PDA

View Full Version : N - Niềm vui Phục Sinh



Dan Lee
04-12-2009, 12:05 AM
Niềm vui Phục Sinh


Vào thời gian đầu của Giáo hội sơ khai, các tín hữu chỉ mừng một ngày lễ duy nhất đó là Lễ Phục Sinh. Đây là biến cố vô cùng trọng đại, được coi có nội dung bao trùm toàn thể mầu nhiệm của Chúa Kitô: Chúa Kitô sống lại vinh hiển là Đấng Thiên Sai đã chiến thắng, Ngài là Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta; Ngài can thiệp, hoà giải nhân loại tội lỗi với Chúa Cha và Ngài sai Chúa Thánh Linh đến với từng người, để rồi ngày sau hết chúng ta cũng được sống lại như Ngài. Nói cách khác, biến cố Chúa Phục sinh là một lời hứa, một niềm hy vọng chắc chắn cho mỗi người tín hữu chúng ta, sẽ được sống lại vinh quang trong ngày chung thẩm.

Hẳn là phải yêu thương nhân loại kinh khủng lắm, Thiên Chúa mới nghĩ ra và thực hiện kế hoạch cứu độ loài người lạ lùng đến thế. Có thể nói là Ngài đã biến đổi đến bốn lần bản thân mình – điều mà trí khôn loài người khó có thể tưởng tượng nổi -, để nhân loại có thể hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Ngài: 1/ Trong Mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã thực sự trở thành con người bằng xương bằng thịt. 2/ Trong Mầu Nhiệm Thập Gíá, Thiên Chúa đã tỏ hiện tình yêu vô biên, dám hiến dâng cả sự sống của mình. 3/ Trong Mầu Nhiệm Phục Sinh Ngài đã tỏ hiện qua quyền năng và vinh quang vô hạn của Ngài. 4/ Trong Mầu Nhiệm Thánh Thể Ngài đã tỏ bày cách thân thương, gần gủi qua Bí tích Tình Yêu.

Đúng, Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình yêu nơi Ngài hẳn là mãnh liệt, nồng thắm lắm, đến độ ngôn ngữ loài người không tài nào diễn tả hết được. Thế thì, nơi loài người chúng ta, tình yêu đã có từ lúc nào và đến từ đâu nhỉ ? Để trả lời câu hỏi này, hãy mượn một sự kiện cụ thể trong đời sống. Khi bàn tay chúng ta ấm, mà đụng vào vật gì hoặc người nào đó, hơi ấm sẽ chuyền sang người hay đồ vật đó ngay. Tuy nhiên, muốn làm cho một người có nhiệt độ bình thường (37.7) tăng lên thêm một độ, thí dụ 39 độ C chẳng hạn, thì thân nhiệt của người chuyền sang phải cao lắm, đến cả mấy trăm độ C hay nhiều hơn nữa. Từ sự kiện này, tôi nghĩ rằng chính khi bàn tay của Thiên Chúa cầm bụi đất nặn ra nguyên tổ, thì đó là lúc tình yêu của Ngài chuyền sang cho con người đầu tiên. Thứ tình yêu phàm trần mà nhân loại chúng ta dành cho nhau mãnh liệt biết mấy, nên chúng ta cũng có thể tưởng tượng được tình yêu của Thiên Chúa còn mãnh liệt đến cỡ nào, để có thể qua bụi đất mà chuyền sang cho nhân loại.

Cách đây hơn năm trăm năm, Christopher Columbus dùng thuyền đi từ Palos nước Tân Ban Nha xuyên qua biển cả đầy hiểm nguy, bí hiểm (mãi đến hôm nay sự bí hiểm của đại dương vẫn còn là một ẩn số), với mục đích tìm kiếm tân thế giới. Sau khi chiến thắng không biết bao nhiêu bão táp đến từ bên ngoài, và từ bên trong thì chịu đựng rất nhiều phiền muộn từ thủy thủ đoàn, cuối cùng ông đã thành công mỹ mãn: khám phá ra lục địa châu Mỹ khổng lồ. Khi ông trở lại Tây Ban Nha, người ta ca tụng, tung hô ông vang dội. Sự vui mừng, phấn khởi đó vang vọng khắp châu Au. Người người hồ hởi, náo nức mong được đi theo vị thuyền trưởng vĩ đại, vượt đại dương, hầu sở hữu sự giàu có đang chờ đợi họ tại lục địa mới mẻ đó.

Chúa Giêsu Kitô, quyền năng và vĩ đại hơn Columbus triệu triệu lần. Chính Ngài đã từng vượt qua cơn giống tố biển khơi của cuộc đời. Bên trong của cơn giông tố là sự phản bội của các môn đệ: nộp thầy để lấy mấy chục đồng bạc; bên ngoài là sự chống đối của người Do thái, các luật sĩ, kinh sư: lên án và cuối cùng xử tử Ngài. Sau khi vượt qua được eo biển khốn khó là sự chết, Ngài sở hữu một thế giới mới. Ngài mạc khải cho chúng ta một “Trời mới, Đất mới”, là nơi cho đến hôm nay nhân loại chưa ai có thể tự mình khám phá, tiếp cận được. Ngài đứng nơi bến bờ của vương quốc mới, đang quay lại vẫy gọi chúng ta theo Ngài. Khi mạc khải: ”Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, Ngài mời gọi mọi người đến để cùng chia sẻ sự sống với Ngài trong vương quốc bất diệt đó: vương quốc không còn khổ đau, chết chóc, chỉ có ánh sáng, bình an và hoan lạc.

