PDA

View Full Version : L - Lang thang trên cầu



Dan Lee
04-28-2009, 07:04 PM
LANG THANG TRÊN CẦU

Vẫn với cái tật cố hữu thích lang thang trên đường, cộng với cái tính tình lẩm cẩm của những anh già, sáng nay tôi lại lang thang trên đường phố Saigon. Đường phố Saigon bây giờ lạ lắm, nó không giống như hồi mà tôi đã ghi lại trong bài “Lang thang trên đường” (xc Trang Bài vở <Thanhlinh.net>). Hồi đó, vỉa hè bị chiếm dụng, tôi phải lang thang dưới lòng đường. Còn bây giờ thì lòng đường giăng đầy lô cốt, xe còn không đi được chớ đừng nói là còn chỗ dành cho “ông già vừa mù, vừa điếc, lại vừa dốt luật giao thông” (bđd) như tôi lang thang. Còn vỉa hè ? Ôi chao ! Vỉa hè cũng bị xới tung lên vì gạch con sâu, vì “quy hoạch vỉa hè”…, toàn những thứ chắc chỉ ở VN mới có.

Tuy nhiên, đã lỡ ra đường, thì cũng đành … lang thang thôi, không, phải nói là luồn lách, len lỏi mới đúng. Luồn lách, len lỏi trong cái dòng mù mịt những hơi người, khói, bụi và những âm thanh của động cơ, của những tiếng nói không có trong tự điển… Tôi như bị lạc vào một thế giới ảo, không còn tin vào những gì đang được trông thấy nhãn tiền. Thế đấy ! Và hình như tôi không còn đi bằng đôi chân của mình nữa. Người tôi cứ lâng lâng, lâng lâng chuyển dịch, giống như người được anh em làm kiệu tay đưa đi vậy. Một lúc lâu lắm, dễ có đến cả tiếng đồng hồ, qua cái màn sương đất bụi, tôi bỗng nhìn thấy một dòng nước, dòng nước yên tắp, lặng ngắt, đen ngòm. Đưa tay day 2 cục ghèn lớn bằng nửa hạt gạo nếp, cố mở to mắt, định thần nhìn kỹ. Tôi giật mình vì thấy mình đang ở trên một cây cầu dày đặc người và xe. Cây cầu có vẻ quen quen, nhìn đi nhìn lại mãi mới nhớ ra là cây cầu mà trước đây hơn mười năm có tên là Cầu Sạn (cây cầu gần nhà tôi trước đây bị giải tỏa, mà đã có lần tôi bị sạn của cầu chui vào đầu nên bị đội cho cái mũ “đầu có sạn”). Giờ thì cầu Sạn đã bị đập bỏ và xây cầu mới, bê tông cốt thép đàng hoàng. Thì ra, chẳng cần chen lấn hay luồn lách, tôi cũng di chuyển được khá xa nhờ dòng người và xe cộ kẹt cứng đẩy đưa. Tôi cố len ra thành cầu để vịn lan can mà… thở. Hú vía!

Tôi thẫn thờ, hết nhìn dòng kênh Nhiêu Lộc nước đen ngòm, rồi lại nhìn cây cầu và 2 bên bờ kênh giăng mắc lô cốt. Quái, tôi nhớ cách đây 3 – 4 năm cũng đã có những lô cốt này, sao bây giờ vẫn còn ? Đó là những lô cốt công trình xử lý nước thải cho dòng kênh trong sạch, người ta nói thế. Tuy nhiên, 4 năm rồi, dòng kênh “vũ như cẫn”, vẫn là “một dòng kênh đen đen, một dòng kênh tanh tanh, một dòng kênh hôi thối, một dòng kênh kinh khiếp…” (nhái theo bản nhạc “Cầu sông Kwai”). Ngao ngán ngó lại cây cầu, tự nhiên rùng mình băn khoăn chẳng hiểu cầu đúc bê tông thế này, nhưng mố cầu có được gối lên “giầm gỗ” giống như cầu Văn Thánh 2 hồi nào hay không ? Cả một dòng hồi tưởng về những cây cầu lại như cuộn phim chiếu chậm trong đầu :

Báo Tuổi Trẻ ngày 25-01-2007 đăng tin : Đêm 23-01-2007, ba mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa bị té xuống sông, chết đuối, vì đi trên một cây cầu gỗ chỉ rộng 0,60m và dài chưa tới 20 m, không lan can, đã xuống cấp trầm trọng (cầu Đình, xã Thạnh Xuân, Q. 12). Bản tin còn cho biết trên cây cầu ấy khoảng 3 năm trở lại đây, chẳng có tháng nào không gây tai nạn cho khách bộ hành, tuy chưa có tử vong. Đến tai nạn này thì thật khủng khiếp : 3 mạng người ! Dân kêu, chính quyền đã lên kế hoạch cả năm trời rồi mà vẫn chưa … sửa ! Nhìn hình ảnh đám tang người đàn ông trung niên bế một cháu nhỏ đứng bên 3 cỗ quan tài, không ai cầm được nước mắt. Rầu rầu nghĩ tới những cây cầu rộng thật rộng, dài thật dài, và … kiên cố cũng thật kiên cố (vì – trên giấy tờ – cầu được làm toàn bằng bê tông cốt thép) ; nhưng đến lúc có vấn đề thì mới biết mố cầu được gối lên những xà-gồ làm bằng gỗ (!!!), chân cầu thì bị rút ruột tới 50% số thép làm đế (!!!), rồi mặt cầu lại mắc bệnh thời khí (bệnh đậu mùa), tục gọi là ‘min-t(ờ)ru’ (mille trous : 1.000 cái lỗ – “mặt rỗ” đấy !!!). Ôi chao ! Nói về chuyện cầu đường ở VN thật chẳng khác gì kể một trường thiên tiểu thuyết không có hồi kết !

Đầu óc lẩn thẩn nghĩ rằng có lẽ tại, bởi, vì … những cây cầu ấy tuy chỉ làm bằng sắt thép tre gỗ, nhưng lại có … mùi vị tanh tanh hơi đồng, nên mới sinh tội ! “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du) mà ! Tuy nhiên, trên thế giới có những cây cầu dài cả hàng trăm cây số bắc qua sông lớn, qua biển rộng, mà chẳng hề thấy có chuyện giống ở xứ ta ! Bộ những cây cầu đó không dùng đến tiền để làm hay sao ? Bóp trán, chợt ‘à’ lên một tiếng, ‘ngộ’ ra rồi : “Khi mê tiền vẫn là tiền, ‘ngộ’ ra mới thấy trong tiền có tâm”. Thế đấy ! “Trong tiền có tâm”, tuyệt ! Nhưng giả thử “Khi tỉnh tâm vẫn là tâm, ‘mê’ rồi mới thấy trong tâm có tiền” thì coi chừng ! Và chỉ đến lúc “Bừng con mắt dậy thấy mình … tay không” (Nguyễn Gia Thiều), may ra mới tỉnh… “ngộ”.

Đồng tiền vốn dĩ nó chẳng có tội gì, vì nó được sinh ra bởi nhu cầu trao đổi những tiện nghi của cuộc sống con người (nhà cửa, quần áo, thực phẩm, hàng hoá, phương tiện …), nó giúp ích cho con người rất nhiều. Rõ ràng là trong nó có cả một cái tâm trong sáng. Nếu con người biết đem cái tâm không vẩn đục mà sử dụng đồng tiền bằng chính cái tâm trong sáng của nó, để xây dựng những cây cầu, chắc chắn chúng sẽ bền vững và mang lại những tiện ích hoàn hảo nhất. Chỉ đến lúc cái tâm của con người mê mẩn “hơi đồng”, bị nó ngự trị, lúc đó mới ra nông nỗi.

Lang thang trên những cây cầu vật chất vô duyên ấy, tôi chợt “ngộ” ra một CÂY CẦU TÂM LINH vĩ đại của Thánh nữ Catarina Siêna. Vâng, cây cầu Thánh nữ khám phá được chính là Đức Giêsu Kitô nằm trên khổ giá. Sao lại thế ? Vì chính Người đã nói “Phần tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12.32). Kéo lên với Người để được cùng Người sum vầy cùng Chúa Cha Chí Thánh, vậy Người chẳng phải là cầu nối, là cây cầu đó sao ?

Nên chi khi nói cây cầu là chính Đức Kitô nằm trên thập giá, Thánh nữ đã muốn nói rằng đó chính là cây cầu bắc qua con sông băng hoại, bắc qua vực thẳm tội lỗi của thế giới loài người, để giúp loài người có cơ hội tiến về Nước Trời. Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đạt tới đời sống vĩnh cửu, chỉ có con đường duy nhất là cây cầu cứu độ ấy. Những ai thật sự yêu mến, thực sự tin vào cây cầu, và muốn đến được với cây cầu, muốn cậy nhờ vào cây cầu ấy, sẽ được dẫn tới bằng “bậc tam cấp” mà Thánh nữ gọi là “ba nấc thang” : từ sự cách biệt bất hoà (bậc 1 : trình độ nể sợ, e dè của hàng tôi tớ), tiến đến con người thiện hảo (bậc 2 : yêu mến, thân thương như bạn hữu), cuối cùng là bậc rất hoàn thiện (bậc 3 : tấm lòng hiếu thảo của con cái với Người Cha Chí Thánh). Cũng có lúc Thánh nữ dùng 3 nấc thang để chỉ những cấp độ trong tâm hồn xây dựng trên nền tảng Đức Ái : từ biết yêu (bậc 1) đến yêu hết mình (bậc 2), và sẵn sàng chết cho người mình yêu (bậc 3).

Quả là một tư tưởng siêu việt nơi một nữ tu không biết chữ. Nói cho hết được những tư tưởng, những hoạt động của Thánh nữ, phải là những bộ sách hàng ngàn trang. Ở đây chỉ dám sơ lược đề cập đến một khía cạnh độc đáo trong tư tưởng của ngài : CÂY CẦU. Vâng, chỉ có Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, con người mới được cứu độ, được giải thoát, không thể khác hơn. Chính Đức Kitô là trung tâm điểm, là CÂY CẦU dẫn đưa loài người tới đỉnh hoàn thiện. Dùng một hình ảnh thật cụ thể, sinh động để đề cập đến những mầu nhiệm, những tư tưởng siêu nhiên, rồi từ đó hướng dẫn người đọc thực hành theo, rõ ràng Thánh nữ đã vượt cả thế hệ, vượt cả không gian và thời gian. Nền văn học Ý đã coi ngài là một tác giả lừng danh ở thế kỷ XIV, và sau hơn 6 thế kỷ, Công đồng Vaticanô II mở ra những đường hướng tương tự như tư tưởng của Thánh nữ, đủ để chứng minh nhận định này.

Từ những suy nghĩ nông cạn trên, tôi còn muốn hiểu thêm một bước : Khi khám phá ra cây cầu tâm linh vĩ đại, Thánh nữ hoạch định những phương thế tiếp cận, cậy nhờ vào cây cầu ấy, rồi truyền dậy cho anh em cùng thời và hậu thế, thì chính ngài cũng đã là một cây cầu. Trong thời đại ngài đang sống (thế kỷ XIV), biết bao nhiêu đảng cướp nổi dậy quấy nhiễu dân lành, một cuộc chiến trăm năm ngoài xã hội, rồi một cuộc Đại Ly Giáo trong Giáo Hội, đúng là Thánh nữ đã như một cây cầu nối lại mối dây thân ái giữa những phe đảng thù nghịch, nối lại sự đoàn kết hiệp nhất đã bị chia lìa từ khi cùng lúc tồn tại tới 3 vị Giáo hoàng. Có thể nói chỉ có duy nhất một nữ tu Catarina Siêna mới có thể thực hiện nổi những việc quá lớn lao, kỳ diệu như vậy. Trước ngài, chưa có ngài, và sau ngài cũng chưa thấy có ai được như ngài (“Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả” –‘Trước không thấy người xưa, Sau chẳng thấy ai tới’ –Thôi Hiệu). Rõ ràng đó chính là cây cầu lớn trong Dòng Đa Minh và cả trong Giáo Hội, cho đến thời đại hiện nay vẫn tiếp tục giúp tất cả chúng ta – những Kitô hữu và đặc biệt là những anh em trong Gia đình Đa Minh – hiểu rõ hơn, sâu hơn về Đạo và sự Sống Đạo, để đến được với CÂY CẦU GIÊSU KITÔ. Cây cầu Catarina ấy nay đã được 662 tuổi (1347-2009).

Hy vọng rằng cây cầu Catarina sẽ là nhịp cầu nối liền ngàn vạn con tim trên quê hương Việt Nam, cùng tiến về “bậc tam cấp” để hướng tới mục tiêu duy nhất : CÂY CẦU GIÊSU KITÔ.

(Nhân lễ kính Thánh nữ Catharina Siénna – 29/4/2009)
JM. Lam Thy ĐVD