PDA

View Full Version : L - Lại… Một Chuyến Đi Chuyện thứ ba – Có Chăng Một Tình… Mẫu Tử?



Dan Lee
03-07-2009, 02:58 PM
Lại… Một Chuyến Đi
Chuyện thứ ba – Có Chăng Một Tình… Mẫu Tử?


13 giờ trưa mùng một tết, bố mẹ tôi và tôi trở về đến Sài Gòn sau khi đi “ăn tết” với đại gia đình từ ngày 28 tết! Đường Sài Gòn trống rỗng! Bố mẹ tôi cùng các Cậu đi chúc tết các người thân quen. Riêng tôi xin phép về khách sạn - giặt quần áo và chuẩn bị cho hành trình “lang thang đêm mùng một!” và nối tiếp nó với hành trình Campuchia vào rạng sáng mùng 2 Tết!

Sau khi đã chuẩn bị xong cho hai chuyến đi – tôi mở computer trả lời email! Thấy nick của cô bạn “phóng viên” vẫn còn sáng! Nghĩ là cô đang… trực, nên tôi nhắn tin hỏi thăm. Không ngờ, cô báo sắp sưả ra trực và rủ tôi đi thăm các người “con nuôi” của cô bên quận 4! Thế là chỉ một tiếng sau, hai chúng tôi len lỏi vào những khu nhà ổ chuột và….vừa thắng xe trước nhà - mọi người nhìn chúng tôi “tò mò.” Vũ nói nhỏ:
- Vũ thì “nhẵn mặt” ở đây rồi - Người ta nhìn là nhìn Thông đó!
Tôi cười không nói gì – Vì trên đường đi đến đây Vũ đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ba chị em mà chúng tôi đến thăm. Và đây là lời của cô bạn Phạm Vũ:
Gọi các em bằng những cái tên yêu thương của thời thơ ấu là điều duy nhất tôi có thể làm để không vô tình nhân lên nỗi bất hạnh các em đang phải gánh chịu, là một cách để giữ lại lòng tin yêu vào cuộc đời cho Chích Chòe, Bé Em và Bé Út...

Mang tên Chích Chòe nhưng cô bé đã không nói được nữa từ năm lên 3 tuổi sau một cơn bệnh nặng. Từ đó em nổi tiếng trong xóm vì tính tình khó chịu, hễ không vừa ý là la khóc ầm ĩ. Thế rồi cũng chính nhờ cái tính ấy mà Chích Chòe đã mang ra ánh sáng một chuyện động trời.

http://thanhlinh.net/baivo/2009/hinhanh/MotChuyenDi5.jpg
Bé Em và Bé Út với những món đồ chơi mang về từ trại hè - Ảnh Phạm Vũ (chụp 2005)

Sau khi ba mẹ ly hôn, bốn mẹ con Chích Chòe về ở với bà ngoại. Rồi mẹ đi lấy chồng khác, mang hai em nhỏ theo cùng, một mình Chích Chòe ở lại với bà. Một lần mẹ đón Chích Chòe đến chơi với các em. Mới được vài ngày thì Chích Chòe bị ông bố dượng giở trò đồi bại, em chống cự quyết liệt đến lần thứ ba thì đành buông xuôi. Mà không buông xuôi sao được khi chính mẹ của Chích Chòe đã cầm cái gối bịt miệng con mình…

Về nhà, bằng nước mắt, bằng sự đau đớn, bằng những tiếng ú ớ, động tác chỉ trỏ, bà ngoại đã hiểu được Chích Chòe vừa gặp chuyện gì. Bà vội đưa em đi khám, làm đơn tố cáo, vội đón Bé Em, Bé Út về. Và bà phát hiện cả Bé Em, Bé Út cũng đã gặp tai họa. Các em đã phải đối diện, phải biết, phải sống cùng cái xấu, cái ác sớm quá. Mức độ của cái ác, cái xấu trong chuyện này cũng ghê gớm quá. Khi ấy Chích Chòe mới 13 tuổi, Bé Em lên 8 và Bé Út lên 7.

Trong phiên tòa xét xử hai vợ chồng “bị cáo” về tội “hiếp dâm trẻ em”, ai nghe chuyện cũng phẫn nộ, ai biết chuyện cũng muốn khóc, vị đại diện viện kiểm sát cũng phải nghẹn lời khi đọc cáo trạng. Mẹ của Chích Chòe cũng khóc: “Bị cáo là mẹ ruột mấy đứa nhỏ, nỡ nào bị cáo hại con mình…”. Trời ơi, nếu như những lời nói đó là sự thật? Nếu bà nói thật thì cả ba cô bé có thể vẫn sẽ phải chịu đau đớn, mất mát, nhưng còn có mẹ ở bên cạnh để chia sẻ, vuốt ve, bù đắp. Đằng này... Sự thật lại không phải như vậy.

Sự thật được thể hiện qua lời khai của chính các em vẫn được giữ nguyên và thống nhất từ đầu tới cuối về sự hiện diện của người mẹ đã trực tiếp gây nên bất hạnh cho con mình. Giờ nghị án, Chích Chòe, Bé Em, Bé Út chạy đến ôm mẹ khóc nức nở. Khi các bị cáo bị dẫn giải về trại giam, cũng ba cái bóng bé nhỏ ấy tất tả chạy theo xe. Đôi mắt của các cô bé thật đen, thật buồn và đầy nước mắt khi nhìn theo mẹ. Không ai bảo ai mà mọi người đều quây lấy ba cô bé, và rồi người ta nhận ra một điều may mắn thật lớn còn sót lại: các em vẫn nguyên vẹn là những đứa trẻ chỉ biết yêu thương, không biết nói dối, không biết hận thù.

Chích Chòe, Bé Em, Bé Út về nhà bà ngoại. Có được một rẻo đất, bà đã bán đi để nuôi cháu. Ai hỏi đến bà, câu trả lời chỉ có nước mắt. “Tôi tật nguyền, thất học, cả cuộc đời xiêu vẹo buôn gánh bán bưng nuôi con. Tuy vậy tôi cũng biết dạy con điều hay lẽ phải, không thể hiểu nổi nó ngu dại thế nào mà làm hại tới cả con mình. Giờ thì tôi đã già yếu, lại tật nguyền, không biết sẽ gánh gồng cho mấy đứa nhỏ được mấy ngày nữa…”.

Thế giới đồ chơi của các em ở nhà bà ngoại có một búp bê bé bằng ngón tay với các bộ quần áo bằng vải vụn mấy chị em tự may, có mấy hòn đá xanh mài nhẵn để chơi chuyền, có các vật trang trí tự làm bằng vỏ trứng. Chỉ ngần ấy thứ là chưa phải chịu những thương tật về tâm hồn và thể xác.

Còn đau đớn hơn khi tôi đọc qua những bài tập làm văn lớp 3, lớp 4 của Bé Em, Bé Út, em viết: “Buổi tối, cả nhà em vây quanh mâm cơm, chuyện trò vui vẻ. Em cảm thấy rất ấm áp, hạnh phúc. Ăn cơm xong, mẹ rửa chén, ba coi tivi, chúng em học bài. Dù có đi đâu, em cũng nhớ về ngôi nhà hạnh phúc, tổ ấm yêu quí của em.”

Đã có rất nhiều người kêu ca về việc dạy học sinh làm văn theo mẫu, hạn chế sự sáng tạo và quan sát, cảm nhận thực tế. Tôi nhớ về điều đó mà thấy lặng người khi đọc những bài tập làm văn của Bé Em, Bé Út. Những điều hạnh phúc trong các bài tập làm văn của các em thật rõ ràng, chỉ là theo mẫu.

Theo cảm nhận thực từ cuộc sống của mình, các em sẽ viết gì? Có lẽ sẽ là những câu hỏi bất tận như Bé Em đang nói: “Mẹ con bị 20 năm tù, như vậy là lâu lắm mới về? Hôm qua ở tòa, mẹ dặn phải vâng lời ngoại, ráng học giỏi. Nhưng con chỉ được học ở trường tình thương đến lớp 5 thôi, nếu đi học tiếp thì phải đóng tiền…”. Bé Út thì thủ thỉ: “Con thích ăn cơm với sườn ram, nhưng bà ngoại bảo đâu có tiền, ngoại chỉ mua hai cái hột vịt xắt ra làm bốn…”.



*************************************************

Với những thông tin đau lòng như thế, tôi cùng Vũ bước vào nhà! Bé Em giờ đã học lớp 10 và Bé Út lớp 9 – nhìn tôi có vẻ thăm dò! Sau này tôi mới hiểu là hai em đã không tin… đàn ông kể từ sau những ngày kinh hoàng đó. Tôi cũng đã rất cố gắng để có thể “hoà đồng” và lấy lấy lòng tin của hai em nhưng đều hình như không có hiệu quả lắm! Nhất là sau việc tôi trả lời bé Út là tôi không phải là “bạn trai” của “mẹ” Vũ (các em gọi vũ bằng mẹ) – khi em hỏi! Điều đó càng làm cho các em… không tin tôi vì nếu không phải “bạn trai” theo lời của em, thì ai lại có giờ rảnh đi đến nhà thăm con nuôi của bạn mình vào mùng một tết! Ừa hén, em cũng có cái lý của em! Vì em bảo: “không ai điên mà lại làm như vậy!” Thôi thì tôi nhận tôi… điên!

Đang ngồi nói chuyện với hai bé thì Chích Choè “bay” về từ ngoài đường - Mỗi ngày em lang thang bán tờ dò vé số để có tiền giúp bà nuôi em! Thấy nhà có người lạ, cho dù đã 20 tuổi, em sà sát vào lòng “mẹ Vũ” và hỏi tôi là ai! Sau đó thì không khí trong nhà có vẻ “khuấy động” hơn với cái nhí nhảnh của cô bé Chích Choè! Nhưng cho dù cả em và tôi có vất “vất vả” cách mấy thì tôi vẫn không hiểu được em nói gì! Mỗi câu em nói, Vũ phải thông dịch lại! Nhưng tôi đã có một buổi chiều mùng một tết với ba em “ôi, vui quá xá bà con ơi!”

Chút Suy Tư:

Người ta thường bảo thời gian sẽ xóa mờ những nỗi đau, nhưng tôi biết nỗi đau của ba cô bé trong câu chuyện này sẽ lớn dần lên theo thời gian, khi các em lớn thêm, hiểu thêm. Nhiều người hỏi tôi rằng các cô bé sẽ sống ra sao, sẽ cần những gì để xoa dịu nỗi đau ấy?
Cả buổi nói chuyện tôi nhận ra rằng bé Út còn chút vô tư và hồn nhiên – có lẽ khi “điều đó” sảy ra em còn quá nhỏ để “hiểu.” Cô chị lớn Chích Choè thì tính lúc nào cũng “nói cười liên tục” nên tôi không/chưa thể hiểu được tính cách của em – riêng cô em giữa - bé Em, cô bé xinh nhất, thỉnh thoảng mới nở một nụ cười! Nhưng cũng chỉ thoáng qua rồi lại vụt tắt. Cô bé lại buồn, một nét buồn rất người lớn, sâu thẳm và chấp nhận!

Cứ mỗi khi tôi viết một bài, tôi lại “khuyến khích” bạn hãy làm một điều gì đó, chứ đừng chỉ đọc xong, buông một tiếng thở dài, gạt hai dòng nước mắt và… coi như không có gì sảy ra! Cô bạn Phạm Vũ đã nhìn thấy ba cảnh đời đó và đã can đảm bước lên nhận trọng trách của… người mẹ với ba cô bé! Dù chưa chồng; dù tuổi đời còn rất trẻ; dù kinh tế khó khăn; dù những chênh vênh và lo toan của cuộc sống – Trong bao năm qua, Vũ đã và đang là người lo cho các em từng cái quần, cái áo đến tiền đóng học phí, các chuyến đi nghỉ mùa hè, cho đến tham dự những cuộc họp “phụ huynh!” Và hơn những cái chỉ thuộc về vật chất, Vũ đã và đang cố gắng làm… người mẹ mà các em không có. Tôi hãnh diện có người bạn như Vũ và hy vọng sau khi tôi viết xong câu chuyện này Vũ sẽ không còn cô đơn trong việc nuôi dạy các em!

Tôi hỏi Vũ, “Vũ dự tính tương lai của các em sẽ thế nào?” Vũ thở dài, nhưng mỉm cười “hy vọng các em còn cảm nhận được tình con người, tình gia đình, tình mẫu tử và cố gắng vươn lên! Còn mình, Vũ chỉ cố gắng những gì mình có thể!”

Vũ cũng bảo, có người sau khi đọc muốn giúp các em, nhưng đòi phải dẫn họ đi gặp mặt, chụp hình và quay phim, nhưng mình từ chối vì các em “còn cả cuộc đời để sống, và để vươn lên!” Điều này thì tôi rất hiểu và thông cảm – vì cũng đã có người hứa cho tôi 100.000 dollars để giúp các trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, với điều kiện tương tự - nhưng tôi đành phải khéo léo… từ chối!

Sau khi lì xì cho các em, chúng tôi ra về nhưng không thể quên được câu chuyện đã sảy đến với các em! Hình ảnh các em sẽ còn mãi trong tôi! (Tôi đã có chụp hình với ba em, nhưng vì ba em không muốn nên tôi mạn phép không đưa lên đây!)

Lạy Chúa, hôm nay con viết bài này là Chủ Nhật thứ nhất Mùa Chay! Bài Tin Mừng nói về những cám dỗ của cuộc sống. Ngay cả Chúa cũng còn bị cám dỗ - huống chi là chúng con! Xin cho chúng con, dù cuộc sống có thể nào đi nữa cũng không thể bán rẻ hình ảnh con người đã được đã tạo dựng trong chính hình ảnh tuyệt vời của Chúa! Và xin cho chúng con, những người “may mắn” hơn họ, biết luôn là cánh tay nối dài chia sẻ tình thương của Chúa giữa trần gian!

Ân Sủng và Bình An,
www.hayyeuthuongnhau.org và www.onebodyvillage.org

Lm Martino Nguyễn Bá Thông