PDA

View Full Version : P - Phục Sinh: sự chiến thắng của Đức Giêsu Kitô mang lại sự sống mới cho chúng ta



Dan Lee
04-12-2009, 09:40 PM
Bài giảng Lễ Phục Sinh

Kính thưa: Cha tổng đại diện và các cha,
Các bề trên, nam nữ tu sĩ,
anh chị em giáo hữu và toàn thể mọi người,

Chúa đã sống lại thật. Ha-le-lu-ia.

Cùng hoà nhịp với tiếng chuông vang lên từ các nhà thờ loan báo tin vui mừng của Lễ Phục Sinh, hàng trăm triệu con tim của những người theo đạo Chúa Kitô trên khắp thế giới đều hát lên lời loan báo kỳ diệu về Chúa sống lại.

Thực thế, chúng ta đã chấm dứt những ngày suy ngắm về sự chết của Chúa Giêsu như là một sự phi lý và thất bại của một con người trước sự gian ác và dối trá của thế gian: đáng lẽ, con người là đầu mối sinh ra tội lỗi từ thuở sơ khai trong vườn địa đàng cho tới ngày nay qua dòng thời gian, đã phải chết trong thất vọng cay đắng, thì trái lại, chính Đức Kitô là người công chính đã cam nhận thân phận tội nhân như lời Thánh Phao-lô đã dạy:

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự...” (Pl 2,6-8).

Nhưng kỳ diệu thay, Chúa đã sống lại, đúng như lời Thánh Phao-lô nói:

“Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
Và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giêsu Kitô là Chúa”. (Pl 2,9-11).

Sự Phục sinh của Đức Kitô chính là cái hợp lý và lôgic của chính Chúa Giêsu Kitô, là Ngôi Hai, là bản tính hằng hữu cho đến muôn đời. Trong Chúa Giêsu Kitô, bản tính của Thiên Chúa không bao giờ phải chết. Chỉ có con người của Giêsu bị chết và được mai táng trong mồ, nhưng sau 3 ngày, thiên tính đầy uy lực phép tắc đã lôi kéo bản tính nhân loại chỗi dậy, sống lại sáng láng huy hoàng.

Như vậy, trong Chúa Giêsu Kitô luôn có mầm sống hằng dồi dào và phong phú, không những trong nội tại bản tính Thiên Chúa mà còn có sức sung mãn triệt để vực dậy bản tính nhân loại của Chúa Giêsu Kitô, kể cả trong sự chết.

Sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô chính là sự vươn lên của sự sống dồi dào sung mãn ấy, cuốn theo những gì là liên hệ như chính lời Thánh Phao-lô đã nói:

“Người là khởi nguyên,
là Trưởng Tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự, người đứng hàng đầu.
Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
Và muôn vật trên trời.” (Cl 1,18-20).

Do đó, mừng Chúa sống lại chính là những con người không những chỉ được giải thoát ra khỏi những ràng buộc vật chất như những phép lạ Chúa đã làm: phép lạ cho người thanh niên con bà goá thành Na-im, phép lạ cho La-za-rô chết được sống lại... Họ chỉ được giải thoát khỏi cái chết của xác thể, rồi cuối cùng cũng phải chết như mọi người. Những người tin vào Chúa Giêsu Kitô mà để cho Chúa tác động ngay trong tâm hồn mình, tận thâm sâu trong đáy lòng mình thì cũng được như Chúa Giêsu Kitô sống lại một cách tuyệt hảo.

Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô đã bình luận về sự sống như sau: “Chúa Giêsu đến với chúng ta ở bên ngoài thế nào, thì Ngài cũng đã ở bên trong trái tim của chúng ta như vậy”. Chúng ta có thể hiểu được điều này trong câu chuyện Chúa sống lại và hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau. Nếu Chúa không thúc đẩy tự bên trong của hai môn đệ, mặc dầu Ngài đã đồng hành với họ, cắt nghĩa cho họ những đoạn Thánh Kinh, nhưng đã hun nóng tâm hồn họ và mở mắt cho họ thấy Chúa hiện diện trong lễ nghi bẻ bánh.

Vậy, tin vào Chúa sống lại, nhất là sống theo tinh thần ấy như chính Chúa đã nói: “Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết (không hẳn Ngài đã chết về phần xác) mà Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống” (Mt 22,32). Ngài gọi chúng ta, đặc biệt trong mùa Phục sinh này, hãy sống những người sống thật để làm việc cho sự sống thật, để tránh tiếng sống tiêu cực, thù nghịch, phá hoại, xâm lấn đến cả cội rễ của sự sống.

Chúng ta phải luyện tập cho sự sống của người Kitô bằng cách bước vào đời như chính Chúa Giêsu Kitô, như lời Thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô: nơi Đức Giêsu, không có tiếng có hay tiếng không. Nơi Đức Giêsu, chỉ có tiếng “Có”. Đó là tiếng “vâng” cao cả. Nơi Người, mọi sự đều là tích cực, mọi sự đều là kiến tạo, mọi sự đều là xót thương, mọi sự đều là tình yêu. Tóm lại, mọi sự đều là “sống”.

Thực ra, sự sống lại của Đức Kitô không phải ở chỗ một nấm mồ trống rỗng (nó chỉ như một dấu hiệu để mỗi người chúng ta dốc trống tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa), nhưng còn là một cách để biểu lộ sự Chúa hằng sống ở trong mỗi người. Có một cuốn sách tựa đề là “Nhà vua, người khôn ngoan và tên hề” diễn tả một cuộc đối thoại tôn giáo, mỗi người phải trình bày nét chính của đạo mình ra. Diễn giả Kitô tuyên bố rằng: sự Phục Sinh là sự sống thần linh và vĩnh cửu ùa vào cuộc sống hay chết của nhân loại. Chúa Giêsu chính là Đấng thực hiện điều đó. Tất cả những sứ giả khác của Thiên Chúa, dù rằng rất quý giá và thâm sâu cũng chấm dứt trong nấm mồ. Những vị sáng lập ra đạo khác cũng để lại đàng sau những lời giáo huấn có thể đã được linh hứng hay cho người khác. Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng hằng sống trong khi tôi nói với anh em về sự hiện diện và hoạt động của Người vẫn dạy dỗ chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Đó là lời giảng dạy của Thánh Phao-lô trong thư thứ I gửi giáo đoàn Cô-rin-tô:

“Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu quả thực kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,13-20).

Anh chị em thân mến,

Thực sự ra, chúng ta là những người hạnh phúc hơn hết, vì có Chúa Phục sinh ở cùng, khiến cho mọi nơi mọi lúc sau những lễ nghi hoành tráng ở nhà thờ hay bất cứ nơi nào, người Kitô ra về không “trống rỗng” như mọi người khác, hoặc chỉ đầy ắp những thú vui trần tục của các cuộc lễ hội đình đám… Nhưng chúng ta vui mừng sung sướng vì Chúa đã hứa “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúng ta tiếp tục hát lên trong đời mình tiếng “Hal-le-lu-ia” như những người thợ cần cù của sự sống để mang đến cho mọi cử chỉ và hành động, mọi biến cố của cuộc đời, mang đến cho sự sống vinh quang của sự chiến thắng của Đức Giêsu Kitô trên sự chết và bước vào chương trình rất ngắn gọn mà Thánh Phao-lô đã vạch ra như trên: trong Chúa Giêsu chỉ có tiếng “Có”, có nghĩa là “vâng” với sự sống, trong sự sống và bởi sự sống, cũng là tiếng “vâng” của Đức Trinh Nữ Maria cộng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ.

Tôi kính chúc mọi người trong Giáo phận một lễ Phục sinh tốt đẹp, vui vẻ và thánh thiện, âm vang trong đáy lòng mỗi người tiếng “xin vâng” của Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria để ngày càng sống tích cực hơn, càng nên giống Chúa Giêsu Phục sinh tự bản thể trong đáy lòng mình mới có thể toả lan ra cuộc sống bên ngoài, để góp phần cứu rỗi chính mình và đem Tin Mừng đến cho mọi người, để vui hưởng sự sống sung mãn dồi dào của chính Chúa Giêsu Kitô. Amen.

+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang