PDA

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (70)



Dan Lee
02-13-2009, 05:17 PM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (70)

691. Mầu nhiệm đau khổ

Có đủ mọi sự khổ trên đời nầy: khổ nơi thân xác (bệnh hoạn, đui què, già yếu, nghèo khổ, đói rách, …), khổ trong tâm hồn (người yêu xa cách, bạn hữu vĩnh biệt, cha mẹ lìa trần, danh giá vỡ tan, cô đơn, buồn tủi, …).
Có lẽ nhiều lần, chúng ta thắc mắc: tại sao dựng nên chúng ta, ban cho chúng ta sống, thế mà Chúa lại bắt chúng ta chịu mọi thứ đau khổ, nhất là những đau khổ xảy đến cho chúng ta một cách bất ngờ và bất công?
Tuy thắc mắc, nhưng chúng ta vẫn hết lòng tin vào mầu nhiệm đau khổ: Người Con vô tội của Chúa bị treo nhục nhã trên Cây Thánh Giá là ánh sáng soi rõ ý nghĩa của những đau khổ ở đời nầy và ban sức cho chúng ta chịu đựng được tất cả.

692. Vui lòng chịu đau khổ

Nhiều lần, tôi buồn phiền khi gặp đau khổ. Lý do là vì tôi không có lòng yêu mến Chúa.
Nếu yêu Chúa, tôi sẽ cho những nỗi đau khổ của tôi đang còn ít, và tôi sẽ luôn luôn vui vẻ chịu cực vì Chúa.
Vui lòng chịu cực vì yêu Chúa, đó là thái độ của các thánh đối với đau khổ.
Thánh Vianê nhận xét:
- “Có hai cách chịu đau khổ:chịu khổ với tình yêu và chịu khổ không có tình yêu. Tất cả các thánh đã nhẫn nại chịu khổ, vui vẻ chịu khổ, bền lòng chịu khổ vì họ biết yêu.
“Phần chúng ta, chúng ta chịu khổ một cách cực chẳng đã vì chúng ta không biết yêu. Nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta sẽ vác Thánh Giá, sẽ sung sướng được chịu khổ…
“Anh em nói rằng điều đó là khó, phải không? Không! Điều đó thật dịu ngọt và đầy an ủi, nhưng với điều kiện là chúng ta phải yêu mến trong khi chịu khổ và phải chịu khổ với tình yêu Chúa.”

693. Kinh Tin Kính của sự đau khổ

Tôi tin sự đau khổ là ơn rất quý báu Chúa ban cho tôi.
Tôi tin sự đau khổ luyện tâm hồn tôi thêm cao thượng, thêm trong sạch, thêm thánh thiện.
Tôi tin sự đau khổ làm cho tôi kết hiệp mật thiết với Chúa hơn và nên giống Chúa hơn.
Tôi tin nhờ sự đau khổ mà tôi được đền tội một cách công hiệu hơn.
Tôi tin linh hồn nào bằng lòng chịu đau khổ vì Chúa thì linh hồn đó sẽ được hết sức vui vẻ và bằng an.
Tôi tin từ thuở đời đời, Chúa đã định gởi bao nhiêu sự đau khổ đến cho tôi, Chúa đã cân những sự đau khổ đó cho vừa sức tôi và Chúa luôn ban đủ sức để tôi chịu được.
Tôi tin Chúa luôn ở bên cạnh những ai đang đau khổ để lau khô nước mắt họ.
Tôi tin kẻ nào vui chịu đau khổ vì Chúa, sẽ được Chúa thưởng bội hậu trên nước thiên đàng như lời Chúa phán: “Phước cho kẻ khóc lóc vì sẽ được an ủi.”

694. “Tôi vui hẳn lên.”

Trong cơn đau đớn, tôi thầm nguyện phó mình cho Chúa. Từ ấy, tôi cảm thấy tâm hồn thư thái và tôi vui hẳn lên. (Denise Legris, khi sinh ra, không tay, không chân, nhưng khi lớn, đã trở thành họa sĩ kiêm văn sĩ biệt tài, được giải thưởng Albert Schweitzer.)

695. Đau khổ, khi nào thì tốt, khi nào thì xấu?

Đau khổ là tốt khi đau khổ đưa ta đến gần Chúa, khi đau khổ đưa ta đến gặp Chúa, khi đau khổ làm cho ta được nhiều công nghiệp sau nầy trên nước thiên đàng. Đó là gương của người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Chúa.
Đau khổ là xấu khi đau khổ làm ta quên Chúa, làm ta xa Chúa, làm ta bỏ Chúa, làm ta phải khốn nạn đời đờì. Đó là trường hợp của người trộm dữ bị đóng đinh bên cạnh Chúa.

