PDA

View Full Version : DĐ - Đại Học Notre Dame và căn tính Công Giáo



Dan Lee
04-01-2009, 08:47 PM
Đại Học Notre Dame và căn tính Công Giáo

Đại học Notre Dame du Lac (Trường Đại Học Đức Bà Vùng Hồ), thường được gọi tắt là Trường Đại Học Notre Dame, là một trường đại học tư của Công Giáo chuyên về nghiên cứu, tọa lạc tại Notre Dame, gần Bend, thuộc tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Được thành lập từ năm 1842, hiện nay trường có 8,000 sinh viên ban cử nhân và 3,251 sinh viên hậu cử nhân, trong đó hết 93% là Kitô hữu và trong số các Kitô hữu này, hơn 80% là người Công Giáo. Trường có một đoàn ngũ cựu sinh viên 120,000 người rải rác khắp nơi trên thế giới, một thư viện trung ương gồm hơn 3 triệu cuốn sách, được kể là một trong 100 thư viện lớn nhất của cả nước. Xét tổng quát, trường được xếp hàng thứ 18 lớn nhất trong các đại học Hoa Kỳ. Trước sau, trường vốn được các linh mục Dòng Thánh Giá hướng dẫn, nên mặc dù thành phần sinh viên đa dạng, lớp học nào cũng trưng Tượng Chịu Nạn. Hàng tuần, có khoảng 100 thánh lễ được cử hành tại đây. Và cũng tại đây, nhiều câu lạc bộ tôn giáo đã được tổ chức và sinh hoạt hết sức tích cực, trong đó có Hội Đồng #1477 của Hội Hiệp Sĩ Columbus (KOC). Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng (Communion and Liberation) cũng đặt cơ sở ở đây.

Bảo vệ chân lý về sự sống con người

Ấy thế mà tin Zenit ngày 24 tháng Ba vừa qua lại đưa tin: lần đầu tiên trong 25 năm qua,

Đức Cha John D'Arcy, giám mục giáo phận Fort Wayne-South Bend, tuyên bố sẽ không tham dự lễ tốt nghiệp niên khóa 2009. Trong một thông cáo báo chí vào ngày nói trên, Đức Cha cho biết lý do của việc không tham dự ấy: vì Tổng Thống Barack Obama sẽ tới đó nói truyện và nhận bằng tiến sĩ danh dự trong buổi lễ tốt nghiệp năm nay. Ngài cho hay động thái của ngài không nhằm công kích một ai, nhưng đúng hơn là một hành vi cần thiết để bảo vệ chân lý về sự sống con người.

Cha John Jenkins, chủ tịch Trường Đại Học Notre Dame, hôm Thứ Sáu vừa qua, có thông báo cho Đức Cha D’Arcy hay: Ông Obama đã nhận lời tới nói truyện tại lễ khai giảng Mùa Xuân của Trường. Đức Cha cho hay đây là lần đầu tiên ngài nghe một lời mời như thế đã được đưa ra. Ngài nói: “Mới đây, Tổng Thống Obama từng tái khẳng định, và nay đã đặt thành chính sách công chủ trương lâu đời của ông không chịu coi sự sống con người là thánh thiêng. Dù cho rằng mình muốn tách chính trị ra khỏi khoa học, trên thực tế, ông đã tách khoa học ra khỏi đạo đức và lần đầu tiên trong lịch sử, đã đem chính phủ Mỹ vào việc hỗ trợ việc trực tiếp hủy hoại sự sống của những con người vô tội”.

Đức Cha D’Arcy cho hay: ngài đưa ra quyết định ấy “sau nhiều lời cầu nguyện” và ngài không có ý “khinh miệt tổng thống của chúng ta… Tôi luôn tôn kính chức vụ tổng thống. Nhưng một giám mục thì phải giảng dạy đức tin Công Giáo ‘từ mùa này sang mùa nọ’, và không phải chỉ giảng dạy bằng lời mà còn bằng hành động nữa. Quyết định của tôi không nhằm công kích một ai, nhưng chỉ để bảo vệ chân lý về sự sống con người”.

Trích dẫn tuyên bố năm 2004 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha cho hay: “Cộng đồng Công Giáo và các định chế Công Giáo không nên tôn trọng những người hành động bất chấp các nguyên tắc luân lý nền tảng của chúng ta. Không nên dành cho họ bất cứ giải thưởng, vinh dự hay giảng đài nào có thể cho người ta thấy mình ủng hộ các hành động của họ”.

Để kết luận, Đức Cha D’Arcy mong Đại Học Notre Dame cầu nguyện suy nghĩ lại. “Trong tư cách một Đại Học Công Giáo, Notre Dame phải tự hỏi mình là khi đưa ra quyết định trên, họ có chọn chân lý trước tiếng tăm hay không. Ngày mai, chúng ta sẽ cử hành giờ phút Chúa và Đấng Cứu Chuộc ta là Chúa Giêsu Kitô trở thành con trẻ trong lòng Mẹ rất thánh của Người. Ta hãy xin Đức Mẹ câu bầu cho Đại Học mang tên Ngài này, để nó biết tái dấn thân phục vụ tính tối thượng của chân lý thay vì tiếng tăm”.

Căn tính Công Giáo

Đứng trước tình thế trên, một liên minh các tổ chức sinh viên tại Đại Học Notre Dame đang liên hợp lực lượng để phản đối việc mời Tổng Thống Obama tới nói truyện trong lễ tốt nghiệp của họ. Theo bản tin Zenit ngày 25 tháng Ba, liên minh này đã phát đi một bản tuyên bố tỏ bày sự chống đối mạnh mẽ đối với lời mời kia. Emily Toates, một sinh viên kỳ cựu thuộc tổ chức Quyền Sống tại Notre Dame khẳng định rằng “Đây không phải là một vấn đề có tính phe phái; mà đúng hơn, nó là vấn đề tôn trọng sự sống con người, và căn tính Công Giáo của chúng ta. Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này: chúng tôi không tấn công chức vụ tổng thống, nhưng nêu vấn đề đối với chủ trương luân lý của ông ta. Thiển nghĩ bản tuyên cáo đã làm sáng tỏ điều này: bộ phận sinh viên của Notre Dame không mập mờ phản đối quyết định trên”.

Bản tuyên cáo trên cực lực phản đối Tổng Thống Obama vì thái độ “thù nghịch đối với các giáo huấn của Giáo Hội về tính thánh thiêng của sự sống con người ngay trong các giai đoạn đầu hết của nó”. Bản tuyên cáo này viết thêm: “Việc ông ta mới đây dành ngân khoản liên bang cho các vụ phá thai ở hải ngoại và nghiên cứu tế bào gốc phôi thai sẽ trực tiếp mang lại cái chết cho hàng ngàn sinh mạng nhân bản vô tội”.

Các sinh viên lớn tiếng nói rằng “Chúng ta không thể dửng dưng ngồi nhìn trong khi các đại học vinh danh một con người từng tin rằng cả một lớp hữu thể nhân bản không xứng đáng được hưởng quyền căn bản nhất trong các quyền hợp pháp, tức quyền sống”. Trích dẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các sinh viên này cho hay: các định chế Công Giáo không nên dành “phần thưởng, vinh dự hay bục giảng” nào cho bất cứ ai “hành động bất chấp các nguyên tắc luân lý căn bản của chúng ta”.

Luật và công bằng

Được nhiều nhóm sinh viên luật của Trường ký nhận, bản tuyên cáo trên nhận định rằng: quả là một “nghịch lý lớn” khi Trường cấp phát văn bằng tiến sĩ luật danh dự cho Tổng Thống Obama. Họ giải thích: “Trường luật của Notre Dame vốn tuyên bố rằng sứ vụ của mình là ‘làm dễ sự hiểu biết và cam kết lớn hơn đối với mối liên hệ giữa luật và công bằng xã hội’. Vấn đề công bằng xã hội của thời đại ta chính là cuộc tấn công cố ý, hợp pháp đối với các thành phần dễ bị thương tổn nhất trong xã hội ta, đó là các trẻ em chưa sinh ra. Cấp một văn bằng luật của Notre Dame cho một luật gia và một chính trị gia từng sử dụng luật để bác bỏ sự bình đẳng của các trẻ chưa sinh là làm giảm giá trị của chính văn bằng ấy”.

Tiến thối lưỡng nan

Các sinh viên khẳng định rằng chủ tịch đại học là Cha John Jenkins, "đã đặt một số sinh viên của trường vào một thế lưỡng nan không biết có nên tham dự lễ tốt nghiệp của chính mình hay không. Nhiều sinh viên kỳ cựu vốn phò sự sống cùng với gia đình họ bị tiến thối lưỡng nan không biết có nên tham dự lễ nghi khởi nghiệp hay không”.

Các nhóm sinh viên cho hay: “Để phản ứng chống lại quyết định của đại học, chúng tôi cam kết sẽ đưa ra các hành động chứng tá có đặc tính tôn trọng, cầu nguyện và thẳng thắn trung thành với Giáo Hội, và quan tâm thực sự tới lợi ích của trường”. Họ sẽ đứng ra tổ chức nhiều biến cố có tính khoa bảng và tôn giáo để lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng đại học.

Liên minh này bao gồm các tổ chức sinh viên như Quyền Sống tại Notre Dame, Báo Sinh Viên Irish Rover, Sinh Viên Cộng Hòa, Hội Anscombe, Dự Án Căn Tính Notre Dame, Đạo Quân Vô Nhiễm, Hội Con Đức Bà, Hội Đồng Orestes Brown, Quyền Sống tại Trường Luật Notre Dame, Hội St Thomas More tại Trường Luật Notre Dame, và Hội Duy Liên Bang tại Trường Luật Notre Dame.

Kiến nghị trên liên mạng

Karna Swanson của hãng Zenit, ngày 25 tháng Ba, cũng đưa tin nhóm cựu sinh viên thuộc Dự Án Sycamore của đại học Notre Dame vừa lên tiếng cho rằng quyết định mời TT Barack Obama đọc diễn văn tại trường này là một biến cố cho thấy nhiều chuyện.

Dự án Sycamore là một tổ chức do một số cựu sinh viên của trường thành lập cách nay ba năm để theo dõi tình trạng căn tính Công Giáo của Trường. Trong một bình luận nói với Zenit, William Dempsey, chủ tịch của Dự Án, quả quyết rằng “Căn tính Công Giáo của Trường mấy năm qua đã yếu đi nhiều lắm, và biến cố hiện nay đã đưa tất cả những sự việc đó ra ánh sáng”.

Hơn 700 cựu sinh viên của Trường đã đồng ký tên trên một thỉnh nguyện thư được Dự Án tung lên liên mạng vào ngày 25 tháng Ba để phản đối quyết định mời ông Obama đến nói truyện và lãnh bằng tiến sĩ danh dự, vì ông ta vốn nổi tiếng là người bênh vực phá thai.

Kiến nghị này khác với kiến nghị vào cuối tuần qua do Hội Đức Hồng Y Newman phát động, một kiến nghị cho đến nay đã thu thập được hơn 140,000 chữ ký. Dự Án Sycamore đặc biệt nhằm kêu gọi các cưụ sinh viên của ĐH Notre Dame và những ai có liên hệ xa gần với Trường. Trong kiến nghị của họ, nhóm này cho rằng ông Obama là người ủng hộ không nao núng và rất nổi đình đám đối với nghị trình phá thai, đồng thời cho hay Đại Học Notre Dame đã làm một quyết định không thể giải thích được trong việc vinh danh ông ta.

Trong một lá thư đại diện gửi Cha John Jenkins, chủ tịch Notre Dame, nhóm bày tỏ “sự chóang váng ngỡ ngàng và thất vọng sâu xa”. Vì “các tuyên bố cũng như các hành động hành pháp và lập pháp của TT Obama đã chứng tỏ ông ta là địch thủ không khoan nhượng đối với quyền tinh thần của trẻ chưa sinh, và do đó, đối với giáo huấn căn bản của Giáo Hội Công Giáo. Trang bị với chủ trương của mình, ông ta hiện là quán quân hàng đầu của quốc gia đối với các quyền phá thai gần như tuyệt đối”.

Văn thư trên còn thêm rằng: “Bất luận chối bỏ nào của Đại Học và lời ông Obama có ra sao, các sự kiện không thể tẩy xóa được trong biến cố này vẫn là quyết định ghi vào bảng danh dự của Đại Học tên của vị Tổng Thống phò phá thai hạng nhất của lịch sử quốc gia và việc chọn ông ta làm người nói với các sinh viên tốt nghiệp năm 2009 về các giá trị mà họ phải trân qúy. Hành động bê bối này đã hạ giá Notre Dame một cách trầm trọng. Nó gây chấn thương một cách sâu xa đối với việc Đại Học tự mệnh danh là một định chế Công Giáo. Nó đánh một cú gây thiệt hại vô giá vào niềm tự hào của các sinh viên tốt nghiệp. Chúng tôi xin phản đối”.

Chỉ còn là thiểu sổ

Vốn là sinh viên thuộc lớp 1952, Dempsey nói với Zenit rằng ông hy vọng kiến nghị này “sẽ lôi kéo được sự ủng hộ không những đối với vấn đề này, mà còn đối với các quan tâm tổng quát và mạnh mẽ hơn về việc suy yếu dần căn tính Công Giáo của Trường trong những năm gần đây”.

Vị cựu sinh viên này trích dẫn việc tuột dốc khá nhanh nơi thành phần nhân viên giảng huấn Công Giáo tại trường từ khoảng 85% trong thập niên 1970 nay chỉ còn chừng 53%. Và nếu trừ khỏi tỷ lệ 53% này các nhân viên giảng huấn Công Giáo thuộc loại ‘bất đồng’ cũng như những nhân viên giảng huấn Công Giáo mà người ta thường gọi là các người Công Giáo theo trào lưu văn hóa, chứ không phải là những người Công Giáo thực sự, thì các đại biểu Công Giáo trong ban giảng huấn chắc chắn rơi xuống dưới cái mức tối đa mà chủ trương (mission statement) của Trường vốn đòi hỏi.

Dempsey giải thích: chủ trương của Trường vốn nói rằng căn tính Công Giáo của một đại học tùy thuộc vào sự hiện hữu liên tục của số trổi vượt các nhà trí thức Công Giáo trong ban giảng huấn của mình. Điều này thường được giải thích là phải có một đa số vững ổn những người Công Giáo thực sự. “Như thế, hiển nhiên Trường đang rơi xuống dưới mức tiêu chuẩn trong việc duy trì căn tính Công Giáo của mình, và đó là vấn đề”.

Dempsey mang trường hợp “Những Cuộc Độc Thoại Của Cửa Mình” (Vagina Monopogues) ra làm thí dụ. Theo ông, khi những cuộc độc thoại loại ấy được phép tổ chức hàng năm tại khuôn viên một đại học, thì khó có thể nói đại học ấy còn giữ được căn tính thực sự Công Giáo của mình. Điều hơi nghịch lý là dù các linh mục Dòng Thánh Giá có dần dần thưa thớt đi tại Notre Dame, nhưng họ vẫn còn ở đó, và vẫn còn tới 85% sinh viên là Công Giáo. Nên điều quan trọng là phải làm sao để duy trì cho bằng được cái căn tính còn sót lại kia tại Notre Dame.

Muốn được coi là Công Giáo, bạn phải là Công Giáo

Dempsey cho rằng chỉ trích trường cũ của mình là một điều hết sức đau lòng. Nhưng theo ông, đó là việc của Dự Án Sycomore. “Vai trò của chúng tôi là nói lên sự thật về trường đại học của mình, cả các điểm mạnh, là những điểm có rất nhiều, lẫn các điểm yếu. Chức năng của chúng tôi, chức năng nguyên lý của chúng tôi, là cảnh giác để các cựu sinh viên biết sự kiện này là mọi việc không còn như trước nữa, lúc họ còn ở đấy. Và điều ấy đòi hỏi họ phải cương quyết cố gắng và chú tâm vào việc kêu gọi Trường trở lại với con đường tận tụy cũ”.

Theo Dempsey, bà siếu mẫu (alma mater) của mình nay chỉ còn biết loay hoay với “tham vọng thế tục”, đang “đi tìm được thế tục ca ngợi, được leo cao hơn trong bảng xếp hạng của Tờ U.S News and World Report (là tờ đã xếp họ vào hàng 18 các đại học nổi tiếng nhất của Mỹ)”. Ông cũng cho hay hiện nay, Trường đang tìm cách để được Hiệp Hội Các Đại Học Mỹ (American Association of Universities) nhận mình là một đại học thuộc hàng đầu về nghiên cứu. Tuy nhiên, ông nhận định rằng hai phân khoa luật và kinh doanh của Notre Dame, dù được xếp hạng rất cao trong bảng xếp hạng toàn quốc, nhưng vẫn duy trì được căn tính Công Giáo của mình. Ban giảng huấn của phân khoa luật có tới 85%-87% là người Công Giáo, còn phân khoa kinh doanh, hiện được xếp hạng hai trên toàn quốc, cũng có tới 64%-65% nhân viên giảng huấn Công Giáo.

Dempsey cho rằng: “Muốn được coi là một đại học Công Giáo, bạn phải là một đại học Công Giáo và phải có một ban giảng huấn chủ yếu là Công Giáo. Nếu không, bạn chỉ lừa đảo công chúng mà thôi, một thứ quảng cáo giả mạo”.


Vũ Văn An