PDA

View Full Version : K - Khởi điểm cho một kỷ nguyên mới



Dan Lee
05-19-2009, 11:19 PM
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN - năm B

KHỞI ĐIỂM CHO MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

A. DẪN NHẬP

Hôm nay Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm vinh quang Chúa lên trời. Thực sự, Chúa đã lên trời vinh quang ngự bên hữu Cha Ngài ngay khi sống lại mà ta không cảm nghiệm được. Ngày lễ hôm nay kết thúc cuộc sống trần gian của Đức Giêsu trước sự chứng kiến của các môn đệ. Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài rời bỏ chúng ta, trái lại, Ngài còn hiện diện hơn lúc nào hết giữa chúng ta ngay từ hôm nay: ”Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa về trời nhưng Ngài muốn Giáo hội – là cánh tay nối dài của Ngài - tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Ngài cho đến ngày tận thế. Nếu Chúa nói với các môn đệ ngay vào lúc từ giã họ: ”Các con hãy là những chứng nhân của Thầy cho toàn thế giới”(Cv 1,8) thì ngày nay Giáo hội cũng phải là chứng nhân trung thành của Ngài trong việc rao giảng Tin mừng, đem Chúa đến cho mọi người mọi nơi.

Ngoài ra, Thánh lễ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời là quê hương của chúng ta, nơi mà Đức Giêsu đã dọn sẵn và đang đón chờ chúng ta. Nhưng muốn về trời ta phải cố gắng sống đời chứng nhân cho tốt và chu toàn nhiệm vụ của mình theo thánh Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 1.1-11

Thánh Luca mởi đầu sách Công vụ Tông đồ bằng cách tường thuật lại cho ông Thêôphilê việc Đức Giêsu trước khi giã biệt các Tông đồ đã trao ban cho họ những huấn lệnh cuối cùng và trọng trách tiếp nối công cuộc cứu độ của Ngài cho thế giới. Ngài còn hứa sẽ hiện diện với các ông cho đến ngày tận thế.

Ngày Đức Giêsu về trời không phải là kết thúc công việc của Ngài, nhưng việc Ngài về trời là một khúc quặt trong lịch sử cứu độ. Ngày Chúa về trời là một trang sử mới bắt đầu: Lịch sử của hoạt động Đức Giêsu hiện diện trong thế giới và Giáo hội cùng với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần.

Vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu phục sinh, các Tông đồ họp lại trong nhà Tiệc ly để đón nhận lời Ngài đã hứa: Chúa Thánh Thần hiện xuống. Vì chưa nhận lãnh Chúa Thánh Thần nên các tông đồ chưa hiểu rõ những lời giảng dạy của Chúa, nhưng các ông sẽ hiểu rằng các ông được Chúa Kitô tuyển chọn để trở thành những chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng thế giới.

+ Bài đọc 2: Ep 1, 17-23

Thần khí khôn ngoan mà thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu Êphsêsô phải soi lòng mở trí họ “hiểu biết” kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Không ai có thể tuyên xưng lời tối thượng của Đức Kitô mà không thán phục quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đấng chịu đóng đinh. Chính quyền năng ấy từ nay sẽ được thi thố nơi loài người để tạo nên một thân thể có Đức Kitô là Đầu và đạt đến sự viên mãn mà nhân loại hằng tìm kiếm. Tin vào ưu thế tuyệt đối của Đức Kitô, chính là ngay từ bây giờ góp phần vào sứ mạng của Hội thánh, là biết nhìn nhận một ý nghĩa và một nội dung cho niềm hy vọng. Trong viễn tượng này, mầu nhiệm Thăng Thiên làm cho ta hiểu rằng cùng với Đức Kitô, một kỷ nguyên mới đang được mở ra cho nhân loại.

(Jean Frisque, Hướng dẫn gặp gỡ Lời Chúa mỗi ngày, tr 124)

+ Bài Tin mừng: Mc 16,15-20

Trước khi về trời, Đức Giêsu còn hiện ra với Mười một Tông đồ để dạy dỗ các ông những điều sau cùng. Thánh Luca thuật lại những nét chính yếu về các huấn lệnh và chỉ thị của Đức Giêsu cho các ông. Theo đó, Đức Giêsu nhắc nhở cho các ông hai điều:

a) Ngài sai các ông loan báo Tin mừng: ”Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loại thọ tạo”.

b) Tin cậy giao phó cho các ông sứ mạng này, Đức Giêsu bảo đảm với các ông rằng Ngài sẽ mãi mãi trợ giúp họ, tăng cường lời giảng dạy của họ bằng những đặc sủng: làm phép lạ như trừ qủi, nói tiếng lạ, cầm rắn trong tay, chũa bệnh...

Các Tông đồ vâng lời Thầy, đi khắp nơi loan báo Tin mừng, và những lời hứa đã thành sự thật: ”Có Chúa cùng hành động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo”(Mc 16,20).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Sứ mạng loan báo Tin mừng

I. CHÚA GIÊSU VỀ TRỜI

1. Sự kiện:

Sau khi sống lại, Đức Giêsu còn ở lại trần gian 40 ngày, hiện ra với các môn đệ, dạy dỗ các ông nhiều điều mà trước đó Ngài chưa có thời giờ dạy hết. Hôm nay thánh sử Marcô cho chúng ta biết “Sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa”(Mc 16,19).

Bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay của thánh Marcô thuật lại việc trước khi chấm dứt sứ mạng ở trần gian để về trời, Đức Giêsu đã trao cho các tông đồ sứ mạng tiếp tục công việc của Ngài là rao giảng Tin mừng cho muôn dân.

2. Ý nghĩa việc lên trời

Việc Đức Giêsu lên trời có hai ý nghĩa hay có hai cách hiểu:

- Khi sống lại Đức Giêsu đã được tôn vinh. Cuộc tôn vinh đó đã được diễn ra chính vào lúc Chúa sống lại, Chúa lên trời ngay, giác quan không thể cảm nghiệm được, chúng ta chỉ có thể nhận thức bằng con mắt đức tin. Và sau đó, Chúa đã hiện ra với các Tông đồ nhiều lần để củng cố niềm tin của họ trong một thời gian mà sách Công vụ tông đồ xác định là 40 ngày.

- Nhưng có một dữ kiện thứ hai có tính cách lịch sử, cảm nghiệm được dựa trên chứng cứ của những người tai nghe mắt thấy, như thánh Luca cho biết: ”Vài tuần sau lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã “được đưa lên trời” trước mặt các môn đệ”.

Mầu nhiệnm lên trời kêu gọi chúng ta nhìn nhận hai khía cạnh liện hệ nhưng riêng biệt nhau: Một bên là Đức Kitô được vinh quang ngay lúc Ngài sống lại; một bên là Đức Kitô ra đi sau một thời gian hiện ra nhiều lần. Đó là cuộc ra đi trở về với Chúa Cha mà các tông đồ được chứng kiến trên núi Cây Dầu. Vì thế, thánh Augustinô đã nói:”Đức Kitô trở về nơi tối cao, nhưng vẫn ơ lại với chúng ta. Và cũng như chúng ta, chúng ta ở dưới đất nhưng chúng ta đã ở bên Ngài”.

3. Trao phó sứ mạng loan báo Tin mừng

Trước khi “lên trời” không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ, Đức Giêsu trao sứ mạng cho họ. Đức Giêsu, Đấng chỉ mới loan báo Tin mừng trong giới hạn là nước Israel, nay Ngài ủy thác cho các môn đệ nối tiếp sứ mạng loan báo của Ngài là loan báo Tin mừng khắp cùng trái đất. Vì thực hiện theo mệnh lệnh của Đức Giêsu nay đã ở trong vinh quang của Chúa Cha, các môn đệ sẽ có thể làm những gì mà xưa kia chính Đức Giêsu chưa làm được:”Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”(Ga 14,12). Việc hơn ấy là nay họ sẽ ra đi loan báo Tin mừng khắp thế giới.

Vì thế, việc rao giảng của các Tông đồ phải mang lại cùng hiệu quả giống như việc rao giảng của Đức Giêsu. Ngài ban cho các ông nhiều quyền năng làm phép lạ. Nhưng chúng ta không nên hiểu từng chữ về câu nói rằng “các tông đồ có thể cầm được rắn trong tay và uống thuốc độc mà vẫn không sao”. Theo tâm lý của người Trung đông, lối nói cường điệu được người ta chấp nhận như một cách thức nhấn mạnh đến một điểm – thông qua quyền năng của Đức Giêsu, các môn đệ sẽ chiến thắng được tất cả mọi sự dữ.

II. TA Ở LẠI DƯỚI ĐẤT

1. Chúa muốn ta tiếp tục công cuộc cứu rỗi

Đức Giêsu muốn dùng Hội thánh cũng như chúng ta như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài, nghĩa là Hội thánh như một nối dài của Đức Giêsu. Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã đi lại, đã nói, đã làm nhiều điều tốt đẹp cho người ta. Ngày nay, Ngài cũng muốn cho các hành động của Ngài được tiếp tục qua Giáo hội. Sứ mệnh của Đức Giêsu là một sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó cần được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trao phó sứ mạng đó cho Giáo hội, Đức Giêsu muốn nó được thực thi trong một khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo hội mà Đức Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Chúng ta chia sẻ công cuộc cứu rỗi ấy

Đức Giêsu không bảo các môn đệ là hãy cứ ngồi chờ đó, mọi thọ tạo sẽ đến với các con ! Không. Ngài bảo:”Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ. Loan báo Tin mừng cho mọi loại thọ tạo”.

Đức Giêsu nhấn mạnh cho các môn đệ một tư tưởng là: hãy loan báo tin mừng cho “mọi loài thọ tạo”.

- Thọ tạo nghĩa là được Thiên Chúa dựng nên. Mọi loài thọ tạo là tất cả những gì được Thiên Chúa tạo dựng nên. Không phải chỉ là loài người, mà còn là loài động vật, đất đai, sông núi, bầu trời, tinh tú... Tóm lại là tất cả.

- Trong tất cả mọi loài đó, chỉ có loài người là vừa nghe vừa hiểu vừa cảm được. Cho nên loan báo Tin mừng cho loài người là có thể. Còn loan báo Tin mừng cho những loài khác, thì làm sao mà làm được ? Tôi nghĩ ra rằng tuy những loài ấy không thể đón nhận Tin mừng theo cách của loài người đón nhận, nhưng chúng cũng có thể hưởng nhờ lợi ích của những giá trị Tin mừng. Chính vì thế mà có những lời hô hào làm đẹp thiên nhiên, bảo vệ sinh vật, giữ sạch bầu khí quyển v.v.

- Rốt cuộc, loan báo Tin mừng mang một chiều kích rất bao la. Loan báo Tin mừng là sống vui bằng niềm tin của mình giữa mọi người khác, giữa thiên nhiên và giữa vũ trụ; đồng thời làm cho tất cả chung quanh mình đều tốt đẹp, vui tươi.

(Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 271)

3. Phương cách loan báo Tin mừng

a) Loan báo trực tiếp hay gián tiếp

Có những người trực tiếp đi rao giảng Tin mừng cho người ta, ví dụ các nhà truyền giáo chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, các Linh mục, họ có thể loan báo một cách trực tiếp. Còn hầu hết mọi người chúng ta không có khả năng loan báo trực tiếp mà chỉ bằng cách gián tiếp nhưng rất hữu hiệu như cầu nguyện, tham gia các hội đoàn, nâng đỡ các nhà truyền giáo, đóng góp vào qũy truyền giáo, nhất là bằng gương sáng.

b) Loan báo bằng cách sống đời thường

Chỉ có một cách loan báo Tin mừng thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, đó là loan báo bằng cách sống đời thường với châm ngôn: ”Các con là ánh sáng thế gian. Các con là muối đất. Các con là men trong bột”. Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã loan báo bằng cách này và đã được một tác giả cổ xưa mô tả và gửi cho ông Thêôphilê như sau:

“Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một đời sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người kia.

“Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như người khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ”.

(Trích Các Bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 354)

Truyện: Đọc Thánh kinh hằng ngày

Có một người Kitô hữu tầm thường, thấy bên cạnh mình có một người tự xưng mình là vô thần. Lòng nhiệt thành đã thúc đẩy họ tìm cách giới thiệu Chúa cho họ. Người này đi mua một cuốn Thánh kinh biếu cho người láng giềng ấy, hy vọng họ đọc và sẽ nhận ra Thiên Chúa. Người láng giềng vui vẻ đón nhận và hứa sẽ đọc..

Sau một thời gian, người Kitô hữu sang chơi nhà láng giềng. tình cờ thấy cuốn Thánh Kinh nằm trong sọt rác. Người Kitô hữu ngạc nhiên hỏi người láng giềng:

- Sao ông không đọc Kinh thánh ? Nếu đọc, ông sẽ nhận ra Thiên Chúa.

Người láng giềng lạnh nhạt trả lời:

- À suốt trong 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh !!!

Câu chuyện kết thúc ở đây. Chúng ta hãy suy nghĩ về câu trả lời của người láng giềng vô thần ấy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, người vô thần ấy muốn nói gì ?

Có một bài viết ngắn về điều này:

“Tôi là cuốn sách Kinh thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi.

Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi, ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố.

Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi.

Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh thánh qua cuộc đời của tôi” (Flor McCarthy).

c) Thành công hay thất bại

Trong việc loan báo Tin mừng, thành công hay kết quả đều do ân sủng của Chúa như Chúa đã nói: ”Không có Thầy các con không làm được gì”. Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nhưng Chúa không từ chối thiện chí của con người, Chúa muốn con người cộng tác làm việc, còn Chúa sẽ ban ơn cho. Cho nên, nhiều khi chúng ta thất bại trong việc loan báo Tin mừng vì cách làm chứng của chúng ta còn nghèo nàn quá, không có sức hấp dẫn người ta; có khi thay vì chúng ta là chứng nhân lại trở thành người phản chứng, có khi chúng ta là Kitô hữu lại trở thành phản Kitô. Tốt nhất phải làm gương sáng, vì trăm nghe không bằng một thấy:

Lời nói như gió lung lay,

Gương bày như tay lôi kéo.

III. NHƯNG LÒNG HƯỚNG VỀ TRỜI

Chúa về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha sau khi đã thi hành trọn vẹn sứ mạng đã được trao phó. Chúng ta còn ở lại dưới đất để tiếp nối chương trình cứu chuộc của Đức Kitô, và sau khi hoàn tất sứ mạng được trao phó chúng ta cũng sẽ được về trời với Ngài vì: ”Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó”(Ga 12,26). Công việc ở trần gian của chúng ta là mắt nhìn trời, chân đạp đất.

1. Mắt nhìn trời.

Sách Tông đồ công vụ kể rằng sau khi Đức Giêsu từ từ lên trời thì các môn đệ đưa mắt trông theo và cứ ngây ngất đứng nhìn về trời như thế, mãi cho đến khi có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc nhở cho các ông thì các ông mới hoàn hồn trở lại. Tại sao các môn đệ ngây ngất như vậy ? Chắc chắn là vì cảnh thiên đàng hấp dẫn lắm !

Chắc hẳn như vậy ! Trời hay thiên đàng là quê hương của ta, nơi ta đang trông ngóng như lời thánh Phalô đã nói với tín hữu Philipphê: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3,20). Quê hương chúng ta ở trên trời, ở đó chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa nhãn tiền và được hạnh phúc vô cùng. Những người đã được nếm thử cảnh Hạnh phúc Thiên đàng nói lại cho chúng ta điều họ thử nghiệm như sau:

- Các tông đồ ngây ngất nhìn về trời khi Chúa được cất lên khỏi mặt đất, đến nỗi phải có hai thiên thần đến thức tỉnh các ông dậy (Cv 1,9-10).

- Ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được thoáng thấy một chút vinh quang thiên đàng khi Đức Giêsu biến hình trên núi. Ba ông đó cũng say sưa ngây ngất đến nỗi xin Chúa cho mình cất lều ở lại mãi mãi trên ngọn núi đó (Mt 17,1tt).

- Thánh Phaolô khi được ngất trí đã thốt lên: ”Người ấy đã được nhấc lên đến tận tầng trời thứ ba. Và tôi biết rằng người ấy – hoặc trong thân xác hoặc ở ngoài thân xác, tôi không biết – đã được nhắc vào Thiên đàng và được nghe những lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại”(2Cr 12,2-4).

- Ở Lộ đức, năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette, và ở Fatima, năm 1917. Đức Mẹ lại hiện ra với ba em Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Các nhân chứng chỉ biết khen rằng Đức Mẹ đẹp lắm và luôn ao ước tới ngày được lên trời.

Đó là vài tia sáng yếu ớt giúp chúng ta thoáng thấy một phần nào cảnh tượng thiên đàng. Các nhân chứng chỉ thấy một chút hào quang mà đã say sưa ngây ngất, chỉ muốn sớm chết đi để được vào thiên đàng. Nếu thực sự được hưởng thiên đàng trọn vẹn thì hạnh phút ngây ngất đến chừng nào.

2. Chân đạp dất

Khi Đức Giêsu về trời, Ngài hứa sẽ đem chúng ta về với Ngài ở quê hương vĩnh cửu để hưởng phúc vô biên, nhưng không phải vì quê hương vĩnh viễn với hạnh phúc vô biên mà ta chỉ biết ngóng trông quê trời và sao lãng nhiệm vụ trần thế. Chúng ta còn phải xây dựng trần thế theo tinh thần Chúa Kitô.

Thiên đàng là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, nhưng trần thế chính là con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó. Chỉ đứng đó mà ngóng nhìn thiên đàng thì có lẽ không bao giờ ta tới thiên đàng được. Muốn tiến tới thiên đàng, thì trước hết phải đi hết con đường dương thế bằng cách chu toàn nhiệm vụ của mình ở đời này.

Để chuẩn bị về quê trời chúng ta hãy làm hai việc:

a) Loan báo Tin mừng cho muôn dân

Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa dạy: ”Các con đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”(Mt 10,8). Trong ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, chúng ta hãy nhắc lại sứ mạng loan báo Tin mừng của chúng ta. Chúa muốn Giáo hội và từng người chúng ta tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Chúng ta phải là cánh tay nối dài của Chúa, làm sao cho Tin mừng của Chúa phải được loan truyền cho đến tận cùng trái đất. “Hỡi những người Galilê, sao cứ đứng đó mãi nhìn trời”? Khi các thiên thần nhắc cho các môn đệ trở về với nhiệm vụ hằng ngày, thì cũng là nhắc các ông thi hành nghĩa vụ rao giảng Tin mừng mà Đức Giêsu cũng đã căn dặn một lần nữa cho các môn đệ trước khi Ngài về trời:”Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho nhân loại”.

b) Chu toàn nghĩa vụ hằng ngày

Đời là một cuộc hành trình về đời sau, mà cuộc hành trình nào cũng gặp nhiều khó khăn, gian khổ, đòi hy sinh cố gắng không ngừng. Mỗi khi ta phải chiến đấu, phải vất vả hy sinh, hãy nghĩ tới thân phận con người, nghĩ tới cuộc đời chóng qua, nghĩ tới lời Chúa phán: ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”(Mt 7,21). Muốn thi hành ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta càng phải nỗ lực vượt qua sự ươn lười, yếu đuối của ta vì như Chúa nói:”Nước Trời đòi sự cố gắng, ai cố gắng thì mới chiếm được”(Mt 11,12).

Truyện: Chiếc kim may

Trong một tu viện nọ có một tu huynh sắp qua đời. Khi thấy anh em trong nhà quây quần bên mình, thì ngỏ ý:

- Xin anh em đưa cho tôi chìa khoá để vào Thiên đàng.

Nghe vậy, một anh em chạy đi lấy cuốn Kinh thánh trao cho tu huynh, nhưng ông ta lắc đầu.

Một anh em khác trao cho tu huynh cây thánh giá, một anh em nọ lại đem đến tràng hạt Mân côi. Nhưng tu huynh vẫn lắc đầu.

Thế rồi, một anh em kia chợt nhớ ra rằng suốt đời tu huynh ấy đã cặm cụi lo may vá áo dòng cho anh em, bèn chạy đi tìm cây kim may và đem đến cho người anh em sắp ly trần. Vừa trông thấy cây kim may đơn sơ nhỏ bé, vị tu huynh ngồi nhổm dậy, vươn tay ra đón nhận, mân mê cây kim may nhỏ bé, rồi nhẹ nhàng nằm xuống, nhắm mắt lìa trần, nụ cười vẫn lưu lại trên môi.

Lm Giuse Đinh lập Liễm