696. Kiên cường và chịu đựng

Cuộc sống đầy phong ba, bão táp, không lúc nào được bình yên sóng lặng.
Chính phong ba bão táp thường tấn công lúc con người mất cảnh giác.
Tính nhẫn nhục chịu đựng, giống như cây thông đứng vững trong bão tố. Cho dù gió quật tơi bời, đảo đi đảo lại, vẫn hiên ngang đứng vững với đời. Cho nên người đời thường nói lấy mềm nắn cứng, tốt hơn là lấy cứng chạm cứng nhiều.
Vì thế, kiên cường và chịu đựng trở thành anh em sinh đôi, không thể thiếu của thành công.
Khi bạn gặp khó khăn có thể khắc phục được, thì cần phải kiên cường. Nó sẽ dẫn dắt bạn đi tàu nhanh đến thành công.
Khi bạn đứng trước ranh giới khó vượt qua, thì sự chịu đựng là hết sức quan trọng. Nó sẽ dắt dẫn bạn vượt qua cạm bẫy, vượt hiểm, bảo toàn mình. (Sức mạnh Của Lời Xin Lỗi)

697. Người biết lắng nghe

Người biết lắng nghe sẽ cho thấy họ đang tập trung nghe những điều đang được trình bày.
Người biết lắng nghe cho thấy họ tôn trọng người nói.
Người biết lắng nghe cho thấy họ thật sự quan tâm đến những gì họ đang nghe.
Người biết lắng nghe sẽ biết tiếp nhận giá trị từ những gì nghe được.
Trên cả những điều nầy, là một thái độ chân chân thành, chứ không phải giả vờ lắng nghe.
… Hãy lắng nghe và rút tỉa thật nhiều từ những điều nghe được. (Để Có Một Tâm Hồn Đẹp)

698. Tập tính quả quyết

Người quả quyết là người có ý chí vững mạnh, có trí minh mẫn, có can đảm, có nhiệt thành.
Muốn tập tính quả quyết, ta phải luyện: khi ta đã suy xét kỹ càng và quyết định làm một việc gì, thì ta nhất định làm đến nơi đến chốn, trừ phi ta bị cản trở vì những lý do ngoài ý muốn của ta, hay trong trường hợp thế bất khả kháng.
Ta phải tập tính quả quyết bắt đầu từ việc nhỏ, chớ cho việc nhỏ là không đáng quan tâm.
Theo kinh nghiệm của bản thân, ta thấy rằng việc muốn trừ khử những thói xấu thường như trễ nải, không có thứ tự, lười tập thể dục, … ta cũng phải cố gắng, phải quả quyết lắm…
Ta phải bắt buộc mình siêng năng, làm tròn phận sự, tổ chức công việc có thứ tự, xếp đặt đồ dùng có ngăn nắp, trau dồi thân thể một cách điều hòa, ngày nào cũng như ngày nào, quả quyết sửa chữa thói quen, nết xấu, nhất định tập trung được tính hay nết tốt.. (Ý Chí - Quyền Lực Sinh Tồn)

699. Làm sao khỏi buồn bực về những lời chỉ trích?

Quy tắc thứ nhất - Lời chỉ trích bất công thường khi chỉ là một lời khen che đậy. Nó cũng có nghĩa rằng bạn đã làm cho người ghen tỵ. Nên nhớ không ai thèm đá đồ chó chết cả.
Quy tắc thứ nhì - Hết sức cho tới tận thiện, rồi giương cây dù cũ của bạn lên, mặc cho trận mưa chỉ trích chảy xuống sau lưng bạn.
Quy tắc thứ ba – Ghi hết những lỗi lầm điên khùng của mình và tự chỉ trích. Đã không hy vọng là một người hoàn toàn thì nên soi gương E.H.Little mà xin người khác chỉ trích ta một cách ngay thẳng, có ích, ngõ hầu ta được dịp tu thân. (Quảng Gánh Lo Đi và Vui Sống)

700. Cần phải giữ vững tâm lý vui vẻ

Niềm vui là chủ đề vĩnh hằng của cuộc sống, là thứ mà bất kỳ ai, khi mới sinh ra, cũng muốn sở hữu nó.
Cuộc sống thiếu niềm vui, cũng giống như một bữa ăn không có cơm vậy, thiếu đi hương vị chủ đạo.
Niềm vui của con người không phải là khi họ đã có gì. Một người làm chủ được cuộc sống của mình, sẽ không đau khổ vì những thứ mình không có; ngược lại, sẽ cảm thấy vui vẻ vì những gì mà họ đã có.
Người lạc quan biết biến những ngày bình thường trở nên thú vị, biến cuộc sống nặng nề trở nên tươi vui, nhẹ nhõm. Đây là lúc niềm vui đến với bạn.
Những người bi quan luôn luôn thể hiện sự đau khổ bằng lời, thể hiện buồn bã trên nét mặt, để những lo lắng giày vò tâm trạng. Như vậy, niềm vui bao giờ cũng xa lánh họ.
Chúng ta cần gánh vác một trách nhiệm, đó chính là giữ vững tâm lý vui vẻ. Không có trách nhiệm nào quan trọng hơn trách nhiệm nầy. (Làm Thế Nào Khi Lựa Chọn Sai?

LM Nguyễn Vinh Gioang