PDA

View Full Version : B - Bẻ bánh



Dan Lee
04-22-2009, 11:15 PM
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH năm B

BẺ BÁNH

Khi viết về những gì đã xẩy ra trên đường đi Emmau và bữa tiệc tối hôm đó tại nhà hai môn đệ, Luca với cái nhìn phân tích của một y sĩ, và phong phú của một họa sĩ, đã ghi lại bằng những hình ảnh hết sức sống động và màu sắc. Đọc xong, ta có cảm tưởng như đang xem một đoạn phim trong đó có sự xuất hiện của ba nhân vật, và những mẩu đối thoại, cùng với cảnh vật bên đường. Đặc biệt là cảnh hoàng hôn và không khí thanh bình của một miền quê. Người đọc còn như bị thu hút bởi những lời mời mọc đượm tình người: “Xin ông ở lại đây vì trời đã xế chiều và ngày đã gần tàn” (Luc 29:24).

Đối với hai môn đệ, mỗi người đều đang theo đuổi một tâm sự riêng, và đang suy tư về biến cố Giêsu người Nagiarét, một tử tội đã bị hành quyết, đã được chôn táng, và đã có lời đồn đãi rằng con người ấy đã sống lại. Ai cũng mong có câu trả lời cho thắc mắc ấy. Và lời giải thích đã bùng nổ khi cả ba cùng ngồi vào bàn ăn. Qua nghi thức bẻ bánh, hay nói đúng hơn, là qua cung cách quen thuộc của hành động bẻ bánh, hai ông đã nhận ra người khách đó không ai xa lạ, mà là chính Chúa Giêsu, Người mà các ông đang hoài nghi và muốn tìm câu trả lời.

Luca đã tỷ mỷ ghi nhận phản ứng của hai ông. Bằng vào cung cách quen thuộc khi bẻ bánh, họ đã nhận ra Thầy của mình. Đây cũng là một hành động hết sức quan trọng và cần thiết đối với cuộc sống đạo của mỗi Kitô hữu. Làm thế nào để ta cũng có thể nhận ra Chúa bằng một đặc tính nào đó. Theo tâm lý học, khi yêu ai, mến ai hoặc thích ai, thì bao giờ người ta cũng ghi nhận một số những cử chỉ, thái độ, và tập quán quen thuộc của người ấy, và có thói quen bắt chước để làm như vậy. Lịch sử Dòng Phanxicô kể rằng thầy Brunô vì mến Thánh Phanxicô, nên cố gắng bắt chước Phanxicô từ lời ăn, tiếng nói, đến cả những hành động như vô nghĩa là hắt hơi, ho hắng, hoặc kịt mũi. Toma Aquinas thì nhận định: “Yêu là nên giống người mình yêu”. Khi yêu, người ta không những không dám làm mất lòng người mình yêu, mà hơn thế, còn muốn làm người yêu được vui, và hạnh phúc bằng cách bắt chước để làm đẹp lòng người mình yêu.

Trường hợp của hai môn đệ làng Emmau đã nhiều lần ăn uống với Chúa Giêsu, và hẳn là các ông đã quen với lối bẻ bánh của Ngài. Vì thế, khi các ông xem thấy là liền nhận ra Ngài ngay. Thần Linh đã soi động các ông khi Ngài giải thích Thánh Kinh cho các ông dọc đường: “Lòng chúng ta không nóng lên khi nghe Ngài cắt nghĩa Thánh Kinh lúc đi đường sao” (Luc 29:32). Nhưng phải đợi đến khi “bẻ bánh”, khi tác dụng hành động đi vào thực tế, lúc ấy “mắt họ mới mở ra, và họ nhận ra Chúa Giêsu” (Luc 29:31).

Nhiều lần khi nghe lời Chúa, ta cũng cảm thấy nóng nẩy và bị thu hút như trường hợp của hai môn đệ đây, nhưng vì đã không nhận ra Ngài lúc bẻ bánh, nên vẫn không được cảm hóa. Vậy làm sao để hành động bẻ bánh nhập tâm, và có tác dụng đi vào đời sống tâm linh của mỗi người. Đó là câu hỏi mà mỗi Kitô hữu nên hỏi mình, vì Chúa đã chẳng “bẻ bánh” trước mắt ta nhiều lần sao? Phải nhận rằng Ngài đã bẻ bánh rất nhiều lần và bẻ bánh mọi ngày trước mắt ta. Chỉ tiếc một điều là ta đã không nhận ra Ngài.

