PDA

View Full Version : V - Về Tam Nhật Vượt Qua



Dan Lee
04-03-2009, 05:06 PM
VỀ TAM NHẬT VƯỢT QUA

http://www.tinmung.net/GIAOHOI/wDTCcamnen.gif

Để giúp bạn đọc chuẩn bị cử hành Tuần Thánh với tất cả tâm tình đức tin, WHĐ xin giới thiệu bài viết về Tam Nhật Vượt Qua. Bài này được biên soạn dựa vào tài liệu của Văn phòng về Phụng tự (the Secretariat for Divine Worship) thuộc Hội Đồng Giám mục Hoa kỳ về việc chuẩn bị này.

1. Thời gian khởi đầu và kết thúc Tam nhật Vượt Qua

Tam nhật Vượt qua bắt đầu từ lễ chiều thứ Năm Tuần thánh, vươn tới cao điểm trong đêm Vọng Phục Sinh, và kết thúc với Kinh Chiều chính ngày Chủ nhật Phục Sinh (x. Quy luật Tổng quát về phụng niên và lịch, 19)

2. Ngoài thánh lễ Tiệc Ly, có được cử hành một thánh lễ nào khác trong ngày Thứ Năm tuần thánh không?

Thông thường không được phép cử hành một thánh lễ nào khác vào ngày Thứ Năm tuần thánh. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt, nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, thì Đấng Thường Quyền Sở tại có thể cho cử hành một lễ thứ hai trong các nhà thờ, nhà nguyện công và bán công, vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ cả vào lúc ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự Thánh Lễ Chiều được. Tuy nhiên đừng cử hành vì lợi ích riêng tư, kẻo làm thiệt hại cho việc cử hành thánh lễ chính ban chiều. (x. Sách lễ Rôma [SLR], ấn bản 1992, trang 254, số 1).

3. Thời điểm cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

Thông thường, khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, để dân chúng có thể quy tụ cách dễ dàng hơn; trừ khi lý do mục khuyên nên làm muộn hơn nhưng không được cử hành sau 9 giờ tối (x. SLR, tr.263, số 3).

4. Giáo hội có khuyến khích cử hành phụng vụ nào khác trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh không?

Vào ngày này, tại các nhà thờ rất thích hợp để cử hành Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng có giáo dân tham dự.

5. Vào ngày thứ Sáu tuần thánh, các việc đạo đức có tầm quan trọng riêng biệt nào không?

Sách Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ (Directory on Popular Piety and the Liturgy, 2002, các đoạn 142-145) đã cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về các việc đạo đức bình dân. Thật rõ ràng, trọng tâm của ngày thứ Sáu thánh là cử hành phụng vụ Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô. Nên bất cứ hình thức đạo đức nào khác đều không thể thay thế được cử hành phụng vụ trọng thể này. Cũng không được phối hợp các việc đạo đức khác với nghi thức thứ Sáu thánh, vì nó chỉ tạo ra một thứ lai tạp. Trong thời gian vừa qua, việc tổ chức các cuộc rước về Sự Thương Khó của Chúa Giêsu, Ngắm Đàng Thánh Giá, trình diễn các Hoạt cảnh Thương Khó trở nên phổ biến hơn. Trong những cuộc trình diễn như thế, các diễn viên và người xem đều có thể tham dự với tâm tình đức tin và lòng đạo đức chính đáng. Tuy nhiên, nên cẩn thận giúp các tín hữu hiểu rằng những Hoạt cảnh Thương Khó ấy chỉ là cách biểu lộ việc tưởng niệm và chúng rất khác với các “hành động phụng vụ” tức là việc tưởng niệm (như việc tưởng niệm sau khi Truyền Phép trong Thánh lễ), hoặc sự hiện diện mầu nhiệm của biến cố cứu độ trong cuộc Thương Khó Chúa Giêsu Kitô.

6. Việc kính thờ Thánh Giá trong ngày thứ Sáu thánh

Dứt lời nguyện cho mọi người, đến phần long trọng kính thờ thánh giá. Ở đây có hai hình thức suy tôn thánh giá, nên chọn hình thức nào thích hợp hơn với nhu cầu mục vụ.

HÌNH THỨC THỨ NHẤT: Phó tế hoặc thừa tác viên khác xứng hợp đi vào phòng thánh và mang thánh giá có phủ khăn che ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên. Linh mục đứng trước bàn thờ quay mặt về phía dân chúng, nhận thánh giá, mở phần khăn che phía đầu thánh giá, rồi phần che cánh phải thánh giá và cuối cùng bỏ hết khăn che thánh giá. Mỗi lần mở khăn, ngài nâng thánh giá lên và hát câu kêu mời: “Đây là cây thánh giá”, phó tế và ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”. Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá.

HÌNH THỨC THỨ HAI: Linh mục hoặc phó tế, hay thừa tác viên khác xứng hợp, cùng các người giúp lễ, đến cửa nhà thờ, nhận thánh giá không phủ khăn, các người giúp lễ thì nhận nến cháy, rồi đi kiệu qua lòng nhà thờ lên cung thánh. Đang khi di chuyển sẽ dừng lại tại ba nơi: ở gần cửa nhà thờ, ở giữa nhà thờ và ở lối vào cung thánh, người cầm thánh giá nâng cao lên và hát câu kêu mời: “Đây là cây thánh giá”, phó tế và ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”. Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá. Sau đó đặt thánh giá và đèn nến ở lối vào cung thánh. Đoạn bắt đầu việc tôn thờ thánh giá. (x. SLR, trang 269-270, các số 14,15,16,17)

7. Cách thức các thành phần cộng đoàn phụng vụ kính thờ thánh giá ngày thứ Sáu thánh

Sau khi tôn dương thánh giá, linh mục hoặc phó tế cầm thánh giá đến trước lối lên cung thánh hoặc nơi xứng hợp khác. Linh mục chủ sự là người đầu tiên đến tôn thờ thánh giá. Nếu hoàn cảnh cho phép, ngài cởi áo lễ ngoài và giày. Rồi giáo sĩ, các thừa tác viên giáo dân và các tín hữu lần lượt tiến đến trước thánh giá. Việc cá nhân tôn thờ thánh giá là nét đặc trưng quan trọng trong cử hành hôm nay, nên phải làm sao cho mọi người được đến hôn kính thánh giá (nếu không đủ thời giờ, sẽ hôn kính cá nhân vào lúc thuận tiện sau khi kết thúc mọi nghi thức thứ Sáu thánh.) Luật chữ đỏ dạy rằng “chỉ dùng một thánh giá duy nhất trong nghi thức Kính thờ”. Nếu vì số dân chúng quá đông, mỗi người không thể lên hôn kính thánh giá được, thì sau khi các linh mục và một phần tín hữu đã tôn thờ, linh mục cầm thánh giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng kính thờ thánh giá, rồi nâng cao thánh giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.

8. Thời điểm cử hành Canh thức Phục Sinh

Do đặc tính, Canh thức Vượt Qua được cử hành về đêm, nên phải bắt đầu lúc chập tối và phải kết thúc trước rạng đông ngày Chúa Nhật. Cử hành Canh thức Vượt Qua thay cho giờ Kinh Sách. Theo truyền thống xa xưa, đêm nay các tín hữu canh thức chờ đợi Chúa phục sinh. Lửa được làm phép và nến phục sinh được thắp sáng chiếu tỏa trong đêm để tất cả mọi người có thể nghe công bố Tin Mừng Phục sinh và lắng nghe lời Chúa được loan báo trong Sách Thánh. Vì vậy Nghi thức thắp nến phục sinh diễn ra trước Phụng vụ Lời Chúa.

9. Những lưu tâm cần phải có khi sử dụng Cây Nến Phục sinh trong Canh thức Vượt Qua

Nến phục sinh phải được làm bằng sáp ong, không bao giờ làm bằng các hợp chất nhân tạo, được thay thế mỗi năm, chỉ một cây mà thôi; và kích thước phải xứng hợp để có thể chuyển tải được chân lý Chúa Kitô lá ánh sáng của trần gian. Nến Phục sinh là biểu tượng ánh sáng Chúa Kitô, xua trừ mọi bóng tối trong tâm trí chúng ta. Trên tất cả, Nến Phục sinh phải là nến thực sự, phải là biểu tượng ưu việt của ánh sáng Chúa Kitô. Vì thế nên chọn một cây nến có kích cỡ, kiểu dáng và mầu sắc sao cho phù hợp với cung thánh, nơi đặt Nến Phục sinh.

10. Nên đọc bao nhiêu bài đọc trong Đêm Canh thức Vượt Qua?

Một trong những khía cạnh độc đáo của Canh thức Vượt Qua là thuật lại những kỳ công trong lịch sử cứu độ. Những kỳ công này được thuật lại trong 7 bài đọc được chọn từ sách Luật và Ngôn Sứ trong Cựu Ước, và hai bài đọc trích từ Tân Ước, được chọn từ thư các tông đồ và Tin Mừng. Như thế, “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri (Lc 24,27. 44-45)”, Chúa Giêsu một lần nữa gặp gỡ chúng ta trên đường chúng ta đi. Ngài mở tâm trí chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta chia sẻ việc bẻ bánh và uống chén. Các tín hữu được khuyến khích suy niệm các Bài đọc này nhờ việc hát thánh vịnh đáp ca, nhờ thinh lặng và nhờ lời nguyện của chủ tế. Dựa trên các Bài đọc này, việc suy niệm trong đêm nay thật ý nghĩa đến độ thúc giục chúng ta một cách mãnh liệt phải sử dụng tất cả các bài đọc. Chỉ trong những hoàn cảnh mục vụ đòi buộc (trong trường hợp gấp rút) có thể bớt số bài đọc Cựu ước. Trong những trường hợp như thế, phải đọc ít nhất ba bài đọc Cựu ước, nhưng không bao giờ được bỏ bài trích sách Xuất Hành chương 14. (x. SLR, trang 289-294, các số 20 đến 36).

11. Trong Canh thức Vượt Qua, nên nhấn mạnh sự kiện các tân tòng được rước lễ lần đầu

Trước khi đọc “Đây Chiên Thiên Chúa”, chủ tế nên lưu ý các tân tòng về sự kiện lần đầu tiên họ được rước lễ, về tầm quan trọng của mầu nhiệm thật cao cả là chóp đỉnh của tiến trình gia nhập Kitô giáo, là trung tâm điểm của đời sống kitô hữu. Trong đêm Canh thức Vượt Qua này, mọi người có thể rước lễ dưới hai hình (Mình và Máu Thánh).

12. Những chỉ dẫn cho việc cử hành các thánh lễ ngày Chủ Nhật Phục Sinh

Các thánh lễ ngày Chủ Nhật Phục Sinh phải được cử hành hết sức trọng thể. Phải có đầy đủ các thừa tác viên phụng vụ và hát thật long trọng. Trong ngày này, thật thích hợp, thay vì nghi thức thống hối thường lệ đầu lễ, thì dùng hình thức rảy nước thánh đã được làm phép trong Đêm Canh thức Vượt Qua. Nên hát bài thánh ca Latinh Vidi aquam (Tôi đã thấy nước), hoặc một bài thánh ca khác có đặc tính nhắc nhớ đến Bí tích Thánh tẩy. Luôn đổ đầy nước thánh trong các bình đựng tại cửa ra vào nhà thờ. Vào chủ nhật Phục sinh, sau bài giảng, thay vì hát hoặc đọc Kinh Tin Kính, nên cho mọi người lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. (x. SLR, trang 299, số 46)

13. Nến Phục sinh được đặt ở đâu trong Mùa Phục Sinh?

Nến phục sinh phải được đặt nơi xứng hợp hoặc bên cạnh giảng đài, hoặc bên cạnh bàn thờ và được thắp sáng ít nhất trong các cử hành phụng vụ trọng thể (Thánh lễ, Giờ Kinh Sáng hay Kinh Chiều) cho đến Lễ Hiện Xuống. Sau mùa Phục sinh, nến được lưu giữ cẩn trọng ở giếng Rửa tội, để khi cử hành Bí tích Thánh tẩy, các cây nến của các người được rửa tội sẽ được thắp sáng từ chính Nến Phục sinh. Khi cử hành thánh lễ An táng, nến Phục sinh được đặt cạnh quan tài để cho thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, và lời hứa được chia sẻ chiến thắng của Chúa Kitô vì là thành phần trong Thân Mình Người. Ngoài mùa Phục sinh, không đặt hoặc thắp nến phục sinh ở trên cung thánh.

Suy Niệm Lới Chúa