PDA

View Full Version : X - “Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ”



Dan Lee
03-20-2009, 06:59 AM
“Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ”

Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy, đôi hàng lệ ướt tương tư


(Phạm Duy – Pháp thân)

(Đn 6: 10)

Một hôm nọ, bần đạo líu tíu theo đám bạn, ghé chùa Vạn Hạnh ở Canberra, làm màn thăm dân/quan nho nhỏ, bỏ túi. Vãn cảnh chùa, có tăng ni/nhân sự. Có báo chí/sách đọc chốn thiền môn. Vãn và thăm, bần đạo mới gặp được cuốn sách mỏng của “thiền sư” có tựa đề bằng Anh ngữ “A guide to walking meditation” (tạm dịch là: “Vào Chốn Thiền Hành”). Sách nhẹ mỏng, nhưng bắt mắt, rất dễ đọc. Đọc tại chỗ, cho bõ công đường dài rong ruổi “tội lắm anh ơi!” Tiếc một điều, là: sách của sư/tăng hôm ấy, không có bản tiếng Việt, dễ nuốt trôi. Duy, mỗi bản dịch qua Anh ngữ của Ánh Hương. Thôi thì thôi nhé, cũng đành tự chuyển ý/chuyển lời của tăng sư nhà Phật, bằng ngôn ngữ nhà Đạo. Hầu xem sao.

Ở cuối sách, bần đạo được đọc một đoạn viết, chỉ thoáng nhìn đã thấy hay. Hay và thích, ở chỗ: nó hao hao giống những điều mà bạn và tôi, ta từng nghe/biết, rất nhiều lần. Nay, mạn phép tăng/ni nhà Phật, cho bần đạo chuyển đạt ý/lời qua thơ văn nhà Đạo, rất xôn sao, như sau:


“Hãy cảm tạ, những người làm bạn gục ngã, và đớn đau
bởi điều đó, sẽ giúp bạn củng cố thêm nhiều quyết tâm.
Hãy cảm tạ, những người từng lừa phỉnh bạn bè,
bởi có thế, bạn mới đào sâu được ý nghĩa, của sự việc.
Hãy cảm tạ, những người từng làm đớn đau,
bởi có thế, bạn mới thấy bớt những cản trở của nghiệp chướng.
Hãy cảm tạ, những người bỏ bạn lại một mình,
bởi có như thế, bạn mới học hỏi cách sống âm thầm, tư riêng.
Hãy cảm tạ, những người từng làm bạn vấp ngã,
bởi có thế, mới giúp bạn tăng cường khả năng của chính mình.
Hãy cảm tạ, những người từng lăng nhục bạn,
bởi nhờ thế, bạn mới tỏ ra uyên bác và tập trung mọi quan năng.
Và cuối cùng,
hãy biết ơn những ai làm bạn vững lòng và cứng cỏi,
cả những ai đã giúp mình đạt đến thành công.” (lời huyền tăng Chin Kung)

Vẫn biết rằng, trích dẫn lời bàn từ chốn tăng ni nhà Phật rất ư là “sắc sắc không không”, về những chuyện mà bạn và tôi, ta không chuyên. Nhưng trích và dẫn ở đây, là để nói lên một gặp gỡ rất Đông-Tây. Gặp, về đạo lý. Gặp cả, về những chuyện “thần”, để học. Học, về đạo của tôn giáo ở đất trời về hướng Đông. Nhè nhẹ. Xuyên suốt. Âm thầm. Dù, sắc sắc không không, với nhà Đạo mình, đó có là tư tưởng gây ưu tư, khắc khoải? Có, làm mình bận tâm? Bận đến tâm, vì tư tưởng nhà Đạo, vẫn không là lời bàn vu vơ. Lơ mơ. Có đó, rồi mất đó. Nhưng, rất chắc nịch. Rất tin yêu. Mỹ miều.

Hôm nay, kể chuyện Đông-Tây, ta lại nhớ đến truyện kể, về thời trước. Thời, mà Công Đồng Chung Vatican II đã bàn. Bàn, về chuyện xoay chuyển bàn thờ, sao cho đúng. Sao cho thích hợp với “Đông Tây/kim cổ”.

Vừa qua, ở Sydney, có một bạn đọc rất đạo mạo, dám mạo muội gửi thư lên “đức thày” tên gọi là John, giòng họ Flader, để hỏi. Hỏi, là hỏi về lý sự vì sao ta cứ xoay chuyển bàn thờ, hết “Tây Phương Cực Lạc’, rồi phía Đông. Bạn, tuy gọi là bạn đọc, có lẽ còn hơi trẻ, nên mới dám chuyển ngỏ đôi lời, thành thư viết, như sau:

“Tôi có người bạn thuờng thích dự nghi tiết tế tự theo hình thức của Công Đồng Triđentinô. Là, Công Đồng Chung xưa cũ, không hợp thời. Bạn, vẫn dùng vài chứng cứ thực tế để đưa ra điều hay/cái lợi của thánh lễ có bàn thờ và vị chủ tế quay lưng về phía bổn đạo, mà họ gọi, là: “hướng phía Đông”. Bản thân tôi, lâu nay chỉ biết có thánh lễ trong đó tôi thấy vị linh mục chủ tế toàn quay về phía giáo dân, mà thôi. Không hiểu sao, bạn tôi lại cứ thích kiểu cách rất khác biệt. Có thể nào, xin linh mục ban cho vài tia sáng chỉ dẫn để ta thấy rõ vấn đề này, hơn?

Chẳng cần nói, bạn cũng như tôi, ta khá hiểu tâm trạng của các đấng bậc “nhà báo”, vốn vẫn chờ độc giả đến hỏi, rồi sẽ thưa. Thưa, như lời thưa hôm nay, rất chính mạch. Chính xác, một nguồn mạch, như sau:

“Theo truyền thống, việc quay tầm mắt nhìn về một phía để mà nguyện cầu, là một phần trong quá trình hành xử của một số tôn giáo lớn trên thế giới. Như ta biết, Hồi giáo là đạo chủ trương ta phải quay hướng tầm nhìn về phía Mecca, thánh địa của họ. Người Do Thái, trong khi đó, lại hướng tầm nhìn về với đền thánh Giêrusalem, của mọi thời. Thời Cựu Ước, rõ ràng là họ chỉ hướng về nơi nào có sự hiện diện của Thiên Chúa; tức: có Đền Thờ. Điều này, có thể nhận thấy nơi sách tiên tri Đanien, đoạn 6 câu 10.

Vào năm 70 Công nguyên, sau khi Đền Thờ Chúa bị phá huỷ, người Do Thái có thói quen hay quay hướng tầm nhìn về với Thành Thánh Giêrusalem, nơi có nền phụng vụ tổ chức tại hội đường. Theo cách này, các vị tỏ bày niềm hy vọng, rằng: vào khi Đức Mêsia đến lại, Ngài sẽ xây dựng Đền Thánh Chúa trở lại, ngõ hầu tập họp dân con Đạo Chúa đến từ khắp nơi, cả bốn phương trời, lành lặn.

Tín hữu Đạo Chúa thời tiên khởi, thay vì hướng về với Đền thánh Giêrusalem ở dưới đất, lại quay về với Giêrusalem rất mới, ở trên trời. Ai nấy tin tưởng rằng: khi Chúa trỗi dậy từ cõi chết, Ngài sẽ ngự đến trong vinh quang, mừng vui. Ngài sẽ tập họp những kẻ tin vào Ngài, để cùng thiết lập một Giêrusalem mới. Họ làm thế, vì nhận thấy nơi mặt trời đang mọc, một biểu tượng minh chứng Chúa Phục Sinh và Ngài sẽ lại đến lại. Chính vì thế, với họ, nguyện cầu quay hướng về phía Đông, mới là việc tự nhiên. Sự việc này, có chứng cứ cho thấy: phần đông tín hữu trên thế giới đều cùng quay về hướng Đông, phía có mặt trời mọc, để nguyện cầu. Và việc ấy khởi sự từ thế kỷ thứ 2, trở về đây.

