Dan Lee
03-19-2009, 10:26 PM
Giuđa hôn Thầy
Hỏi: Kính thưa cha, khi nghĩ tới cái hôn Giuđa dùng để chỉ điểm Thầy mình, con cảm thấy ghê tởm. Nhưng trong Tin Mừng, không phải chỉ có cái hôn phản bội đó, phải không, thưa cha? (Têrêsa Ngọc Nga).
Chị Ngọc Nga thân mến,
Câu hỏi của chị tưởng như chỉ là một câu hỏi mang tính tò mò, nhưng lại giúp sống tinh thần sám hối Mùa Chay đấy.
Trong Kinh Thánh, “cái hôn” là một dấu chỉ tình yêu thương âu yếm cũng như của lòng kính trọng. Dừng lại với các Tin Mừng, chúng ta thấy có động từ Hy-lạp phileô vừa có nghĩa là “hôn”, vừa có nghĩa là “yêu thương”; như vậy, cái hôn là một hành vi bên ngoài biểu lộ tâm tình yêu thương trong lòng. Còn một động từ Hy-lạp khác là kataphileô có nghĩa là “hôn thắm thiết, nồng nàn”; trong động từ này vẫn có động từ phileô; còn tiếp-đầu-ngữ kata ở đây có nghĩa là “cách trọn vẹn”, nên có thể mô tả kataphileô theo nghĩa gốc là “yêu thương trọn vẹn”.
Thế nhưng “cái hôn”, dấu chỉ của tình yêu này đã được con người ứng dụng nhiều cách.
1) Cái hôn của Giuđa
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến cái hôn của Giuđa (Mt 26,48-49; Mc 14,44-45; Lc 22,47-48). Nét tinh tế của các tác giả Tin Mừng là ở chỗ này: Các ngài kể rằng Giuđa đã cho đám người đi bắt Đức Giêsu một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó” (Mt 26,48//Mc Mc 14,44//Lc 22,47); chữ “hôn” ở đây là phileô. “Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: ‘Rabbi, xin chào Thầy!’, rồi hôn Người” (Mt 26,49//Mc 14,45); chữ “hôn” ở đây lại là kataphileô, “hôn thắm thiết, nồng nàn”. Giuđa đã dùng một cử chỉ để diễn tả “tình yêu thương tha thiết, trọn vẹn”, “cái hôn thắm thiết”, để phản bội Đức Giêsu là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể! Một trái tim phản bội che giấu hành vi bất lương dưới một cái hôn nồng nàn…
2) Cái hôn của người phụ nữ vô danh
Tuy nhiên, có một người phụ nữ đã biết dùng hành vi yêu thương này thật tế nhị. Không phải là cô Maria ở Bêtania (Mt 26,6-13 và Mc 14,3-9 không nêu tên nhân vật, nhưng so sánh với Ga 12,1-8 thì có thể xác định là Maria), cũng không phải là Maria Mácđala mà truyền thống nghĩ là được nói đến trong câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” (Ga 8,2-11), vì các bản văn không nói là họ hôn Đức Giêsu. Đây là một “người phụ nữ tội lỗi trong thành”, nghĩa là “tội lỗi công khai” (xin đọc bản văn Lc 7,36-50). Chị đã “đứng đàng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Chữ “hôn” ở đây là kataphileô, “hôn thắm thiết”. Một tâm hồn tội lỗi đến gặp Đức Giêsu để thú nhận tình trạng bất chính của mình cùng với lòng kính trọng và tâm tình biết ơn sâu xa bằng những nụ hôn thắm thiết đặt lên chân Người…
3) Cái hôn của người cha
“Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). “Hôn lấy hôn để” là công thức mà Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dùng để dịch kataphileô. Người cha đã ôm cổ đứa con hoang đàng mà hôn với hết lòng yêu thương của ông, trong khi anh ta quay về với lòng dạ giả dối, với một “bài diễn từ” dọn sẵn, chỉ cốt để khỏi chết đói (x. Lc 17,17-18). Câu chuyện này chỉ là một dụ ngôn, nhưng “có thật”, vì Đức Giêsu dùng để bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta. Thiên Chúa vẫn “hôn” chúng ta nồng nàn trong ơn tha tội, để đón chúng ta trở về, dù mấy khi lòng chúng ta quay trở về với Người với trọn con tim?…
4) Tin Mừng còn nói đến cái hôn nào?
Các Tin Mừng không còn nói đến cái hôn nào nữa, trừ phi là, một cách lố bich, người ta cả gan chú giải và dịch méo mó lời Đức Giêsu và ông Phêrô trao đổi với nhau: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến (phileis) Thầy không? – Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến (philô) Thầy” (Ga 21,17). Bản văn Hy-lạp dùng động từ phileô, nhưng dĩ nhiên phải hiểu là “yêu mến”, chứ không phải là “hôn”.
Còn chúng ta có thể tưởng tượng, và ở đây chúng ta không còn ở trong bình diện chú giải bản văn nữa, mà là suy niệm thiêng liêng rồi, là: Khi đón lấy thi hài của Đức Giêsu được tháo xuống từ trên thập giá và đặt trong mộ, Đức Maria làm sao lại không hôn người con yêu dấu của mình? Cái hôn thê thảm của người mẹ từ biệt con, cái hôn đau đớn của người môn đệ từ biệt thầy, nhưng hẳn cũng là cái hôn vui mừng hãnh diện vì thấy con, thấy thầy mình đã hoàn tất sứ mạng cách anh hùng: một cái hôn để ghi dấu sự hoàn tất và một cái hôn để dâng tất cả về cho Chúa Cha.
Hy vọng một vài chia sẻ trên đây có thể góp phần hỗ trợ cho chị đi trọn con đường Mùa Chay.
Lm PX Phan Long, ofm
Hỏi: Kính thưa cha, khi nghĩ tới cái hôn Giuđa dùng để chỉ điểm Thầy mình, con cảm thấy ghê tởm. Nhưng trong Tin Mừng, không phải chỉ có cái hôn phản bội đó, phải không, thưa cha? (Têrêsa Ngọc Nga).
Chị Ngọc Nga thân mến,
Câu hỏi của chị tưởng như chỉ là một câu hỏi mang tính tò mò, nhưng lại giúp sống tinh thần sám hối Mùa Chay đấy.
Trong Kinh Thánh, “cái hôn” là một dấu chỉ tình yêu thương âu yếm cũng như của lòng kính trọng. Dừng lại với các Tin Mừng, chúng ta thấy có động từ Hy-lạp phileô vừa có nghĩa là “hôn”, vừa có nghĩa là “yêu thương”; như vậy, cái hôn là một hành vi bên ngoài biểu lộ tâm tình yêu thương trong lòng. Còn một động từ Hy-lạp khác là kataphileô có nghĩa là “hôn thắm thiết, nồng nàn”; trong động từ này vẫn có động từ phileô; còn tiếp-đầu-ngữ kata ở đây có nghĩa là “cách trọn vẹn”, nên có thể mô tả kataphileô theo nghĩa gốc là “yêu thương trọn vẹn”.
Thế nhưng “cái hôn”, dấu chỉ của tình yêu này đã được con người ứng dụng nhiều cách.
1) Cái hôn của Giuđa
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến cái hôn của Giuđa (Mt 26,48-49; Mc 14,44-45; Lc 22,47-48). Nét tinh tế của các tác giả Tin Mừng là ở chỗ này: Các ngài kể rằng Giuđa đã cho đám người đi bắt Đức Giêsu một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó” (Mt 26,48//Mc Mc 14,44//Lc 22,47); chữ “hôn” ở đây là phileô. “Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: ‘Rabbi, xin chào Thầy!’, rồi hôn Người” (Mt 26,49//Mc 14,45); chữ “hôn” ở đây lại là kataphileô, “hôn thắm thiết, nồng nàn”. Giuđa đã dùng một cử chỉ để diễn tả “tình yêu thương tha thiết, trọn vẹn”, “cái hôn thắm thiết”, để phản bội Đức Giêsu là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể! Một trái tim phản bội che giấu hành vi bất lương dưới một cái hôn nồng nàn…
2) Cái hôn của người phụ nữ vô danh
Tuy nhiên, có một người phụ nữ đã biết dùng hành vi yêu thương này thật tế nhị. Không phải là cô Maria ở Bêtania (Mt 26,6-13 và Mc 14,3-9 không nêu tên nhân vật, nhưng so sánh với Ga 12,1-8 thì có thể xác định là Maria), cũng không phải là Maria Mácđala mà truyền thống nghĩ là được nói đến trong câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” (Ga 8,2-11), vì các bản văn không nói là họ hôn Đức Giêsu. Đây là một “người phụ nữ tội lỗi trong thành”, nghĩa là “tội lỗi công khai” (xin đọc bản văn Lc 7,36-50). Chị đã “đứng đàng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Chữ “hôn” ở đây là kataphileô, “hôn thắm thiết”. Một tâm hồn tội lỗi đến gặp Đức Giêsu để thú nhận tình trạng bất chính của mình cùng với lòng kính trọng và tâm tình biết ơn sâu xa bằng những nụ hôn thắm thiết đặt lên chân Người…
3) Cái hôn của người cha
“Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). “Hôn lấy hôn để” là công thức mà Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dùng để dịch kataphileô. Người cha đã ôm cổ đứa con hoang đàng mà hôn với hết lòng yêu thương của ông, trong khi anh ta quay về với lòng dạ giả dối, với một “bài diễn từ” dọn sẵn, chỉ cốt để khỏi chết đói (x. Lc 17,17-18). Câu chuyện này chỉ là một dụ ngôn, nhưng “có thật”, vì Đức Giêsu dùng để bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta. Thiên Chúa vẫn “hôn” chúng ta nồng nàn trong ơn tha tội, để đón chúng ta trở về, dù mấy khi lòng chúng ta quay trở về với Người với trọn con tim?…
4) Tin Mừng còn nói đến cái hôn nào?
Các Tin Mừng không còn nói đến cái hôn nào nữa, trừ phi là, một cách lố bich, người ta cả gan chú giải và dịch méo mó lời Đức Giêsu và ông Phêrô trao đổi với nhau: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến (phileis) Thầy không? – Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến (philô) Thầy” (Ga 21,17). Bản văn Hy-lạp dùng động từ phileô, nhưng dĩ nhiên phải hiểu là “yêu mến”, chứ không phải là “hôn”.
Còn chúng ta có thể tưởng tượng, và ở đây chúng ta không còn ở trong bình diện chú giải bản văn nữa, mà là suy niệm thiêng liêng rồi, là: Khi đón lấy thi hài của Đức Giêsu được tháo xuống từ trên thập giá và đặt trong mộ, Đức Maria làm sao lại không hôn người con yêu dấu của mình? Cái hôn thê thảm của người mẹ từ biệt con, cái hôn đau đớn của người môn đệ từ biệt thầy, nhưng hẳn cũng là cái hôn vui mừng hãnh diện vì thấy con, thấy thầy mình đã hoàn tất sứ mạng cách anh hùng: một cái hôn để ghi dấu sự hoàn tất và một cái hôn để dâng tất cả về cho Chúa Cha.
Hy vọng một vài chia sẻ trên đây có thể góp phần hỗ trợ cho chị đi trọn con đường Mùa Chay.
Lm PX Phan Long, ofm