PDA

View Full Version : V - Văn Hóa & Gia Đình - Tình Yêu Trai Gái & Vợ Chồng



Dan Lee
04-22-2009, 11:23 PM
VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM # 1

Tình yêu Trai gái, Vợ Chồng

Văn hóa Gia đình Việt nam được lưu truyền trong sách vở và trên môi miệng mọi người, từ bao thế hệ qua các câu Ca dao, Tục ngữ., Thành ngữ… Mục đích để giáo dục và khuyên bảo về cách ăn nết ở, tình yêu nam nữ cho phải đạo làm người theo từng thời buổi.

Chữ Mình được dùng nhiều nhất trong tình yêu, tình bạn, tình người qua câu Ca dao sau đây:

Mình nói dối ta mình chửa có chồng, Để ta mua cốm, mua hồng sang sêu.

Ta sang mình đã chồng rồi, Để cốm ta mốc, để hồng long tai.

Ngỡ là long mốt long hai, Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng.

Ta thử tìm xem ngụ ý câu này nói và răn dạy điều gì. Chữ: “sêu” nghĩa là biếu.

Theo tục xưa vào các dịp lễ Tết, ngày dỗ bên nhà vợ lại còn đòi hỏi mùa nào thức ấy, nhà trai phải có bổn phận đi sêu cho nhà gái. Chẳng hạn dịp Tết thì chú rể tương lai phải mang rượu trà, bánh chưng, gà trống thiến, mỗi thứ một cặp biếu cho nhà vợ. Ngoài ra đến mùa vải thì sêu vải, mùa hồng thì mua hồng, mùa lúa thì sêu gạo mới.

Tiếp đến chữ: Hồng long tai: là cuống trái hồng bị sứt ra, vì chín quá mềm. Thật không gì đáng buồn hơn là khi bị người tình phụ bạc. Nhất là khi lễ vật đem sêu cho nhà vợ tương lai đã sắm sửa xong lại phải đem về! Anh chàng rể hụt này thật là tội nghiệp, vì người yêu đi lấy chồng đã lâu mà chàng vẫn không hay, nên vẫn phải lo lắng đi sêu cho nhà vợ!

Chàng mang hồng và cốm về, mà chẳng ăn được, để lâu đến nỗi cốm mốc meo, hồng long tai hư thối hết cả! C’est la vie ! Đời là thế đó, người ta thường phụ nhau là chuyện thường tình. Thiết tưởng than trách cho lắm cũng chỉ thiệt thân, chẳng lợi ích gì !

Mỗi câu Ca dao thường dùng chữ Mình để tỏ tình vợ chồng hoặc trai gái với nhau:

Mình ơi tôi hỏi thiệt tình, Còn thương nhau nữa hay mình muốn thôi ? (Ca Dao)

Có một số cặp vợ chồng, sau một thời gian ngắn, hai người đã có chuyện hục hặc với nhau. Có thể là chưa hoà hợp được tính tình, có thể là do tiền bạc, hoặc do xích mích giữa cha mẹ đội bên, mẹ chồng nàng dâu, bà cô, ông chú và nhiều lý do khác. Dù lý do nào đi nữa, nếu cả hai người không khéo dàn xếp, không chịu nhường nhịn nhau, thì cuộc sống lứa đôi cũng dễ đỗ vỡ.!

Trước khi đổ vỡ, thường có những cuộc cãi vã to tiếng, có cặp còn đổ bàn, xô ghế, khiến xóm làng phải can thiệp, phân xử. Nhưng hai vợ chồng anh này vẫn còn kiên nhẫn hỏi nhau lần chót, là hai chúng mình có còn thương nhau nữa không? nếu hết thương thì đường ai nấy đi.

Vợ chồng ngày xưa mà cư xử với nhau như vậy, thì thật là tình rồi còn gì nữa !

Mình ơi tôi nhớ thương mình, mẹ cha chửi mắng chữ tình nặng thêm. (Ca Dao)

Dù áp lực của cha mẹ đôi bên có khó khăn, nặng nề mấy đi nữa, thì càng làm tăng thêm lòng gắn bò keo sơn của hai vợ chồng. Khi cuộc tình đã đến mức sâu đậm, thì tình yêu của hai người khó lòng mà chia ly nổi. Trong trường hợp này cha mẹ, bà cô cũng phải chấp nhận thôi.!

• Những câu Danh ngôn hay:

1- Biết ăn, biết ở, không để trái ý mới là người vợ hiền, biết kính trọng chồng. (Thái Công)

2- Vợ hiền khiến chồng sang, vợ dữ khiến chồng hư. (Thái Công)

3- Muốn rác đầy nhà thì ăn măng, muốn rối ren trong nhà thì lấy vợ lẽ. (Danh ngôn Lào)

Phó tế: Nguyễn Văn Định /Huyền Đồng