PDA

View Full Version : DĐ - Đức tin phục sinh



Dan Lee
04-16-2009, 09:44 PM
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Đức tin phục sinh

(Ga 20,19-31)

Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm vui, là niềm hy vọng, là đích điểm của đời sống tín hữu và cũng chính là Đức Tin Ki tô giáo.

Để được đức tin vào Đức Ki tô Phục Sinh, Giáo hội Chúa đã phải trải qua bao nhiêu thử thách, mà thử thách đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự hy sinh của lý trí. Ngay cả các Tông Đồ- những người từng theo Chúa Giêsu trên đường rao giảng, từng nghe lời Chúa Giêsu dạy, từng thấy việc Chúa Giêsu làm, từng chứng kiến Lagiaro chết chôn 4 ngày, xác đã nặng mùi được sống lại.. thế mà họ cũng đã hơn một lần kinh hãi bàng hoàng trước cái chết bi thương của Thầy mình; hơn một lần bỏ trốn Thầy mình để chính Thầy tự xử trước cơn cùng khốn; hơn một lần thất vọng vì tưởng rằng Thầy mình đã chết đi thì ước vọng khôi phục giang san cũng tan tành theo mây khói và bao năm theo thầy cũng xem như đổ sông đổ biển hoặc lãng quên theo cái hư không vô nghĩa đáng tiếc; hơn một lần hồ nghi Thầy mình liệu có sống lại như Thầy đã nói: “Ta có thể phá hủy đền thờ TC và xây lại trong ba ngày”….

Tâm trạng của các tông đồ, những tín hữu sơ khai, luôn chập chờn giữa thật và ảo, giữa có và không, giữa cái tin được và không tin được… một phần do bởi rào cản của lý trí vì sự hạn hẹp trước mầu nhiệm Thiên Chúa, phần khác do bởi sự cố thủ lý trí của mình không để cho ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa lọt vào soi dẫn, vì thế, họ không thể hiểu trọn vẹn được ý định cứu thế của Thiên Chúa.

Hiểu rõ tâm trạng bất an của các tông đồ, những người đã chấp nhận theo mình vào công cuộc cứu thế của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với họ với câu chào chúc: “Bình an cho anh em”. Chúa Giêsu muốn họ có một bình an thật, sự bình an mà lý trí của họ không mang lại được, nhưng sự bình an ấy phải là hoa quả của niềm tin vào Thầy mình đã sống lại, và ngược lại, chỉ khi nào họ có một niềm tin chắc chắn và kiên vững, thì họ mới thật sự bình an trong cuộc đời. Các ông cũng được xem những dấu đinh nơi tay và dấu lưỡi đòng nơi cạnh sườn của Người, như là chứng tích của một người thật, một con người thật đã chết thật và đang sống lại thật.

Tôma không được chứng kiến. Và khi nghe các bạn tông đồ kể lại: “Chúng tôi đã thấy Chúa”, ông hồ nghi và xem như ông có vẻ muốn đặt một điều kiện cho đức tin ông. Ông nói: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Chúa Giêsu, hơn ai hết, hiểu Toma như một con người thực dụng- sờ đụng tận tay, thấy tận mắt mới tin, tám ngày sau, Ngài đã thực hiện điều kiện Toma đặt ra: Người bảo ông Tô-ma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Điều đáng ngạc nhiên trên trang tin mừng hôm nay là Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi Toma thành một con người mới, con người của Đức Tin sâu thẳm, đức tin được mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần, ông phủ phục dưới chân Chúa Giêsu Phục Sinh và tuyên tín: “ Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Câu nói ấy nói lên toàn bộ huyền nhiệm về Đức Giêsu Cứu Chúa, không chỉ là Con Thiên Chúa, mà còn là Thiên Chúa thật. Biết Toma được ơn mạc khải, Chúa Giêsu nhấn mạnh vai trò Chúa Thánh Thần ngay trong câu nói: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Vai trò Chúa Thánh Thần từ đây trở nên quan trọng là dường nào đối với đức tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Chúa Thánh Thần trở thành một lý trí mới, một con mắt mới, một cảm nhận mới trong mỗi con người. Chính Ngài là Lý trí vô cùng của Thiên Chúa trong con người nhỏ bé chỉ hiểu những gì hạn hẹp; chính Ngài là con mắt siêu phàm của Thiên Chúa trong con người có mắt chỉ để thấy cõi trần gian tạm bợ và mù quáng những thực tại vô hình; chính Ngài là sự cảm nhận siêu nhiên của Thiên Chúa trong con người xác đất vật hèn chỉ cảm nhận được những tình cảm vui buồn chóng qua, những sự thật tạm thời mà không thể cảm nhận được những sự thật thường hằng, bất biến của Thiên Chúa.

Trang Tin Mừng hôm nay soi rọi cho chúng ta trên hành trình đức tin của mỗi người.

1. Bình an trong cuộc đời phải là bình an phát xuất từ Đức Tin Phục Sinh. Chúng ta luôn khao khát và chấp nhận một thứ bình an ảo: một nền hòa bình ảo khi Đức Tin Kitô Giáo bị loại trừ không khoan nhượng, nhường chổ cho niềm tin niềm tự hào dân tộc; một bình an ảo khi Đức Cậy Kitô giáo bị buông bỏ ngoài khối óc nhân loại kiêu hãnh tự đắc vì tưởng tự lực tự cường; một hạnh phúc ảo khi Đức Ái Kitô giáo mờ dần trong trái tim khô cứng của con người chỉ lo cho sự hưởng thụ để cái vật chất phù du cuốn hút vào chỗ diệt vong không hề hay biết.

Bình an thật mà Chúa Giêsu Phục Sinh chào chúc các tông đồ phải là bình an của niềm tin phục sinh. Và niềm tin ấy được thể hiện bằng việc kết hiệp với Đức Kitô Phục Sinh từng giây phút trong cuộc đời, để loại trừ tất cả những sự “kết-hiệp-không-phục-sinh” khác trong đời. Không đợi đến giờ phút nằm bất động trên giường bệnh chờ đợi sự chết đến, chúng ta mới hiểu ra rằng tất cả thực tại trần gian như danh vọng, chức vị, tiền bạc, nhà lầu xe hơi… đều sẽ không phục sinh cùng với chúng ta, đôi khi còn cản trở hành trình đức tin của chúng ta về với cùng đích là Phục Sinh với Đức Kitô trong cuộc sống mới. Đừng lầm tưởng người giàu có hay mất bình an vì cuộc toan tính làm giàu, mà chính người nghèo khổ lại mất bình an vì cứ tưởng giàu có mới đem lại bình an hạnh phúc. Chúng ta, những người nghèo khổ trong cuộc đời phải tìm cho ra nguyên lý của bình an và vui lên với niềm vui Phục Sinh vì chúng ta đang sống rất gần với sự sống Phục Sinh, nếu chấp nhận cuộc sống hạnh phúc dưới cái nhìn siêu nhiên hơn: phân biệt cái rất cần và cái bất cần.

2. Đức Tin Phục Sinh đòi hỏi sự hy sinh của lý trí để xác nhận Đức Tin là một ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban tặng. Ơn huệ Đức Tin phải bắt nguồn từ lòng khiêm tốn đón nhận ánh sáng Chúa Thánh Thần soi dẫn. Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, làm cho Lời Đức Kitô, cho chính Đức Kitô tồn tại trong trần thế cho đến ngày cánh chung. Ngài mở con mắt đức tin của chúng ta để chúng nhìn thấy một Đức Kitô Phục sinh thật sống động, qua những chứng nhân phục sinh tông truyền từ các tông đồ, để đức tin của chúng ta mang lại cho chúng ta một sự bình an thật, bình an mà thế gian không mang lại được. Chính Đức Tin Phục sinh ấy sẽ biến đổi toàn bộ con người chúng ta nên nhân chứng hùng hồn cho Mầu Nhiệm Thiên Chúa.

3. Trở nên nhân chứng Phục Sinh, không chỉ bằng lời rao giảng, mà bằng cả cuộc sống Tin, Cậy, Mến viên mãn thể hiện nơi đời sống hằng ngày, nơi bản thân, trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, trong xã hội. Cuộc sống ấy không còn thấp thoáng bóng dáng của những bám víu thực tại trần thế, của những nghiêng chiều về một sự ly tán nội tại, của những bất an do những khát vọng hư hèn. Cuộc sống của những người làm chứng cho Chúa Kitô phải là một cuộc sống đang phục sinh ngay trên dương gian nầy- sống trước cuộc sống phục sinh khi hãy còn sống trong cuộc-sống-trong-thân-xác-hay-chết. Đòi hỏi ấy, tưởng là một đòi hỏi quá sức của con người, kể cả những con người được thông ban chính sứ vụ thừa tác hy tế Chúa Giêsu, nhưng thiết nghĩ, lại là một đòi hỏi quan trọng cho mỗi tín hữu giữa đời thường, giữa cuộc vật lộn với các trào lưu thế giới hiện nay đang tiến dần đến chỗ lầm tưởng trần gian là thiên đường đích thực.

Với chúng ta, những tín hữu, những Kitô hữu, được cùng chết với Đức Kitô qua bí tích rửa tội, đang được đồng hưởng phần phúc Phục Sinh với Chúa Kitô, qua trang tin mừng hôm nay, có thêm một xác tín về sự bình an thật, về đức tin phục sinh và về cuộc sống chứng nhân phục sinh trong tình trạng Phục sinh. Tất cả đang là những ân huệ sẵn có, và những nghĩa vụ ắt có mà không thể chối từ, nếu không muốn mang tiếng là vô ơn đối với Ơn Cứu Chuộc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con khiêm tốn đón nhận Chúa Thánh Thần trong hành trình Đức tin và để Ngài tác động trong chúng con một cuộc sống phục sinh ngay trên đường đời dương thế của chúng con. A men

Pm. Cao Huy Hoàng