PDA

View Full Version : Cúm heo - Những điều cần biết



suongkhoimay
05-15-2009, 02:19 PM
Cúm heo- Những điều cần biết

Cúm heo là gì, cúm heo lây lan như thế nào, có an toàn khi ăn thịt heo trong thời điểm này...là một số điều cần biết khi dịch cúm xuất hiện ở Mexico đang có dấu hiệu lan nhanh.


http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/2009/04/27/swine270409.jpg
Một hành khách Uruguay đeo khẩu trang bảo vệ mình tại sân bay ở Mexico City.


Cúm heo là gì?

Cúm heo là loại bệnh đường hô hấp, gây ảnh hưởng đến heo. Do loại cúm A gây ra, cúm heo xuất hiện theo chu kỳ ở đàn lợn, nhưng hiếm khi gây tử vong.

Cúm heo có xu hướng lây lan vào mùa thu và mua đông nhưng cũng có thể xuất hiện quanh năm.

Có rất nhiều loại cúm heo và giống như cúm ở người, sự lây nhiễm cũng thay đổi liên tục.

Con người có thể nhiễm cúm heo?

Thông thường, cúm heo không ảnh hưởng đến con người, mặc dù cũng có một số trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận. Những người này thường tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với heo.
Cũng có ít tài liệu cho thấy các trường hợp lây nhiễm cúm heo từ người sang người.

Nhưng việc lây nhiễm từ người sang người được cho là lây lan qua ho và hắt hơi.
Trong đợt bùng phát mới nhất tại Mexico hiện nay, rõ ràng cúm heo đang được lây nhiễm từ người sang người. Các triệu chứng của cúm heo ở người có vẻ như giống với các triệu chứng thường thấy ở cúm theo mùa.

Vậy đây có phải là loại cúm heo mới?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định ít nhất một số trường hợp mắc loại cúm heo chưa từng thấy trước đó, dòng H1N1 của loại cúm A.

H1N1 là dòng giống với loại cúm theo mùa thông thường ở người. Nhưng trong phiên bản mới nhất H1N1 có điểm khác biệt: Nó chứa loại gen thường được thấy ở các dòng vi rút ảnh hưởng đến cả con người, chim và heo.

Các virut cúm có khả năng trao đổi các thành phần gen với nhau, và có vẻ như phiên bản H1N1 mới nhất là kết quả của sự pha trộn giữa nhiều loại virut, có thể ảnh hưởng đến các loài khác nhau.

Vậy có an toàn không khi ăn thịt heo?

Câu trả lời là có. Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy cúm heo có thể bị lây lan qua ăn thịt của động vật bị nhiễm cúm. Tuy nhiên, nên nấu kỹ thịt. Nhiệt độ 70 độ C sẽ đảm bảo giết chết virut.

Con người cần phải đề phòng như thế nào?

Khi một dòng cúm mới xuất hiện, mang theo khả năng lây lan từ người sang người, con người phải theo dõi sát, nếu không nó sẽ có khả năng bùng phát thành đại dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác và đầy đủ tình hình hiện nay. Không ai có thể biết chắc được ảnh hưởng của nó khi đại dịch bùng phát. Các chuyên gia cảnh báo, nó có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới. Đại dịch cúm ở Tây Ban Nha, bắt đầu vào năm 1918, và cũng do dòng H1N1 gây ra, đã giết chết hàng triệu người.

Thực tế là tất cả các trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ cho đến này đều có các biểu hiện cúm thông thường. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát tại Mexico hiện nay có thể là do một nhân tố về địa lý bất thường đặc biệt nào đó, có thể là do một loại vi rút thứ hai không liên quan đang lưu thông trong cộng đồng người tại đây. Nếu như vậy nó khó có thể lây lan sang cả thế giới.

Tuy nhiên, việc rất nhiều người bị nhiễm bệnh là những người còn trẻ là một dấu hiệu bất thường bởi cúm theo mùa thông thường có khuynh hướng ảnh hưởng đến người già.

Cách thức chữa trị và vắc xin?

Giới chức Mỹ cho biết cho đến nay hai loại thuốc thường được dùng để chữa cúm là Tamiflu và Relenza có vẻ như có ảnh hưởng tốt đối với những trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ, những vắc xin cúm hiện tại có tác dụng như thế nào trong việc chống lại dòng cúm mới, bởi nó rất khác với các dòng cúm khác.

Các nhà khoa học Mỹ hiện đang phát triển một loại vắc xin mới, nhưng phải mất thêm thời gian để hoàn chỉnh và sản xuất đủ cho nhu cầu có thể sẽ rất lớn trong thời gian tới.

Còn về cúm gia cầm?

Cúm gia cầm đã khiến hàng trăm người tử vong ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Nó là một dòng cúm khác. Cúm heo mới nhất là loại mới của dòng H1N1, trong khi cúm gia cầm là H5N1.

Các chuyên gia trước đây cũng từng lo sợ H5N1 có khả năng gây ra một đại dịch bởi chúng có khả năng biến đổi rất nhanh. Tuy nhiên, cho đến giờ, nó vẫn chỉ là loại cúm ảnh hưởng chủ yếu đến gia cầm. Trừ một số trường hợp đặc biệt, hầu hết những người nhiễm cúm gia cầm đều làm việc, tiếp xúc thường xuyên với gia cầm. Trong khi đó, các trường hợp lây nhiễm từ người sang người cũng đặc biệt hiếm. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy H5N1 đã có khả năng làm lây lan dễ dàng từ người sang người.


Các đại dịch cúm

1918: Đại dịch cúm Tây Ban Nha là đại dịch có sức tàn phá kinh khủng nhất thế giới hiện đại. Nó do một dạng của dòng cúm H1N1 gây ra và ước tính có tới 40% dân số thế giới nhiễm bệnh, với hơn 50 triệu người tử vong, và thanh niên là những người bị ảnh hưởng nặng nhất.

1957: Cúm châu Á đã khiến 2 triệu người mất mạng. Do một loại vi rút cúm ở người, H2N2, kết hợp với dòng biến thể được tìm thấy ở vịt hoang gây nên. Tác động của đại dịch đã được giảm thiểu nhờ hành động kịp thời của các giới chức y tế. Người già là những người bị ảnh hưởng nặng nhất.

1968: Được phát hiện đầu tiên tại Hồng Kông và do dòng H3N2 gây ra, đã khiến tới 1 triệu người trên toàn cầu tử vong, với hầu hết những người trên 65 tuổi nhiễm bệnh không thể sống sót.
Phan Anh
Theo BBC

suongkhoimay
05-15-2009, 02:32 PM
Thứ Sáu, 15/05/2009

Có nên sản xuất vắc xin phòng cúm A/H1N1?

(Dân trí) - Trước dịch cúm đã lan rộng trên toàn thế giới với hơn 6.600 trường hợp nhiễm bệnh, các nhà sản xuất và chuyên gia đã gặp nhau tại trụ sở của WHO để thảo luận đưa ra những quyết định quan trọng để ứng phó nhanh với loại vi rút dễ lây lan này.

http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/2009/05/15/174thi-nghiem-15509.jpg

Phải sản xuất vắc xin…

Các công ty dược phẩm đã sẵn sàng để sản xuất vắc xin ngừa cúm H1N1, nhưng vì vi rút này có thể biến đổi nên câu hỏi đặt ra là: nên sản xuất với số lượng bao nhiêu? Phân bổ như thế nào? Ai cần tiêm?

Phụ trách các vấn đề liên quan tới cúm của WHO cho biết cuộc hội thảo, với sự tham dự của các chuyên gia độc lập và đại diện các nhà sản xuất, là nhằm để tìm kiếm câu trả lời khi nào thì sản xuất vắc xin mới trong khi các công ty dược đang phải sản xuất vắc xin phòng cúm mùa để tránh nguy cơ xảy ra 1 đại dịch do bệnh này.

“Không có quyết định lớn nào, không có một thông cáo nào”, ông Keiji Fukuda, người đang phụ trách các vấn đề liên quan tới cúm của WHO, thừa nhận sau cuộc họp, “Đấy là những câu hỏi vô cùng hóc búa và rất khó để giải quyết chỉ trong một cuộc họp”.

Nhưng cuộc họp cũng đã đưa ra những kết luận cơ bản. Đó là “Nếu chúng ta không đầu tư cho sản xuất vắc xin phòng H1N1 thì rồi chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện trở lại của chúng trong tương lai không xa với khả năng biến đổi ghê gớm và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn hay chỉ ở mức độ nhẹ, trung bình”, ông David Fedson, một chuyên gia về vắc xin, từng là giảng viên trường ĐH Virginia (Mỹ), nhấn mạnh.

… nhưng chưa biết phải sản xuất như thế nào

Hầu hết các công ty sản xuất vắc xin cúm đều chỉ sản xuất 1 loại vắc xin cho 1 thời điểm nào đó, ví như vắc xin cúm mùa hay vắc xin cho một đợt dịch lớn. Quá trình sản xuất chỉ diễn ra trong vài tháng và không thể dừng lại giữa chừng để đáp ứng yêu cầu sản xuất một loại vắc xin mới trong trường hợp dự báo của các chuyên gia y tế là “nhầm lẫn”.

Các nhà sản xuất vắc xin có thể sản xuất cả 2 loại vắc xin này nhưng chỉ với số lượng hạn chế - mặc dù không hề trùng hợp về mặt thời gian - nhưng họ không thể sản xuất số lượng lớn cả 2 loại vì năng lực sản xuất chỉ có vậy.

“Thực tế là chúng ta đang phải vật lộn với cúm mùa khi nó đang tấn công con người không ngừng nghỉ với tỉ lệ tử vong lên tới hàng ngàn người mỗi năm trên khắp thế giới. Vì vậy chỉ có một sự thoả hiệp nếu nói rằng chúng ta muốn ngừng sản xuất vắc xin đó”, ông Fukuda cho biết.

Ở thời điểm hiện nay, các chuyên gia y tế không dám chắc cúm H1N1 có khả năng gây chết người như thế nào và liệu vắc xin cúm mùa cần hơn hay vắc xin cúm H1N1. Và nếu vi rút cúm H1N1 biến đổi , các nhà khoa học cũng không dám chắc vắc xin sản xuất ra sẽ tác động tới vi rút này như thế nào.

WHO ước tính sẽ sản xuất được khoảng 2 tỉ liều vắc xin phòng cúm H1N1 mỗi năm mặc dù những đợt sản phẩm đầu tiên chưa thể có trong 4 - 6 tháng tới.

Khuyến nghị của một nhóm các chuyên gia về vấn đề sản xuất vắc xin sẽ được chuyển tới Chủ tịch Tổ chức Y tế thế giới Margaret Chan vào tuần tới.




WHO đã bác bỏ giả thuyết của một chuyên gia Australia rằng vi rút H1N1 đang lây lan ở nhiều nước là sản phẩm của một phòng thí nghiệm khi nghiên cứu sản xuất vắc xin và vô tình bị lọt ra ngoài

"Bằng chứng cho thấy đây là loại virus có nguồn gốc tự nhiên chứ không sinh ra từ phòng thí nghiệm", Tiến sĩ Keiji Fukuda, phụ trách các vấn đề về cúm của WHO thông báo tại một cuộc họp báo ở Geneva.

WHO đã đưa ra kết luận trên sau hàng loạt cuộc thảo luận và đánh giá với các nhà khoa học thuộc các trung tâm cộng tác của tổ chức này và các chuyên gia của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE).

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ đang hoạt động hết công suất để có thể tạo ra vắc xin trong vòng vài tuần tới và họ sẵn sàng chia sẻ để có thể sản xuất rộng rãi trên khắp thế giới.

Cho tới khi các công ty sản xuất vắc xin có được công thức, họ cũng không biết sản xuất bao nhiêu liều vắc xin và mất bao lâu. Tập đoàn sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới Sanofi Pasteur cho biết họ đang đợi WHO bật đèn xanh trước khi bắt đầu sản xuất vắc xin phòng cúm H1N1.

Cho tới ngày thứ Năm, đã có ít nhất 33 quốc gia với hơn 6.600 trường hợp nhiễm H1N! trên toàn thế giới, trong đó 70 ca đã tử vong. Hiện WHO vẫn duy trì mức cảnh báo 5 đối với đại dịch.

Uyên Phương

Theo Reuters