PDA

View Full Version : B - Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam tại HN



Dan Lee
04-08-2009, 12:15 AM
QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ

Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội ngày 07/04/2009

Đã hơn năm năm kể từ chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của tôi, và dịp trở lại này gợi cho tôi nhớ về những tiến bộ phi thường mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây. Đói nghèo đã giảm nhanh chóng, thương mại đang gia tăng, mức sống đã được nâng lên, và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ không chỉ với Hoa Kỳ mà với hầu hết các nước trên thế giới. Có lẽ biểu tượng của tiến trình này - và biểu tượng cho triển vọng tương lai của Việt Nam trên trường quốc tế - là vai trò thành viên của Việt Nam hiện nay trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tôi tin rằng sự thiện chí ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm gác lại quá khứ và mở ra một tiến trình từng bước bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước đã có tác động tới sự phát triển vượt bậc này. Chúng ta đã bắt đầu thận trọng với sự hợp tác trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích. Sự hợp tác đó, cùng với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, đã cổ vũ cho một luồng sinh khí mới ở Đông Nam Á, cho phép Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại năm 1994 và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995. Bạn của tôi, ngài Pete Peterson, đã được Tổng thống Clinton cử làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội năm 1996. Hoa Kỳ cũng dỡ bỏ các hạn chế thương mại Jackson-Vanik đối với Việt Nam năm 1998 và ký hiệp định thương mại song phương với Việt Nam hai năm sau đó – một trong những hiệp định thương mại song phương bao quát nhất mà hai nước từng thương lượng. Năm 2003, lần đầu tiên sau gần 30 năm, một tàu chiến của Hoa Kỳ, tàu USS Vandergrift, đã cập cảng Sài Gòn ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là con tàu của hoà bình. Cách đây ba năm, Hoa Kỳ trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn, mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Cũng trong năm đó, Việt Nam đón Tổng thống Bush tham dự Hội nghị Thượng định Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội.

Đó là một loạt những bước phát triển nổi bật và hai nước chúng ta đã cùng chung bước trên con đường dài đó. Và có lẽ chúng ta đã không tiến được xa đến vậy nếu như không có sự ủng hộ của những người Mỹ đã từng phục vụ ở Việt Nam trước đây, cũng như sự cam kết của các quan chức Việt Nam mong muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc mình. Hoa Kỳ và Việt Nam đã bước ra khỏi quá khứ. Mỗi nước đã tìm ra, trong một kỷ nguyên mới, một chỗ đứng của tình hữu nghị dành cho kẻ thù năm xưa.

Giờ đây, công việc bình thường hoá quan hệ khó khăn nhất đã lùi lại phía sau. Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hoá quan hệ song phương sang hiện đại hoá những liên kết giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Chúng ta không nên chỉ tự thoả mãn với thành công và để cho mối quan hệ hệ ở mức bão hoà. Đã đến lúc cần có bước đi mới.

