PDA

View Full Version : DĐ - Đức Kitô đã sống lại thật



Dan Lee
04-16-2009, 10:07 PM
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH B

ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT



A. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã long trọng mừng lễ Chúa sống lại, một biến cố trọng đại đối với Hội thánh và niềm tin của chúng ta. Biến cố vô tiền khoáng hậu này đã được ghi trong các sách Tin mừng và trong sinh hoạt của Giáo hội, nhưng có nhiều người còn chưa tin, họ đưa ra những lý lẽ để bác bỏ việc Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Ngày nay không thiếu gì những người còn đòi bằng chứng việc phục sinh của Đức Giêsu, giống như trường hợp ông Tôma ngày xưa.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể có được tri thức là do kinh nghiệm, do suy luận và do người khác chỉ bảo cho. Nhưng tri thức của chúng ta phần lớn là do người khác chỉ bảo cho, có thể đến 80%. Chúng ta vẫn tin họ, nếu không thì cuộc sống sẽ không tiến bộ được.

Trong đời sống tôn giáo hay đời sống thiêng liêng, chúng ta không thể tự sức mình tìm ra được những chân lý cao sâu, tất cả phải do Chúa mạc khải và do Hội thánh truyền lại. Đức tin không phải là chấp nhận suông một số chân lý hay một giáo thuyết, mà là dấn thân tin theo Đức Kitô là “đường, là sự thật và là sự sống”(Ga 14,6). Đức tin ấy còn phải được trui rèn, thử thách và phải được diễn tả ra bằng việc làm, nhất là trong việc tuân theo thánh ý Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 4,32-35

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca nêu lên một điểm sáng ngời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem: Tinh thần chia sẻ ! Mọi người đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Họ chỉ có một lòng một ý đến nỗi để mọi sự làm của chung.

Đây là một việc làm tự nguyện chứ không có tính cách bắt buộc. Việc làm đặc biệt này khiến cho người ngoại giáo hết sức ngạc nhiên và thán phục. Các tín hữu bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa rồi đem tiền giao cho Hội thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu của từng người. Họ không phân bì ghen tị nhau vì có người góp nhiều mà hưởng ít, và cũng có người góp ít mà hưởng nhiều. Do đó, không ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn.

Nhưng điều thánh Luca muốn làm nổi bật lên, đó là tình liên đới sâu đậm giữa các Kitô hữu tiên khởi rập theo tinh thần Tin mừng, hợp với thánh vịnh mà họ cùng ca lên:

Anh em xum họp một nhà,

Bao là tốt đẹp, bao là thú vui.

(Tv 133,1)

+ Bài đọc 2: 1Ga 5,1-6

Thánh Gioan viết bức thư này có ý nói lên cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là phải tin yêu: tin vào Đức Kitô sẽ thắng được thế gian. Kẻ tin vào Đức Kitô hằng sống sẽ được thông phần vào sự chiến thắng sự dữ của Đấng chịu đóng đinh. Tín hữu là người đã tin rằng Đức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Đấng đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.

Có đức tin chưa đủ, còn phải yêu mến điều mình tin, tức là yêu mến Thiên Chúa. Nhưng làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa ? Thánh Gioan trả lời cho chúng ta: đó là thực hành các giới răn của Ngài. Đối với người Kitô hữu, các giới răn của Thiên Chúa không còn là những luật buộc nặng nề, chúng chỉ là lời đáp trả theo tiếng gọi của tình yêu.

+ Bài Tin mừng: Ga 20,119-30

Đoạn kết Tin mừng của thánh Gioan (chương 21 được thêm vào sau này) là một mời gọi cuối cùng để hiểu đúng qui chế của đức tin. Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ để nhằm hướng họ về tương lai và chứng tỏ giờ đây Ngài hiện diện bởi Thánh Thần trong sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội thánh.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại hai lần Chúa Phục sinh hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly: lần thứ nhất vào chiều phục sinh, ông Tôma vắng mặt; lần thứ hai vào 8 ngày sau và lần này có mặt ông Tôma. Sự cứng lòng tin của ông Tôma tạo cơ hội cho Ngài trình bầy cho các môn đệ thế nào là tin: phải hoàn toàn tín nhiệm vào Lời Ngài mà không đòi hỏi những dấu chứng cụ thể.

Tin vào Đấng Phục sinh và vào cách hiện diện của Ngài không thuộc lãnh vực thị giác: điều thánh Gioan muốn nhấn mạnh khi kể lại chuyện Tôma, là để tạo cơ hội đặt vào miệng Đức Giêsu những lời này:”Phúc thay những người không thấy mà tin”(Ga 20,29). Các dấu chỉ dành cho đức tin thì nhiều, nhưng chúng không hề là bằng chứng mà là để nói với chính đức tin. Và khi nói với người không là Kitô hữu, ta còn phải quan tâm để cho những dấu chỉ ấy nói lên.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Nên tin hay chối bỏ ?

I. CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG TÔMA

1. Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ hai lần cách nhau một tuần. Một lần hiện ra ngay chính chiều ngày sống lại, mà không có mặt ông Tôma, còn lần sau thì có mặt ông Tôma. Mục đích Ngài hiện ra là làm cho các môn đệ tin rằng Ngài đã sống lại thật và chính các ông là những chứng nhân, để sau này củng cố đức tin cho những người khác. Ngài hiện ra với toàn thể con người phục sinh của Ngài, cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, ăn uống trước mặt các ông.

Rất tiếc trong khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các ông thuật lại cho Tôma việc Chúa đã hiện ra và quả quyết rằng:”Chúng tôi đã xem thấy Chúa rồi”. Nhưng Tôma, con người đa nghi và thực nghiệm, trả lời:”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, có mặt ông Tôma, để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói:”Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin”. Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận:”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”. Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục sinh, củng cố niềm tin cho chúng ta.

2. Nói về con người của ông Tôma

a) Con người cô đơn

Tôma là con người rất yêu Đức Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng để chết với Ngài trong khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Nhưng khi Đức Giêsu chịu chết rồi, ông tỏ ra bi quan, rơi vào tình trạng cô đơn. Ông đã rút lui khỏi các cuộc họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau lại.

Vì thế, khi Đức Giêsu trở lại với các môn đệ thì ông không có mặt. Mặc dầu các tông đồ nói với ông là đã xem thấy Chúa. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu đã hiểu rõ tâm trạng của ông nên đã hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông. Lúc đó, Tôma chỉ biết dào dạt tình thương mến trong lời nghẹn ngào:”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”.

b) Con người thực nghiệm

Tôma là con người có đầu óc cụ thể, thích tìm hiểu, thích kiểm nghiệm, giống như những nhà khoa học thực nghiệm hôm nay: những gì thấy và hiểu được thì mới tin. Chủ trương của ông hoàn toàn giống thuyết Tân sinh lý. Ông chỉ tin ở tai nghe mắt thấy, chân tay sờ mó được. Nói cách khác, điều làm cho ông tin phải có bằng chứng. Việc Chúa sống lại chưa có bằng chứng đối với ông, chỉ khi nào mắt thấy tai nghe Chúa sống lại thì ông mới tin. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông, xét theo phương diện tự nhiên, thì không sai. Nhưng trong lãnh vực siêu nhiên thì không đúng.

c) Con người can đảm

Khi Đức Giêsu hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông, ông đã lấy lại được niềm tin và là một niềm tin sâu sắc bù lại những nghi ngờ trước kia. Lúc này thực sự ông muốn đi Giêrusalem để cùng chết với Chúa. Theo truyền thuyết, Ông Tôma đã đi truyền giáo ở Ấn độ, gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn trung kiên rao giảng Đấng Phục sinh mà chính mắt ông đã thấy. Sau cùng ông là Tông đồ đầu tiên đã nhận lấy cái chết để theo gương Thầy mình.

Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi dễ dàng, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa.

II. CÂU CHUYỆN CỦA CHÚNG TA

1. Tin trong đời thường

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần có sự hiểu biết về nhiều vấn đề. Sự hiểu biết của chúng ta có thể do kinh nghiệm, do suy luận và do sự chỉ bảo của người khác. Kinh nghiệm là sự hiểu biết cá nhân do đã trừng trải, đã kinh qua nhiều sự việc do tai nghe mắt thấy. Nhưng kinh nghiệm bản thân thì quá ít ỏi trước sự hiểu biết bao la của muôn sự vật và con người.

Hầu hết chúng ta biết được điều này điều kia là do chúng ta tin vào những gì người khác nói với chúng ta. Có nhà chuyên môn ước lượng rằng 80% những kiến thức của chúng ta là do tin tưởng vào người khác mà có. Chẳng hạn, trong chúng ta ít có ai được may mắn du hành quanh thế giới. Cách duy nhất để chúng ta biết về phần lớn các quốc gia trên thế giới là do người khác nói cho chúng ta biết. Nói cách khác, chúng ta tin vào những người đã từng đến những nơi ấy. Nếu họ kể cho chúng ta rằng có một xứ sở nọ tên là Trung hoa, và dân chúng ở đó thế này thế kia, chúng ta sẽ tin họ.

Phương cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn chân thực như thế, thì cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thực hơn nữa. Phần lớn tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào những gì Kinh thánh kể lại cho chúng ta. Nói cách khác, phần lớn tri thức tôn giáo của chúng ta là do niềm tin.

(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 118)

Chúng ta đều không được đặt tay vào cạnh sườn Đức Giêsu như thánh Tôma, để trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục sinh từ cõi chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin vào chứng cớ của Thánh kinh. Chúng ta cũng có thể làm hơn thế nữa. Chúng ta có thể xử dụng tặng phẩm Chúa ban là lý trí để xác quyết thêm điều Kinh thánh đã truyền cho chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể qùy gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Đức Giêsu:”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”. Đáp lại, Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta:”Hạnh phúc biết bao cho kẻ chẳng thấy mà vẫn tin”.

2. Tin có cần thấy và hiểu không ?

Có nhiều người tỏ ra là những người hiểu biết, những người học thức, làm gì cũng phải hợp lý, không sống theo dư luận hay vào hùa với người khác. Họ chủ trương rằng: chỉ những gì họ THẤY và HIỂU được thì mới tin, nếu không thì sự tin đó là thái độ của con trẻ hay của những người còn non kém về tri thức. Nhưng thực tế thì thế nào ? Có những thực tế trái ngược hẳn với chủ trương của họ, khiến họ phải câm miệng.

Truyện: Có hiểu mới tin

Một vị trạng sư tự phụ rêu rao trước mặt đám đông rằng: mình chỉ tin cái gì mình hiểu thôi. Trong đám đông có một thằng nhỏ đã được nghe cha xứ giảng, đứng lên hỏi:

- Thưa ông, nếu vậy ông không tin những gì ông không hiểu ư ?

- Dĩ nhiên thế.

- Thưa ông, vậy xin ông cho cháu biết: tại sao ông cử động được ngón tay ?

- Tại vì ta muốn, chỉ có thế thôi.

- Ông muốn, vậy sao ông không cử động được hai tai ?

Vị trạng sự bí lối không biết trả lời bằng cách nào, bèn mắng:

- Thằng nhỏ này muốn giảng cho ta phải không ?

Nghe vậy, mọi người đều cười.

(Trần công Hoán, Tìm hiểu ít thắc mắc, tr 50)

Chúng ta hãy tạm đồng ý với chủ trương của họ, và sẽ xem cái chủ trương “thấy và hiểu” của họ có áp dụng vào thực tế hay không. Bạn hãy cầm lấy ly nước. Ly nước ấy chẳng là gì khác mà chỉ là ocxy và hytrô thôi. Mắt ta không trông thấy ocxy và hytrô nhưng ta vẫn tin rằng ly nước ấy chứa toàn hai chất ấy thôi nếu ta đem nó ra điện giải. Như vậy, nguyên tắc THẤY mới tin không còn đúng nữa, vì không thấy ocxy và hytrô mà vẫn tin nó có đấy.

Ta chưa bao giờ được thấy tận mắt một phi thuyền không gian, ta cũng chẳng hiểu nổi những nguyên tắc cũng như các kỹ thuật tân kỳ của các nhà bác học, nhưng ta vẫn tin là các nhà bác học đã sáng chế ra các phi thuyền không gian, và phi thuyền Apollô 11 đã lên nguyệt cầu. Trong chúng ta, ai dám nói là mình đã hiểu các nguyên tắc chế tạo phi thuyền của các nhà khoa học, tại sao ta lại vẫn tin ? Phải chăng chúng ta đã tự mâu thẫn với nguyên tắc của chúng ta.

Thực sự trong đời sống hằng ngày, ta dùng đến lòng tin rất nhiều, vì nếu không thế, đời sống sẽ không có thể được. Ở gia đình, cha mẹ dạy ta nhiều điều mà ta vẫn tin. Ở trường học, thầy cô truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức, ta chưa hề biết, có khi không hiểu nữa, thế mà ta vẫn tin, không thắc mắc gì. Nếu ta không tin vào những sự kiện lịch sử thì làm sao ta có thể học được môn đó. Dĩ nhiên lòng tin của ta chỉ có tính cách tương đối thôi bởi vì những cái đó có thể sai lầm được.

Đứng trong phương diện thiêng liêng, lòng tin của chúng ta không phải là cái gì phi lý hay là thái độ của những người thiếu hiểu biết, nhưng trái lại, ta phải nói rằng: tin là thái độ của con người hiểu biết, là thái độ của con người biết dấn thân, biết quyết tuyển. Chúng ta không tin viển vông nhưng tin vào sự chân thật của Chúa qua sự mạc khải của Ngài. Chúng ta sẽ tin những điều chúng ta không thấy và không hiểu, nhưng những điều ấy không bao giờ mâu thuẫn với lý trí con người, vì những cái ấy vượt trên tầm hiểu biết của trí khôn con người. Vi thế người ta mới có chữ SUPERNATUREL: vượt lên trên cái tự nhiên, đó là siêu nhiên.

3. Đức tin còn đòi thử thách

Có một niềm tin thì dễ, tin suông càng dễ hơn, nhưng có được đức tin là chuyện khó. Vì đức tin bao giờ cũng đòi thử thách và cần phải có ơn Chúa thì mới đứng vững được.

Chúng ta hãy xem cách hành động của tổ phụ Abraham để làm gương. Khi nghe tiếng Thiên Chúa, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi còn trẻ tuổi, chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp. Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12,4), lại đã lập gia thất (St 11,29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít. Lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho tổ phụ...

Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi: nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Hâran, một thị xã miền Mésopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Hâran đã chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn ? Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến, rồi làm ăn có nổi không. Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu Abraham(St 12,2-3): nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế (St 18,11-12)?

Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi xướng một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cảnh khói lửa chiến tranh (St 12,10; 14,13-14). Abraham đã gỡ mọi dây luyến ái để gia nhập đất khách quê người: mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABRAHAM ĐÃ TIN.

Đức tin bao giờ cũng là một cuộc VĨNH BIỆT, CHIA LY, vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác: trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa.

(Nguyễn huy Lịch, báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7)

4. Phải sống niềm tin của mình

Chúng ta ai cũng có đức tin hoặc mạnh hoặc yếu, nhưng có đức tin chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa, nghĩa là đức tin phải được thể hiện ra bằng việc làm như thánh Giacôbê nói:”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Chúng ta phải kiểm chứng xem chúng ta đã sống đức tin như thế nào:

1. Mọi người và nhất là người trẻ hôm nay có bao giờ bắt gặp mình đang cầu nguyện, và ý thức mình cầu nguyện với ai, cầu nguyện như thế nào ? Người trẻ hôm nay khi bước vào nhà thờ, có thực sự tìm kiếm, có ý thức rằng mình đến với Chúa, và nếu có, thì cảm nhận được sự hiện diện của Ngài như thế nào ? Và nhất là khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa, người trẻ hôm nay có bao giờ tìm hiểu ý nghĩa của việc tham dự ấy, và có thực sự hiệp thông với Đức Kitô chăng ?

2. Giới trẻ tin vào những điều người ta nói về Chúa, còn chính Chúa thì họ không tin. Nếu tin thì sao đi lễ họ ngồi trên xe honda ở ngoài nhà thờ, vừa xem lễ vừa nhai kẹo, truyện trò, hoặc xem lễ “vọng” ?

Người Pharisêu tỏ ra “thông đạo”, hiểu biết nhiều về đạo, về luật, mà lại không nhìn ra Chúa; còn người mù từ mới sinh không học hành gì thế mà có thể nhận ra Đức Giêsu là con loài người, và tin vào người sau một cuộc đối thoại ngắn ngủi:

- Anh có tin vào con loài người không ?

- Thưa ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin.

- Anh đã thấy Người, chính người đang nói với anh đây.

- Thưa Ngài, tôi tin (Ga 9,35-38)

Đức tin bao giờ cũng là sự gặp gỡ, một cuộc đối thoại trực tiếp cá nhân với Đức Giêsu, chứ không phải là sự chấp nhận một giáo lý trên bình diện một học thuyết, như kiểu người ta nhìn nhận một chân lý khoa học hay toán học.

(Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 202)

Đức cha Matagrin, tổng giám mục Grenoble, đã đưa ra nhận xét này: trong Giáo hội Việt nam, còn nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu.

Kitô hữu là người có Đức Kitô trong mình, là gắn bó với Đức Kitô, là gắn bó với giáo lý của Ngài. Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình; nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Đó là sự sơ suất đáng buồn và đã gây tai hại trong việc truyền giáo và sống đạo.

(Đc Bùi Tuần, Nói với giáo dân, 1991, tr 9)

Truyện: Tuyên xưng đức tin.

Bên Nhật bản, tại một học đường ở Nagasaki, có tất cả chừng 150 học sinh, nhưng duy có một em là người Công giáo.

Em ở nội trú, nhưng mỗi bữa ăn, em vẫn thản nhiên hiên ngang chắp tay cầu nguyện trước và sau bữa ăn. Nhiều trò khác chế diễu và thưa với thầy giáo.

Ngày kia thầy kêu trò lại hỏi:

- Tại sao trò lại làm như thế ?

- Thưa thầy, con là Kitô hữu nên phải cầu nguyện Chúa luôn, con không được vô phép lãnh thực phẩm của Chúa ban mà không cảm tạ Chúa.

Liền đó, thầy úp mặt xuống bàn viết khóc và nói một cách hổ thẹn:

- Trò ơi, ta đây là người tin Chúa song ta chẳng dám tỏ ra cho ai biết. Từ đây sắp tới, nhờ ơn Chúa, ta sẽ rán làm phận sự một tín đồ.

Ta phải hiên ngang xưng Chúa ra mọi nơi, trong lời nói cũng như hành động. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 nói: ” Ta phải truyền giảng Phúc âm bằng lối mới. Vậy thế nào là lối cũ ? Lối cũ là chú trọng vào việc thành lập các ủy ban, cơ quan, hội đoàn rồi sinh hoạt. Lối ấy nay không thích hợp. Ngày nay phải truyền giảng Phúc âm bằng đường lối mới. Điều đó không có nghĩa là có Phúc âm mới: Phúc âm luôn thế, nhưng lối truyền giảng phải mới nghĩa là sống đời chứng tá, diễn tả Phúc âm bằng lối sống hiện tại của mình”.

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
Giuse Đinh Lập Liễm