PDA

View Full Version : B - Bánh kẹp, người bị kẹp



Dan Lee
03-07-2009, 03:15 PM
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY (Năm B)

SANDWICH (BÁNH KẸP - NGƯỜI BỊ KẸP)

Mc 9, 2 - 10

Một trong những điều dễ nhận thấy ở dân Mỹ ở giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế nầy, là thay đổi thói quen ăn uống: không còn nhắm lượng nữa, mà muốn có chất và ít tốn kém lãng phí hơn (« lãng mạn » và bớt vẻ phàm phu tục tử hơn). Thời đại thống trị của những cửa hàng thức ăn nhanh, mà đặc trưng là những ổ sandwich của McDonald có vẻ như đang qua đi. Các nước trên thế giới đều lo ngại nước Mỹ sẽ thắt lưng buộc bụng và bảo hộ mậu dịch. Nước Mỹ đang lún sâu vào suy thoái. Ngày 04.03, nhà nghiên cứu người Nga Igor Panarin nhận định: "Có nhiều khả năng sự sụp đổ của nước Mỹ sẽ xảy ra vào năm 2010". Panarin cho biết ông từng có dự đoán sự tồn tại của quốc gia giàu nhất thế giới là Mỹ sẽ kết thúc trong vòng hơn một thập kỷ nữa. Nhưng những khủng hoảng kinh tế gần đây cùng các hiện tượng văn hóa xã hội tại Mỹ thúc đẩy mau hơn "sự kết thúc" này. Cũng theo lập luận của nhà nghiên cứu này, người Mỹ đang trong trạng thái suy sụp về đạo đức và tinh thần. Họ bị chứng stress tâm lý nặng với bằng chứng là các vụ bắn giết trong trường học, số lượng tù nhân khổng lồ và số người gay đông đảo trong xã hội. Tất nhiên vẫn chỉ là suy đoán mang tính chủ quan. Tuy vậy nó nói lên một sự thật: mọi sự đều đổi thay, tốt hơn hoặc xấu hơn là hậu quả của những gì người ta đã và đang xây dựng hoặc hủy diệt xã hội nầy, do vô tình hay có chủ tâm, ở mọi lãnh vực.

Sau một dự báo hết sức tốt đẹp cho tương lai xuất khẩu trái thanh long – đặc biệt là với sự xuất hiện và phát triển mau lẹ của thanh long đỏ mà người ta cho là có nhiều tính năng chữa bệnh – nông dân Việt-Nam lần nữa lại ủ ê thất vọng, vì trái cây – trong đó có thanh long - phải được chiếu xạ trước khi được nhập vào nước Mỹ. Chẳng những cả Việt-Nam chỉ có một trung tâm chiếu xạ các mặt hàng xuất khẩu, mà với giá một đô là Mỹ cho một kí-lô thanh long, trong khi giá bán chỉ còn hơn hai đô-la, là những rào cản không thể vượt qua được. Việc chiếu xạ các lô hàng trái cây để loại trừ mọi chất ô nhiễm có khả năng còn tồn dư trong trái cây là quy định bắt buộc. Việc sử dụng tùy tiện do kém ý thức và thiếu hiểu biết về các loại phân bón, hoá chất, thuốc trừ sâu, kèm theo sự ô nhiễm mội trường trên cả mức báo động đỏ của người dân Việt-Nam, đã ảnh hưởng lớn lao, lâu dài và khủng khiếp trên khắp mọi lãnh vực sản xuất và đời sống. Chất độc lâu ngày tích tụ ở các nguồn lương thực, thực phẩm, không khí, nguồn nước, đã gây ra bao bệnh tật và làm chậm sự phát triển của cả dân tộc, giòng giống. Người ta dễ quên sự thanh luyện các ô nhiễm tâm hồn, linh hồn. Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy đòi hỏi ấy nơi Kitô hữu: một cuộc hiển dung !

Con đường hành hương của ba môn đệ hôm nay diễn ra khác lạ, một hành trình đi về gần như không có mục đích: nghe Chúa gọi, được Chúa chọn thì đi theo, vẫn như lần đầu nghe Chúa gọi cách đó chưa lâu! Các môn đệ khác dường như cũng chẳng thắc mắc, ganh tị gì. Rồi khi đi xuống, các môn đệ tuy còn cảm giác ngây ngất lâng lâng, cũng không để lại dấu vết đậm đà nào trong lòng các ông. Họ không thể chắp nối những gì vừa xảy ra, với vinh quang ngày Người sống lại từ cõi chết và cả vinh quang đời sau dành cho những ai tin theo và phụng sự Chúa, tuân giữ Lời Chúa (Êlia) và luật Người (Môsê), nhưng phản ứng « rất người » vì nghe Chúa Giêsu nói điều xúi quẩy, khi tiên báo cuộc khổ nạn. Vì thế, có thể khẳng định: cuộc Hiển Dung hôm nay chính là vì và cho chúng ta. Giáo Hội muốn chỉ cho mọi tín hữu thấy tầm quan trọng của hiển-dung, bằng việc dành hai ngày riêng là Chúa Nhật II Mùa Chay và ngày 6 tháng 8 để suy tư về hiển dung của Chúa Giêsu và của mỗi tín hữu. Không thể không « hiển dung »! Nước ao tù và ô nhiễm vì không có ý thức và quyết tâm khai thông. Cuộc « đổi đời » không phải như dân Mỹ đổi từ fastfood – mà đặc trưng là bánh kẹp sandwich - sang các thức ăn khác cho phép thưởng thức hơn những gì họ tiêu thụ, mà là thay đổi tận căn suy nghĩ và thái độ ứng xử trong những vấn đề đạo đức, luân lý, hôn nhân và gia đình. Nếu không, thì dù không xảy đến sự sụp đổ kinh tế, nước Mỹ và nhiều nước khác cũng sẽ sụp đổ về đạo đức luân lý, không có cơ cứu vãn được !

« Sandwich » còn có một nghĩa khác rất thú vị, là nghĩa mà chúng ta muốn nói: bị kẹp vào giữa, nghĩa là bị chèn kín giữa những người khác, giữa những bận rộn ngập đầu hoặc sống trong những thói hư tật xấu và tội lỗi. Cuối cùng sẽ bị nuốt chửng! « Vòng xoáy » cuộc đời, với bao tham vọng, với đủ hỉ nộ ái ố, với những lo toan đời sống, đẩy ta vào một cuộc marathon không có đích đến. Chỉ còn cách là chúng ta phải tự ấn định cho mình một đích đến hoặc phải chấp nhận cái đích bất đắc dĩ là sự ngã qụy hoặc đầu hàng. Nhưng trong tư thế « sandwich », không dễ dàng gì để chúng ta thoát khỏi những kìm kẹp ấy, trừ phi chúng ta leo lên đồi cao, núi cao, vượt khỏi những tục lụy tầm thường, để «biến hình » theo Chúa: Lời Chúa và Giới Răn Chúa là hai chìa khoá giúp chúng ta đạt đến sự « hiển dung » hằng ngày, nơi bản thân, cho mọi người chung quanh, để họ cũng nhận ra, ao ước và tin theo. Mỗi chi tiết, mỗi biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời phải được « chiếu xạ » bằng ánh sáng Lời Chúa và Giới Răn Chúa, để loại trừ mọi yếu tố độc hại, gây ô nhiễm cho linh hồn. Xã hội bị tục hoá do bàn tay xúi giục và đạo diễn của Xatan, đã du nhập mọi thứ rác rưỡi, coi thường sự « chiếu xạ » bằng Lời Chúa và Giáo huấn Giáo Hội. Đó là ý nghĩa truyền giáo của Lễ « Hiển Dung » đặc biệt là được sống vào Mùa Chay

Hãy nghe lại lời Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II: ” Nếu thế, làm sao chúng ta lại không thấy Mùa Chay là một cơ hội quan phòng để đưa ra những quyết định do chủ nghĩa vị tha và lòng quảng đại gợi hứng? Mùa Chay ban cho chúng ta những khí giới thiết thực và hữu hiệu là ăn chay và bố thí như một phương thế chiến đấu chống lại một sự gắn bó quá đáng với tiền bạc. Việc trao ban không chỉ từ sự giàu có của chúng ta, nhưng bằng cách hi sinh điều gì đó hơn nữa nhằm ban tặng cho người thiếu thốn, đẩy mạnh sự tự hủy vốn là cơ bản đối với đời sống Ki-tô hữu đích thực” (Sứ Điệp Mùa Chay - Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, ngày 7.1.2003).

Suy nghĩ của Thánh Irênê có thể diễn tả lý do cần thiết của sự biến đổi, hiển dung : « Vinh quang của Thiên Chúa chính là sự sống của con người; và sự sống của con người chính là ước mơ của Thiên Chúa ». Nghe thật lạ tai, nhưng vừa nói lên một chân lý và một mệnh lệnh: Kitô hữu không thể không hiển dung !

CVK Nguyễn-Thế-Bài