PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật Thứ V Mùa Chay Năm B



Dan Lee
03-28-2009, 05:14 PM
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B

Kính thưa quí ông bà anh chị em, hằng ngày ta vẫn nghe hoặc nói về sự kêu van khóc lóc; có những kêu van mong sao có người thấu hiểu cho sự đau khổ oan ức, có những khóc lóc thảm thiết vì mất người thân, có những khóc lóc bởi sợ hãi, có những khóc lóc khi thấy con cái hay những người khác ngày càng đi xa đường lối của Chúa chỉ dạy. Hôm nay, trong bài đọc 2, tác giả thơ của Do- thái cũng đề cập đến sự lớn tiếng kêu van khóc lóc của một con người, nhưng không phải là con người bình thường mà là Con Thiên Chúa: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê- su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lên lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu người khỏi chết” (Dt 5,7). Qua đó cho ta thấy bản tính nhân loại của Chúa Giê-su rất là rõ nét khi đứng trước sự đau khổ và cái chết mà Ngài sắp phải đối diện, đây là một điều rất ư là con người. Thánh Gio-an đã khẳng định nơi chương mở đầu Tin Mừng của ngài: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Lại nữa như lời vinh tụng ca của thánh Phaolo trong thơ gởi giáo đoàn Phi-líp-phê, “Chúa Giê-su đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Với sự diễn tả của thánh Gio-an và Phaolo về Đức Giê-su là con người đích thực như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để làm gì nếu không phải vì Thiên Chúa yêu thương loài người quá đỗi nên, Ngài không nề hà một điều gì, miễn sao để gần gủi với con người, để cùng chia sẽ thận phận mỏng giòn đau khổ với con người, và từ đó Ngài kéo con người lên. “Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9).

Điểm tiếp theo làm cho ta phải suy nghĩ về cách thức mà Chúa Giê-su đã làm, như thánh Gio-an cho ta thấy: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Ga 5, 8). Đây là điều khích lệ lớn lao cho chúng ta, tại sao vậy! Bởi vì, đã là con người thì không ai thoát khỏi đau khổ, thế thì khi gặp đau khổ làm sao chúng ta vượt qua được, nếu không phải là nhìn vào Đức Ki-tô đó sao? Vì Đức Giê-su là con người hoàn hảo, trọn vẹn, quyền năng cao cả, thế mà Ngài tự chọn con đường đau khổ nhục nhã hơn bất cứ ai trên trần gian này. Bạn nên nhớ đây là Ngôi Vị Thiên Chúa làm người mà còn chấp nhận đau khổ như vậy huống hồ là chúng ta, chúng ta chịu đau khổ cũng là đúng lý. Còn hành động của Chúa Giê-su thì sao? Nếu theo lý luận của con người thì đó là một hành động khờ dại, hèn yếu và phi lý nữa. Quả thật “Cái điên rồ của Thiên Chúa vượt hẳn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).

Trong cụ thể, khi con người đối diện với đau khổ thì sao; Có thể là chạy trốn, có thể là gào thét, than van, có thể nguyền rủa, buông xuôi bỏ cuộc. Tắt một lời chúng ta yếu đuối không dám đối diện với sự thật. Như Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phaolo đệ nhị, trong thông điệp Tin Mừng sự sống ( Evangelium vitae) công bố năm 1995, đại để như sau: con người chỉ quí trọng sự sống khi nó còn mang lại lạc thú và thoải mái, và sự đau khổ bị coi như một thất bại không thể chấp nhận được chính vì thế phải khử trừ đau khổ với bất cứ giá nào”. Từ suy nghỉ như thế mà nhân loại ngày nay như bạn thấy đó: họ loại bỏ các bào thai xem chừng nó mang lại đau khổ cho người khác, hoặc “ giết người êm dịu”, hoặc sống với nhau mà không có sự kiên nhẫn để chấp nhận sự khác biệt nhau vì nó gây nhiều phiền toái và đau khổ cho nhau, nên chiến tranh và loại trừ.

Ngựơc lại Chúa Giê-su không tránh né đau khổ, hay nói khác đi, Ngài giải thích đau khổ bằng cách âm thầm nhận lấy khổ đau. Thế thì, qua sự đau khổ của Chúa Giê-su, Ngài nêu gương cho chúng ta, để từ nay ai là những người vất vã gánh nặng, ai là những người đau khổ, bệnh tật, lo âu, chán chường, thất vọng hãy chạy đến với Chúa, và chỉ có Chúa mới giải đáp thỏa đáng cho những đau khổ của chúng ta. Hãy nhìn lên thánh giá là nguồn động lực giúp ta vượt qua mọi đau khổ thử thách. Rồi lại nữa, qua đau khổ ta gánh chịu mỗi ngày, nhất là những oan ức, cay đắng, như là phương thế giúp ta được tham dự một chút nào vào sự đau khổ của Chúa Giê-su. Và như thế đau khổ của ta không thuần túy đau khổ nữa mà nó như là một hồng ân. Ôi! Phải chăng mỗi người học được bài học qua sự đau khổ của Chúa Giê-su để lại, thì cuộc đời này tốt đẹp và hạnh phúc biết là dường bao.

Xin cho mỗi người chúng ta biết chấp nhận đau khổ trong sự vâng phục tin yêu và phó thác, như mẫu gương Chúa Giê- su để lại cho chúng ta. Và trong khi chúng ta còn là những người lữ hành, chúng ta được kín múc sức sống nhờ năng lãnh nhận các Bí Tích, cụ thể lát nữa đây chúng con sẽ được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể là sức mạnh giúp ta vượt qua mọi đau khổ thử thách trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD