PDA

View Full Version : M - Mầu nhiệm Giáo hội



Dan Lee
05-06-2009, 05:35 PM
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH năm B

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

Kính thưa…

Trong Chúa Nhật IV vừa qua, Chúa Nhật cầu cho ơn Thiên Triệu, chúng ta thấy Đức Kitô Phục Sinh chính là vị Mục Tử tốt lành, Ngài biết rõ và sẵn sàng thí mạng để quy tụ tất cả những con chiên đang tản mát khắp nơi lại thành một đàn chiên. Ước vọng lớn nhất của Đấng Phục Sinh là “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Ngài muốn quy tụ muôn người nên một. Tất cả những người tin vào Ngài hợp thành một cộng đoàn, cùng chung một sức sống, gọi là Giáo Hội. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta một trong những hình ảnh về Giáo Hội ấy: hình ảnh cây nho. Với hình ảnh cây nho, Đức Giêsu đã trình bày cho chúng ta một hình ảnh thật sống động về nguồn gốc và sự phát triển của Giáo Hội

1. Đức Kitô là mối dây liên kết trong Giáo Hội:

Trước hết, Giáo Hội là một cộng đoàn có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, như lời Đức Giêsu phán: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho”. Khi nói điều này, Đức Giêsu muốn khẳng định với từng người chúng ta rằng: dấu chỉ đầu tiên của những ai tự nhận mình thuộc về Giáo Hội, đó sự tin nhận và liên kết với Đức Kitô, Đấng Phục Sinh. Nếu hiểu như thế, chúng ta có thể nói, Giáo Hội đã khởi đầu với lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Và không chờ đến ngày lễ Ngũ Tuần, ngay rạng sáng Phục Sinh, khi Phêrô và Gioan chạy tới ngôi mộ trống, thì người môn đệ Chúa yêu cũng “đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Điều đó cho thấy tin, gắn bó với Đức Giêsu và hoạt động nhân danh Ngài là tiêu chuẩn duy nhất của người môn đệ đích thực. Đó cũng là dấu chứng mà Barnaba đưa ra để các tông đồ và các tín hữu thuở ban đầu đón nhận Saolô mà chúng ta vừa nghe trong bài sách Công vụ Tông đồ. Lúc đó, các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi vẫn còn nhiều e dè đối với con người của Saolô. Họ vẫn còn nhớ một hình ảnh của một Saolô nhiệt thành với Do thái giáo, nhiệt thành đến nỗi, chính ông đã xung phong đến gặp các Thượng tế xin tờ chứng minh thư để đi bắt các tín hữu (x. Cv 9, 1-2). Vì thế, Barnaba đã kể lại cho các tông đồ về cuộc gặp gỡ của Saolô và Đấng Phục Sinh trên đường Đamát và cuộc hoán cải của Saolô. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là chính Saolô cũng đã mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Đấng Phục Sinh của mình ngay tại Đamát, nơi mình từng bắt bớ các tín hữu.

Chính niềm tin và sự gắn bó với Đức Kitô đã làm nên cuộc đổi đời của Saolô, khiến ông từ một người đi bắt bớ các tín hữu, trở thành người sẵn sàng dùng chính cuộc sống mình để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Và như vậy, chính Đức Kitô là mối dây liên kết Saolô với các tông đồ và cộng đoàn Giáo Hội.

Gắn bó với Đức Kitô, không những là tiêu chuẩn và là ước mong của Đức Kitô đối với những ai muốn làm môn đệ của Ngài, nhưng còn là ý muốn và là lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Xác tín điều đó, thánh Gioan trong bài đọc hai mời gọi chúng ta: “Đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô”.

Tóm lại, chính niềm tin và sự gắn bó với Đức Kitô Phục Sinh là sợi dây gắn bó tất cả chúng ta nên một trong Giáo Hội của Ngài. Tuy nhiên, niềm tin này không chỉ là một lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng cần thể hiện ra bằng chính đời sống bác ái, yêu thương của chúng ta. Hay nói theo cách nói của Đức Giêsu trong bài Tin mừng: chúng ta phải sinh hoa trái vì: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

2. Đời sống biểu thị niềm tin:

Sinh hoa trái trong đời sống, chính là đòi hỏi cơ bản và quan trọng nhất của Đức Kitô đối với mỗi tín hữu, những ai tự nhận là tin và đang kết hợp với Ngài. Điều này quan trọng đến nỗi, sau khi đã tự giới thiệu mình là cây nho, Đức Giêsu liền tuyên bố cách rõ ràng: “Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi”. Thật ra đây cũng là một đòi hỏi bình thường của tất cả những ai trồng cây ăn quả. Chúng ta trồng cây là để thu hoạch hoa trái, chứ không để chỉ ngắm nhìn những cành lá xum xuê bên ngoài. Ghi nhớ lời dạy của Đấng Phục Sinh, thánh Gioan trong bài đọc hai nhắn bảo chúng ta: “đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm chân thật”.

Tuy nhiên để có thể sinh hoa trái, thì một điều cơ bản là cành phải thực sự liên kết với cây, để nhận được nhựa sống từ thân cây. Đó cũng là điều mà Đức Giêsu khẳng định với chúng ta: “Cũng như cành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho, các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy… vì không có Thầy, các con không thể làm được gì”. Khi nghe tới đây chắc có nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ: “hàng ngày tôi vẫn tự mình làm mọi sự, có thấy Chúa đâu?”. Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rất rõ sự giới hạn của mình. Chúng ta tính toán thật nhiều, nhưng nếu không có sự trợ giúp của Chúa, quả thật chúng ta không thể làm được gì nhiều như lời cha ông chúng ta vẫn nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, có ai trong chúng ta muốn phạm tội, muốn bị người khác la rầy, phàn nàn đâu. Thế nhưng tôi và quý ông bà anh chị em vẫn phải đi xưng tội hàng tháng, vẫn chịu sự phàn nàn của người khác. Điều đó cho thấy, con người của chúng ta rất yếu đuối. Chúng ta thường nghĩ đến mình, đến lợi ích của mình, đến sự dễ dãi cho bản thân, hơn là nghĩ đến người khác. Do đó, nếu chúng ta muốn sinh hoa trái, nghĩa là sống bác ái, chia sẻ tha thứ, nhịn nhục theo lời Chúa dạy, chúng ta cần có sự trợ giúp của Chúa, nghĩa là chúng ta cần xa lánh tội lỗi, để luôn sống trong ân sủng của Ngài.

Kế đến, để sinh hoa trái, cành còn phải chịu sự cắt tỉa. Cũng vậy, muốn sinh hoa trái dồi dào, chúng ta cũng cần phải cắt tỉa đi những thói hư tật xấu. Và con dao cắt tỉa đi những điều đó, chính là lời Chúa, như lời Đức Giêsu mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con”. Chính vì thế thánh Gioan trong bài đọc hai khẳng định: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong chúng ta”. Quả thật, lời Chúa có một sức mạnh xuyên thấu tận tâm can, vạch trần con người thật của chúng ta như lời tác giả thư Do thái: “Lời Thiên Chúa thì sống động và linh hoạt, sắc bén hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào, và xuyên thấu phân tuyến linh hồn và thần khí, gân cốt và tủy não, biện phân tâm tư và ý tưởng của lòng dạ” (Dt 4, 12).

Tóm lại, qua hình ảnh cây nho, lời Chúa hôm nay mời gọi từng người chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa như cành nho luôn gắn liền với thân nho. Chúng ta gắn bó với Chúa bằng cách siêng năng học hỏi, suy niệm và thực hành những lời Chúa dạy, nhất là sốt sắng đón nhận Chúa vào lòng nhờ việc hiệp lễ. Và nhờ sức mạnh của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Đó là hoa trái của yêu thương, chia sẻ và cảm thông; hoa trái của một tấm lòng rộng mở luôn quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Đức Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”. Amen.

Lm Phêrô Trần Thanh Sơn