PDA

View Full Version : C - Chúa nhật 6 mùa phục sinh- B Thiên Chúa là tình yêu (Dành Cho Các Em )



Dan Lee
05-16-2009, 01:46 PM
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Cv 10,25-26. 34-35.44-48; 1 Ga 4,7-10; Ga 15, 9 – 17

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Các con thiếu nhi thương mến,

Nối tiếp Tin mừng tuần trước về cây nho – Chúa mời gọi các con hãy liên kết, gắn bó với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa nhật tuần này, Chúa mời gọi các con hãy yêu thương nhau như chính tình yêu mà Chúa dành cho các con.

Các con thương,

Trong bối cảnh sắp rời xa các tông đồ, Chúa Giêsu đã nói lên tâm huyết và cũng là chỉ thị cuối cùng của Ngài. Ai cho cha và các bạn biết đó là chỉ thị gì? Thưa, “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”.

Chúa còn giải thích rõ cách thức thực hành chỉ thị này: “Yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Nghĩa là không phải muốn yêu như thế nào cũng được mà phải là “yêu như Chúa yêu”.

Chúa Giêsu yêu như thế nào?

Cuộc đời rao giảng của Chúa đã chứng minh rõ: Chúa yêu hết mọi người, cho người mù được sáng mắt, người điếc được nghe, kẻ què đi được, người câm nói được, người chết sống lại… Và cuối cùng Ngài đã “chết cho người mình yêu”. Điều này không chỉ diễn tả mức độ Chúa yêu con người “hy sinh tính mạng vì bạn hữu” mà còn là dấu chỉ cho người khác biết chúng ta “được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa”. Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan cũng xác định rõ: “Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu”.

Các con thương,

Lời di chúc của Chúa Giêsu “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em” và lệnh truyền“điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”, hai câu này vừa là lời khuyên vừa là một lệnh truyền cũng như sứ mạng của chúng ta. Vậy, các con phải thực hành luật này thế nào? Nói cách khác, các con phải yêu thương nhau như thế nào? – Thưa, phải yêu như Chúa yêu và yêu người như yêu Chúa.

Yêu như Chúa yêu, nghĩa là không giới hạn tình yêu cho riêng ai, cũng không loại trừ ai nhưng dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh.

Yêu người như yêu Chúa, nghĩa là không chỉ nhìn mọi người là anh chị em mà còn nhận ra hình ảnh Thiên Chúa ở trong mọi người. Cách tích cực hơn nữa là biết giúp đỡ hàng xóm, cho nhau những nụ cười, lời nói dễ thương, những cử chỉ quan tâm đến người khác.

Lạy Chúa Giêsu, “xin dạy chúng con biết yêu, yêu Chúa và yêu mọi người. Yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là Tình yêu”.

Thực hành:

1. Thực hành Lời Chúa dạy là cách thể hiện tình yêu dành cho Chúa.

2. Yêu mến mọi người bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, nghĩa là yêu thương vô vị lợi.

Tâm niệm: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Đi tìm kho báu: Mời các con cùng suy nghĩ và trả lời các câu hỏi sau:

1. Trước khi về trời, giới răn Chúa Giêsu truyền lại cho các tông đồ là gì?

2. Việc yêu thương nhau nói lên ý nghĩa gì?

3. Chúng ta cần phải làm gì để trở nên bạn hữu của Thiên Chúa?

Lm. Nguyễn Ngọc Long