Trong nhân loại đang còn vô số người thiếu may mắn chưa biết đến biến cố Phục Sinh lạ lùng, có một không hai nầy. Trong lịch sử y học, có xảy ra trường hợp một số người sống lại sau khi “chết” vài hôm. Thế nhưng, những người đó về sau rồi cũng lại ra đi vĩnh viển. Chỉ có Thiên Chúa Đấng quyền năng tuyệt đối mới toàn quyền trên vạn vật và cái chết mà thôi. Nói đến quyền uy vạn năng của Chúa, tôi chợt nhớ đến câu chuyện này: Có một người kia làm việc tại xưởng hóa chất khổng lồ Michael Faraday, một hôm vô ý làm rơi cái ly bằng bạc vào trong bình chứa dung dịch acid. Theo sự thường, cái ly sẽ tan biến ngay do acid ăn mòn. Nhân viên này hoảng sợ quá sức ! Người ta mời một nhà hóa học đến. Ông ta bỏ một hóa chất nào đó vào trong bình chứa dung dịch acid nói trên. Một lát sau tất cả chất bạc kết tủa xuống dưới đáy bình và lạ lùng thay, cái ly bằng bạc đã được phục hồi đúng với hình dạng ban đầu. Hãy thử nghĩ xem, nếu nhà hóa học kia -là tạo vật của Chúa-, mà có thể làm được việc tài tình như vậy, thì chúng ta còn nghi ngờ gì nữa về quyền năng Thiên Chúa, về sự sống lại từ cái chết của Ngài- nhà hóa học phi thường, kỳ diệu- Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật !

Ngày xưa Columbus mạo hiểm với nhiều may rủi, đi tìm tân thế giới trên con thuyền quá bé nhỏ so với đại dương hiểm ác bao la, cuối cùng ông đã đến được bến bờ tự do, quê hương của sự sống dồi dào, sung túc. Chúa Kitô hôm nay cũng thiết lập cho con cái mình một con tàu Giáo Hội, một phương tiện thật an toàn để tiến về đất hứa vĩnh hằng. Con tàu này có khả năng chống lại bão táp, phong ba, những cám dỗ của đại dương trần thế. Ngài để lại cho chúng ta một tài liệu hải hành không chút sai lầm; đó là Lời Thiên Chúa và Tin Mừng của Ngài. Ngài luôn luôn là vị thuyền trưởng, đích thân lèo lái con tàu Giáo Hội. Đi trong chuyến hành trình này, chúng ta đâu còn gì để sợ hãi ! Bạn thân mến, chính Thiên Chúa là tác giả và là người có phán quyết sau cùng về đức tin của bạn và tôi. Ngài ban cho chúng ta mũi neo hy vọng, để tín thác vào Ngài. Chắc chắn chúng ta sẽ không bị chao đảo bởi những sóng gió cuộc đời, như thủy triều lên xuống.

Ngày xưa, khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, bị giết chết và táng xác trong mồ, vì tình yêu vô biên, Thiên Chúa Cha không nỡ để mất con mình, đã làm cho con mình sống lại. Cũng chính nhờ vào tình yêu này mà người Kitô hữu sẽ được cứu thoát, được cho sống lại ngày sau hết. Mọi thành tích, công phúc của con người cho dù lớn lao đến đâu đi nữa, cũng chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa, Ngài không cần những thứ đó để được vinh danh hơn. Ngài yêu thương chúng ta không phải do chúng ta đã làm được gì, hoặc có phẩm cách đáng quý đến mức nào đó, nhưng chỉ bởi do sáng kiến tình yêu của Ngài. Như thế, chúng ta được cứu độ không phải do những công việc, thành tích chúng ta thực hiện được, nhưng bởi đã đón nhận tình yêu Ngài trao ban như một ơn “nhưng không”, trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì để xứng đáng với hồng ân đó.

Tóm lại, Phục Sinh là mầu nhiệm cốt lõi, một bảo chứng hùng hồn nhất cho ơn cứu độ. Đây là tâm điểm, là chóp đỉnh và là hy vọng của những người tin vào Chúa. Thiên Chúa là Đấng đã ban đất hứa cho dân Do Thái, đồng thời đã dẫn dắt họ tiến về vùng đất “sữa và mật” đó. Hơn cả ngày xưa, ngày nay Thiên Chúa không chỉ ban đất hứa vĩnh cửu cho nhân loại, nhưng chính Ngài, khi Ngài từ cõi chết sống lại, đã trở thành Đất Hứa, là Ơn Cứu Độ, là Tin Mưng sống động cho nhân loại. Nét độc đáo là ở chỗ đó. Tóm lại, biến cố Phục Sinh là niềm vui của sự sống mới, là sự chiến thắng vĩnh viễn trên thần Chết - kẻ thù cuối cùng, và như thế là niềm vui lớn nhất của người tín hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho ánh sáng Phục Sinh chói chang của Thần Linh Thiên Chúa chiếu soi vào bóng tối của thế giới, như ngọn hải đăng rực sáng trên biển cả ban đêm. Mong sao ánh sáng hy vọng ấy được luôn bừng lên trong ánh mắt của từng người theo Chúa, và sưởi ấm con tim băng giá của nhân loại đang ê chề với khổ đau. Này bạn ơi, Chúa đã Phục Sinh. Allêluia !

Phaolô Ngô Suốt, C.T.S.