Cuộc đời ta, sự sống của ta chẳng phải là một chiếc bánh ân tình được nhào nặn bằng tình Chúa, tình thương cha mẹ, và tình người sao? Ta cảm được điều này trong rất nhiều trường hợp khi vui, khi buồn, khi hạnh phúc, và khi được mọi điều may mắn.

Vũ trụ bao la và phong phú này chẳng phải là một chiếc bánh khổng lồ mà mỗi ngày Thiên Chúa đều bẻ ra, ban phát cho từng người và toàn thể nhân loại sao? Khi trời mưa, lúc trời nắng. Khi giông bão, lúc tạnh ráo. Khi lạnh, khi nóng. Mỗi ngày và từng ngày, chiếc bánh này đều được bẻ ra và trao ban. Nước uống, khí trời để thở, sức nóng mặt trời, gió mát, trăng thanh, sương mai, và mưa sa. Tất cả đều được san sẻ đồng đều và vô điều kiện như những hồng ân của Thiên Chúa. Chỉ có những người thân thiết hoặc khách quí mới được mời ngồi đồng bàn trong một bữa tiệc. Đó là thực tế, và hợp lý, vì không ai mở tiệc rồi để đó, ai muốn đến ăn tùy ý. Bàn tiệc tình yêu, và bàn tiệc quan phòng Thiên Chúa vẫn mở ra mỗi ngày cho mọi người mà Ngài đã thương tạo dựng và đem vào thế gian này.

Bẻ bánh là một hình thức trao ban. Thiên Chúa đã chẳng trao ban cho nhân loại đến tận cùng điều Ngài có là Người Con rất yêu dấu của Ngài cho nhân loại đó sao: “Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian, nên đã ban Con Một Ngài cho thế gian” (Gio 3:16). Chúa Giêsu đã chẳng trao ban Mình Máu Thánh Ngài cho ta mỗi ngày trong Thánh Thể sao: “Này là Mình Thầy hãy cầm lấy mà ăn” (Mt 26:26). Và: “Này là MáuTthầy hãy nhận lấy mà uống” (Mt 26:27).

Trao ban còn có nghĩa là nhận vào vòng thân thích những người mình trao tặng. Chúa Giêsu đã chẳng gọi ta là bạn hữu sao: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (Gio 15:15).

Trong những buổi tĩnh tâm hay cấm phòng, nhiều người đã khóc nức nở. Khóc như chưa bao giờ được khóc vì đã cảm được tình Chúa yêu thương. Quá khứ hiện về, hiện tại minh chứng cả một tình yêu thương chan hòa của Thiên Chúa bao phủ, tuôn trào trên mình. Như vậy thì làm sao không xúc động, nghẹn ngào. Chẳng những khóc thôi, mà còn trào dâng một tâm tình cảm mến biết ơn đến nỗi sẵn sàng thề hứa và đoan quyết đủ điều, hệt như thái độ của Phêrô khi ở trên núi Taborê: “Lậy Thầy, được ở đây thì thích lắm. Nếu Thầy muốn, tôi xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Maisen, và một cho Êlia” (Mt 17:4). Sung sướng vì được ở bên Thầy đến quên mình, nhưng khi xuống núi, theo Thầy đến vườn Cây Dầu, vào đến dinh Thượng Tế, thì lòng nhiệt thành ấy đã tan biến, và trở thành một sự phản bội, hèn nhát: “Tôi không biết người này là ai” (Mt 26:72).

Và câu hỏi được đặt ra ở đây là phải làm thế nào để ta có thể nhập tâm hình ảnh của Thầy mình, đến nỗi chỉ một tác động nhỏ như việc bẻ bánh, cũng có thể khiến ta nhận ra Ngài. Câu trả lời là:

1. Hãy mở to đôi mắt để nhìn vào vũ trụ quanh ta, và hãy để lòng mình cảm nhận những kỳ công tạo tác của Ngài.

2. Hãy để cho Thần Linh Chúa nói với ta về tình thương của Thiên Chúa, về những hồng ân bao la ấy.

3. Nhưng nhất là hãy làm như hai môn đệ làng Emmau là mời Chúa ở lại với ta: “Xin Thầy ở lại đây vì trời đã xế chiều và ngày đã gần tàn” (Luc 29:24).

Trích Dongcong.net
Ts. Trần Quang Huy Khanh, CMC