PDA

View Full Version : N - Nguồn nước sự sống



Dan Lee
05-10-2009, 04:59 PM
Nguồn nước sự sống

Cách đây không lâu, gía xăng dầu lên gía mỗi ngày, có những lúc từng giờ. Lúc đó khắp nơi xôn xao bàn luận tưởng chừng như nguồn nước dầu thô trong thiên nhiên, huyết mạch cho xe hơi, cho nhà máy chạy, đến lúc sắp cạn hết. Và như thế nền tài chính kinh tế lâm vào khủng hoảng xuống dốc.

Rồi nước uống, nước rửa hằng ngày trong gia đình cũng càng ngày mắc thêm, và có đề nghị sống tiết kiệm nước.

Điều này gây nên tâm trạng suy nghĩ, phải chăng nguồn nước thiên nhiên cũng sắp khô cạn hết?

Cơn sốt hay cơn báo động về nguồn dầu thô, về nguồn nước gây nên những suy nghĩ về nhu cầu đời sống, cùng về gía trị nguồn thiên nhiên ẩn chứa trong lòng đất, nơi lòng biển khơi, trong cát đá.

Càng ngày cùng với đà phát triển khoa học kỹ thuật, con người càng có nhiều suy nghĩ về thiên nhiên, nơi là kho nguồn cho sự sống tồn tại cùng phát triển. Đó là dấu hiệu lòng khao khát quy hướng về sự sống.

1.Nguồn nước sự sống

Trong đời sống con người không chỉ cần nguồn nước cho sự sống thân xác. Nhưng còn cần nguồn nước cho sự sống tinh thần, đạo giáo niềm tin nữa.

Nguồn nước cho sự sống tinh thần đức tin không chảy phun lên từ dưới tầng đất cát, hay ngoài biển khơi. Nhưng chẩy từ trên trời cao xuống trái tim tâm hồn con người.

Nguồn nước tinh thần đó không cần kỹ thuật cao khoan đào hay kín múc bằng máy bơm lên. Nhưng kín múc bằng trái tim tình yêu mến.

Nguồn nước tinh thần đó không là món hàng phải mua trả bằng tiền bạc. Nhưng nguồn trao tặng ban cho những ai cần đến mà không phải trả gía hay đầu tư tiền bạc mua bán.

Nguồn nước tinh thần đó không nhìn thấy bằng con mắt thường. Nhưng lại cảm nghiệm được hương vị bình an làm tràn đầy tận trong tâm hồn cuộc sống.

Nguồn nước tinh thần này không làm máy nổ, xe chạy. Nhưng thúc đẩy bộ máy cơ quan thân xác cũng như tâm hồn con người phấn khởi vươn lên. Và từ đó trí óc sáng tạo triển nở.

Nguồn nước tinh thần này không là chất lỏng hay khô dẻo đông đặc có thể đo lường bằng lít hay thước tấc phân khối. Nhưng vô hình thể chảy xuyên suốt như làn gió tươi mát thấm nhập vào tận thẳm sâu tâm hồn con người.

Nguồn nước thiêng liêng này không là toa thuốc chữa khỏi đau bụng, đau mắt, nhức đầu. Nhưng có sức chữa trị mang lại cho tâm hồn sự an ủi tha thứ thoát khỏi vòng đau khổ bối rối đè nặng tâm trí.

2. Nguồn nước ân đức các Bí tích

Các Bí Tích, trong đời sống đức tin của Giáo Hội, là nguồn nước thiên nhiên cho tinh thần đời sống đức tin. Mỗi khi tiếp nhận nguồn nước thiêng liêng qua các Bí tích là gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, được cùng sống trong Chúa, nhận lãnh ơn đức chữa lành khỏi bối rối từ nơi ngài.

Làn nước Bí tích rửa tội là làn nước đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn nước đời sống, cho tâm hồn em bé, cho người lãnh nhận bí tích.

Ân đức tha thứ làm hòa của bí tích giải tội là dòng nước ban bình an cho tâm hồn con người có sức tươi mát phấn khởi trở lại.

Tấm Bánh Thánh Thể tình yêu Chúa Giêsu Kitô hòa lẫn trong dòng máu thánh Chúa Giêsu mang lại sự no đủ và tương quan liên kết trong dòng nguồn nước cứu độ của Chúa cho tâm hồn con người.

Bẩy ân đức Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm sức là nguồn nước ân đức sự sống củng cố cùng đổi mới tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô.

Lời giao kết nhận nhau làm vợ chồng trong suốt đời sống cùng chiếc nhẫn tình yêu hai người nam nữ trao cho nhau không chỉ là dấu chỉ bên ngoài của Bí tích hôn nhân, nhưng hòa lẫn trong nguồn nước ân phúc của Thiên Chúa, Đấng là đời sống và tình yêu của họ.

Lời cầu nguyện và nghi lễ đặt tay truyền chức cho ứng sinh trở thành Linh mục của Chúa và Giáo Hội không dừng lại nơi đó, nhưng vị linh mục được trao phó đặt cử đến kín múc nước trong nguồn dòng nước ân đức Chúa Giêsu mà phân phát tiếp qua việc cử hành các Bí tích của Chúa cho con người.

Dầu Thánh xức trên tay chân người đau bệnh cùng lời cầu nguyện không đơn giản là một nghi lễ của Bí tích xức đầu bệnh nhân hay như một hành động chữa bệnh tâm lý vừa cho người đau yếu lẫn thân nhân người bệnh. Không, không như vậy. Dầu Thánh và lời cầu nguyện của linh mục mang lại cho tâm hồn người đau bệnh ân đức tha thứ tội lỗi,và củng cố tâm hồn đức tin cho họ sống trong dòng nguồn nước đức tin của Thiên Chúa.

Đó là nếp sống đức tin của người Công giáo trong dòng nguồn nước ân đức cho tâm hồn con người. Ngoài ra còn có nếp sống đạo đức khác cũng dẫn đưa đến nguồn suối nước ân đức Thiên Chúa nữa.

Nếp sống lòng sùng kính Đức Mẹ Maria.

3. Đức Mẹ nguồn suối nước trong

Nếp sống đức tin sùng kính Đức Mẹ Maria được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội Công Giáo từ xưa nay, nhất là vào hai tháng Năm và tháng Mười hằng năm, đã ăn rễ sâu đậm trong tâm hồn người tín hữu Chúa Giêsu.

Tâm tình nếp sống đạo đức này có từ lâu đời xa xưa, nhưng lại sống động luôn tươi trẻ hòa nhịp trong dòng đời sống con người vào mọi thời đại.

Có nhiều ca ví so sánh đời sống nhân đức tinh thần của Đức mẹ bằng nhiều hình ảnh văn thơ cũng như suy tư văn chương thần học.

Một trong những ca ví đó là diễn tả Đức Mẹ như dòng suối nước trong. Nhưng Đức Mẹ không phải là nguồn nước. Nguồn nước ân đức thiêng liêng bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.

Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ cưu mang sinh hạ nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Đấng là nguồn nước ân đức thiêng liêng từ trời cao xuống cho con người trên trần gian.

Đức Mẹ Maria, như bao người mẹ khác, là người mẹ lo lắng quan tâm đến sự khao khát nước uống cho sự sống con người. Đức mẹ khi đi dự tiệc cưới thành Cana đã bầu cử cùng Chúa Giêsu, Đấng là nguồn nước, làm phép lạ cứu giúp sự sống niềm vui mừng hạnh phúc con người, đang khi giữa tiệc họ lâm cơn buồn phiền lo âu vì thiếu hết rượu.

Trong sách Diễm Ca có đoạn diễn tả Đức Mẹ Maria như hình ảnh dòng suối nước thiên nhiên trong lành: „Là giếng nước giữa hoa viên,

là hồ chứa nước nguồn từ dãy núi Li-băng chảy xuống“. ( Diễm Ca 4,15)

Khi hiện ra với chị Thánh Bernadette bên Lourdes năm1858, hiện ra với cô bé Mariette Beco bên Banneux năm 1933. Đức Mẹ đã chỉ đường đến múc nước ở nguồn suối nơi đó mà lãnh nhận ân đức thiêng liêng cho cơn khát nước tâm hồn.

“Tối ngày 19.01.1933, trời rất xấu. Mariette ra con đường cũ, thì lại gặp Bà. Em hỏi Bà là ai? Bà lạ đáp: Ta là Mẹ của những người nghèo. Rồi Bà lại dẫn em đến suối nước, và bảo em thọc tay vào nước như lần trước.

Sự lạ xảy ra 8 lần trong nhiều tháng. Nội dung tương tự như nhau. Nhiều người tới đó, cầu nguyện và thọc tay xuống suối nước. Họ đã được nhiều ơn khấn xin.

Năm 1942, sau điều tra cẩn thận, Đức Giám Mục giáo phận đã công nhận việc tôn sùng Đức mẹ Maria là Mẹ của người nghèo.

Năm 1949, ngài công nhận chính thức tám sự kiện hiện ra là có thực.

Chính Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã tới Banneux ngày 21.05.1985. Ngài đã đi theo con đường Mariette đã đi để đến suối. Ngài cũng đã thọc tay vào dòng suối….

“Bản cắt nghĩa chính thức về sự Đức Mẹ hiện ra với Mariette ở Banneux đã nêu lên mấy điểm sau:

1. Đức Mẹ đến thăm một gia đình người nghèo và khô khan để mời gọi. Mục đích để mọi người nghèo đều tìm được hy vọng nơi Mẹ.

2.Lần nào Đức Mẹ cũng dẫn Mariette đến suối, ám chỉ Chúa Giêsu.

3. Trên đường đến suối. Mariette té ngã nhiều lần. Nhưng Đức Mẹ bảo em hãy cầu nguyện, rồi Mẹ đỡ em dậy. Và cùng em lại bước đi.

Sự kiện này có ý dạy: Trên đường đến với Chúa, có thể người ta sẽ vấp ngã. Nhưng đừng ngã lòng. Hãy can đảm đứng lên và tiếp tục dấn thân. Mẹ sẽ đỡ nâng và đồng hành. Hãy cầu nguyện nhiều.” (Đức Giám mục + Bùi Tuần)

Hành hương kính viếng Đức Mẹ Banneux 10.05.2009

LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long