PDA

View Full Version : N - Người anh em phung hủi



Dan Lee
02-12-2009, 12:13 AM
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B

NGƯỜI ANH EM PHUNG HỦI

A. DẪN NHẬP

Bệnh phung hủi là một chứng bệnh ghê sợ nhất và cũng khó chữa. Hiện nay trên thế giới có chừng 15 triệu nạn nhân. Ở Việt nam chúng ta cũng chẳng thiếu gì người bị phung hủi. Hiện nay có 21 trại phong cùi. Một trong những trại phung nổi tiếng mà thi sĩ Hàn mạc Tử đã phải ở đó và ngôi mộ của thi sĩ cũng còn ở gần đó: trại phung Qui hòa thuộc tỉnh Bình định.

Đối với xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, người phung hủi bị coi như là người có tội bị Thiên Chúa phạt, nên họ bị kỳ thị triệt để, bị loại ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội, phải sống riêng rẽ ở nơi hẻo lánh, xa mọi người, sống cô đơn, không được tham dự các lễ nghi. Họ sống mà như đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa khỏi, mới cứu sống được.

Ngoài bệnh phung cùi thể xác, còn một thứ bệnh khác là bệnh phung cùi thiêng liêng. Khi phạm tội trọng là người ta đã trở nên phung cùi trước mặt Chúa. Họ sống mà như đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho linh hồn họ khỏi bệnh cùi. Hãy đến với toà cáo giải.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Lv 13,1-2.45-46

Sách Lêvi trong Kinh thánh dùng hai chương nói về căn bệnh này, không phải về phương diện thể lý cho bằng cách đối xử với nạn nhân trong cộng đoàn. Sách Luật không đề cập đến cách điều trị, vì đó không phải là mục tiêu mà trước tiên nhắm đến phương thế khám phá những triệu chứng, để trục xuất người mắc bệnh ra khỏi cộng đoàn.

Luật Maisen đòi buộc người mắc bệnh phung cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và khi gặp người nào lành sạch thì phải hô lên: ”Ô uế, ô uế”. Vì là người bị cho là ô uế, tội lỗi nên phải sống riêng rẽ, sống bên ngoài trại.

+ Bài đọc 2: 1Cr 10,31-11,1

Đây là phần kết luận của đoạn kết về vấn đề ăn thịt cúng. Tuy thánh Phaolô không đề cập đến bệnh cùi, nhưng cùng chung một vấn đề là “sạch và dơ”. Người Do thái luôn chú trọng đến đồ ăn sạch và dơ, họ nhất quyết phải lánh xa những đồ ăn dơ. Nhưng thánh Phaolô đã đả phá quan niệm ấy, ngài cho rằng những gì Thiên Chúa đã dựng nên cho con người thì đều sạch cả, nó chỉ trở nên dơ do lòng người mà ra. Vì thế Ngài kết luận: đừng chú trọng phân biệt đồ ăn sạch hay dơ mà điều cần nhất là khi ăn khi uống, dù khi bất cứ làm việc gì khác thì đều phải có ý làm cho sáng danh Chúa.

+ Bài Tin mừng: Mc 1, 40-45

Cả ba sách Phúc âm nhất lãm đều nhắc đến việc Đức Giêsu chữa lành người phung hủi, ở đây có lẽ là một trong những phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu. Đó là một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy thời Thiên sai đã đến. Đối với người Do thái, bệnh phung cùi là bệnh nan y chỉ có Thiên Chúa mới chữa khỏi. Chứng bệnh này rất hay lây và có liên hệ đến tội lỗi. Người phung hủi là người bị loại ra khỏi đời sống xã hội Do thái: khi chữa lành, Đức Giêsu đã phục hồi phẩm giá cho anh và cáo giác việc cấm đoán anh ta cho đến lúc đó.

Việc chữa bệnh này còn nói lên lòng thương xót của Chúa đối với nạn nhân; đồng thời đả phá những luật lệ cấm kỵ làm thương tổn đến phẩm giá con người. Phép lạ này cũng nói lên sứ mạng cứu thế của Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Đừng trở thành người phung cùi

I. BỆNH PHUNG HỦI THỜI ĐỨC GIÊSU

1. Luật Do thái về bệnh phung cùi

Theo luật Do thái, những ai mắc bệnh cùi không được sống trà trộn trong dân chúng vì bệnh này là bệnh nan y và hay lây. Vì vậy số phận của họ đã khổ vì bệnh hoạn lại còn khốn nạn hơn vì tình trạng cô đơn.

Căn bệnh đáng sợ nhất đối với người Do thái ngày xưa chính là bệnh cùi. Nó như cơn đại dịch truyền nhiễm gieo rắc biết bao khiếp sợ cho những nạn nhân của nó vì hồi đó không có hy vọng cứu chữa. Số phận của người bệnh cùi thực sự rất đáng thương. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh bị cách ly khỏi mọi đời sống xã hội và ép buộc phải trốn tránh xã hội. Điều này có nghĩa là người bệnh phải thốt ra lời từ biệt gia đình, bỏ lại sau lưng tất cả cuộc sống nghề nghiệp và tất cả mọi người thân thương quen biết. Một lần vĩnh biệt như là đã chết. Tâm trạng âu lo hoảng loạn và nỗi đau lòng khổ tâm vì bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi cộng đồng xã hội, phải nói thật là có sức tàn phá khủng khiếp. Hơn nữa, người bệnh bị mang danh là người tội lỗi bị Thiên Chúa phạt.

2. Đau đớn thể xác

Có những triệu chứng để xem biết ai đã mắc chứng bệnh này. Nó có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè... Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết.

Cũng có thể bắt đầu bằng tình trạng mất cảm giác ở một vài phần thân thể, dây thần kinh bị nhiễm trùng, gân cốt co lại làm cho hai bàn tay trông giống như móng thú vật. Tiếp theo là tay chân bị lở loét, ngón tay ngón chân rụng dần cho đến khi cả hai bàn tay bàn chân rớt hẳn ra. Trường hợp này có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm. Đó là cái chết tiệm tiến kinh khủng làm cho con người chết từng phần một.

3. Đau khổ tinh thần

Đau khổ tinh thần còn lớn hơn đau khổ về thể xác. Theo sách Lêvi, người phung cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết. Và sách còn cho biết thêm:”Người mắc bệnh phung hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên:”Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là là một nơi bên ngoài trại

(Lv 13, 45-46). Nếu gặp người mạnh khỏe ngoài đường, họ phải hô hoán lên cho người ta biết là mình mắc bệnh, như là dấu hiệu đề phòng cho người khác. Ngoài ra, người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là nhơ bẩn và còn bị coi là bị Chúa phạt.

Thời trung cổ, người nào mắc bệnh phung cùi thì thầy cả mặc áo lễ, cầm thánh giá đưa người bệnh vào nhà thờ và cử hành lễ an táng.

Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu ở trại cùi Qui hoà, biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ ta mới hiểu được nỗi đau đớn trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.

Đọc chuyện cha Đa-miêng, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức giám mục ở đảo Hawai giới thiệu cha Đa-miêng với dân cùi ở đảo là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Đa-miêng rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Đa-miêng là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau:”Không”. Dần dần cha Đa-miêng hoà đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.

II. ĐỨC GIÊSU CHỮA BỆNH PHUNG CÙI

Người Do thái rất sợ người phung cùi vì họ là người ô uế phải tránh xa. Không ai được phép chào hỏi một người phung ở ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phung hủi đứng đầu gió thì người ở cuối gió phải cách xa 45 mét. Ngay cả một quả trứng, các rabbi Do thái cũng không ăn nếu bán ở đường phố có người phung hủi đi qua.

Vì có những sự kỳ thị và cấm kỵ quá mức như vậy, chúng ta cần xem thái độ của người phung và của Đức Giêsu trong phép lạ chữa bệnh này.