Thật ra, khó mà tìm được chương đoạn nào trong Tân Ước nói rõ về việc tín hữu quay hướng về phiá Đông, để làm bằng, mà cử hành nghi tiết phụng thờ. Trong khi đó, truyền thống Giáo hội cũng tìm ra vài văn đoạn của sách thánh, diễn bày tính biểu trưng nơi “mặt trời đức nghĩa” nói trong sách tiên tri Malaki, đoạn 3 câu 20. Đằng khác, Tin Mừng thánh Luca ở đoạn 1 câu 78, cũng nói đến điều mà thánh sử gia gọi đó là “Thái dương, từ nơi cao xanh khấng viếng”. Và, sách Khải Huyền cũng đề cập đến điều mà thánh Gio-an Tông đồ khẳng định: ”Tôi đã thấy thiên thần khác từ phía mặt trời mọc, mà lên”. Và, Tin Mừng thánh Matthêu ở đoạn 24, cũng có nhắc: “Như chớp chói loà ở bên Đông rạng bên Đoài, thì cuộc Quang lâm của Con Người cũng sẽ như thế.” Nói như thế, là nói đến dấu chỉ Con Người sẽ đến trong vinh quang, rọi sáng. Rất ngời Ngài sẽ xuất hiện như sấm chớp, từ trời Đông sáng rực hừng hực, mãi tận cõi trời Tây. Tức, thập giá Đức Kitô.

Quả thật, có việc nối kết chặt chẽ giữa trạng thái nguyện cầu trong thế hướng lòng mình về với trời Đông, có thập giá Chúa. Ít nhất, là đến thế kỷ thứ IV, chuyện này mới trở thành thói lệ mọi người đều làm; ngõ hầu đánh dấu phương hướng cho mọi người biết mà nguyện cầu tại nơi chốn có thập giá Chúa đặt trên tường, đặt ở hướng Đông của Vương Cung Thánh Đường. Cũng như, tại phòng riêng các thày dòng. Hoặc, các bậc thày khắc kỷ/khổ tu.

Mãi đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều nhà thần học thuộc truyền thống khác nhau, cũng có nói đến việc nguyện cầu có việc hướng lòng mình, quay về phía Đông. Các ngài coi đây như truyền thống từng được thực hiện. Từng có khác biệt trong thờ kính, giữa Đạo Chúa và tôn giáo khác, ở cận Đông. Người Do Thái, có thói quen hướng lòng mình về với đền thánh Giêrusalem. Còn người đạo Hồi, lại quay về phía Mecca, là thánh địa của Mohammed, Giáo chủ của đạo. Cũng từ đó, mọi người đều có thói quen nguyện cầu quay về hướng Đông, nơi mặt trời trong tư thế đang mọc lên.

Ở thế kỷ đầu, tại các nguyện đường dành cho người Đạo Chúa, được dựng xây có phương có hướng trực chỉ phía Đông. Tức, nhằm tạo điều kiện để mọi người thấy dễ dàng theo thói lệ này. Chính vì thế, ngày nay cụm từ “quay về hướng Đông” được sử dụng theo nghĩa thông thường để chứng tỏ: linh mục giáo dân, khi tiến hành buổi lễ, đều quay về cùng một phía, thích hợp cho nghi thức phụng vụ. Tập tục này, được các truyền thống By-zăng-tanh, Syria, Ácmênia, Kốptích và Etiôpia đeo đuổi, ít nhất trong Tiệc Thánh Thể, cũng như trong mọi nguyện cầu theo nghi thức của Công Đồng Chung Triđentinô.

Tập tục, mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Nội mỗi việc, tất cả mọi người cùng quay về một hướng, có giáo dân và linh mục chủ tế đứng trên bàn thờ, như thời xưa ta vẫn làm, mới đích thực dẫn dắt dân con Đức Chúa về với hành trình tin yêu, hy vọng. Về với thành thánh Giêrusalem, trên Thiên quốc. Hướng về Chúa, như thế, từ xưa nay vẫn được các nghệ nhân diễn tả qua kính mầu nghệ thuật trên cung thánh, tại hầu hết các thánh đường, ở khắp nơi. Nơi, có Thập giá Chúa. Có Chúa Phục Sinh, quang vinh. Có triều thần thánh trên trời, vây quanh. Chực hầu. Đây, mới là mục tiêu mà các tín hữu ở trần thế, thường nhắm đến.

Điều này, nhắc cho ta thấy: việc cử hành Tiệc Thánh, là việc tham gia phụng vụ của trời cao. Và, cũng còn là lời thề cam kết về vinh quang mai ngày. Vinh quang, có sự hiện diện của Chúa Hằng Sống.

Chính vì thế, lâu nay ta tiếp tục thực hiện nghi tiết phụng vụ mang ý nghĩa đậm sâu. Ý nghĩa, qua đó mọi người cùng hướng lòng về với trời Đông, rất đồng bộ. Đặc biệt hơn cả, là trong thánh lễ. Lm Uwe Michael Lang từng viết cuốn sách có tựa đề “Hướng về Chúa, một Phương Hướng Nguyện Cầu rất ý nghĩa”, để sử dụng trong phụng vụ. Sách, do nhà xuất bản Ignatius phát hành.

Cũng nên nhớ, dù vị linh mục cử hành thánh lễ, với diện mạo quay về hướng giáo dân đi nữa, thì linh mục cũng như giáo dân tham dự, đều chung một ý nghĩa, là: tất cả đang hướng lòng về với Chúa, mà thôi.” (Lm John Flader, The Catholic Weekly 13/1/2008 tr. 10)

Nói gì thì nói. Quay đâu thì quay. Đông Tây Nam Bắc, ta vẫn gặp nhau. Gặp, trong nguyện cầu. Gặp, trong ý hướng. Bởi, Đông hay Tây; Nam hay Bắc, ta vẫn là một. Một cộng đoàn. Một niềm tin.

Có những người, tuy cùng nhau quay chung về một phía, nhưng thực tế chỉ mỗi quay về phía, có cách chia. Hận thù. Đơn độc. Đó, mới là điều đáng sợ. Sợ, nhiều chuyện xảy ra. Xưa cũng như nay. Ở bên này, hay bên kia của thế giới. Thế giới, có Đông có Tây. Đầy đủ.

Vấn đề, là ở chỗ: dù Đông hay Tây, mình vẫn là người. Mà, đã là người, thì dù có ở phương Đông hay phương Tây đi nữa, vấn có nhiều “sự”. Nhiều vấn đề, như Thày Đạt Lai Lạt Ma, từng khẳng định:


“Có người đến hỏi Đức ĐạtLai LạtMa:
-Điều gì làm ngài ngạc nhiên nhất, trên cõi đời?
Vị “Phật sống” trả lời:

-Con người! Bởi, con người phung phí sức khoẻ để tích luỹ tiền của. Rồi, bỏ tiền bỏ của đi ngõ hầu mua lại sức khoẻ. Vì quá lo cho tương lai, con người quên mất hiện tại. Quên, đến độ không còn sống được, cả hiện tại lẫn tương lai. Ngày nay, con người ta sống như thể sẽ không bao giờ chết đi. Nhưng rồi họ cũng sẽ chết, như chưa bao giờ từng được sống. Vì họ không biết sống. Không ý thức sự sống. Nên, đã để mất cái ta. Mất cả thực tại.”

Nói cho cùng, cái ta và thực tại, vẫn còn đó. Rất buồn. Nhưng “ta” ấy, thực tại ấy, nay đã khác. Khác ở chỗ, cả hai đã được nghệ sĩ già nhà ta reo lên mà vui hát. Hát như sau:


“Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
anh là thiền sư buồn, ngồi tụng giữa ánh trăng
xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường..
anh hoá thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm.
Aha, ta tuy hai mà một! Aha, ta tuy một mà hai!
Aha, ta tuy hai mà một! Aha, ta tuy một mà hai!
(Phạm Duy – bđd)

Thật, rất đúng. Ta đây, tuy hai mà một. Tuy một, mà là hai. Hai phương trời. Một bản thể. Bản thể người, rất dễ thương. Thương người. Và, thương ta. Thương, như lời thánh nhân, vẫn dặn dò:


“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi
tình yêu của Đức Ki-tô?
Phải chăng là gian truân,
khốn khổ, đói rách,
hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”


(Rm 8: 35)


Nếu thánh Phao-lô còn sống đến hôm nay, chắc hẳn ngài sẽ thêm: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? phải chăng là phương Tây lẫn phương ta, phía trời Đông?” Quả có thế. Dù là phương Đông, hay cõi trời Tây, ta vẫn chung một nhà. Nhà, Cha ta. Nhà, của “tứ hải gia huynh đệ.” Của, con dân Đức Chúa.

Trần Ngọc Mười Hai,

Sinh, là sinh ở phương Đông
hiện sống, là sống ở phương Tây,
nhưng vẫn tin mình thuộc mười phương/muời hướng ,
có xót và có thương.