PDA

View Full Version : Bí mật của cận vệ nguyên thủ Xô Viết



suongkhoimay
05-12-2009, 01:16 PM
Bí mật của cận vệ nguyên thủ Xô Viết

Điều quan trọng trong công việc của cận vệ - đó là không làm phiền người mà mình bảo vệ. Cấm không được bắt chuyện trước. Không được nở nụ cười trước. Trước khi qua đời không lâu vào tháng 2/2009, Trung tá Victor Kuzovlev tiết lộ với phóng viên báo Moskovsky Komsomolets như vậy.

Ông Kuzovlev từng là cận vệ của nhiều vị nguyên thủ quốc gia hàng đầu trong đất nước Liên Xô trước kia, như Nguyên soái Climent Voroshilov, Chủ tịch Hội đồng Xôviết Tối cao Liên Xô; Nguyên soái Dmitri Ustinov, Bộ trưởng Quốc phòng; Tổng bí thư Leonid Brezhniev; Chủ tịch Hội đồng Xôviết Tối cao LB Nga Vitali Vorotnikov…

Trông bề ngoài, Trung tá Kuzovlev chỉ là một người đàn ông dáng vẻ khiêm nhường thanh mảnh và gương mặt hiền lành chất phác. Ông không có nét gì giống như những siêu nhân cận vệ hay thấy trong phim ảnh…

Đã từng có nhiều huyền thoại về đội ngũ cận vệ của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây. Theo nhận xét của tờ Moskovsky Komsomolets, đó là một đội ngũ khả kính mà ngay cả những vệ sĩ của đương kim Tổng thống Nga cũng phải ngả mũ chào và có rất nhiều điều có thể học hỏi được.

Trung tá Kuzovlev không có những cơ bắp nổi trội và không khiến ai phải hãi hùng trước vẻ ngoài của ông. Nhưng bù lại, ông lại có khả năng phản xạ cực nhanh, tài quan sát tuyệt đối cộng với tư duy phân tích nhanh và chuẩn cùng sự tinh tế nhạy cảm bén sắc.

Có lẽ chính nhờ những phẩm chất ấy nên khi ông còn rất trẻ, năm 1946, đã được cử đi theo con đường đoàn thanh niên cộng sản tới học ở Trường Đặc nhiệm thuộc Bộ An ninh Quốc gia Xôviết.

Ngay cả Ủy ban y tế nghiêm khắc cũng không tìm ra được điều gì để chê bai trong người học viên mới: thị lực tuyệt đối, tim đập đều đặn như đồng hồ Thụy Sĩ, thần kinh thép, khả năng chịu đựng tuyệt hảo.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Kuzovlev đã được cử vào làm ở đơn vị "tinh hoa": Phòng 18 thuộc Cục 1, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ An ninh Quốc gia, chịu trách niệm bảo vệ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xôviết.

Ông Kuzovlev kể: "Ngay từ đầu tôi đã hiểu ra được nguyên tắc chính yếu trong công việc của một cận vệ - không được làm phiền người mà mình bảo vệ. Khi đó các cận vệ bị cấm lên tiếng nói chuyện trước. Cũng không được nở nụ cười cầu cạnh trước. Tất cả những gì tôi đã được nghe thấy và nhìn thấy, tôi đều không được kể cho bất kỳ ai, kể cả với vợ hay những người thân khác, hay bạn bè cũng thế. Nói chung, không ai trong số họ biết được công việc cụ thể mà tôi đang làm…".

Nhà lãnh đạo đầu tiên mà ông Kuzovlev được phân công bảo vệ là vị Nguyên soái lừng danh Climent Voroshilov, từng nổi tiếng từ thời nội chiến, hai lần Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động XHCN.

Tuy nhiên, cuộc ra mắt đầu tiên với Nguyên soái đã diễn ra không mấy "mát mặt" đối với ông: "Mỗi năm, vào dịp sinh nhật của Nguyên soái, đơn vị thường tổ chức cuộc thi trượt tuyết 5km giữa các cảnh vệ.

Ngày 4/2/1947, trong số các cận vệ đó lần đầu tiên có tôi. Cũng ngày hôm đó lần đầu tiên tôi đi trượt tuyết… Khi chúng tôi trượt gần tới nơi Nguyên soái đứng, tôi bị cô Masha Polianskaya (làm vườn ở công viên Voroshilov trong khu biệt thự công) vượt lên trước. Thế là Nguyên soái bật cười chế nhạo tôi: "Này, chàng trai trẻ, cậu không xấu hổ ư? Sao lại để cho một cô gái vượt lên trước mình!".

Tại đích, Trưởng bộ phận cận vệ ngoại vi, Thiếu tá Lukashin đã tới gần tôi và hứa với Nguyên soái về việc sẽ huấn luyện tôi thành một vận động viên tốt. Và trong kỳ thi Spartakiada năm 1948, tôi đã được tham gia đội tuyển của đơn vị để giành giải vô địch Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Nguyên soái Voroshilov đã nói với tôi: "Tôi hy vọng vào đồng chí. Đừng phụ lòng tin!".

Bản thân Nguyên soái Voroshilov cũng rất thích trượt tuyết: "Đôi khi ông trượt liên tục 7 giờ một ngày. Mùa đông, ngày nghỉ nào ông cũng cùng đội cận vệ đi trượt tuyết trong khu vực biệt thự công. Chúng tôi giải lao ở một chỗ nào đó, uống nước chè nóng, ăn bánh mì kẹp. Rồi chúng tôi đính lên cây một tờ giấy và thi bắn. Nguyên soái bắn súng chính xác không hề thua gì chúng tôi…".

Cũng theo lời kể của Trung tá Kuzovlev, Nguyên soái Voroshilov không bao giờ ra giọng dạy dỗ các cảnh vệ; bản thân các cận vệ cũng biết rất rõ về mọi phận sự của mình. Nguyên soái cũng không bao giờ làm khó cho các cận vệ, thí dụ ông không bao giờ lẻn đi đâu để cận vệ không biết.

Ông chỉ không chịu được những người hút thuốc lá: "Tôi nhớ có một lần đi trượt tuyết dạo chơi, gặp một thanh niên ngậm thuốc lá trong miệng (đấy là chàng trai ở làng gần bên), Nguyên soái đã chặn chàng trai lại, lôi điếu thuốc khỏi miệng anh ta và mắng: Sao lại thế, trượt tuyết mà lại hút thuốc ư?!".

Trong cảm nhận của Trung tá Kuzovlev, Nguyên soái Voroshilov là người rất cởi mở. Ông rất tôn trọng cảnh vệ, biết rõ về từng sĩ quan. Ông có thể đứng cạnh chiến sĩ cảnh vệ đang trực gác rất lâu, hỏi han về lai lịch, học vấn, về những cuốn sách đã đọc…

Ông không thích được đối xử khách khí như với một quan lớn. Lắm khi còn cách nhà 3 cây số, ông đã ra khỏi xe và đi bộ về nhà. Và ông muốn được cho vào nhà từ cửa ngách. Ông bảo: Tôi không phải xe hơi cũng không phải ngựa, tôi không cần phải mở cổng lớn…".

Trung tá Kuzovlev có nhiều kỷ niệm tốt đẹp nhất về Nguyên soái Dmitri Ustinov. Từ năm 1969, Kuzovlev đã là chỉ huy nhóm cận vệ riêng cho Nguyên soái và thường xuyên ở cạnh ông cả khi làm việc cũng như trong các kỳ nghỉ.


Trung tá Kuzovlev kể: "Ông thích tôi ngay lập tức và muốn tôi làm bảo vệ riêng. Nhưng, nói thật là tôi lại ngại. Cũng không phải vì có chuyện gì đâu, Nguyên soái là người cực kỳ tuyệt vời, quan hệ giữa ông và tôi rất tốt. Nhưng ông chỉ ngủ có 3-4 tiếng mỗi ngày.

Có những hôm chúng tôi chơi billard tới 1h đêm nhưng chỉ 4-5h sáng là ông đã dậy. Ông đi quanh nhà và lẩm bẩm: "Vương quốc gì mà ngủ nhiều thế nhỉ!". Khi tôi trở về nhà từ Krym (Nguyên soái tới đó để tham dự cuộc họp về công nghiệp quốc phòng trong 8 ngày), tôi đã ngủ bù li bì tới hơn một ngày đêm. Vợ tôi đã phát hoảng lên…

Nguyên soái Ustinov còn là một người cực kỳ ngẫu hứng trong mọi chuyện. Ông hay giao những nhiệm vụ bất ngờ và đôi khi làm cấp dưới bối rối. Có lần, tôi đang cùng ông chơi cờ ở bãi biển và ông nói với tôi: "Victor, hãy tổ chức đi xem xiếc và mời theo cả các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền và bác sĩ nha khoa của tôi nữa". Mà lúc đó chỉ còn nửa tiếng là tới giờ biểu diễn, tôi không thể nghĩ ra có cách nào để mời được tất cả những người ấy cùng đi xem xiếc.

Tôi nói với ông: "Xin phép được đi thực hiện nhiệm vụ ngay!". Còn ông lại nói: "Cứ chơi cờ tiếp đi, không sao đâu, còn kịp mà!". Mẹ ơi, biết phải làm gì! Tôi phải chơi quấy quá cho ông thắng nhanh và tôi chạy đi để lo việc ông đã giao. Tất cả các Bộ trưởng, ngoan như các đội viên, có mặt đầy đủ sau một thời gian ngắn. Họ cũng quen với việc ông có thể gọi họ bất cứ lúc nào. Họ biết rằng ông không thích ngồi đợi.

Chúng tôi xem xiếc, sắp hết giờ biểu diễn, Nguyên soái nói với tôi: "Victor, tổ chức cho chúng tôi một chuyến đến nhà hàng "Bản Cápcadơ", nói họ làm món ăn dân tộc nhé…". Tôi bật dậy đi gọi điện thoại cho giám đốc nhà hàng ngoài giời ở Sochi. Phải làm sao trong vài ba phút tìm được đủ những số điện thoại cần thiết, những người cần thiết để thỏa thuận mà không cần hỏi lại mệnh lệnh, đấy đâu là việc dễ.

Và chúng tôi ngồi trong nhà hàng. Những bữa ăn tối như thế bao giờ cũng do Nguyên soái trả tiền riêng. Ông rất thích uống rượu vodka ngâm ớt và bắt tôi cạn 100 gam một. Rồi giám đốc nhà hàng tới nói, đã 2h đêm rồi, chúng tôi cần phải đóng cửa. Tôi trình bày với Nguyên soái một cách lễ phép: Phải về thôi, đến giờ rồi ạ. Tất cả lên xe về trại nghỉ của Nguyên soái (ông không thả cho các Bộ trưởng về).

Trên đường đi, ông bảo: "Victor, hãy bảo ở trại nghỉ bày tiệc cho nhóm chúng ta!". Lúc ấy thì mọi người đã đi ngủ từ lâu. Khó khăn lắm tôi mới gọi điện thoại được cho trạm gác, các cảnh vệ đánh thức đầu bếp dậy và họ đã thực hiện phận sự của mình một cách nhanh chóng… Rồi sáng sớm hôm sau, Nguyên soái lại bảo: "Victor, chuẩn bị đi câu cá nhé!". Hôm nào cũng thế. Nhưng ở cạnh Nguyên soái vui vẻ thú vị lắm, dẫu có lúc tôi đã ngủ gật trên xe".

Nguyên soái Ustinov không thích ngồi trên xe hơi lâu. Nếu phải đi đoạn đường không gần, ông hay cho gọi máy bay trực thăng. Một lần, Nguyên soái được tặng một xe máy, ông quyết định thử cưỡi nó tới trại nghỉ và đã bị đâm vào vỉa hè, bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Lành bệnh, ông được lãnh tụ Stalin gọi lên và hỏi: "Đồng chí Ustinov, đồng chí không có xe hơi sao mà lại đi môtô? Đồng chí biết bây giờ là thời nào không". Nguyên soái đáp: "Xin lỗi đồng chí Stalin, chuyện này sẽ không lặp lại nữa!".

Với Tổng Bí thư Leonid Brezhniev, Trung tá Kuzovlev cảm thấy bình thản hơn: "Tôi thường cùng bốn cận vệ khác tháp tùng ông trong các cuộc đi dạo trên đại lộ Kutuzov.

Ông đi phía trước, chúng tôi (tất cả đều mặc đồ dân sự, trong những bộ y phục màu xám hoặc đen đơn giản), tập trung sự chú ý ra tứ phía trên suốt đường đi.

Ông biết có chúng tôi đi theo nhưng tỏ ra không biết. Khi ông vào một cửa hàng nào đó thì có một người trong số chúng tôi vào theo. Ông không bao giờ trò chuyện với chúng tôi, khác hẳn Nguyên soái Voroshilov…".

Nhà lãnh đạo Xôviết cuối cùng mà Trung tá Kuzovlev làm cận vệ là ông Itali Vorotnikov, người về sau đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Xôviết Tối cao LB Nga. Và giữa hai người đã có những mối quan hệ gần gụi thân thiết theo kiểu đồng chí anh em…

Để duy trì phong độ cần thiết, Trung tá Kuzovlev thường xuyên mỗi ngày tập thể dục 10 phút và mỗi tuần một hai lần tới luyện tập ở phòng thể thao Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Tại đó, ông luyện lại võ sambo cho thuần thục…

Lúc còn trẻ, Kuzovlev được trang bị dao Phần Lan, súng Walterr và Nagan. Khẩu Nagan là tự động lên cò để phòng những trường hợp khẩn cấp, khi mỗi một giây cũng đều quan trọng. Tất cả những vũ khí đó được ông đeo ở một sợi dây lưng đặc biệt…

Sau này, Kuzovlev được phát cho súng ngắn Sudarev rồi súng ngắn PSM. Có điều, trong suốt cuộc đời làm cảnh vệ, Trung tá Kuzovlev chưa từng phải bắn vào ai cả.


theo VTC News