Dan Lee
04-22-2009, 09:32 PM
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH năm B
HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất vào Mùa Phục Sinh, đó là ngôi làng Emmaus. Mặc kệ các nhà khảo cổ với những công trình tìm kiếm xem ngôi làng đó nằm ở đâu trên thực tế địa lý. Mặc kệ các nhà chú giải với những phân tích chi li xem địa danh Emmaus hợp bởi chữ gì và có nghĩa gì. Mặc kệ các nhà hội họa với những cảm hứng khơi nguồn đã khéo tô điểm Emmaus nên một kiệt tác như bức họa nổi tiếng của Rembrandt. Mặc kệ tất cả. Người tín hữu chỉ có một cảm tình tốt đẹp là xem Emmaus như một địa chỉ tinh thần không thể quên được. Bởi lẽ khởi đi từ đó, Đấng Phục sinh đã ưu ái cho thấy Ngài luôn có mặt bên cạnh con người và vẫn muốn hiện diện thường xuyên cho cuộc sống con người. Khởi đi từ địa chỉ tinh thần ấy, người ta thấy ít ra có ba cách hiện diện của Đấng Phục sinh:
1) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT TRONG NHỮNG BƯỚC ĐỒNG HÀNH CHIA SẺ
Bối cảnh của bài Phúc Âm là những ngày tiếp theo biến cố Phục sinh. Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát. Họ là người theo Chúa từ những ngày đầu cuộc sống công khai, những mong được tả hữu vinh quang khi Đấng Messia chinh phạt thế giới. Nào ngờ Thầy mình lại chọn lấy con đường khác để cứu độ. Ngài đã bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá. Và lưu ảnh cuối cùng họ có về Thầy mình, đó chính là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Vỡ mộng, thất vọng, cô đơn, họ như những môn sinh “chữ thầy lại trả cho thầy, trở về làng cũ học cầy cho xong”.
Mà đâu có xong. Chính lúc tưởng chừng trống vắng không gì có thể lấp đầy được, Đấng Phục sinh đã âm thầm hiện diện bên họ, trong dáng dấp của một người khách lạ, trong thân quen của những bước đồng hành và trong ân cần của những lời thăm hỏi rất đỗi bình thường. Ngay trong Phúc Âm hôm nay, liền sau biến cố Emmaus, khi hai môn đệ đang kể lại Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba, thì Ngài đã tự bao giờ “đứng giữa” câu chuyện ở ngôi thứ hai để chào hỏi đối thoại ủi an.
Vâng, Đấng Phục sinh là như thế. Tưởng vào trong vinh quang là bắt đầu nẻo đời xa cách, nào ngờ lại là lúc Ngài la cà thân thiện với con người hơn cả bao giờ. Thiên Chúa đã gần gũi với đời người, cho con người trở nên phần đời của Thiên Chúa. Chính khi đời người xem ra trống vắng nhất, Đức Kitô vẫn hiện diện đồng hành chia sẻ, để rồi khi con người biết chia sẻ cuộc sống cho nhau thì Ngài vẫn có đó trong sức mạnh đồng hành.
2) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT BẰNG NHỮNG LỜI CỦNG CỐ TIN YÊU
Tâm trạng của các môn đệ hôm nay trong Phúc Âm cũng vẫn là thất vọng ê chề. Sau lưng họ là Giêrusalem đen tối, trước mặt họ là những nơi xa cũng chẳng sáng sủa gì. Quá khứ vừa mới khép lại, tương lai chưa kịp mở ra. Chới với, chao nghiêng. Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục sinh có mặt, bằng lời Thánh Kinh sống động và hóa giải, Ngài thanh luyện các môn đệ khỏi những tình cảnh thất vọng sợ sệt và đặt họ vào một đà sống mới.
Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư. Nhưng sẽ là một hiện diện thường xuyên ở bất cứ đâu cho bất cứ ai, nếu lời Chúa được thực thi chân thành trong đời sống.
Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe lời Chúa. Các môn đệ ở lại Giêrusalem trong Phúc Âm hôm nay cũng thấy phấn khởi khi được Chúa soi sáng củng cố và đặt vào tin yêu hy vọng của đời chứng nhân. Nếu mỗi tín hữu hiểu và sống lời Kinh Thánh, họ cũng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Phục sinh như những ý lực trong ngày sống, như một sức mạnh để vươn lên, cho dẫu sống chứng nhân cũng là sống với Đức Kitô trên đường thương khó.
3) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT GIỮA NHỮNG TẤM BÁNH BẺ RA CHO ĐỜI
Nếu có phút giây nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong bài Phúc Âm, đó phải là lúc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem có gì ăn không, rồi Ngài lại tự nhiên ăn cá và mật ong trước bao cặp mắt sững sờ của họ. Ngài hỏi thức ăn không phải vì Ngài đói và Ngài ăn không phải vì cơ thể Ngài cần. Đấng Phục sinh mà không một định luật vật lý nào có thể ngăn cản được như trong việc Ngài thoắt hiện thoắt đi đâu cần phải có thực phẩm nhân gian để mà tồn tại. Đấng Phục sinh có mặt giữa con người không giống như kẻ hồi sinh sau tai nạn để cần phải bổ dưỡng bù trừ theo kiểu “ăn giả bữa”. Nhưng, nếu qua việc Chúa Giêsu bẻ bánh, hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Thầy mình, thì qua việc ăn uống này Đấng Phục sinh đã củng cố lòng tin vốn đang chao đảo hoang mang của họ.
Đấng Phục sinh ăn trước mặt các môn đệ. Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng, nhưng đã làm nên lý chứng phục sinh và ý nghĩa cuộc đời, bởi có Ngài hiện diện, nên thôi hết buồn sầu để mở ra một lối sống mới trong niềm vui. Thảo nào các môn đệ hôm đó đã nhận lệnh lên đường làm chứng về những gì các ông đã thấy đã hiểu đã tin.
Nếu có lần nào ta chiêm ngắm Chúa Kitô như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, thì có lẽ một cách vô thức ta đã quy chiếu vào khoảnh khắc bất ngờ này. Và nếu đúng như thế thì qua việc rước Mình và Máu Đức Kitô hôm nay, ta cũng được mời gọi để trở nên những tấm bánh, những mẩu cá, những tảng mật ong sống động biết chia sẻ nâng đỡ, vun đắp chung xây cuộc sống tốt lành tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống.
Ba cách hiện diện nghe như quen mà vẫn cứ lạ, nghe như gần gũi mà vẫn cứ rời xa. Cảm tưởng quen quen lạ lạ gần gần xa xa ấy có là vì Đức Kitô Phục sinh có mặt, nhưng không hữu hình như xưa để dễ dàng mắt thấy tai nghe nữa, mà đã hiện diện vô hình chỉ gặp được bằng tin yêu hy vọng. Và thường thì vì ta quá vô tình không nhận ra Ngài trong những khuôn mặt cuộc đời, tình huống của ta và của những người quanh ta. Nhưng hiện diện của Đấng Phục sinh không phải là một hiện diện thụ động chỉ để ta tìm gặp, mà còn là một hiện diện chủ động khi ta biết tích cực đồng hành chia sẻ, cũng như gieo lời Chúa vào môi trường sống, rồi từng ngày nỗ lực âm thầm trở nên những tấm bánh “ăn được” cho người lân cận.
Qua thánh lễ này, ta được đồng hành bên nhau, được chia sẻ lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Xin cho đời ta được đổi mới nơi địa chỉ Emmaus tinh thần này, để tới phiên ta cũng sẽ trở thành địa chỉ tinh thần mới cho cuộc sống hôm nay.
ĐGM. Vũ Duy Thống
HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất vào Mùa Phục Sinh, đó là ngôi làng Emmaus. Mặc kệ các nhà khảo cổ với những công trình tìm kiếm xem ngôi làng đó nằm ở đâu trên thực tế địa lý. Mặc kệ các nhà chú giải với những phân tích chi li xem địa danh Emmaus hợp bởi chữ gì và có nghĩa gì. Mặc kệ các nhà hội họa với những cảm hứng khơi nguồn đã khéo tô điểm Emmaus nên một kiệt tác như bức họa nổi tiếng của Rembrandt. Mặc kệ tất cả. Người tín hữu chỉ có một cảm tình tốt đẹp là xem Emmaus như một địa chỉ tinh thần không thể quên được. Bởi lẽ khởi đi từ đó, Đấng Phục sinh đã ưu ái cho thấy Ngài luôn có mặt bên cạnh con người và vẫn muốn hiện diện thường xuyên cho cuộc sống con người. Khởi đi từ địa chỉ tinh thần ấy, người ta thấy ít ra có ba cách hiện diện của Đấng Phục sinh:
1) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT TRONG NHỮNG BƯỚC ĐỒNG HÀNH CHIA SẺ
Bối cảnh của bài Phúc Âm là những ngày tiếp theo biến cố Phục sinh. Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát. Họ là người theo Chúa từ những ngày đầu cuộc sống công khai, những mong được tả hữu vinh quang khi Đấng Messia chinh phạt thế giới. Nào ngờ Thầy mình lại chọn lấy con đường khác để cứu độ. Ngài đã bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá. Và lưu ảnh cuối cùng họ có về Thầy mình, đó chính là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Vỡ mộng, thất vọng, cô đơn, họ như những môn sinh “chữ thầy lại trả cho thầy, trở về làng cũ học cầy cho xong”.
Mà đâu có xong. Chính lúc tưởng chừng trống vắng không gì có thể lấp đầy được, Đấng Phục sinh đã âm thầm hiện diện bên họ, trong dáng dấp của một người khách lạ, trong thân quen của những bước đồng hành và trong ân cần của những lời thăm hỏi rất đỗi bình thường. Ngay trong Phúc Âm hôm nay, liền sau biến cố Emmaus, khi hai môn đệ đang kể lại Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba, thì Ngài đã tự bao giờ “đứng giữa” câu chuyện ở ngôi thứ hai để chào hỏi đối thoại ủi an.
Vâng, Đấng Phục sinh là như thế. Tưởng vào trong vinh quang là bắt đầu nẻo đời xa cách, nào ngờ lại là lúc Ngài la cà thân thiện với con người hơn cả bao giờ. Thiên Chúa đã gần gũi với đời người, cho con người trở nên phần đời của Thiên Chúa. Chính khi đời người xem ra trống vắng nhất, Đức Kitô vẫn hiện diện đồng hành chia sẻ, để rồi khi con người biết chia sẻ cuộc sống cho nhau thì Ngài vẫn có đó trong sức mạnh đồng hành.
2) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT BẰNG NHỮNG LỜI CỦNG CỐ TIN YÊU
Tâm trạng của các môn đệ hôm nay trong Phúc Âm cũng vẫn là thất vọng ê chề. Sau lưng họ là Giêrusalem đen tối, trước mặt họ là những nơi xa cũng chẳng sáng sủa gì. Quá khứ vừa mới khép lại, tương lai chưa kịp mở ra. Chới với, chao nghiêng. Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục sinh có mặt, bằng lời Thánh Kinh sống động và hóa giải, Ngài thanh luyện các môn đệ khỏi những tình cảnh thất vọng sợ sệt và đặt họ vào một đà sống mới.
Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư. Nhưng sẽ là một hiện diện thường xuyên ở bất cứ đâu cho bất cứ ai, nếu lời Chúa được thực thi chân thành trong đời sống.
Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe lời Chúa. Các môn đệ ở lại Giêrusalem trong Phúc Âm hôm nay cũng thấy phấn khởi khi được Chúa soi sáng củng cố và đặt vào tin yêu hy vọng của đời chứng nhân. Nếu mỗi tín hữu hiểu và sống lời Kinh Thánh, họ cũng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Phục sinh như những ý lực trong ngày sống, như một sức mạnh để vươn lên, cho dẫu sống chứng nhân cũng là sống với Đức Kitô trên đường thương khó.
3) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT GIỮA NHỮNG TẤM BÁNH BẺ RA CHO ĐỜI
Nếu có phút giây nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong bài Phúc Âm, đó phải là lúc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem có gì ăn không, rồi Ngài lại tự nhiên ăn cá và mật ong trước bao cặp mắt sững sờ của họ. Ngài hỏi thức ăn không phải vì Ngài đói và Ngài ăn không phải vì cơ thể Ngài cần. Đấng Phục sinh mà không một định luật vật lý nào có thể ngăn cản được như trong việc Ngài thoắt hiện thoắt đi đâu cần phải có thực phẩm nhân gian để mà tồn tại. Đấng Phục sinh có mặt giữa con người không giống như kẻ hồi sinh sau tai nạn để cần phải bổ dưỡng bù trừ theo kiểu “ăn giả bữa”. Nhưng, nếu qua việc Chúa Giêsu bẻ bánh, hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Thầy mình, thì qua việc ăn uống này Đấng Phục sinh đã củng cố lòng tin vốn đang chao đảo hoang mang của họ.
Đấng Phục sinh ăn trước mặt các môn đệ. Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng, nhưng đã làm nên lý chứng phục sinh và ý nghĩa cuộc đời, bởi có Ngài hiện diện, nên thôi hết buồn sầu để mở ra một lối sống mới trong niềm vui. Thảo nào các môn đệ hôm đó đã nhận lệnh lên đường làm chứng về những gì các ông đã thấy đã hiểu đã tin.
Nếu có lần nào ta chiêm ngắm Chúa Kitô như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, thì có lẽ một cách vô thức ta đã quy chiếu vào khoảnh khắc bất ngờ này. Và nếu đúng như thế thì qua việc rước Mình và Máu Đức Kitô hôm nay, ta cũng được mời gọi để trở nên những tấm bánh, những mẩu cá, những tảng mật ong sống động biết chia sẻ nâng đỡ, vun đắp chung xây cuộc sống tốt lành tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống.
Ba cách hiện diện nghe như quen mà vẫn cứ lạ, nghe như gần gũi mà vẫn cứ rời xa. Cảm tưởng quen quen lạ lạ gần gần xa xa ấy có là vì Đức Kitô Phục sinh có mặt, nhưng không hữu hình như xưa để dễ dàng mắt thấy tai nghe nữa, mà đã hiện diện vô hình chỉ gặp được bằng tin yêu hy vọng. Và thường thì vì ta quá vô tình không nhận ra Ngài trong những khuôn mặt cuộc đời, tình huống của ta và của những người quanh ta. Nhưng hiện diện của Đấng Phục sinh không phải là một hiện diện thụ động chỉ để ta tìm gặp, mà còn là một hiện diện chủ động khi ta biết tích cực đồng hành chia sẻ, cũng như gieo lời Chúa vào môi trường sống, rồi từng ngày nỗ lực âm thầm trở nên những tấm bánh “ăn được” cho người lân cận.
Qua thánh lễ này, ta được đồng hành bên nhau, được chia sẻ lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Xin cho đời ta được đổi mới nơi địa chỉ Emmaus tinh thần này, để tới phiên ta cũng sẽ trở thành địa chỉ tinh thần mới cho cuộc sống hôm nay.
ĐGM. Vũ Duy Thống