PDA

View Full Version : Y - yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta



Dan Lee
05-16-2009, 07:14 PM
YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA YÊU THƯƠNG TA!

Đọc bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 6 Phục Sinh xong, bạn có thắc mắc gì không vậy? Riêng cá nhân tôi, tôi cứ thắc mắc hoài, tại sao Chúa Giêsu lại nhắc đi nhắc lại tới hai lần, ở hai chương khác nhau, lần thứ nhất ở chương 13 và lần thứ hai ở chương 15, rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; 15:12). Yêu thương nhau … như vậy là được rồi, nhưng tại sao Chúa Giêsu lại thòng thêm một câu … yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em [/I]làm chi vậy? Bạn thấy có lạ không? Chắc chắn là Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài, trong số đó có tôi và có bạn nữa, phải noi gương bắt chước cái kiểu yêu thương của Ngài thì tình yêu đó mới được gọi là trọn vẹn và mới gọi là đầy đủ ý nghĩa, bạn đồng ý không?

Đọc sách Phúc Âm, tôi thấy các thánh sử ghi lại vô vàn vô số những kiểu yêu thương của Chúa Giêsu. Nhiều lắm! Ngài yêu thương dân chúng vì họ bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt (Mt 9:36); Ngài yêu thương dân chúng cho nên Ngài đã chữa lành bệnh tật, trừ quỷ và giảng dạy cho họ, cho họ ăn uống no nê (Mt 15:29-39); Ngài yêu thương các môn đệ cho nên dù cho các môn đệ có bỏ Ngài, chạy trốn bỏ Ngài bơ vơ đi chăng nữa thì Ngài vẫn yêu thương họ cho đến cùng (Ga 13:1)… Thế nhưng suy cho cùng, đọc kỹ Phúc Âm một chút, bạn sẽ thấy tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho tha nhân luôn luôn có ba nhân tố này: thứ nhất là QUAN TÂM, thứ hai là KIÊN NHẪN và thứ ba là THA THỨ.

Chúa Giêsu QUAN TÂM đến các môn đệ lắm cho nên khi thấy các ông mệt mỏi, Ngài đã bảo các ông rằng: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31).
Chúa Giêsu rất KIÊN NHẪN với các môn đệ, biết rằng trong các ông, người thì tham chức hám quyền: "… một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả..." (Mc 10:37); kẻ thì nóng nảy, hung hăng, hiếu chiến: "Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? "(Lc 9:54), người khác nữa thì chỉ bàn rùn, chỉ muốn thối lui:"Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! " (Mt 16:23) … Nhưng Chúa Giêsu vẫn nhẫn nại chỉ bảo, hướng dẫn và giáo dục họ từng li từng tí: “Anh em thì không được [tranh giành quyền lực] như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20:25-27).
Bị vu cáo, bị đánh đập, bị tra tấn, bị hạ nhục, bị sỉ vả và bị đóng đinh trên cây thập giá một cách oan ức … Nhưng Chúa Giêsu không ghét bỏ họ, trái lại Ngài đã cầu xin: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

Tắt một lời, để có thể yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta, tôi nghĩ bạn và tôi phải cố gắng tập, phải cậy dựa vào sức mạnh và sự trợ giúp của Thiên Chúa để thực hiện ít là hai công việc sau:

Thứ nhất, là chúng mình phải biết QUAN TÂM đến nhau.

Là người con, bạn hãy tập quan tâm đến sức khoẻ, đến đời sống tinh thần, đến hoàn cảnh sống của ông bà, cha mẹ của mình. Quan tâm bằng cách hỏi thăm, trò chuyện, tâm sự, lắng nghe và giúp đỡ cho các ngài về mặt tài chánh, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp vệ sinh, làm vườn, cắt cỏ, đưa đón các ngài đi nhà thờ, đi lễ …
Là cha, là mẹ, bạn hãy quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa, đừng phó mặc chúng cho nhà trường, cho thầy cô, cho nhà thờ, cho TV, cho internet hay trò chơi điện tử, cũng đừng để cho Mc Donald, KFC, Burger King, Pizza Hurt … chăm sóc những bữa ăn của chúng. Hãy quan tâm đến việc học hành, ăn uống, giờ ngủ nghỉ, thể dục thể thao, đến những thay đổi về mặt tâm sinh lý, đến bạn bè của chúng và đến những cuốn sách và những bộ phim mà chúng thường coi…
Là giáo dân, bạn hãy quan tâm hơn đến những sinh hoạt và những công việc, những hoạt động của giáo xứ, của cộng đoàn nơi bạn đến tham dự thánh lễ mỗi Chúa Nhật, bằng cách gia nhập giáo xứ, đóng góp mỗi tuần lễ 1 giờ lương giúp cho giáo xứ có phương tiện chi tiêu trong việc trả bảo hiểm, điện, nước, gas, rác, bảo trì, sửa chữa … hãy đóng góp tài năng cho các lớp giáo lý & Việt ngữ, tham gia tích cực vào các hội đoàn …

Thứ hai, chúng mình phải KIÊN NHẪN với nhau, nhẫn nại trước những khiếm khuyết, trước những bất toàn của nhau và phải THA THỨ cho nhau! Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng mà lại! Yêu như vậy thì mới là yêu như Chúa yêu chúng ta!
Là người chồng, là người cha, khi vợ hay con lỡ tay nấu một nồi canh mặn, hay thổi một nồi cơm khê, hoặc lỡ tay làm bể một cái chén hoặc một bình hoa đắt tiền…bạn hãy thực hành đức kiên nhẫn và tha thứ, bằng cách mỉm cười, đừng nói ra những lời trách móc, đừng đay nghiến, đừng lên đèo xuống đèo, cũng đừng xổ tiếng Đan Mạch, cũng đừng nên chì chiết nhăn nhó, giận hờn...

Là giáo dân, khi nghe từ người khác, hay khi bạn chứng kiến hay mục kích những cử chỉ hoặc những hành động thiếu bác ái, thiếu tế nhị, hay thiếu nhân bản… do một Giám Mục, một linh nục, hay một tu sĩ nào đó gây ra, thì bạn hãy kiên nhẫn, hãy tập sống tha thứ bằng cách thinh lặng, đừng phê bình, đừng chỉ trích, cũng đừng mổ xẻ hay bàn tán hoặc có những hành động hay những lời nói hoặc viết thư bôi nhọ hoặc chống báng! Useless!
Là linh mục, khi gặp những chuyện trái ý bực mình, khi nghe những lời nói thiếu thiện cảm của những người thích uống trà móc câu, hoặc của những người khoái ăn cua, hay của những kẻ thích ăn hành, ăn tỏi … thì bạn phải kiên nhẫn bằng cách lặng thinh, mỉm cười, không nên nóng nảy hay bực bội tức giận … bởi vì họ cũng chỉ là những con người yếu đuối và bất toàn, giận dữ làm gì vậy? Phí sức!
Là tu sĩ, là một thành viên của một dòng tu, bạn phải tập luyện nhân đức kiên nhẫn và tha thứ nhiều hơn là giáo dân mỗi ngày, bởi vì sớm muộn gì thì bạn sẽ thấy có khi bề trên, có khi là bề ngang, hoặc có lắm khi là bề dưới … những người có những lối hành xử, hoặc có những kiểu ăn nói và có những kiểu sống … chẳng có tí mùi vị gì của tu trì, hay có tí hương vị gì của sự thánh thiện, đạo đức cả. Thiếu sự kiên nhẫn và thiếu sự tha thứ cho nhau, thì tôi cam đoan, bạn sẽ không có khả năng và không có cách chi yêu thương họ như Chúa yêu bạn được!

Bạn thân mến, chỉ khi nào bạn và tôi biết QUAN TÂM, KIÊN NHẪN & THA THỨ cho nhau, thì lúc ấy, chúng mình mới có thể thực hiện được mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Nói cách khác, tình yêu thương dành cho tha nhân mà thiếu sự quan tâm, hay thiếu kiên nhẫn hoặc thiếu vắng sự tha thứ thì đó không phải là tình yêu chân thật mà là … chân giả đấy! Mà nếu đã là chân giả thì tình yêu đó là một thứ tình yêu què quặt và khập khiễng mất rồi!

Bạn có muốn trao cho ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái và cho tha nhân một tình yêu cao đẹp và trọn vẹn giống như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng mình không? Nếu muốn thì ngay hôm nay, bắt đầu từ bây giờ trở đi, bạn và tôi hãy tập quan tâm tới người khác, hãy kiên nhẫn và hãy tha thứ cho họ, bất kể họ là ai! Rồi thì bạn sẽ thấy, bạn sẽ nhận được sự quan tâm, sự kiên nhẫn và tha thứ từ những người chung quanh cho mà xem, bởi vì sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó mà lại! Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng [chính] đấu ấy” (Lc 6:38). Cố gắng QUAN TÂM tới nhau, KIÊN NHẪN với nhau và THA THỨ cho nhau thì gia đình, dòng tu, giáo xứ và Giáo Hội và xã hội này sẽ tràn ngập tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, và như vậy mọi người, mọi gia đình sẽ sống trong bình an và hạnh phúc cho mà xem! Bạn tin không?

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD