PDA

View Full Version : DĐ - Đệ tam nhân



Dan Lee
03-06-2009, 09:12 PM
CHÚA NHẬT II MC năm B

ĐỆ TAM NHÂN

Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabôrê. Phêrô la lên: "Lạy Chúa, chúng ta ở đây thú vị biết bao!". Thật thế, các ông thấy được một khía cạnh nơi Chúa Giêsu mà các ông chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Điều nầy lưu lại một ấn tượng sâu xa giúp các ông đứng vững trong những ngày đen tối đầy thử thách đang trải dài trước mắt các ông. Từ đây trở đi, Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là một rabbi, con ông thợ mộc ở Nagiarét. Giờ đây Ngài là Đức Kitô, con yêu dấu của Thiên Chúa.

Đã thấy vinh quang

Dòng chữ đầy ý nghĩa nhất ở trong phần mở đầu của đoạn Phúc Âm nầy là: "Chúa Giêsu đã đem ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện." Chúng ta cũng có thể nhớ lại một dịp về sau khi Ngài đem riêng bộ ba đó theo Ngài. Đó là khi ở trong vườn Giếtsêmani. Ở trên núi Tabôrê họ đã thấy vinh quang của Chúa. Ở trong vườn cây dầu, họ đã chứng kiến cảnh hấp hối của Chúa. Đó là lúc trèo lên núi cao. Đó là lúc tụt xuống đất thấp. Ở trên cao họ đã được hỗ trợ cho khi phải xuống đất thấp. Kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay đã ghi lại như sau: "Ngài đã mạc khải vinh quang của Ngài để tăng sức cho họ khi phải đối diện với sự nhục nhã của thập giá." Thật đúng như vậy, nhưng một câu hỏi đã được đặt ra: "Còn đối với chúng ta thì sao?".

Chúng ta có thể đối đầu với nhiều chống đối và bách hại, thử thách và áp lực, nếu chúng ta có được một dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa cho thấy rồi ra cuối cùng mọi sự sẽ được êm xuôi, đâu vào đấy. Chúng ta có điều gì để bám víu vào, có mạc khải nào cho thấy chúng ta sẽ trải qua cơn khủng hoảng khi mất đi một người thân yêu, khi bị sa thải mất việc hoặc bị chối bỏ trong một sự tương giao... mà những điều đó xem ra là cả một vũ trụ đối với chúng ta? Câu trả lời là "có". Trong thực tế, chúng ta đã có những lúc được thấy Chúa biến hình khi Ngài tự mạc khải cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta thấy - thấy và nhận thấy điều gì đang xảy ra đó. Sự nghịch lý lớn lao ở trong Thánh kinh là: "ai có đôi mắt thì bị mù, còn ai mù thì có thể thấy".

Thiên Chúa vô hình

Những nhà thần bí học đã đề cập đến đệ tam nhãn - con mắt thứ ba. Họ nói tới việc nhìn thấy với con mắt của tâm hồn. Họ nói cho chúng ta rằng nếu chúng ta nhìn xem bề ngoài thì chúng ta đánh mất điều cơ bản, cái thực tại ở bên trong. Có một câu đầy ý nghĩa trong sách "The Little Prince"(Vị Tiểu Hoàng Tử). Câu đó là: "Điều gì cơ bản thì con mắt không thể thấy được."

Một quyển sách khác - quyển "Reaching For The Invisible God"(Đạt Tới Thiên Chúa Vô Hình) - đã đặt câu hỏi: "Ở đâu chúng ta có thể trông mong gặp được Thiên Chúa Vô Hình?".Joseph Mary Plunket, thi sĩ người Ái-Nhĩ-Lan là với khả năng con người, đã nhìn thấy Thiên Chúa vô hình ở trong thiên nhiên. Ông đã cảm hứng viết ra bài thơ sau đây:

"Tôi đã thấy huyết Ngài trên đóa hoa hồng,

Và vẻ đẹp của đôi mắt Ngài trên những vì sao.

Thân thể Ngài chiếu sáng giữa màn tuyết trắng muôn thuở,

Những giọt lệ Ngài rơi lã chã từ bầu trời cao."

Thiên Nhiên đã cung ứng cho thi sĩ Plunket những dịp biến hình và ngạc nhiên thay, ông đã chiêm ngắm vinh quang Thượng Đế trong một đóa hoa tươi, một hạt mưa rơi và một cụm tuyết trắng.

Chúng ta cũng thế, chúng ta được diễm phúc nhìn thấy Thiên Chúa vô hình với khả năng con người chúng ta. Phải chăng đôi khi chúng ta đã không hỏi một người thân yêu hãy "nhận ra chúng ta" trong đám quần chúng đông đảo sao? Sự thật họ đã nhận ra và chúng ta vui sướng biết bao khi thấy họ nhận ra chúng ta trong đám đông đó. Chúng ta hãy nhận ra Thiên Chúa với con mắt của tâm hồn. Ngài đến với chúng ta không phải theo cung cách chúng ta nhưng theo cung cách của Ngài. Có thể chúng ta không nhận chân sự hiện diện của Ngài trừ khi chúng ta cố nhìn ra Ngài.

Thiên Chúa trong tô cháo gà

J.D. Salinger đã viết quyển sách "Fanny and Zooey" khiến người đọc phải choáng váng. Một cảnh gây nên ấn tượng lớn là khi Fanny từ trường cao đẳng về nhà, thần kinh bại hoại thê thảm. Cô đang nghiên cứu tỉ mỉ nền thần bí học về đạo giáo và cố gắng đó đã khiến cô căng thẳng tột độ. Thêm vào đó, mẹ cô cảm thấy lo lắng bồn chồn và để biểu lộ điều đó, bà đã dọn cho cô một tô cháo gà. Fanny rõ biết mẹ cô đang ra sức vỗ về cô nhưng sự trao tặng đó chọc giận cô khiến cô văng tục.

Em trai Fanny đang ngồi bàn ăn, nhảy nhổm lên và đối đầu với cô. Cậu thẳng thừng bảo cô là toàn bộ lối tiếp cận của cô đối với tôn giáo đều sai lầm hết: "Nếu tôn giáo là điều chị truy tầm, thì đây là lúc có người nói cho chị biết là chị đang đánh mất mỗi một tác động về tôn giáo đang xảy ra trong căn nhà nầy. Chị không có chút nhận thức khi thưởng thức một tô xúp đã được thánh hóa và đó là loại xúp duy nhất mà mẹ dọn ra trên bàn ăn nầy."

Cậu em đã thấy điều mà cô chị không thấy. Cậu đã nhìn thấy với đệ tam nhãn, sự mạc khải của tình yêu Thiên Chúa ở trong tô cháo gà của mẹ cậu. Fanny mù mắt. Cô có đôi mắt nhưng cô đã không thể thấy. Cô đã không thể thấy Đức Kitô ở trong cuộc sống tầm thường. Cô không thể thấy Ân sũng Thiên Chúa trong một tô cháo gà. Có thể cô đã ganh tị với Phêrô, Giacôbê và Gioan ở trên núi Tabôrê, nhưng cô cũng có một kinh nghiệm về biến hình và giả như cô đã quan sát, có thể cô đã được biến đổi và cô sẽ la lên: "Lạy Chúa, Con tạ ơn Chúa, thật thích thú được ở nơi đây, tại bàn ăn nầy."

Sự mạc khải có thể đã nuôi dưỡng cô, nâng đỡ cô khi xuống tinh thần và giúp đỡ cô qua cơn khủng hoảng.

Thiên Chúa ở đây

Đối với chúng ta thì sao? Chúng ta cũng có thể chứng kiến những cuộc biến hình trong đời sống chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều đó nhưng thường khi đôi mắt chúng ta mất cơ hội thấy Ngài trong cuộc sống thường nhật, khi chúng ta thưởng thức một tô xúp nóng, khi ngắm xem một buổi chiều tà hay một đóa hoa xinh, khi được trao tặng một nụ cười tươi, khi đón tiếp những người anh chị em bất hạnh nhất của chúng ta. Thánh kinh cho chúng ta rõ hoặc là chúng ta thấy Chúa khắp mọi nơi hoặc là chúng ta không thấy Ngài ở đâu hết. Mỗi một cuộc thăm viếng của Thiên Chúa vô hình là một lúc đầy ân sũng khiến chúng ta phải la lên: "Lạy Chúa, chúng con ở đây thật thích thú biết bao!"

Thích thú cho đến đỗi Phêrô, Giacôbê và Gioan đã muốn ở lại mãi trên đỉnh núi Tabôrê. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn dắt họ xuống núi. Không ai sống mãi trên một đỉnh núi. Thỉnh thoảng lên đó một lúc và rồi sau đó phải đi xuống thật xa để có những hoài vọng và cảm hứng mới. Chúng ta phải xuống núi. Sống là sống trong những thung lũng, làng mạc và thị thành. Chính ở đó có nhà cửa, trường ốc, bệnh xá, nhà tù, công sở, hảng xưởng và dinh thự...Đó là nơi người ta sinh hoạt, nơi có sự yêu thương và tha thứ, nơi có được miếng cơm manh áo, nơi vác thánh giá hằng ngày, nơi pha lẫn tiếng khóc và tiếng cười, đàn hát nhảy múa kể cả sinh hoạt cho phần rỗi linh hồn. Đó là nơi làm cho những mảnh đời chúng ta có ý nghĩa. Đó là nơi chúng ta đem thi thố những hoài bão và ước vọng. Chúng ta nên làm chiếu tỏa ánh sáng của núi Tabôrê trong đời sống chúng ta, ánh sáng mà qua đó bộ mặt nhân loại của chính Thiên Chúa được mạc khải.

Lm. Vincent Travers.