PDA

View Full Version : M - Những mảnh đời



Dan Lee
04-18-2009, 03:03 PM
NHỮNG MẢNH ĐỜI…



Có những mảnh đời thật bất hạnh trong cuộc đời…

Một trong những mảnh đời lần đầu tiên tôi gặp khi đến phục vụ tại giáo xứ Chính Tòa này là mảnh đời của một em học trò. Cuộc đời em đã hằn trong trái tim tôi nhiều cảm xúc không thể nhạt nhòa trong tâm trí với hình ảnh cô bé 15 tuổi, mang tên Thùy Linh. Ấn tượng làm tôi để ý đến em là cái tên L sao mà giống tên tôi thế ??

Tôi còn nhớ như in nét chữ ngoằn nghèo, nghệch ngoặc, sai lỗi chính tả với giọng văn nói của một học sinh lớp 3 trong 1 tờ giấy chiếc xé đôi, xem ra chẳng mấy lễ phép, khó đọc…. Cầm tờ giấy trong tay do một em Huynh Trưởng gởi, vừa bàng hòang ngỡ ngàng xen lẫn một chút tự ái. Tôi xếp giấy lại thận trọng bỏ vào túi áo đợi về đến nhà mới mở ra đọc.

Trong giấy em viết thế này: con cám ơn sơ đã thương con, lần đầu tiên con được người khác thương con. Con mới học lớp 3 không biết chữ đâu, cũng chẳng có sách vở gì cả lại phải đi làm, chắc con hỏng theo học nữa đâu. Cô bé viết tiếp: con viết thư này cho sơ con khóc nhiều lắm vì lần đầu tiên con kể chuyện của con cho người khác…(Tờ giấy này tôi cũng vừa mới đốt đi cách đây khỏang chừng hai tháng). Xem xong lá thư, lòng tôi chùn xuống; xúc động- trăn trở và thương cho mảnh đời của bé Thùy Linh.

Là con thứ trong gia đình có 4 người con chung- riêng lẫn lộn, L là con chung. Bố Thùy Linh là người có đạo làm nghề biển thế nhưng sáng lại xỉn tối thì say khi nào không say không xỉn thì im thit thít không nói lời nào, mẹ và Thùy Linh kể vậy đó. Lại chẳng bao giờ thấy đi nhà thờ. Còn mẹ em là người ngọai đạo lại hay la cà lân la cờ bạc cho hết ngày. Thùy Linh sinh ra được bà nội bồng đến nhà thờ rửa tội và đặt tên Thánh là Maria (sao cũng giống tên Thánh tôi vậy). Học đến lớp 3 em phải nghỉ học để bôn ba bươn chải giữa chợ đời kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bán vé số một thời gian không xong, em chuyển nghề phụ bán quán chè đêm tại chợ Phan Thiết. Thời gian em đến lớp Giáo Lý thưa dần và rồi không còn thấy em đến lớp vào mỗi tối thứ ba hàng tuần nữa. Tôi lại âu lo trăn trở, khó khăn lắm mới tìm được nhà của em.

Thùy Linh kể: Con phải đi dọn hàng từ 3,4 giờ chiều đến 2 giờ sáng mai mới về nhà giờ đâu mà con đi học? Tôi tìm đủ mọi cách để giúp em, may quá! Chủ quán chè là một phụ huynh tôi quen biết, con của họ gởi cho tôi, tôi gởi gắm học trò của tôi cho họ, vậy là em đến lớp như thường lệ. Tôi lại có dịp và cơ hội hơn để tiếp xúc với em và cuộc sống nghề biển ở đây hơn.

Có lần em kể với tôi trong nước mắt: Gia đình con không ai quan tâm đến con cả chỉ có nội thương con nhưng nội ở xa lắm tận ngã bảy lận mà ngã bảy ở đâu làm sao tôi biết chỉ biết là xa lắm lắm…như em kể vậy. Chưa bao giờ con được nhận quà và cũng chưa bao giờ tâm sự với ai điều gì, con chỉ biết đi làm kiếm tiền về cho ổng bả, lại còn bị mắng chửi nữa….Xem tình hình thật hư ra sao, mẹ Thùy Linh bảo: Nó hư lắm, cứ theo đám bạn bè quậy phá, nói tục chửi bới ngừơi ta… ai nói gì cũng cãi lại cả, nhưng nó cũng thật tội nghiệp, mới từng ấy tuổi phải bôn ba kiếm tiền nuôi sống gia đình…Nghe mẹ em tâm sự kể lể về hòan cảnh gia đình tôi lặng người đứng im trong một ngôi nhà nhỏ chật hẹp ẩm thấp, khẽ liếc mắt quan sát tất cả các đồ dùng trong gia đình, quan sát trên khuôn mặt đã in hằn gió sương của cuộc đời…tôi cảm thông được nổi khổ của một mảnh đời. Lòng nặng trĩu không nói một lời….

Cuộc đời Thùy Linh như thế đấy, có lẽ em chơi với đám bạn giữa chợ đời, có lẽ em thiếu vắng tình người, thiếu vắng những nụ cười tươi….? Và đời em như thế? Các bạn học trong lớp cũng phản ánh về em giữ lắm, ông chủ quán chè cũng nói vậy mà….Tôi cũng công nhận thế! Nhưng bởi đâu em lâm vào tình cảnh như thế?, ai cũng lên án em. Có lần tháng dâng Hoa Đức Mẹ tôi chọn em vào nhóm múa để dâng kính Mẹ Hoa, các bạn ở đấy ai cũng bất bình và rồi diễn ra cuộc đánh nhau. Tôi lại nhớ câu nói của Chí Phèo “Ai cho tôi lương thiện” và Chí Phèo lại đi vạch mặt ăn vạ….

Thùy Linh xiết chặt tay tôi, với lời chào tạm biệt: em phải vào SG làm chứ ở đây thu nhập thấp quá. Tôi cảm thấy buồn, vì đã gần đến ngày xưng tội Rước lễ lần đầu rồi mà em lại ra đi sao? Và nếu em có ở lại tôi cũng không dám bảo đảm rằng em có được xưng tội rước lễ nữa. Tôi cố khuyên những lời khuyên chân thành đối với một học trò khi phải đi làm xa gia đình vốn kiến thức chẳng được mấy mà niềm tin cũng chẳng bao nhiêu…

Mỗi lần đi SG về em đều ghé sang thăm tôi tí xíu….như thế cũng gẩn nửa năm.

Một buổi sáng nọ một phụ nữ đã cao tuổi dắt theo một bé gái 7 tuổi trông quen quen. A đây là em gái Thùy Linh tôi đã từng biết đang học ở lớp tình thương và chiều chiều vẫn đi ngang con đường Hàn Thuyên với xấp xé số dày dày..và người phụ nữ kia phải chăng là nội của em? Vâng, bà khóc nức nở báo tin rằng nó đã qua đời trong khi đùa giỡn với bạn bè. Âu lo bà hỏi tôi về phần hồn cho cháu, không biết nó được xưng tội chưa? Và nó có được rỗi hay không?

Sáng hôm sau nhằm ngày Chủ Nhật, đám tang thật vắng người, không có Thánh lễ chỉ đưa vào nhà thờ làm phép xác rồi theo cỗ quan tài bước đi…Tôi lửng thửng bước theo sau cỗ quan tạm biệt em trong lời kinh và nước mắt nghẹn ngào. Giá như em đã một lần cảm nghiệm được hạnh phúc lớn lao trong ngày Rước Chúa vào lòng lần đầu thì hay biết mấy. Tôi quay về lòng nặng trĩu mang đầy hối tiếc…

Là một nữ tu chân ướt chân ráo đấn phục vụ nơi này đã 3 năm nay, được tiếp xúc và phần nào hiểu được cuộc sống nổi bận tâm của những con người nơi này ngay trong xã hội hôm nay. Họ bôn ba chắt chiu đồng tiền chăm lo cuộc sống được sung túc hơn, lo lo lắng trau dồi kiến thức văn hóa cho con em để về sau có một việc làm ổn định, một chổ đứng trong xã hội…Phải lắm! Thế nhưng họ quên bẵng đi việc phải lo xây xựng Đức tin là là nền tảng của đời sống người Kitô hữu.

Hôm Giáng Sinh vừa rồi, tôi cùng cô Tố Nhi và một số em trong lớp Giáo lý đi thăm một số người già yếu neo đơn trong giáo xứ. Thật tội nghiệp cho những mảnh đời. Tuổi già sức yếu cô đơn trong đơn côi, con cái họ có đó nhưng họ ít được chia sẻ tâm sự hay được sự quan tâm chăm sóc tận tình. Họ ngồi bên tôi hàn huyên tâm sự vể những nổi buồn đã qua của cuộc đời và những bận tâm trước mắt về gia cảnh con cái họ. Mỗi người đều có một mảnh đời riêng, nỗi sầu đau riêng…Thương họ lắm, tôi chỉ biết biết thầm dâng lời kinh khẩn nguyện lên Đấng tối cao nâng đỡ, dìu dắt quan phòng cho những mảnh đời còn lại…

Thùy Linh nay không còn nữa tôi mới dám nói ra những tâm sự của lòng mình về một mảnh đời đã qua. Đâu đâu cũng vậy, vẫn còn nhan nhãn đâu đây những mảnh đời bất hạnh len lỏi giữa dòng đời, dòng người, vẩn còn đâu đây những câu chuyện cuộc đời thật trớ trêu bất hạnh. Lớp giáo lý tôi đang phụ trách hiện nay cũng có những vài em có những mảnh đời đáng thương tâm như thế….Các em thiếu thốn mọi mặt. Thiếu vật chất thiếu cả tình thương….

Mới đây tôi gặp lại mẹ Thùy Linh trong dịp dám tang người hàng xóm, bà bảo rằng: nhờ cái chết của bé Thùy Linh mà biến đổi được ba nó, nay ổng bớt say, bớt xỉn rồi lại biết nghe lời vợ con hàng xóm, chịu đi xưng tội rước lễ nữa. Tôi nhanh nhảu hỏi: thế chị có định trở lại theo đạo đi lễ như ba nó không? Đợi khi nào có tiền đã!. Câu trả lời cụt ngủn khiến tôi chưng hửng.

Chả lẽ khi nào có tiền mới vào đạo Chúa được sao? thật tội nghiệp cho những mảnh đời….!!!

Là Giáo Lý Viên và cũng là nữ tu tôi hằng băn khoăn trăn trở về đời sống tâm linh cho những mảnh đời ấy, trăn trở cho chính đời sống nội tâm lòng mình….

Ước mong sao cho những mảnh đời rách mướt ấy lại gặp được sự nâng đỡ của những mảnh đời may mắn khác. Ước mong sao xã hội hôm nay tạo điều kiện giúp người ta vượt qua chính mình, ước mong sao những người con dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc cho các đấng đã từng sinh thành dưỡng dục mình cách tận tình hơn, và ước mong sao mỗi người hãy mở rộng lòng mình đón nhận người khác, giang rộng đội tay nâng đỡ người khác khi họ lâm gặp cảnh éo le giữa đời. Là cách tay nối dài của Đức Kitô đem bình an Chúa Phục Sinh vào những mảnh đời bất hạnh kia.

Trúc Linh