PDA

View Full Version : N - Ngày Mồng Một Tết - Hái Lộc Đầu Xuân



Dan Lee
01-23-2009, 04:12 PM
Ngày Mồng Một Tết - Hái Lộc Đầu Xuân

Có một bộ tộc ở trên miền núi xa xôi, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người, già trẻ lớn bé đều tham dự vào một cuộc thi đi tìm bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Ai tìm và hái được bông hoa đó sẽ được xem là người may mắn nhất trong năm.

Một năm nọ, khi tuyết đông vừa tan, ánh nắng xuân vừa ló dạng. Cả làng đều chạy đi tìm bông hoa đầu xuân. Tìm suốt cả buổi nhưng chưa ai tìm được cánh hoa nào. Giữa lúc mọi người đang chán nản bỏ cuộc, thì trên một triền núi cao, người ta nghe vang vọng tiếng la mừng rỡ của một cậu bé: “Tôi đã tìm thấy. Tôi đã tìm thấy”. Cả làng chạy tới nơi cậu bé đang reo lên vì vui mừng. Thế nhưng, không may cho cậu, vì cánh hoa lại nằm kẹt trong một khe đá dưới vực sâu, muốn lấy phải trèo dây thừng xuống mới lấy được. Các trai tráng trong làng tình nguyện giữ dây thửng để cậu xuống hái hoa đầu xuân, nhưng cậu vẫn không đủ can đảm trèo xuống, và cậu ta chỉ chờ cho tới khi người cha của mình trực tiếp nắm lấy dây thừng cậu mới dám leo xuống vực thẳm hái hoa.

Ngày đầu xuân, theo thói quen của nhân gian người ta thường rủ nhau đi hái lộc xuân. Gọi là hái lộc, nhưng thực ra người hái đã có sẵn những ước mơ, những ước nguyện trước khi hái lộc đầu năm. Lộc xuân như là dấu chỉ ân lộc trời ban hay như là sự chúc lành của Đấng hoá công tạo dựng đất trời cho ước nguyện ngày xuân. Khi hái lộc xuân ta cũng gửi tâm tình tín thác vào Đấng tạo thành, như cậu bé chỉ can đảm hái hoa đầu xuân trong sự phó thác vào người cha yêu quý của mình.

Bên cạnh đó, ước mơ ngày xuân luôn là những ước mơ chân thật nhất, vì nó là chính nỗi khát khao từ trong sâu thẳm của từng người, là nỗi niềm riêng mà người ta muốn thay đổi cuộc đời hoà nhịp với sự đổi thay của đất trời. Ước mơ ngày xuân có thể là những dự định mà ta muốn thực hiện trong cuộc đời, cho dù nó chỉ là những hoài bão, mong ước nhưng chưa đạt được hay chưa có cơ hội thực hiện.

Ngày xuân chúng ta trao gởi nỗi niềm ước mơ cho Đấng tạo thành. Đấng càn khôn. Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: xuân – hạ - thu – đông. Ngài là Đấng duy nhất có thể thay đổi vận mạng cuộc đời chúng ta. Ngài là đấng duy nhất có thể làm cho ước mơ đêm xuân trở thành hiện thực. Người ta nói: “Mưu sự tai nhân – thành sự tại thiên”. Sự toan tính là của con người, nhưng chỉ có thể trở thành hiện thực là do sự quan phòng của Thiên Chúa, là ân bởi của Đấng càn khôn. Như em bé chỉ có thể chạm đến bông hoa đầu xuân khi em tin rằng, chính cha em đang hỗ trợ cho em đạt được ước nguyện đầu xuân. Người ky-tô hữu cũng tin rằng, mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, chính Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, là Đấng phù trợ và bảo vệ cuộc đời chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Thầy Giê-su: Các con đừng lo chi ngày mai sẽ ra sao. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng, chúng không hề lo lắng cho ngày mai sẽ ra sao. Chính Thiên Chúa sẽ lo cho chúng.

Hôm nay, bắt đầu một năm mới, chúng ta vừa vui mừng ăn Tết, nhưng cũng vừa lo lắng cho tương lai: Không biết năm nay sẽ thế nào, gia đình tôi có được bình yên không? công việc làm ăn có gì trục trặc không?. .. đủ thứ lo. Nhưng chúng ta vừa nghe Chúa bảo: hãy để cho Chúa lo tất cả những việc đó. Phần chúng ta, điều duy nhất Chúa để chúng ta lo, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là chúng ta hãy lo tìm biết ý Chúa là Cha chúng ta và cố gắng làm theo ý Ngài.

Năm nay, được gọi là năm con trâu. Một con vật gắn bó với con người, luôn đi chung với con người, luôn làm theo ý của chủ mình, như ca dao xưa thường nói:

“Rủ nhau đi cấy đi cầy,

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,

Trên đồng cạn,dưới đồng sâu,

Chồng cầy,vợ cấy,con trâu đi bừa.
Sự gắn bó, chia sẻ việc đồng áng của con trâu khiến người ta nhân cách hoá con vật như là loài hiểu biết để có thể nói với trâu như nói với bạn:

“Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,

Cầy cấy nối nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Khi nào cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".
Cầu chúc cho mọi gia đình trong năm mới luôn tìm được niềm vui của sự nâng đỡ, chia sẽ của các thành viên trong gia đình, nhờ đó mà chúng ta có thể vẽ lên bức tranh thanh thản, bình an nơi gia đình như câu ca dao xưa: “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi cầy”. Cầu chúc cho mỗi người luôn biết quý trọng gia đình và đặt ưu tiên hạnh phúc gia đình hơn là những niềm vui khác, như cha ông ta vẫn nói: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Cầu chúc cho anh em chị em một năm mới:

“Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi

An bình hạnh phúc chẳng hề vơi”.

Amen

Lm Jos Tạ Duy Tuyền