PDA

View Full Version : Q - Quyền năng và từ bi



Dan Lee
02-20-2009, 04:31 PM
CHÚA NHẬT VII TN B

QUYỀN NĂNG VÀ TỪ BI


Hôm nay chúng ta lại được nghe Thánh Máccô tường thuật một sự kiện khác xẩy ra tại Caphácnaum, khi Đức Giêsu trở lại nơi này sau chuyến truyền giáo sôi động và hiệu quả. Đó là việc Đức Giêsu chữa lành một người bị bại liệt. Phép lạ mà Đức Giêsu thực hiện cho người bại liệt là cơ hội cho mọi người biết Người có quyền tha tội cũng như có khả năng chữa bệnh. Người không chỉ có quyền mà còn có lòng thương đối với tội nhân. Chính lòng thương cộng với quyền năng vô biên của Chúa khiến người bại liệt được chữa lành và được thứ tha.

I. Lắng nghe lời Chúa

1. Bài đọc 1: Is 43,18-19.21.24b-25.

2. Bài đọc 2: 2 Cr 1,18-22.

3. Bài Tin Mừng: Mc 2,1-12.


II. Tìm hiểu lời Chúa

2.1 Bài đọc 1: Is 43,18-19.21.24b-25: Thiên Chúa loan báo qua ngôn sứ Isaia là Người sắp làm "một việc mới": đó là Thiên Chúa sẽ xóa sạch mọi tội phản nghịch của dân Ítraen và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa.

2.2 Bài đọc 2: 2 Cr 1,18-22: Phaolô khẳng định lời rao giảng của ngài rất rõ ràng, minh bạch, dứt khoát, không ba phải, không "vừa có lại vừa không" vì lời rao giảng ấy dựa vào lời và cách hành động của Thiên Chúa là Đấng chỉ có "có" mà không có không.

2.3 Bài Tin Mừng: Mc 2,1-12: Đức Giêsu nói lời Thiên Chúa với dân chúng và chữa lành người bại liệt, qua đó Người cho các kinh sư và dân chúng biết Người có quyền năng tha tội như Thiên Chúa.

(1) Đức Giêsu nói lời Thiên Chúa cho dân chúng.

Khi rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy dỗ dân chúng, Đức Giêsu luôn nói lời của Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà dân chúng khát khao mong chờ nhất. Vì thế mà dân chúng ngưỡng mộ lời giảng dạy của Đức Giêsu và tìm mọi cách để được nghe Đức Giêsu nói lời Thiên Chúa. Cảnh dân chúng vây quanh nhà của Đức Giêsu ở Caphácnaum đông đến nỗi người ta phải dỡ mái nhà để đưa người bại liệt vào gần chỗ Người ngồi thật là một cảnh cảm động và tràn trề niềm tin!

(2) Đức Giêsu chữa người bại liệt và minh chứng có quyền năng và lòng thương để tha tội như Thiên Chúa.

Song song với việc nói lời Thiên Chúa, Đức Giêsu luôn hành động như Thiên Chúa vẫn hành động trong lịch sử, để làm điều lành điều tốt cho mọi người, nhất là cho những người kém may mắn và chạy đến với Người. Bị bại liệt là một tình trạng thật khốn khổ, vì nhất cử nhất động đều phải nhờ đến người khác. Đứng trước cảnh khổ ấy của người bệnh cũng như trước lòng tin và niềm hy vọng của anh và của người nhà anh, Đức Giêsu đã ra tay cứu chữa.

Qua việc chữa lành anh bại liệt, Đức Giêsu không chỉ cứu chữa anh mà còn bộc lộ mình ra với dân chúng. Đức Giêsu đã khéo tạo ra thắc mắc cho những người chung quanh, nhất là cho các kinh sư là những người am tường giáo lý của Đạo, khi tuyên bố với người bại liệt: "Này con, tội con đã được tha. Nói đến tha tội thì người Do thái hiểu ngay rằng chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội mà thôi. Vì thế mà họ đã thắc mắc, và họ thắc mắc rất đúng: "Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa". Chính từ thắc mắc ấy mà Đức Giêsu có dịp "hé mở" cho họ thấy "chân dung đích thực" của Người. Tin mừng Maccô ghi rất rõ: [Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Tội con đã được tha rồi, hai là bảo: "Đứng dậy vác chõng mà đi" điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giêsu bảo người bại liệt-, Ta truyền cho con: "Đứng dậy vác chõng mà đi về nhà!"}. Đức Giêsu thật thông minh, khôn khéo, chặt chẽ, lô gích trong lý luận và hành động cứu người và mạc khải về mình. Tường thuật của Máccô cho phép chúng ta nghĩ rằng: được chữa lành và được tha tội là hai ơn huệ mà người bại liệt nhận được cùng một lúc; nhưng ơn được tha tội thì lớn lao hơn ơn được chữa lành bội phần. Bản văn cũng không cho phép chúng ta suy diễn mối tương quan nhân quả giữa bệnh bại liệt và tình trạng tội lỗi của người ấy.