1. Thái độ của người phung cùi

Theo nguyên tắc, người mắc mệnh phung không được đến gần người lành. Đây là một cấm kỵ. Nhưng người phung hủi đây bỏ mọi mặc cảm đến với một lòng tin tưởng: anh chắc chắn nếu Chúa muốn Ngài có thể chữa lành. Nếu không tin, anh đã không dám làm thế vì không một người phung hủi nào dám đến gần một vị bác sĩ vì biết sẽ bị ném đá đuổi đi. Nhưng nguời này đã đến với Đức Giêsu. Anh hoàn toàn tin tưởng Ngài sẵn sàng tiếp đón một người bị mọi người xua đuổi. Lòng tin tưởng đã khiến anh liều mình bị ném đá khi đến gần Đức Giêsu vì đã vi phạm luật.

Anh còn đến với Chúa với tấm lòng khiêm cung khi anh ta nói:”Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được lành”. Nói như thế, anh ta dường như muốn nói với Đức Giêsu rằng:”Tôi biết mình chẳng ra gì, mọi người xa lánh, khinh dể tôi, tôi biết tôi không có quyền gì kêu cầu Ngài, chỉ mong Ngài đoái thương đến cảnh cùng khốn của tôi”. Chính lòng khiêm nhường nhận biết sự bất xứng và nhu cầu của mình, người bệnh tìm đến với Đức Giêsu.

2. Thái độ của Đức Giêsu

Tin mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu rất xúc động cảm thông khi gặp thấy người cùi. Thấy người phung cùi tiến đến, Chúa bầy tỏ lòng thương xót ngay. Dầu luật pháp không cho phép đụng đến người phung hủi, chỉ đến gần 2 mét đã bị ô uế rồi, thế mà Đức Giêsu giơ tay ra đụng đến anh ta. Đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có một bó buộc duy nhất là luật yêu thương. Đây là lần duy nhất trong số những người tiếp xúc giữa Chúa và người bệnh mà Ngài tỏ ra động lòng trắc ẩn rõ ràng nhất. Điều này nói lên một điều gì đó sâu xa nơi Con Người đang-ra-tay-chữa-lành kia, như là dấu chỉ của lòng thương xót, đồng thời giúp chúng ta nhìn sâu vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn quan tâm săn sóc mọi thứ bệnh tật phần xác cũng như phần hồn.

III. BỆNH PHUNG HỦI THIÊNG LIÊNG

Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thế xác khiến người ta bị cô lập hoá về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi, cũng khiến người ta bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng. Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.

Để được thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, người phung cùi đã tìm đến Chúa để xin được chữa lành. Người cùi đã không để cho thất vọng chi phối. Anh ta đã đến kêu cầu Chúa. Cái điều mà tội nhân cần có là đức tin và lòng trông cậy của người cùi vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Để có thể nại đến quyền năng và lòng thương xót của Chúa, người ta phải nhận mình có bệnh và có tội. Người không nhận mình là có bệnh và có tội, thì không tìm đến thầy thuốc. Họ là những người vô phương cứu chữa.

Khi phạm tội trọng, đó là lúc linh hồn bị bệnh phong cùi, linh hôn còn sống mà đã như chết trước mặt Chúa, chỉ có phép giải tội mới làm cho linh hồn được khỏi bệnh phong, mới làm cho linh hồn được trong sạch và được sống lại. Thiên Chúa không trực tiếp chữa bệnh phong linh hồn nhưng Ngài nhờ tay Linh mục để sửa chữa và làm cho sống lại.

Truyện: Pho tượng biết hát.

Nơi đồng Memnon, chỗ thành Thèbes cũ, người ta đựng lên hai tượng đá mạnh mẽ, cao độ 20 thước, tượng hai ông vua, khắc trong một thứ đá bở, ngồi đó từ 20 thế kỷ trước Chúa giáng sinh. Chính vua Pharao Amenhotep III đã dựng hai tượng ấy. Một trong” hai cây cột Memnon này”(người đời xưa gọi hai tượng ấy là cột trụ) nứt ra hồi động đất năm 27 trước Chúa giáng sinh. Vừa khi mặt trời mới mọc soi bức tượng, tượng đã ra nóng và bắt đầu rên siết, bắt đầu kêu la cách lạ kỳ, đó là bức tượng Memnon “hát”.

Trong linh hồn ta cũng vậy, sự sống bắt đầu hát, bắt đầu rên siết, bắt đầu reo vui và khoái chí sau khi xưng tội cho tử tế, chính là lúc mức ánh sáng mặt trời đầu hết, lúc sự yêu mến hay thiêu đốt của Chúa Giêsu, đổ xuống chan chứa trong linh hồn ta khi Thầy Cả ban phép giải tội. Chúa Giêsu vào ở lại trong linh hồn ta tràn trề sự vui, và tiếp theo sau Chúa Giêsu một mãnh lực như đồng như sắt chỗi dậy: đó là ý muốn quyết định bắt đầu một cuộc đời mới mẻ, đẹp hơn và thanh sạch hơn. Phải làm thử đã thì mới nghiệm biết phép lạ Chúa làm trong linh hồn ở tòa giải tội. Bởi vì sự dựng nên thế giới là điều ít cao siêu hơn là sự linh hồn chết được sống lại (GM Toth – Phêrô Thông, Tôn giáo với thanh niên, 1949, tr 235).

IV. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI NẠN NHÂN ĐAU KHỔ

Đứng trước những nạn nhân phong cùi đau khổ này, chúng ta phải có một quyết tâm không bao giờ tự làm cho mình thành người cùi và cũng đừng làm cho những người sống chung quanh mình thành những người cùi. Nghĩa là có những người cư xử như mình bị cùi, khi tự xây cho mình một pháo đài ích kỷ, lập dị... Có những người khác lại đối xử với anh em như những người cùi, khi làm cho anh em cô đơn hoàn toàn, do lời nói hay thái độ chia rẽ, phân biệt đối xử...chẳng hạn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh theo kiểu dân Do thái xa lánh người cùi.

Chúng ta đừng bao giờ sống như thế, chúng ta đừng bao giờ tự cô lập mình, đừng bao giờ gây chia rẽ; trái lại, hãy luôn sống cởi mở với mọi người, đối xử với mọi người trong tinh thần yêu thương và hợp tác.

Thái độ tiếp theo của chúng ta là phải yêu thương và tôn trọng người đau khổ, nhất là những người phong cùi về thể xác cũng như linh hồn. Xử đối tốt với người đau khổ là món quà quí giá chúng ta tặng cho họ, không gì làm cho họ sung sướng hơn. Người ta thường nói:

- Của cho không qúi bằng cách cho.

- Lời chào cao hơn mâm cỗ.

- Vật khinh nhưng hình trọng.

(Tục ngữ)

Chúa Giêsu luôn tiếp đón mọi người một cách lịch sự và yêu thương, không bao giờ Ngài có thái độ cứng rắn hay khinh miệt người đau khổ và tội lỗi. Có biết bao gương tốt đẹp của Chúa Giêsu đã được ghi trong sách Tin Mừng, tất cả đều nói lên tình thương và tôn trọng mọi người, không phân biệt sang hèn hay màu da ngôn ngữ, kẻ lành hay người dữ.

Truyện: Léon Tolstoi và người hành khất.

Một hôm Tolstoi, một đại văn hào người Nga, đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá trong một công viên gần nhà, thì bỗng có người đàn ông lớn tuổi, áo quần nhếch nhác, đến gần và giơ chiếc mũ cũ rách ra trước mặt nhà văn để xin giúp đỡ. Nhà văn liền thò tay vào túi áo định lấy tiền cho người ăn xin, nhưng tìm hết túi áo này sang túi áo khác mà không kiếm thấy đồng nào. Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói với sự hối tiếc như sau: “Này người anh em, xin thứ lỗi cho tôi. Vì hôm nay tôi rất tiếc đã để quên ví tiền ở nhà rồi! ” Bấy giờ, người ăn xin thay vì buồn giận, thì đã mỉm cười và nói: “Tôi thật không biết phải cảm ơn ông thế nào cho xứng. Vì hôm nay ông đã cho tôi một món quà qúi báu hơn tiền bạc. Đó là ông đã không những không khinh dể tôi, mà còn tôn trọng tôi khi gọi tôi là “Người anh em”.


Giáo xứ Kim phát, Đà lạt
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm