PDA

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (71)



Dan Lee
02-21-2009, 01:07 PM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (71)

701. Vấn đề “tội” là vấn đề rất quan trọng.

Nếu chúng ta không tin có tội, chúng ta cũng không tin có Chúa.
Nếu chúng ta không tin có tội, chúng ta sẽ tha hồ phạm tội mà không sợ gì, chỉ sợ người ta bắt được mà phạt bề ngoài mà thôi.
Nếu chúng ta không tin có tội, đời sống đạo đức, công bình, thánh thiện, bác ái sẽ không có ý nghĩa gì, vì thế, chúng ta sẽ tha hồ sống bất công, tham nhũng, lươn lẹo, phỉnh gạt, dâm tà, … vì khi đó, chúng ta đâu còn tin có Ông Trời mà sợ, đâu còn tin có lương tâm cắn rứt nữa mà lo!

702.Tội là do ta muốn

Theo lời Chúa Giêsu dạy, tội là do lòng mình mà ta, nghĩa là do ta muốn:
- “Vì tự lòng, phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó là những cái làm cho con người ra ô uế.” (Mt 15,19-20).

703. Tội làm cho chúng ta ra dại dột

Dại dột thứ nhất: Thật là dại dột khi chúng ta làm sỉ nhục Đấng mà chúng ta phải tùy thuộc tất cả: khí để thở, nước để uống, các đồ để ăn cho được sống như cơm bánh, cá, chim, hoa quả, trái cây, …
Dại dột thứ hai: Thật là dại dột khi chúng ta làm sỉ nhục một Đấng ở trên cao, đang cầm cái giây treo lơ lửng mạng sống chúng ta và có thể thả chúng ta rớt xuống bất cứ lúc nào.
Dại dột thứ ba: Thật là dại dột khi chúng ta thường sợ mất lòng nhau, sợ mất lòng kẻ khác, nhưng chúng ta lại không sợ mất lòng Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử chúng ta.

704. Mỗi tội chúng ta phạm là tội thờ thọ tạo như thờ Chúa của mình.

Những thọ tạo ở đời nầy, Chúa ban cho chúng ta như những phượng tiện được dùng để đi tìm Chúa mà tôn thờ. Nhưng khi phạm tội, chúng ta tôn thờ các thọ tạo, chúng ta xem chúng như là mục đích, chứ không phải là phương tiện nữa.
Như vậy, khi phạm tội, chúng ta hạ bệ Chúa xuống để đưa thọ tạo lên mà tôn thờ. Bởi thế, mỗi tội chúng ta phạm đến Chúa là tội thờ thọ tạo như thờ Chúa của mình.

705. Tầm mức nặng nề và quái gở của tội

Tội lỗi thật nặng nề và quái gở, vì dù trọng hay nhẹ, tội lỗi luôn luôn gây ra những hậu quả ghê tởm cho linh hồn chúng ta.
Tội trọng thì sao? Tội trọng làm cho linh hồn chúng ta ra hư đốn, làm cho ý chí chúng ta đầu hàng trước các cơn cám dỗ, làm tê liệt lương tâm chúng ta. Tội trọng đuổi Chúa ra khỏi linh hồn chúng ta, giết chết linh hồn chúng ta, cướp mất tất cả công nghiệp chúng ta đã lập được. Tội trọng làm cho chúng ta phải sa xuống hỏa ngục đời đời.
Còn tội nhẹ thì sao? Tuy chưa giết linh hồn chúng ta, nhưng tội nhẹ làm cho linh hồn chúng ta ra yếu nhược, ngăn trở chúng ta đi đàng nhân đức, ru ngủ chúng ta trong nguội lạnh trễ nải, dẫn chúng ta đi xuống dốc để phạm tội trọng dễ dàng.

706. Đừng tạo thành công, rồi dừng lại và ru mình trong đó.

Nếu bạn đã đạt được mục tiêu, hãy đặt ra mục tiêu lớn hơn.
Nếu bạn đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân, của gia đình mình, hãy chuyển hướng sang nhóm của bạn, cho xã hội và cho loài người.
Đừng tạo thành công, rồi dừng lại và ru mình trong đó.
Bạn có nội lực, kỹ năng và hoàn toàn có khả năng để tạo nên điều khác biệt. (Tài Sản Quý Nhất Ở Đâu?)

707. Phải hành động! Phải đạt cho được kết quả!

Cần phải quyết định và cần phải muốn bằng một ý chí kiên trì, bất biến để đi đến cùng.
Điều quan trọng là hành động để thực hiện các quan niệm, để kết thúc bằng những kết quả.
Hãy làm việc! Hãy chồng hòn đá nầy lên hòn đá kia! Hãy xây dựng!
Phải làm một cái gì đó!
Phải hành động!
Phải đạt cho được kết quả! … Đúng thế! Tôi chỉ biết kết quả! (Foch) (Sống Sao Cho Ra Sống!)

708. Mềm mại như cây liễu! Đừng cứng cỏi như cây tùng!

Các ông thầy võ nhật dạy các môn đệ phải “mềm mại như cây liễu, đừng cứng cỏi như cây tùng.”
Bạn có biết tại sao những vỏ xe hơi lăn trên đường mà chịu được đủ các tội tình: nào cọ vào đường, nào đè lên đá nhọn không?
Mới đầu, các nhà chế tạo đưa ra những vỏ xe cứng rắn, nhưng chẳng bao lâu, vỏ xe tan tành ra từng mảnh. Rồi họ mới chế ra những vỏ xe mềm hơn để làm cho sự đụng chạm trên đường dịu, nhẹ đi và những vỏ nầy “chịu đựng” được.
Trên đường đời khập khểnh, bạn và tôi, nếu ta học cách nào làm cho những sự đụng chạm dịu bớt đi, thì cuộc hành trình của ta cũng dài hơn và êm đềm, sung sướng hơn. (Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống)

709. Hai từ “làm ơn” và “cám ơn”

Một trong những nhu cầu sâu xa nhất trong tâm hồn con người, là được đánh giá cao.
Mỗi khi bạn thể hiện sự đánh giá cao đối với ai đó về việc họ làm, bạn khiến họ thấy mình có giá trị, có năng lực hơn.
Bạn thể hiện điều ấy, đơn giản chỉ bằng lời “cám ơn”.
Chữ “cám ơn” là hai từ mạnh nhất trong tiếng Anh và là cách diễn đạt có giá trị nhất trong bất cứ ngôn ngữ nào.
Tôi (Og Mandino) đã từng đi và làm việc ở hơn 80 quốc gia. Tôi thấy rằng bạn có thể đi gần hết mọi quốc gia trên thế giới mà chỉ cần học và sử dụng hai từ “làm ơn” và “cám ơn”.
Từ “cám ơn” có một sức mạnh đặc biệt.
Mỗi khi bạn nói như vậy với một ai đó, bạn sẽ làm tăng lòng tự tôn của họ rất nhiều.
Lời cám ơn của bạn là phần thưởng, sự thúc đẩy đối với những hành vi của họ.
Lời cám ơn của bạn sẽ làm tăng khả năng họ lặp lại điều đó.
Nếu bạn nói cám ơn vì một điều nhỏ thôi, người ta sẽ làm một điều gì đó lớn hơn cho bạn. (Quyết Tâm – Thành Công Sẽ Tới)

710. Một nền quốc học Việt Nam

Quốc học, nên định nghĩa là “cái học nhằm phát triển toàn diện cá nhân và xã hội (xã hội, hiểu là quốc gia, mà con người là phần tử).
Một nền quốc học, xứng danh của nó, gồm nhiều đặc tính tinh thần…
- tinh thần uyên bác
- tinh thần sưu tầm
- tinh thần phê phán
- tinh thần phát kiến
- tinh thần phát minh
- tinh thàn ứng dụng
- tinh thần ái quốc phục vụ (Người Đắc Lực)

LM Nguyễn Vinh Gioang