2.4 Vài suy nghĩ cho ngày hôm nay.

+ Suy nghĩ thứ nhất về sứ mạng nói lời Thiên Chúa: Xem ra ngày hôm nay nói lời Thiên Chúa quả là một công việc vô vàn khó khăn vì dường như con người không còn thích nghe lời Thiên Chúa nữa mà chỉ thích nghe lời thế gian. Tình trạng trên xẩy ra là do nhiều nguyên nhân: Có thể vì nhiều người bị lôi cuốn bởi trăm ngàn thứ phù du: tiền tài, danh vọng, quyền lực, sự nghiệp, tiện nghi cuộc sống... Có thể vì nhiều người không hiểu biết giá trị đích thực và tầm quan trọng của lời Thiên Chúa. Cũng có thể vì thiếu những người thật sứ biết nói lời Thiên Chúa. Vì thế mà có nhiều người không cảm thấy lời Thiên Chúa là lời đáng khát khao và đáng lắng nghe. Vậy chúng ta phải làm gì cho những người này? Câu trả lời rất đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực: chúng ta phải khai sáng cho họ, giúp họ thoát ra cảnh lầm lạc và giúp họ nếm được sự ngọt ngào của lời Chúa. Và chúng ta phải làm gì cho những người thật sự khát khao muốn lắng nghe lời Thiên Chúa? Câu trả lời rất đơn giản: chúng ta phải nói lời Thiên Chúa cho họ. Nhìn vào thực tế trong các giáo xứ, các hội đoàn, nhiều giáo dân, nhất là giới trẻ, khao khát học hỏi Thánh Kinh, Giáo lý, Công đồng Vatican II mà không biết học ở đâu, với ai? Ngoài ra, không phải bài giảng nào của các linh mục cũng là nói lời Thiên Chúa. Còn các giáo dân lười biếng, trễ nải, u mê cũng không được quan tâm giúp đỡ, khai sáng... Còn nhìn sâu vào xã hội, chúng ta thấy có rất nhiều người khát khao công bằng, yêu thương, bình đẳng, tôn trọng mà không tìm đâu ra người đồng hội đồng thuyền. Họ cũng không thấy các giá trị ấy được tôn vinh ở môi trường họ làm việc và sinh sống. Họ cần gặp được các thừa tác viên lời Chúa là những người không chỉ biết nói lời Chúa mà còn biết sống lời Chúa thực sự. Thế có nghĩa là trách nhiệm nói lời Chúa và nhất là sống lời Chúa vẫn là một trách nhiệm hết sức quan trọng và cấp bách trong thời đại ngày nay. Trách nhiệm ấy không chỉ là của riêng hàng giáo sĩ hay tu sĩ mà là của hết mọi Kitô hữu, trong đó có giáo dân.

+ Suy nghĩ thứ hai về ý thức về tội của con người ngày nay: Thiên Chúa không hề thay đổi trong bản chất cũng như cách ứng xử với con người. Nếu trong Cựu ước Thiên Chúa đã mạc khải là -do quyền năng và tình thương- Người sẽ xóa bỏ mọi tội phản nghịch của dân Ítraen, và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa thì ngày nay và mãi mãi Thiên Chúa vẫn xóa bỏ mọi tội lỗi phản nghịch của loài người và không còn nhớ đến những lỗi lầm của chúng ta nữa. Thế nhưng dựa vào các bản văn Thánh Kinh khác thì chúng ta biết rằng tội lỗi của con người chỉ được xóa bỏ một khi người ấy ý thức và sám hối. Điều đó buộc chúng ta phải suy nghĩ về ý thức về tội của chúng ta và con người ngày nay. Có một tình trạng trái ngược: trong khi nhiều người rất nhạy bén trong ý thức về tội thì lại có không ít người không còn ý thức gì về tội nữa. Những người nhạy bén về tội, nhất là về các tội xã hội xúc phạm tới phẩm giá con người thì làm hết sức mình để bênh vực quyền con người và chống lại chiến tranh, bóc lột dưới mọi hình thái. Còn những người không ý thức về tội thì càng ngày càng lấn sâu vào tội ác: sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, đàn áp bóc lột người vô tội, buôn bán ma túy, phụ nữ, xâm hại trẻ thơ, hạ phẩm giá thân thể con người trong kỹ nghệ ___, tham nhũng và biển thủ của công, bóc lột người nghèo, nước nghèo v.v... Làm sao để giúp người ta ý thức về tội là một vấn đề hết sức quan trọng và khó khăn đáng chúng ta quan tâm.

Chúng ta nên biết rằng ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người dòn mỏng nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho: con người có quyền nói "có" hoặc nói "không" với Thiên Chúa. Nói "không" với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Người. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân mình: giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.

III. Sống lời Chúa

"Ta sẽ xóa bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa" Tôi đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa chưa? Sau khi được thứ tha tội lỗi, tôi đã làm gì để tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa?

IV.Cầu nguyện với Lời Chúa

Mỗi người hãy cầu nguyện theo cảm hứng của mình.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội