PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay B



Dan Lee
03-12-2009, 11:36 PM
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay B

TÔN TRỌNG và BẢO VỆ ĐỀN THỜ (Ga 2:13-25)

=====================================



Với người có niềm tin tôn giáo, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa, Thượng Đế, Thần Linh…hiện diện giữa dân Ngài. Bởi thế, tín hữu Do Thái Giáo xưa có đền thờ Giêrusalem một thời oanh liệt / tín đồ Phật Giáo có Chùa Vàng ở Thái Lan nguy nga sang trọng / người Hồi Giáo có đền thờ La Mecque bên xứ Arabie Saoudite giàu có / người Công Giáo có đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma kiến trúc đẹp mắt, khách du lịch đến thăm viếng hàng năm / đạo Cao Đài có Thánh Thất ở Tây Ninh uy nghi tráng lệ.



Bên cạnh những đền đài nổi tiếng trên, người ta còn thấy có biết bao nhà thờ, chùa chiền, đình, miếu…to nhỏ khác nhau: các tín hữu khắp thế giới thường xuyên đến tụ họp để làm việc thờ phượng Đấng mình tôn kính. Niềm tin tôn giáo luôn ăn sâu vào trong tâm thức mỗi tín đồ, thể hiện qua những việc mộ đạo trong đời sống tâm linh.



Cũng như bao người Do Thái khác, vào dịp Lễ Vượt Qua: Chúa Giêsu thường lên Giêrusalem để mừng lễ với Mẹ Ngài và các môn đệ. Tại nơi thánh thiêng, Chúa nhận thấy một nhóm người đã lợi dụng sinh hoạt tôn giáo biến nó thành khu vực kinh doanh bất chính, Ngài đã nghiêm nghị tỏ thái độ phản kháng hành vi sai trái của họ, tái lập lại vị trí Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện đúng nghĩa của nó.



Ta cùng suy niệm về việc: tôn trọng và bảo vệ Đền Thờ vật chất, đồng thời nhấn mạnh thêm vấn đề tôn kính và bảo quản Đền Thờ tâm hồn của mình.



A. Lễ Vượt Qua của người Do Thái ở đền thờ Giêrusalem.



1. Bình thường, khi mừng lễ Vượt Qua nơi đền thờ Giêrusalem, người Do Thái quen làm 3 việc:



+ thờ phượng Thiên Chúa ngự trong đền thờ.

+ dâng tiến lễ vật.

+ nộp thuế đền thờ.



Lễ vật dâng tiến Thiên Chúa thường là: chiên, bò, cừu (nếu gia đình khá giả) hoặc chim bồ câu

(gia đình nghèo, như: Thánh Gia Nazareth). Người ở vùng sâu vùng xa, khi lên Giêrusalem phải mất nhiều ngày đàng, ít mang gia súc đi theo mình vì cồng kềnh, đến nơi họ mới mua súc vật làm của lễ dâng tiến. Bất đắc dĩ, họ phải mua chiên bò tại đền thờ với giá cắt cổ do nhóm phục vụ đền thờ chủ mưu.



Đồng tiền nộp thuế cũng vậy. Thông thường, người Do Thái lưu hành tiền tệ Rôma ngoài xã hội, vì thời ấy họ đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Tuy nhiên, khi vào trong đền thờ sinh hoạt tôn giáo, họ phải đổi tiền Rôma sang tiền riêng của đền thờ để nộp thuế. Nhóm phục vụ đền thờ đã nâng cao tỷ giá hối đoái, buộc khách hành hương phải miễn cưởng đổi tiền Rôma lấy tiền đền thờ theo giá quy định của họ. Làm như thế, họ bóc lột móc túi người vào đền thờ cách khéo léo, không ai dám kêu ca.



Rõ ràng việc mua gia súc làm lễ vật và đổi tiền nộp thuế ở sân chư dân bên ngoài là sinh hoạt hợp lý khi vào đền thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu không than trách việc này nhưng Ngài phải mạnh tay chắp dây thừng làm roi quất đuổi bọn buôn bán gia súc và hất tung tiền tệ những người đổi bạc, vì:



+ khách hành hương, dân nghèo bị bọn buôn bán bóc lột trắng trợn.

+ nhóm phục vụ đền thờ đã lợi dụng buôn thần, bán thánh.

Họ đã biến Nhà Chúa thành nơi kinh doanh bất chính thay vì là nơi cung cấp nhu cầu.

Họ đã dùng Chốn Tôn Nghiêm làm nơi đầu cơ, trục lợi, tham ô gian dối.



Chúa Giêsu hành động đúng vì muốn bảo vệ nơi thánh thiêng, nêu cao cho con người biết ý thức tôn trọng giá trị Nhà của Chúa. Ngài làm thế, chỉ vì “lòng nhiệt thành với nhà Chúa” mà thôi.



B. Tôn trọng và bảo vệ đền thờ vật chất.



1. Người Do Thái ngày xưa luôn hãnh diện về đền thờ Giêrusalem, nơi Giavê Thiên Chúa ngự trị. Họ sẵn sàng dâng cúng nhiều vàng bạc đá qúi để xây dựng Nhà Chúa nguy nga tráng lệ. Các môn đệ Chúa Giêsu đã không tiếc lời ca ngợi trầm trồ về vẻ đẹp của nó ( Mc 13:1 / Mt 24:1 / Lc 21:5 ). Thế nhưng, đại binh tướng Titô đã phá hủy đền thờ khoảng năm 70, Giêrusalem huy hoàng ngày xưa, nay chỉ còn trơ lại một bức tường than khóc, với nhiều vết tích đổ nát.



2. Người Hồi Giáo với đền thánh La Mecque, nước Saudi Arabia: nơi họ tôn thờ Đấng Allah, được xây dựng kiên cố. Nhằm tôn trọng nơi thánh thiêng, họ đặt ra luật lệ: bất cứ tín đồ nào bước vào trong đền thờ, đều phải cởi giày để bên ngoài tiền đường. Mỗi giờ cầu nguyện, có cả hàng ngàn người tham dự: khi ra về, nhiều người lẫn lộn giày dép của nhau là chuyện thường ngày.



3. Người công giáo VN, khi du cư sang xứ người Hoa Kỳ, lòng vẫn nhớ về quê cha đất tổ. Một lần thôn làng quê nhà có chương trình xây dựng thánh đường mới, thay cho nhà thờ cũ bị hư hại mục nát: người Việt hải ngoại không tiếc dâng cúng tiền của, gửi về làng xưa đóng góp rộng tay giúp kiến thiết Nhà của Chúa.



Vào nơi Chúa ngự: ai cũng ăn mặc lịch sự, đi đứng nghiêm trang, qùy lạy, bái gối, cúi đầu… tôn kính. Tham dự thánh lễ: trẻ con không ra vào cười giỡn, chạy nhảy gây huyên náo / người lớn tự động off điện thoại cầm tay…hướng nguyện lên Đấng Tối Cao. Hàng tuần, các nhóm giáo dân thiện chí thay nhau làm công tác clean-up nhà thờ, tưới hoa cắt cỏ, kiểm soát và sửa chữa hệ thống điện nước, máy móc trong Nhà Chúa: nói lên sự quan tâm, bảo vệ cơ sở vật chất hoàn chỉnh.



Nói chung, “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện”: các giáo hữu luôn biết tôn trọng và bảo vệ tốt, tránh để nhà ấy thành Bảo Tàng Viện, không người lui tới / thành kho hoang phế, không người chăm sóc. Làm thế nào để “sự nhiệt thành vì Nhà Chúa không ngừng thiêu đốt ta”.



C. Tôn trọng và bảo vệ đền thờ tâm hồn.



Thánh Phaolô viết: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, có Thánh Thần ngự trị”(1 Cr 4:16). Bởi thế, mỗi người cần tôn trọng, bảo vệ và tu dưỡng thân xác mình luôn tinh tuyền tốt lành.



1. Tôn trọng bản thân mình và tha nhân:

+ không thù oán, tìm cách hại người khác.

+ không dùng thân xác làm trò chơi tội lỗi xấu xa.

+ không hủy hoại thân xác bằng bia rượu, thuốc phiện..

+ không tự diệt thân xác khi tuyệt vọng, chán chường.



* Gương Thánh Đaminh Saviô: “Thà chết còn hơn phạm tội” ( Death, but not sin ! )



2. Bảo vệ thân xác mình và anh em.

+ không để tư tưởng xấu, đồi bại, tục tĩu..len lỏi vào.

+ quyết tâm chống lại những cám dỗ của ma qủi.

+ làm việc đạo đức thường xuyên, gắn bó với Chúa.

+ đón nhận Bí tích đều hoà, kín múc Ơn Thánh Chúa.



* Gương Thánh Maria Goretti: cương quyết bảo vệ sự thanh khiết của mình, dù phải đổ máu.





3. Tu dưỡng thân xác mình:

+ rước Chúa hàng tuần, xưng tội hàng tháng, xét mình từng đêm.

+ siêng năng đọc Kinh Thánh, suy tư Phúc Âm Sống mỗi ngày.

+ đọc sách báo Đạo, xem nghe chương trình thông tin công giáo.

+ nhận biết Thánh Ý Chúa trong biến cố đời thường.



* Gương Thánh Giuse: người công chính, luôn tôn trọng và bảo vệ Gia Đình Thánh tốt đẹp.



- tôn trọng và bảo vệ Maria chính trực, dù hoài nghi việc vợ mình mang thai.

- tôn trọng và bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn, suốt thời gian di cư tỵ nạn Ai Cập.

- tôn trọng và bảo vệ cuộc sống Thánh Gia Nazareth ổn định, với nghề mộc khiêm tốn đói

no không màng.



D. Lời nguyện kết:




Lạy Chúa Giêsu!

Chúa đã nhiệt thành bảo vệ đền thờ Cha Ngài ở Giêrusalem nên tươi tốt.

Thánh Giuse cũng đã kiên cường bảo vệ gia đình thánh, nơi có Chúa và Đức Mẹ ngự trị.

Xin giúp con gìn giữ Xác Hồn Con luôn trong trắng, nơi Thánh Thể Chúa hiện diện trong con

mỗi ngày. AMEN.



Rev.Dominic Trần Điều, SDD.