuôi dưỡng, và được nối kết chặt chẽ với nhau qua các khớp xương và gân cốt”): như thế Đức Kitô không phải là một vị chỉ huy, nhưng là Đấng kết hợp cách hữu cơ với chúng ta, từ Người phát ra sinh lực để giúp [chúng ta] hoạt động một cách công minh.

Trong cả hai trường hợp, Hội Thánh được coi là phục tùng Đức Kitô, qua việc Hội Thánh tuân theo sự chỉ dẫn tối cao của Người, là những mệnh lệnh [giới răn] và đón nhận những dòng sinh lực phát ra từ Người. Mệnh lệnh của Người không phải chỉ là những lời nói, những lệnh truyền, nhưng còn là những năng lực sống động đến từ Người để giúp đỡ chúng ta.

Tư tưởng này được khai triển cách đặc biệt trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, trong đó ngay cả các thừa tác vụ của Hội Thánh, thay vì được quy về Chúa Thánh Thần (như trong 1 Cor 12), thì được gán cho Đức Kitô Phục Sinh. Chính Người “ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người kia ơn làm ngôn sứ, người khác ơn làm người rao giảng Tin Mừng, người khác nữa làm mục tử và thầy dậy” (Eph 4:11 ). Và “nhờ Người mà toàn thân được liên kết chặt chẽ bằng sự nối kết các gân cốt lại với nhau,..., làm cho toàn thân tăng trưởng và tự phát triển trong đức ái” (Eph 4:16 )

Thật vậy Đức Kitô tận tình để “hiến Hội Thánh cho chính Mình Người, một Hội Thánh huy hoàng, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm gì như thế, nhưng để Hội Thánh trở nên thánh thiện và không tỳ ố” (Eph 5:27). Qua điều này, Thánh Nhân nói với chúng ta rằng sức mạnh mà Đức Kitô dùng để xây dựng, hướng dẫn, cùng chỉ đúng đường cho Hội Thánh, chính là tình yêu của Người.

Như thế, ý nghĩa thứ nhất là Đức Kitô làm Đầu Hội Thánh: làm đầu về việc lãnh đạo, mà trên hết là vệc khuyến khích và làm cho Hội Thánh trở nên sống động một cách có hệ thống vì tình yêu của Người. Rồi theo nghĩa thứ hai thì Đức Kitô không những chỉ được coi là Đầu Hội Thánh mà cũng là Thủ Lãnh của mọi quyền lực thiên quốc và của toàn thể vũ trụ.

Như thế trong Thư gửi tín hữu Côlôxê, chúng ta đọc rằng Đức Kitô “đã tước đoạt vũ khí của các lãnh thần và quyền thần, đã biến chúng thành trò cười cho thiên hạ, bằng cách dẫn chúng đi diễn hành trong cuộc khải hoàn” (Col 2,15). Cũng tương tự, trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, chúng ta thấy rằng với việc phục sinh của Người, Thiên Chúa “đã đặt Đức Kitô trên mọi lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, và trên mọi tước vị có thể có được, không những ở đời này, mà cả đời sau.” (Eph 1:21).

Bằng những lời ấy, hai Thư này trao cho chúng ta một sứ điệp rất tích cực và hiệu quả. Đó là: Đức Kitô không cần phải sợ bất cứ một đối thủ nào, bởi vì Người cao vượt trên mọi loại quyền lực, là những quyền lực cố gắng làm nhục con người. Chỉ có Người đã “yêu thương chúng ta và hiến Mình cho chúng ta” (Eph 5:2). Cho nên, nếu chúng ta kết hợp với Đức Kitô, thì chúng ta chẳng phải sợ một quân thù và nghịch cảnh nào cả, nhưng điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta phải kết hợp chặt chẽ với Người, mà không được rời Người.

Đối với thế giới ngoại giáo, là những kẻ tin vào một thế giới đầy thần linh, hầu hết là nguy hiểm mà một người cần phải tự vệ, thì việc loan báo Đức Kitô là Đấng Chiến Thắng duy nhất, và người nào kết hợp với Đức Kitô thì không phải sợ bất cứ ai, được coi là một cuộc giải phóng thật sự. Điều đó cũng đúng đối với các tà giáo thời nay, vì các đồ đệ của các hệ thống tư tưởng này cũng coi thế giới như là đầy dẫy những quyến lực nguy hiểm. Đới với họ, chúng ta cần phải loan báo rằng Đức Kitô là Đấng Chiến Thắng, cho nên những ai ở với Đức Kitô và tiếp tục kết hợp với Người thì không phải sợ bất cứ điều gì và bất cứ ai. Cha nghĩ rằng điều này cũng quan trọng đối với chúng ta, là những người phải học đương đầu với mọi sự sợ hãi, bởi vì Đức Kitô ở trên mọi quyền thần, Người là Chúa thật của thế giới.

Ngay cả toàn thể vũ trụ cũng phải quy phục Người, và quy hướng về Người như là Đầu của chính vũ trụ. Những lời mà mọi người đều biết trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, nói về chương trình của Thiên Chúa là “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô” (Eph 1:10 ). Tương tự, trong Thư gửi tín hữu Côlôxê, chúng ta đọc thấy rằng: “Vì trong Người muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, các quyền lực hữu hình và vô hình.” (Col 1,16), và rằng: “nhờ máu Người trên thập giá, Người đã hòa giải muôn loài, dù là loài dưới đất hay trên trời, với Chính Người và nhờ Người” (Col 1:20).

Như vậy, không phân biệt một thế giới vật chất vĩ đại hay thực tại nhỏ bé của lịch sử trái đất, thế giới của loài người: tất cả đều là một trong Đức Kitô. Người là thủ lãnh của vũ trụ; mà vũ trụ cũng được Người tạo dựng, nó được tạo dựng cho chúng ta bao lâu chúng ta còn kết hợp với Người. Đây là một quan niệm hợp lý và có tính cách nhân vị về vũ trụ. Và cha muốn nói rằng không thể mường tượng được một quan niệm thực tế hơn quan niệm này, l quan niệm chỉ quy chiếu về Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô là Đấng Pantokrátor [Chúa Toàn Năng], mà mọi sự đều phải quy phục: tư tưởng hướng về Đức Kitô là Pantokrátor thì đầy dẫy trong các gian thánh của các nhà thờ Byzantine, đôi khi Người được diễn tả như ngồi cao trên toàn thể thế giới, trên cả một cầu vồng để chỉ việc so sánh Người với chính Thiên Chúa, là Đấng mà Người ngự bên hữu (x. Eph 1:20; Col 3:1), và như thế cũng diễn tả vai trò cao vượt của Người là Đấng điều khiển vận mệnh của nhân loại.

Một quan niệm như thế chỉ có Hội Thánh mới nhận thức được, không theo nghĩa là Hội Thánh tự nhận cho mình điều không thuộc về mình, nhưng trái lại bằng hai nghĩa. Một đằng, Hội Thánh nhận ra rằng Đức Kitô cao trọng hơn mình, và chủ quyền của Người vượt ra ngoài ranh giới của Hội Thánh. Đằng khác, chỉ có Hội Thánh, chứ không phải vũ trụ, mới đủ tiêu chuẩn là Thân Mình của Đức Kitô. Tất cả những điều ấy có nghĩa là chúng ta phải nhìn vào các thực tại trần thế một cách tích cực, bởi vì Đức Kitô đã gồm tóm chúng trong chính Người, đồng thời, chúng ta phải sống căn tính Hội Thánh đặc biệt của chúng ta một cách đầy đủ, đó là một căn tính rất đồng nhất với căn tính của chính Đức Kitô.

Ngoài ra còn có quan niệm đặc thù trong hai Thư này, đó là quan niệm về “mầu nhiệm”. “Mầu nhiệm Thánh Ý của Thiên Chúa” được nhắc đến một lần (Eph 1:9) và những lần khác là “mầu nhiệm của Đức Kitô” (Eph 3:4; Col 4:3), hoặc ngay cả “mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đức Kitô, trong đó dấu ẩn mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Col 2:2-3).

Việc này ám chỉ chương trình không ai có thể dò được của Thiên Chúa đối với số phận con người, các dân tộc và thế giới. Bằng ngôn ngữ này hai Thư nói cho chúng ta biết rằng chính trong Đức Kitô mà mầu nhiệm này được hoàn thành. Nếu chúng ta ở với Đức Kitô, ngay cả khi chúng ta không hiểu mọi sự bằng trí khôn của mình, thì chúng ta biết rằng mình đang ở trọng tâm của “mầu nhiệm” và trên đường Chân Lý. Chính Người, trong toàn thể con người của Mình, mang trong Mình toàn thể chương trình cứu độ khôn dò của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ trong một bình diện hay một giây lát của cuộc đời Người.

Trong Người, điều được gọi là “sự khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa” (Eph 3:10) được hình thành, bởi vì “tất cả sự viên mãn của thiên tính ở trong Người một cách thể lý” (Col 2:9). Cho nên từ giờ trở đi, chúng ta không thể nghĩ đến việc tôn thờ Thánh Ý Thiên Chúa, sự sắp đặt tối cao của Ngài, mà không tự mình trực diện với Đức Kitô, trong Người “mầu nhiệm” này được nhập thể và chúng ta có thể nhận thức được cách hữu hình. Như thế, một người đến để chiêm niệm “sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Eph 3:8) là điều vượt quá mọi sự hiểu biết của loài người.

Không phải là Thiên Chúa đã không để lại dấu vết của việc đi qua của Ngài, vì Chính Đức Kitô là dấu chân của Thiên Chúa, dấu vết lớn nhất của Thiên Chúa, nhưng tốt hơn là chúng ta nhận ra “chiều rộng, chiều dài, và chiều sâu ‘của mầu nhiệm này’ là điều vượt quá tầm hiểu biết thế nào” (Eph 3:18-19). Ở đây chứng tỏ rẳng chỉ dựa vào những phạm trù trí hiểu mà thôi thì chưa đủ, và trong khi nhìn nhận rằng có nhiều điều vượt quá khả năng suy luận của chúng ta, thì chúng ta phải cậy trông vào việc khiêm nhường và vui vẻ chiêm niệm, chứ không phải chỉ cậy trông vào trí thông minh, mà còn vào cả tâm hồn nữa. Đằng khác, các Giáo Phụ đã dạy chúng ta rằng tình yêu hiểu nhiều hơn lý trí thuần túy.

Điều cuối cùng chúng ta phải nói về quan niệm này, như đã nói trước đây, là việc Hội Thánh như hiền thê của Đức Kitô. Trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô Thánh Phaolô so sánh cộng đoàn Kitô hữu như một cô dâu, khi ngài viết: “Vì tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa cho anh em, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người chồng, để tôi có thể dâng anh em như một trinh nữ tinh tuyền lên Ðức Kitô”(2 Cor 11:2). Thư gửi tín hữu Ephêxô khai triển thêm về hình ảnh này, Thư này nói rõ rằng Hội Thánh không phải chỉ là một vị hôn thê, mà là Hiền Thê thật sự của Đức Kitô. Chúng ta có thể nói rằng Người chinh phục Hội Thánh cho chính Người, và Người đã làm điều ấy bằng một giá là chính mạng sống của Người. Như câu văn nói rằng Người đã “hiến Mình vì Hội Thánh” (Eph 5:25).

Còn cách nào chứng tỏ tình yêu tuyệt vời hơn cách này không? Hơn nữa, Người còn lo lắng cho vẻ đẹp của Hội Thánh, không những chỉ vẻ đẹp đã có được nhờ bí tích Rửa Tội, nhưng còn vẻ đẹp mà Hội Thánh phải phát triển mỗi ngày nhờ một đời sống không tỳ vết, “không vết nhăn hay không tì ố” trong đời sống luân lý của Hội Thánh (x. Ep 5,26-27).

Từ đó bước sang kinh nghiệm của hôn nhân Kitô giáo là một bước nhỏ; hơn nữa, chúng ta không biết rõ điểm quy chiếu đầu tiên của tác giả là gì, hoặc là liên hệ giữa Đức Kitô và Hôi Thánh, mà từ ánh sáng của sự liên hệ này đưa đến việc kết hợp giữa người nam và người nữ; hoặc thay vào đó, từ những kinh nghiệm về sự kết hợp vợ chồng phát sinh ra sự liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Tuy nhiên cả hai bình diện soi sáng lẫn nhau: Chúng ta học biết hôn nhân là gì dưới ánh sáng của sự hiệp thông giữa Đức Kitô và Hội Thánh; và chúng ta học biết Đức Kitô kết hiệp với chúng ta như thế nào khi nghĩ đến mầu nhiệm hôn nhân. Dù ở trường hợp nào đi nữa thì Thư của chúng ta hầu như nằm ở giữa lộ trình của ngôn sứ Hosea, là vị ám chỉ mối liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Do Ngài bằng ngôn từ của một hôn lễ đã xảy ra (Hs 2,4.16.21), và Thị Nhân của sách Khải Huyền, là người sẽ tiên đoán cuộc gặp gỡ cánh chung giữa Hội Thánh và Chiên Con như một hôn lễ hân hoan không hề phai nhạt (Kh 19:7-9; 21:9).

Còn rất nhiều điều để nói, nhưng đối với cha thì từ những gì cha đã trình bày, chúng ta có thể hiểu rằng hai Thư này là một bài Giáo Lý tuyệt vời, từ đó chúng ta có thể học được không những làm sao để là những Kitô hữu tốt, mà còn trở nên những con người thật sự.

Nếu chúng ta bắt đầu hiểu rằng vũ trụ là vết chân của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ học biết về liên hệ đúng của chúng ta với vũ trụ, cùng tất cả những khó khăn trong việc duy trì nó. Chúng ta học cách nhìn [những khó khăn này] bằng lý trí, nhưng là lý trý được tác động bởi tình yêu, cùng với lòng khiêm nhường và lòng kính trọng, là điều cho phép chúng ta hành động cách công minh. Nếu chúng ta nghĩ rằng Hội Thánh là Thân Mình của Đức Kitô, và Đức Kitô đã hiến Mình Người cho Hội Thánh, thì chúng ta sẽ học biết sống với Đức Kitô bằng tình yêu hỗ tương, tình yêu kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, và làm cho chúng ta nhìn những người khác như hình ảnh của Đức Kitô, như chính Đức Kitô.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để Người giúp chúng ta suy niệm Thánh Kinh, là Lời của Người, một cách kỹ càng, và như thế chúng ta thật sự học để sống tốt lành.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