PDA

View Full Version : C - Cánh én báo hiệu Mùa Xuân?



Dan Lee
05-08-2009, 09:14 PM
CÁNH ÉN BÁO HIỆU MÙA XUÂN?

Tên cháu là Gio-an

vSáng thứ Tư ngày 06-05-2009, vào trang mạng VietCatholic tôi thấy những tựa đề như So sánh báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam giữa bộ ngoại giao Việt Nam và Mỹ của Đinh Từ Thức, hay Uỷ ban Tự do Tôn giáo: 13 nước vi phạm tự do tôn giáo trong đó có Việt Nam của đài VOA, hay Bức màn bauxite, âm mưu Tây Nguyên!!! Của tờ “Tự do ngôn luận”… Nhưng tất cả đều bị chìm bên cạnh tấm hình thánh giá rất nổi của một nhà thờ, ở phía dưới là tựa đề của bài viết: Quan điểm Công giáo về trách nhiệm của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội, tác giả là đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm. Tôi cũng để ý đến ngôi sao vàng 5 cánh (có 1/4 bị che khuất) trên nền đỏ, ở phía trên bóng cây thánh giá. Đây là cách lôi kéo sự chú ý của người đọc.

Chỉ mới nhìn tựa đề của bài viết thôi, tôi đã thầm nghĩ: bây giờ là Mùa Phục Sinh, nhưng trong bối cảnh xã hội ngày càng nóng như có thể nổ tung bất cứ giờ nào, thì sau một thời gian dài chờ đợi, đặc biệt của các tín hữu Công Giáo, bài viết của một vị giám mục Việt Nam như đưa ta trở lại Mùa Vọng, sau khi ông Da-ca-ri-a bị câm một thời gian. Đến ngày vợ ông là bà Ê-li-sa-bét sinh hạ, rồi phải đặt tên cho con, và khi họ hàng tính lấy tên cha mà đặt cho đứa bé thì bà mẹ nhất quyết đặt tên cho con là Gio-an. Cuối cùng thì phải nại đến uy quyền của cha đứa bé để giải quyết vấn đề. Ông Da-ca-ri-a ra hiệu xin mang đến cho ông một tấm bảng, rồi ông viết lên đó: “Tên cháu là Gio-an”. Cùng lúc, ông hết câm, ông nói được. Nay sau một thời gian dài chờ đợi một tiếng nói từ phía các giám mục, chợt thấy có bài viết của đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, tôi có cảm tưởng như đang ngược dòng thời gian, trở về hơn 2000 năm trước, để cùng với bà con chòm xóm vị tư tế Da-ca-ri-a, nghe ông cất tiếng nói: “Tên cháu là Gio-an!”.

Hai ví dụ cụ thể

Bài viết của đức cha Khảm bắt đầu bằng hai ví dụ cụ thể. Ví dụ thứ nhất là việc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ lên tiếng thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ví dụ thứ hai là việc Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ đừng tấn công I-rắc. Cả hai ví dụ cụ thể trong phần mở đầu cho thấy Giáo Hội Công Giáo không ở ngoài đời sống chính trị và khi cần thì lên tiếng công khai bày tỏ lập trường.

Tư cách của người viết

Cũng như bất cứ ai có điều gì muốn chia sẻ với người khác, đức cha Khảm viết bài này với tư cách riêng. Tuy nhiên, vì đã từ lâu, các độc giả Công Giáo chờ đợi một tiếng nói có thẩm quyền, nên bài viết của một giám mục lôi kéo sự chú ý của người đọc là chuyện không có gì khó hiểu.

Mục đích của bài viết

Đã được minh định ngay trong phần mở đâu: Đó là nhằm trả lời câu hỏi: Tại sao Giáo Hội lại lên tiếng về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị? Để trả lời câu hỏi này, tác giả dựa vào mệnh lệnh của Chúa Giê-su (Mt 28,19-20), vào học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo (và học thuyết này được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, Truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt là Công Đồng Va-ti-ca-nô II, cũng như giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng) để đưa ra những NGUYÊN TẮC hành động.

Đối tượng của bài viết

Vậy thì bài viết nhắm đến ai? Dĩ nhiên đã đưa lên mạng rồi, ai muốn xem thì xem. Thật ra, những ai muốn biết học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo thì đã biết rồi: Sau cuộc hội thảo tại Đồ Sơn cách đây chưa lâu lắm, các bài tham luận đã được in thành sách, chắc chắn đã được gửi đến nhà cầm quyền. Nhưng cứ xem những gì đã diễn ra trên đất nước này, thì có vẻ như cuộc hội thảo khá tốn kém kia đã chẳng có ảnh hưởng gì nhiều đến cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam. Còn đối với các tín hữu Công Giáo, ít là những ai quan tâm đến vấn đề, thì điều chờ đợi, chẳng phải là lý thuyết trừu tượng, chẳng phải là nguyên tắc phổ quát, nhưng là những hành động cụ thể dựa trên lý thuyết, trên các nguyên tắc đó. Và đây chẳng phải là những chuyện muốn làm thì làm, không làm thì thôi, nhưng là những chuyện bắt buộc phải làm nếu muốn trung thành với giáo huấn của Chúa Giê-su và Hội Thánh của Người. Tác giả đã trích dẫn học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo như sau: Các vấn đề chính trị và xã hội liên quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối…

Chính quyền nào?

Trong phần II, đề cập đến tương quan giữa Giáo Hội và chính quyền, tác giả đã trích dẫn Hiến chế của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về Giáo Hội trong thế giới ngày nay để nhắc lại: Giáo Hội tôn trọng quyền bính hợp pháp và chính đáng của Nhà Nước. Điều không thể nghi ngờ là các nghị phụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II khi khẳng định như thế, đã nghĩ đến các chính quyền của các nước tự do, trong đó những người cầm quyền là những người được dân lựa chọn qua các cuộc bầu cử tự do, nên quyền bính của họ là quyền bính hợp pháp. Còn tại Việt Nam, chế độ hiện nay dựa trên việc “Việt Minh cướp chính quyền” hồi năm 1945, rồi sau đó từ từ triệt hạ tất cả các đảng phái khác cùng đứng chung liên minh với mình, và khư khư giữ cái quyền ăn cướp đó đến hôm nay. Và suốt hơn 60 năm qua (trừ quãng thời gian từ 1955 đến 1975 tại miền Nam) mọi cuộc bầu cử chỉ là những màn trình diễn ngoạn mục để đảng Công Sản Việt Nam tiếp tục giữ cái quyền ăn cướp đó.

Đối thoại

Bài viết của đức cha Khảm ở phần cuối có nói đến đối thoại. Đây là nguyên tắc không người bình thường nào mà không chấp nhận. Có điều muốn đối thoại với nhau, phải chấp nhận nhau, kính trọng nhau, thành thực với nhau. Và trong việc đối thoại với chính quyền cộng sản ở mọi cấp, chúng ta đều có ít nhiều kinh nghiệm. Người miền Nam hay nhắc lại lời cố tổng thống Thiệu ngày xưa: “Đừng nghe những gì cộng sản nói”. Đức cha Khảm mới làm giám mục được mấy tháng nên chưa có kinh nghiệm. Nhưng chỉ cần hỏi các bậc cao niên trong hàng giám mục xem suốt 30 năm nay, bao nhiêu kiến nghị được trân trọng gửi đến chính quyền các cấp, được tiếp nhận cách lịch sự rồi cất kỹ trong ngăn kéo, liệu có bao nhiêu phần trăm kiến nghị đã được giải quyết? Sáng nay ngày 08-05-2009 trước khi viết tiếp bài này, đọc tin tức liên quan đến cuộc hành hương của giáo phận Thái Bình đến trung tâm hành hương Đức Mẹ Công Lý ở Thái Hà, rồi nhất là đọc lá thư ngỏ của đức cha Nguyễn Văn Sang, tôi thầm nghĩ: Giờ này ông cụ mới nhận ra khuôn mặt của cộng sản, kể cũng là khá trễ.

Kết luận

Trở lại với bài viết của đức cha Khảm, tôi tự hỏi: Đây là một “terminus a quo” (khởi đầu) hay là một “terminus ad quem” (kết thúc)? Nếu sau bao nhiêu trăn trở, bao lời trách móc, bao nhiêu ước mơ của người tín hữu Công Giáo Việt Nam trước những vấn đề thời sự nóng bỏng như tham nhũng, bất công, bán đất, bán biển, và gần đây nhất là vụ bauxite Tây Nguyên, chẳng khác chi những đám lửa khổng lồ đang đốt cháy tâm can của những ai quan tâm đến sự tồn vong của Dân tộc, và trước những vấn đề nhức nhối đó, bài viết của đức cha Khảm được xem như là câu trả lời dứt khoát, thì cứ tiếp tục trăn trở, cứ việc trách móc, cứ việc ước mơ, vì “gia tài của mẹ” chỉ có bấy nhiêu thôi. Còn nếu bài viết của đức cha Khảm là một khởi đầu cho một giai đoạn mới, là lời tựa cho một cuốn sách dày sắp mở ra, là những nguyên tắc chỉ đạo cho những hành động cụ thể trong những ngày tháng tới như tác giả đã đưa ra ngay đầu bài viết, thì ta có quyền hy vọng: cánh én Nguyễn Văn Khảm đang báo hiệu một mùa xuân trong lòng Giáo Hội, trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Sài-gòn, ngày 08 tháng 05 năm 2009

pascaltinh@gmail.com
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm