PDA

View Full Version : M - Mẹ Elizabeth truyền giáo tại Hà Nội và Đà Nẵng



Dan Lee
05-20-2009, 09:56 PM
Mẹ Elizabeth truyền giáo tại Hà Nội và Đà Nẵng


Ngày 25-8-1972, Mẹ Elisabeth Courbat - nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres - êm ái trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 61 tuổi. Mẹ qua đời tại Bure, một làng nhỏ thuộc vùng Jura của Thụy Sỹ nói tiếng Pháp. Mẹ ra đi để lại niềm thương mến ngưỡng mộ của mọi người quen biết. Đặc biệt, Mẹ để lại niềm tri ân chân thành của các nữ tu Việt Nam từng được Mẹ chăm sóc chỉ dạy trong vòng 30 năm truyền giáo tại Việt nam, bắt đầu từ Hà Nội rồi đến Đà Nẵng.

Mẹ Elisabeth Courbat - tục danh là Mathilde - chào đời năm 1911 tại Buix ở vùng phụ cận thành phố Porrentruy, nước Thụy Sỹ. Thời thiếu nữ cô Mathilde làm việc tại một xưởng ở Boncourt. Đến năm 20 tuổi, vì cảm thấy ước muốn dâng hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA nên cô xin gia nhập Cộng Đoàn các Nữ Tu thánh Phaolô thành Chartres tại Porrentruy. Lãnh tu phục vào năm 1931 cô Mathilde nhận tên dòng là nữ tu Elisabeth. Chị Elisabeth tuyên khấn lần đầu vào năm 1933 và 5 năm sau khấn hứa trọn đời. Trong vòng 6 năm Chị Elisabeth Courbat làm việc tông đồ tại Marly rồi tại Alle.

Với lòng nhiệt thành yêu mến THIÊN CHÚA và tha thiết phục vụ các linh hồn, Chị Elisabeth mong muốn đi xa hơn trên con đường dâng hiến. Chị tình nguyện đi truyền giáo tại Việt Nam. Tháng 3 năm 1940 Chị lên đường và đặt chân đến Hà Nội một tháng sau đó. Lúc bấy giờ miền Bắc Việt Nam sống dưới sự bảo hộ của chính quyền Pháp. Tại Hà Nội, Chị Elisabeth giữ vai trò huấn luyện nơi Tập Viện. Chị trở thành Mẹ Tập Sư.

Không bao lâu sau, phong trào Việt Minh xuất đầu lộ diện và thao túng miền Bắc. Rồi ”Hiệp định Genève - Les Accords de Genève” được chuẩn nhận vào ngày 21-7-1954 đưa đến việc phân đôi đất nước Việt Nam. Theo dòng người tỵ nạn từ Bắc vào Nam, Mẹ Elisabeth cũng rời tỉnh dòng Thánh Phaolô thành Chartres ở Hà Nội và di chuyển vào Đà Nẵng. Tại đây Mẹ tiếp tục giữ chức vụ Tập Sư.

Trong vòng 30 năm hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 14 năm tại Hà Nội và 16 năm tại Đà Nẵng, Mẹ Elisabeth Courbat đã đi vào quá trình huấn luyện khoảng 600 nữ tu Việt Nam. Trong số đông đảo các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres cũng phải kể thêm một số không nhỏ các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang Nha Trang và các nữ tu Nữ Vương Hòa Bình thuộc giáo phận Ban Mê Thuột.

Thế nhưng, sau 30 năm làm việc với trọn khả năng, sức lực và tình yêu thương, Mẹ Elisabeth cảm thấy sức khoẻ suy yếu. Mẹ quyết định trở về Thụy Sỹ sống những ngày cuối đời còn lại nơi vùng Jura thân yêu.

Trở lại quê nhà vào năm 1970, Mẹ tiếp tục làm việc trong tư cách là nữ tu y tá phục vụ tại Bure, một làng nhỏ nằm ở vòng đai thành phố Porrentruy. Mẹ lan tỏa niềm yêu thương và gieo rắc tình huynh đệ. Mẹ hoàn toàn quên nỗi đau đớn riêng và xả thân phục vụ các bệnh nhân. Mẹ thường hiện diện bên giường những người hấp hối. Mẹ Elisabeth ao ước phục vụ lâu dài cạnh các bệnh nhân. Nhưng THIÊN CHÚA Quan Phòng định liệu cách khác.

Sau hai năm trở lại Thụy Sĩ Mẹ lâm trọng bệnh và êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 25-8-1972 hưởng thọ 61 tuổi. Thể theo ước nguyện, Mẹ Elisabeth Courbat được an táng nơi nghĩa trang nhỏ của làng Bure. Mẹ muốn an nghỉ bên cạnh các tín hữu Công Giáo từng được Mẹ chăm sóc an ủi. Mẹ cũng hy vọng các tín hữu làng Bure không quên cầu nguyện cho Mẹ.

Xin giới thiệu vắn tắt về gia đình Mẹ Elisabeth. Song thân là Ông Bà Joseph và Marie Courbat. Gia đình sống tại Buix. Từ đôi uyên ương hạnh phúc đã chào đời 14 người con, trong số này có hai người qua đời khi tuổi còn thơ. Người thứ ba qua đời trước Mẹ Elisabeth 5 năm. Trong số 12 người con có 3 người được Chúa kêu gọi phục vụ cánh đồng truyền giáo. Người đầu tiên là Cha Henri, từng hoạt động lâu năm bên Phi Châu. Tiếp đến là Mẹ Elisabeth. Hiện tại vẫn còn nữ tu Marie Courbat sống tại Cộng Đoàn các nữ tu thành Chartres ở Porrentruy.

... Bấy giờ tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là ”Trung Thành và Chân Thật”, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình, mà ngoài Người ra chẳng ai biết được. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là ”Lời của THIÊN CHÚA”. Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh. Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước. Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng (Sách Khải Huyền 19,11-15).

(”Le Pays du Jura - Le Quotien du Jura”, 26-8-1972)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt