PDA

View Full Version : K - Kẻ trá hình



Dan Lee
03-07-2009, 03:20 PM
KẺ TRÁ HÌNH

Mùa chay đã về, mùa của ăn năn sám hối và tập luyện thiêng liêng, nói theo ngôn ngữ của các nhà tu đức. Với các thần học gia, đây lại chính là mùa sống lại mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu.

Có lẽ không tín đồ Kytô hữu nào không ý thức: qua thánh giá, tới vinh quang. Chẳng đoá hồng nào mà không vươn nở từ những chồi gai. Trong nguy khó, gian khổ, bao giờ cũng giúp con người lớn lên và trưởng thành.

Nói đến đau khổ, ai chẳng ngại. Mấy ai thích đau khổ, đau khổ có gì vui? Ai mà chẳng muốn bình an, hoan lạc, thư thái. Đau khổ nào không làm cho người rướm máu, đau khổ nào chẳng gây thương tích, đau khổ nào chẳng khiến mất mát, đau khổ nào chẳng phải tuôn lệ?!

Chẳng ai thích đau khổ nhưng đau khổ chẳng loại trừ ai. Chẳng nơi nào, chẳng con người nào, chẳng quốc gia nào thoát khỏi đau khổ. Đau khổ có mặt khắp mọi nơi, tồn tại khắp nơi trên thế giới và thâm nhập xuyên suốt cuộc sống con người. Ở đâu, nơi nào, đâu đâu cũng nghe nói đến đau khổ, nơi nào cũng có người đau khổ. Nói vậy, đau khổ trở thành gánh nặng cho con người.

Đau khổ xuất hiện nhiễu nhương, bàng bạc trong cuộc sống, người ít kẻ nhiều, mấy ai thoát khỏi khổ đau. Có những đau khổ tự mình gây ra nhưng cũng có những đau khổ chẳng chờ mà đến, chẳng gọi mà vâng. Người ta tìm mọi cách để lánh xa đau khổ tương tự kẻ giàu keo kiệt lẩn tránh đứa ăn mày.

Điều quan trọng không phải đau khổ nhiều ít, nhưng chính là việc tìm ra ý nghĩa đau khổ trong cuộc đời. Làm người, đối diện hàng ngày với những bất an, lo toan của cuộc sống là điều tất yếu. Thế nhưng, chẳng phải cuộc đời anh hạnh phúc, may mắn, ít đau khổ mà ngon, không cứ kẻ bị hết nỗi khốn khó này đến thử thách khác mới là kẻ khốn nạn, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là việc tìm ra ý nghĩa đau khổ trong chính những nỗi gian truân của cuộc đời.

Đau khổ đã là một mầu nhiệm, hiểu được đau khổ đã khó, yêu mến đau khổ và trở nên bạn hữu của đau khổ quả thực chẳng phải chuyện đùa. Không những tìm mọi cách lẩn trốn đau khổ, con người còn tìm đủ phương thế loại trừ đau khổ ra khỏi cuộc sống. Chẳng ai dại, chẳng ai can đảm đủ để chọn đau khổ, ai chẳng thích sung sướng, mấy ai thích thập giá bao giờ?!

Đau khổ gắn liền với thập giá. Có nhiều loại đau khổ cũng như có nhiều cây thập giá, nhưng chỉ có một thánh giá duy nhất, đó chính là thánh giá Đức Kytô. Sống mầu nhiệm đau khổ cũng chính là sống mầu nhiệm thánh giá, mầu nhiệm khổ đau nở rộ giữa nấm mồ.

Tin Mừng hôm nay, thuật lại chuyện Đức Giêsu gọi ba môn đệ thân tín cùng Ngài lên núi. Núi cao bao giờ cũng chỉ đến sự cao cả, uy nghi và hùng vĩ của đất trời. Núi cao cũng là hình ảnh của sự tách biệt, phân định rạch ròi ranh giới đất thấp, trời cao. Núi cao cũng là nơi để dành riêng để bày tỏ những chuyện kín nhiệm, chẳng ai chọn chia sẻ tâm sự chốn ồn ào đông đúc khi nào cả.

Chọn gọi đồ đệ thân tín riêng cho mình đã là một mầu nhiệm, đưa riêng các ông tới một ngọn núi cao càng gây nên khó hiểu. Mầu nhiệm chưa được bày tỏ nhưng cũng đủ để chúng ta ý thức việc được chọn và được sai đi.

Tại sao Ngài phải chọn riêng nhóm đồ đệ, sao lại phải đưa các ông đến tận núi cao? Đất liền bằng phẳng không thú hơn sao, cây cối trùng điệp, rậm rạp, núi đồi cao ngất, sừng sững có gì vui mà khiến Ngài phải mất công tốn sức thế?

Hành động chọn riêng không phải để phân bua hơn thiệt hay lo lắng mất mát. Việc Đức Giêsu chọn gọi riêng các đồ để lên núi với mình chính là một hành vi tín nhiệm để mà trao phó, động viên, khuyến khích và củng cố niềm tin để các tông đồ thêm xác tín vào quyền năng của Chúa mà cất bước theo Ngài vững vàng hơn.

Hôm nay Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ thân tín được tận mắt chứng kiến uy danh cao cả và quyền năng lạ lùng của Ngài. Sự biến đổi hình dạng của Ngài không nhằm mục đích phô trương hay tự cao tự đại nhưng không gì hơn ngoài việc mở mắt đức tin để các ông được chứng kiến tỏ tường phép lạ biến hình mà Ngài đã thực hiện. Vén mở cho các ông thấu tỏ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, sự thông hiệp sâu thẳm giữa Ba Ngôi cũng như sứ mạng quan trọng của Ngài. Một sứ mạng không gì khác hơn ngoài việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa để sống cho con người và vì con người.

Ý Chúa bao giờ cũng khác ý mình, giữa con người với nhau còn chẳng dễ tìm thấy sự chung nhất, lấy gì tìm được sự hoà hợp trong thánh ý Thiên Chúa. Có một điều chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn sự ác cho con người, thế nhưng con người thường hay đi ngược với ý định và đường lối của Thiên Chúa.

Đức Giêsu với danh phận là Thiên Chúa nhưng Ngài luôn sống trọn vẹn tâm tình vâng phục và yêu mến thánh ý Thiên Chúa. Điều làm Thiên Chúa vui nhất, thoả lòng nhất cũng chính là việc chu toàn thánh ý Người “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9, 8).

Lạy Chúa, thích hưởng thụ, an nhàn bao giờ cũng là ý thích chung của con người, vì nó phù hợp với tâm lý hưởng thụ bao đời. Thế nhưng, chỉ thích thôi mà không sống thì cuộc sống chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Ngay từ thơ bé con đã chẳng thích đau khổ, chẳng bao giờ con muốn nói đến nó hay nhìn thấy nó tồn tại trong cuộc đời, nhất là song hành bên con. Vậy mà, ngày càng ngày con càng khám phá, chẳng cuộc sống nào, con người nào thiếu vắng đau khổ trong thường nhật, vậy nên chẳng miễn trừ con. Đau khổ thật ra cũng dễ thương, chẳng đáng bị mọi người nguyền rủa và xa tránh thế đâu. Đau khổ chính là phương thế hữu hiệu nhất giúp con người tồn tại, thăng tiến và phát triển. Đàng sau lớp áo đẫm máu và nước mắt chính là màu hoa thập giá nở rộ, những cánh hoa sắc thẫm đỏ tía nhưng oai hùng và oanh liệt. Cần phải mạnh mẽ can trường trong mọi thử thách để vươn lên, trưởng thành, đừng tự mình giết mình nhưng hãy tìm mọi cách cứu mình thoát khỏi mớ rối oan nghiệt. Cũng vậy, đứng trước mầu nhiệm tử nạn thảm khốc, mấy ai không đau xót e ngại. Xin Chúa giúp con biết can đảm cất bước, dẫu có phải lên đến đỉnh núi cao, con cũng không e ngại vì có Chúa luôn che chở phù trì. Xin Chúa giúp con hiểu rằng, vượt qua đau khổ, thử thách sẽ giúp con nên như đoá hoa trên đỉnh cao thập tự, toả ngàn hương thơm ngát. Xin Chúa giúp con vững tin rằng khi hứng nhận đau khổ cũng chính là lúc con tự mình biến hình vì Chúa, vì tha nhân và ngay chính lúc con biết sống vâng phục thánh ý, cũng chính là khi con để Chúa biến hình con thay cho kẻ trá hình đã khiến con phải biến hình...

M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.