PDA

View Full Version : U - Uỷ ban đối thoại Vatican–Hồi giáo khẳng định nhu cầu hòa bình và chống cuồng tín



Dan Lee
03-01-2009, 01:26 AM
Uỷ ban đối thoại Vatican–Hồi giáo khẳng định nhu cầu hòa bình và chống cuồng tín


Vatican (VIS) - Một Liên Ủy ban Công giáo–Hồi giáo nhóm họp tuần này tại Vatican đã kết thúc bằng một bản thông cáo chung khẳng định nhiệm vụ của tất cả các lãnh tụ tôn giáo phải thúc đẩy hòa bình và bảo đảm rằng lớp tín đồ trẻ phải được “bảo vệ khỏi chủ nghĩa cuồng tín và bạo lực.”

Sau đây là nguyên văn bản thông cáo chung:

Bản thông cáo chung cuộc Hội nghị thường niên của Liên Ủy ban Đối thoại thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên Tôn giáo (Vatican) và Ủy ban Thường trực al-Azhar phụ trách Đối thoại giữa các Tôn giáo Độc thần (Cairo, Ai cập) họp tại Roma 24-25 tháng 2, 2009

Liên Ủy ban về Đối thoại, thành lập năm 1998, đã nhóm phiên họp thường niên tại Roma vào những ngày thứ Ba 24 và thứ Tư 25 tháng 2 năm 2009. Phiên họp có đồng chủ tọa là Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo, và Giáo sư Học giả Ali Abd al-Baqi Shahata, Tổng thư ký Học Viện Nghiên cứu Hồi giáo tại Cairo, Ai cập.

Phái đoàn Công giáo gồm các vị sau đây: Tổng giám mục Pier Luigi Celata, Bí thư Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo; Đức Ông Khaled Akasheh, Trưởng Văn phòng về Hồi giáo thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo; Tiến sĩ Bernard Sabella, Phó Giáo sư Danh dự về Xã hội học, trường Đại học Bethlehem.

Phái đoàn al-Azhar gồm có: Giáo sư Học giả Ala' al-Din Muhammad Isma'il al-Ghabashi, Giáo trưởng Đại Thánh thất Rome; Giáo sư Học giả Hamdi Muhammad Dasouqi al-Atrash, Giáo trưởng Thánh thất Ostia (Ý).

Các tham dự viên đã nghe trình bầy về đề tài: Triển dương một nền Sư phạm và Văn hóa Hòa bình, đặc biệt đề cập đến vai trò của các Tôn giáo. Tiến sĩ Bernard Sabella đã trình bầy đề tài nói trên theo nhãn quan Công giáo và Học giả Ali Shahata đã trình bầy đề tài này theo quan điểm Hồi giáo.

Những cuộc thảo luận đã diễn ra trong tinh thần tương kính, cởi mở và thân hữu, được phát sinh do sự xác tín về tầm quan trọng của những mối liên hệ tốt đẹp giữa người Kitô giáo-Hồi giáo, và của những đóng góp đặc biệt họ dành cho hòa bình trên thế giới.

Các tham dự viên đã đồng thuận những điểm sau đây:

1. Hòa bình và an ninh là điều rất cần thiết cho thế giới chúng ta hôm nay, nơi có nhiều xung đột và cảm giác thiếu an toàn.

2. Cả người Kitô giáo lẫn người Hồi giáo đều coi hoà bình là một quà tặng của Thượng Đế và, đồng thời cũng là thành quả những nỗ lực của con người. Không thể đạt thành được một nền hòa bình đích thực và lâu dài nếu không có công lý và bình đẳng giữa con người và giữa các cộng đồng.

3. Các nhà lãnh đạo các tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo và Kitô giáo, có nghĩa vụ phải đề cao một nền văn hóa hòa bình, mỗi bên trong phạm vi cộng đồng của mình, đặc biệt qua giáo huấn và giảng thuyết.

4. Một nền văn hóa hoà bình phải được thấm nhập trong mọi khía cạnh của cuộc sống, như: huấn luyện tôn giáo, giáo dục, các liên hệ giữa cá nhân, và nghệ thuật dưới mọi hình thức. Để đạt được mục tiêu này, các sách vở giáo khoa phải được duyệt xét lại để không chứa đựng những tài liệu có thể xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của những tín đồ các đạo khác, hoặc qua cách trình bầy sai lạc về những tín điều, luân lý hoặc lịch sử của các đạo khác.

5. Truyền thông có vai trò và trách nhiệm lớn lao trong việc thúc đẩy những mối liên hệ tích cực và tôn trọng giữa tín đồ các tôn giáo.

6.Vì nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hòa bình và nhân quyền, cần quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ phẩm giá của con người và các quyền của con người, đặc biệt liên quan đến tự do của lương tâm và tự do tôn giáo.

7. Giới trẻ, là tương lai của mọi tôn giáo và của chính nhân loại, cần đặc biệt săn sóc để được bảo vệ tránh khỏi chủ nghĩa cuồng tín và bạo lực, và trở thành những người xây dựng hoà bình cho một thế giới tốt đẹp hơn.

8. Quan tâm đến những nỗi khổ đau dân chúng vùng Trung Đông đang gánh chịu do những cuộc xung đột chưa được giải quyết, các tham dự viên, khi xét đến khả năng của các lãnh tụ chính trị, yêu cầu họ xử dụng, bằng đối thoại, các nguồn tài liệu về luật pháp quốc tế để giải quyết những vấn đề còn gây tranh chấp, trong chân lý và công bình.

Tạ ơn Đấng Thượng Đế Cao cả vì những thành quả dồi dào của cuộc họp này, các tham dự viên thỏa thuận cuộc họp kỳ tới của Ủy ban sẽ được tổ chức tại Cairo từ ngày thứ Ba 23 đến ngày thứ Tư 24 tháng 2 năm 2010.

Học giả Ali Abd al-Baqi Shahata, Trưởng phái đoàn al-Azhar

Hồng Y Jean-Louis Tauran, Trưởng phái đoàn Công giáo

Phụng Nghi