Việc tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa hai nước không nên chỉ vì sự chuyển đổi kinh tế chưa từng thấy của Việt Nam và tiến bộ vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước trong hai thập kỷ qua, mà còn vì sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế mang tính lịch sử từ phương Tây về châu Á. Mỗi năm qua đi, châu Á lại càng trở nên thịnh vượng hơn so với phần còn lại của thế giới mà sự lớn mạnh của Trung Quốc là minh chứng rõ rệt. Chính vì hiện tượng này, một số chuyên gia đã cáo chung cho thế kỷ của Hoa Kỳ và tuyên bố đây là “thế kỷ của châu Á”. Tuy nhiên, cách gọi như vậy đi theo tư duy “được ăn cả, ngã về không,” một kiểu tư duy mà bắt rễ từ quá khứ. Thế lực của Hoa Kỳ và châu Á không loại trừ lẫn nhau và chúng ta cũng không muốn để xảy ra như vậy. Nếu lãnh đạo của cả hai châu lục nắm lấy cơ hội sẵn có trong chân lý cốt tử này, chúng ta có thể bước sang một kỷ nguyên chưa từng biết tới: một thế kỷ 21 của cả Hoa Kỳ và châu Á. Và trong kỷ nguyên này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Những đổi mới kinh tế của Việt Nam năm 1986 đã tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế, hạt nhân then chốt của sự thay đổi. Sự tăng cường mở cửa đối với thương mại của Việt Nam đã giúp hàng triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Đất nước các bạn đã vươn lên từ bờ vực của nạn đói vào những năm 1980 trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Trong một thập kỷ từ 1992 đến 2002, mức nghèo đói ở Việt Nam đã giảm đi gần một nửa. Có lẽ Việt Nam đã đưa được nhiều người dân thoát ra khỏi đói nghèo hơn và nhanh hơn bất kỳ nước nào khác trong lịch sử, trừ Trung Quốc. Tiến bộ bất ngờ này là kết quả của những đổi mới trong đó có sự kết hợp giữa các nguyên lý của thị trường tự do với sự cần cù và sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Tuy vậy, ngày nay, trong cuộc suy thoái toàn cầu, chúng ta nghe đâu đó ở Hoa Kỳ và châu Á những lời chỉ trích toàn cầu hoá và thúc giục quay trở lại với những chính sách cô lập kinh tế vốn đã từng thất bại và sẽ không những làm cho phục hồi chậm chạp hơn mà còn làm cho cuộc khủng hoảng hiện nay thêm sâu sắc. Chúng ta không nên nghe theo họ. Họ vẫn đang sống với quá khứ, và khi không học được bài học nào của quá khứ, họ đang lãng mạn hoá một tương lai của thế giới mà ở đó sự tiến bộ của nhân loại sẽ bị chặn lại bằng sự chối bỏ những thay đổi và cơ hội không thể cưỡng lại nhờ lưu thông hàng hoá và dịch vụ tự do hơn bao giờ hết trong một nền kinh tế toàn cầu. Người lại, chúng ta đi theo con đường tự do đó vì nó là con đường tốt nhất đem lại thịnh vượng hơn nữa cho tất cả chúng ta. Các thị trường mở từng là động lực cho sự thịnh vượng của nhân loại hàng thế kỷ qua và chúng sẽ tiếp tục là động lực nếu chúng ta kiếm tìm những cơ hội mà chúng đem lại.

Ở Hoa Kỳ, cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cỗ vũ cho những người theo chủ nghĩa bảo hộ. Ảnh hưởng của họ thể hiện rõ trong đạo luật “Mua hàng Mỹ” mới thông qua gần đây và sự phản đối ngày càng tăng đối với các hiệp định thương mại tự do. Chính quyền mới, và những dân biểu trong Quốc hội như chúng tôi thấy rõ sự điên rồ trong việc đi ngược lại tiến trình toàn cầu hoá phải tỏ rõ quyết tâm hơn nữa bác bỏ luận điểm của họ. Chúng ta phải tiến mà không lui. Bước tiến này gồm cả tìm kiếm những cách thức mới để tăng cường quan hệ thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đồng thời mở rộng những lợi ích của thương mại tự do với các nước ASEAN khác. Khi Việt Nam có những tiến bộ lớn hơn trong các vấn đề về lao động, chúng tôi sẽ hoàn tất Hiệp ước Đầu tư Song phương với Việt Nam và đưa Việt Nam vào Chương trình GSP, một chương trình miễn thuế cho nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Và hai nước cũng sẽ cùng tham gia hiệp định tự do thương mại đa phương Đối tác Liên Thái Bình Dương.

Chống lại những thế lực phản đối toàn cầu hoá cũng đòi hỏi Việt Nam có những hành động nhất định. Bằng việc củng cố nền cai trị bằng luật pháp và một xã hội cởi mở hơn, nền kinh tế năng động của các bạn sẽ còn thịnh vượng hơn nữa. Bằng hiện đại hoá hạ tầng và theo đuổi những nguyên tắc về môi trường trong sạch, Việt Nam có thể giành thêm những lợi ích mà hệ thống kinh tế toàn cầu đem lại. Tôi cho rằng, những bước đi đó không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết.

An ninh và tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ mật thiết, và nguy cơ đối với hoà bình là nguy cơ cho sự thịnh vượng. Sự thiết lập các mối liên hệ và các chuyến thăm của tàu chiến Hoa Kỳ tới các cảng của Việt Nam là những bước đi tích cực và đúng hướng. Tuy nhiên, như thể hiện trong vụ xâm hại của các tàu Trung Quốc với tàu U.S.S. Impeccable, chúng ta đang đối mặt với những thách thức an ninh mới trong khu vực. Hoa Kỳ từ lâu đã ủng hộ quan điểm tự do đi lại trên toàn thế giới và sự tự do này phải bao gồm cả ở Nam Trung Hoa hay Biển Đông. Chúng tôi có lợi ích trong lưu thông đường biển tự do trong khu vực và trong việc giải quyết hoà bình những tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa và các vị trí khác.

Hợp tác quốc phòng được củng cố giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phục vụ lợi ích cả hai bên. Song phương và phối hợp với các đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á như Philippines, Singapore và Indonesia, chúng ta cần tìm nhiều phương thức khác nhau để mở rộng quan hệ. Chúng ta cần phối hợp để tăng cường trao đổi thông qua hiệp định Huấn luyện và Trao đổi Quân sự ký năm 2005 tiếp tục các cuộc đối thoại về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Những bước đi này cần diễn ra trong bối cảnh đối thoại mở rộng giữa lãnh đạo hai nước về cách thức chúng ta nhìn nhận về môi trường chiến lược trên toàn châu Á.

Quân đội Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng về sự kiên cường. Khi cải cách nền kinh tế và đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục thuộc hàng cao nhất giới, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành mô hình cho nhiều nước phát triển trên toàn cầu. Nhờ thắt chặt quan hệ với kẻ thù xưa và khôn khéo trong vai trò tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã chứng tỏ được ảnh hưởng ngoại giao toàn cầu của mình. Tôi tin rằng, Việt Nam đang có cơ hội để tiếp tục những thành tựu của mình bằng việc theo đuổi những tiến bộ trong lĩnh vực chính trị và xã hội.

Sự thay đổi này – bao gồm mở các quyền tự do xã hội, cho phép tự do ngôn luận rộng rãi hơn, trả tự do cho tất cả các cá nhân bị cầm tù vì thể hiện chính kiến của mình một cách hoà bình, cải thiện nhân quyền, và mở rộng phạm vi hoạt động chính trị - sẽ có tầm vóc lịch sử. Khoan dung với những quan điểm khác nhau là biểu hiệu của sức mạnh, không phải điểm yếu, và nếu có một nét nào đó dân tộc Việt Nam đã thể hiện trong những thập kỷ qua, đó chính là sức mạnh. Thế giới đã từng lưu ý về những dấu hiệu về biến đổi chính trị ở Trung Quốc, từ bầu cử ở địa phương cho tới nền lập pháp tự chủ hơn và nền tư pháp liêm khiết và độc lập hơn. Bằng những bước tự do hoá chính trị mạnh mẽ hơn, Việt Nam có cơ hội không chỉ theo kịp những thành tựu đó mà còn vượt qua chúng. Việt Nam có thể trở thành một mô hình để các nước khác noi theo. Và Việt Nam sẽ đảm bảo rằng, theo thời gian, quan hệ với Hoa Kỳ được gắn kết không phải trên cơ sở còn biến động của các lợi ích chung về kinh tế và an ninh, mà trên nền tảng của những giá trị chung.

Những nhà lãnh đạo Việt Nam là những người gìn giữ những thành tựu phi thường mà chỉ trong một thời gian ngắn đã chuyển đổi cả một nền kinh tế và một dân tộc. Quý vị có trách nhiệm bảo vệ và mở rộng những thành quả đó, như các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có trách nhiệm cổ vũ cho những tiến bộ của xã hội Mỹ. Thế kỷ trước, dù với những cuộc chiến và gian lao chưa kể hết, chắc chắn sẽ được coi là vĩ đại trong các giai đoạn của lịch sử vì sự vượt lên của tự do trên sự kìm kẹp, thịnh vượng trên sự đói nghèo, quyền của mọi người trên những đặc quyền của thiểu số. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành, ở cả Washington và Hà Nội. Lịch sử đã trao nhiệm vụ thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của loài người vào tay chúng ta; vào những nhà lãnh đạo của thế giới có trách nhiệm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn hiện nay mà không từ bỏ niềm tin vào những nguyên lý và thực tiễn đã từng đưa vận mệnh của nhân loại vượt lên trên những khát vọng của các thế hệ đi trước. Đó chính là trách nhiệm chung của chúng ta, và đó là một vinh dự mà tôi mong chờ, như tôi mong chờ vinh dự hôm nay được nói chuyện với một thế hệ những nhà lãnh đạo mới của đất nước này, những người cùng với thế hệ lãnh đạo mới ở đất nước tôi, sẽ viết nên một chương mới tốt đẹp hơn trong lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

John McCain