PDA

View Full Version : L - Lễ Chúa Ba Ngôi ( Nguồn mach yêu thương và hiệp nhất )



Dan Lee
06-04-2009, 08:18 PM
Lễ Chúa Ba Ngôi

NGUỒN MẠCH YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT


Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không có Thiên Chúa nào khác. Thiên Chúa duy nhất đó chính là Đấng đã dựng nên chúng ta, chính Ngài là hạnh phúc của ta, chính Ngài yêu thương ta và ta đã chối từ tình thương của Ngài. Ta biết Thiên Chúa hứa ban Con Một Ngài đến cứu chuộc ta và suốt lịch sử Ngài dọn đường cho Con của Ngài ra đời. Ta biết Đức Giêsu người Nagiarét chính là Con Thiên Chúa đã làm người, Ngài đồng bản tính với Đức Chúa Cha và cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha, Kinh thánh cho ta biết về Chúa Thánh Thần mà Cha và Con gởi đến cho ta để ta được thánh hóa. Chính Chúa Giêsu còn dạy ta rõ hơn nữa: Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa như Cha và Con, Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài bởi Cha và Con mà ra.

Trong chương trình cứu độ đã học, ta thấy rõ trong mỗi công việc của chương trình đó, đều có sự hiện diện của Cha, Con và Thiên Chúa, từ việc mạc khải và sáng tạo đến việc cứu chuộc và thánh hóa.

Khi công cuộc sáng tạo bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa đã khai trương một cuộc sáng tạo mới trong ?ức Kitô, đã khôi phục lại con người theo hình ảnh Tạo Hóa (Cl 3,10). Để thực hiện cuộc sáng tạo mới này, Thiên Chúa đã chuẩn bị bằng một lịch sử cứu độ cũng do cả Ba Ngôi điều động. Chính Thánh Thần thúc đẩy dân Chúa trung thành với giao ước Chúa Cha đã ký kết, dọn tâm hồn đón đợi Đức Kitô Con Thiên Chúa.

Khi đã đến giờ định, Thiên Chúa sai Con Duy nhất của Ngài xuống thế làm người. Chúa Con vâng theo ý muốn của Chúa Cha, là vào đời nhập thể và Thánh Thần làm cho Chúa Con thụ thai trong lòng một trinh nữ như lời thiên sứ nói với Đức Trinh nữ Maria: “Thánh Thần sẽ đến trên ngươi, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ ngợp bóng trên ngươi, bởi thế mà trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Như vậy, công việc nhập thể cũng là tác động của cả Ba Ngôi.

Trong công cuộc cứu chuộc, cả Ba Ngôi cùng kéo chúng ta vào cuộc sống thần linh: Chính Chúa Cha trao phó Đức Giêsu, Con Một Ngài cho chúng ta. Chính Đức Giêsu khi được treo lên khỏi đất, Ngài đã kéo chúng ta lại với Ngài, Ngài chết để qui tụ muôn dân về một mối. Còn Thánh Thần thì giục giã để chúng ta tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa, và thốt lên “Abba” để sống tình con thảo với Chúa Cha.

Sau cùng, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hiện diện trong những người đã được cứu chuộc, như lời Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các ngươi luôn mãi... Ai yêu mến Ta thì sẽ giữ Lời Ta và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó và đặt chỗ ở nơi mình nó” (Ga 14,16 và 23).

Nơi tất cả những công trình, ta thấy Ba Ngôi xoắn xuýt với nhau, nên một với nhau. Ba Ngôi cùng chung một lòng yêu thương ta, chung một ý muốn và chương trình cứu vớt ta, chung một quyền năng để hành động cho ta. Trong tất cả, Ba Ngôi là một.

Nơi Thiên Chúa, tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần không hề có một giới hạn nào. Ba Ngôi cùng chung một ý muốn, cùng một tình yêu thương, một vinh quang, một uy quyền. Ba Ngôi cùng một bản tính. Ba Ngôi cùng trao ban và cùng nhận lãnh. Không có gì là phân chia hoặc riêng rẽ: “Mọi sự của Con đều là của Cha và sự gì của Cha cũng là của Con” (Ga 17,10).

Và Thánh Thần cũng chia sẻ như vậy: “Mọi sự Cha có hết thảy đều là của Ta, vì thế mà Ta nói: Ngài (Thánh Thần) sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi”. Cũng thế, điều Con muốn chính là điều Cha muốn (Ga 4,34), vinh quang của Con cũng là vinh quang của Cha (Ga 13,31).

Tất cả những điều ấy cho thấy Ba Ngôi kết hợp với nhau thật mầu nhiệm: Cả Ba Ngôi cùng ở trong nhau. “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Ga 10,38), Thánh Thần ở trong Cha và Con vì Ngài từ Cha và Con mà đến, mà chính Con cũng lại ở trong Thánh Thần”

Nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, một nét rõ nhất như chúng ta thấy ở trên đó chính là sự hiệp nhất. Ba Ngôi luôn luôn hiệp nhất với nhau. Còn chúng ta, là những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống thái độ hiệp nhất đó như thế nào trong đời sống thực tại ? Chúng ta có hiệp nhất với anh chị em chúng ta hay chúng ta cứ cố thủ một mình trong vỏ ốc ích kỷ của chúng ta ?

Một câu chuyện mà tôi được nghe từ ngày còn bé:

Ngày xưa, có một người nhà giàu, sinh được năm người con. Vì giàu có nên những người con của ông có một đời sống sung sướng thừa thãi về vật chất. Nhưng chuyện đời thường vốn vô cùng. Vì thế, có một, các con ông muốn có hai và cứ thế tánh đua đòi lâu dần thành thói quen, đến lúc không tự chủ được thì đã trở thành lòng tham vọng. Càng ngày, lòng tham vọng của con người càng nhiều và lan ra trên mọi bình diện. Do đó, họ không biết thế nào là đủ nên lúc nào cũng khổ tâm vì luôn nghĩ đến sự hơn thua và ganh tỵ lẫn nhau. Đến khi khôn lớn, cả năm người con nhờ tiền của cha mẹ nên đều giàu có. Tuy mỗi người một cơ ngơi, nhưng vẫn giữ thói ganh ghét tị hiềm cãi cọ nhau về những của cải mà họ có. Nhìn cảnh các con không hòa thuận, người cha buồn lắm. Ông cố gắng khuyên bảo nhưng dù ông có cố gắng thế nào, các con ông cũng không bỏ được lòng hiềm kỵ lẫn nhau làm ông rất đau lòng.

Sau một thời gian ngã bịnh, ông biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông cho gọi các con đến bên giường và bảo gia nhân đem đến cho ông hai bó đũạ Các con ông còn đang nhìn nhau ngơ ngác không hiểu người cha có ý định gì thì ông lấy một bó đũa, đưa cho mỗi người một chiếc và bảo:

- Các con mỗi đứa lần lượt bẻ chiếc đũa này và cho cha biết kinh nghiệm về việc các con làm dễ hay là khó.

Ông vừa dứt lời, trong chớp mắt, năm người con bẻ năm chiếc đũa thật dễ dàng.

Nhìn những chiếc đũa gãy đôi, gãy ba, ông im lặng và các con ông cũng yên lặng đợi chờ. Một lát sau, ông đưa nguyên bó đũa cho người con cả và dịu dàng nói:

Tốt. Các con đã thành công trong việc bẻ một chiếc đũa. Bây giờ, các con lại thay phiên nhau bẻ nguyên cả bó đũa này cho cha xem.

- Người con trưởng cầm bó đũa ra sức bẻ. Anh vận dụng sức mạnh đến nỗi mặt mũi đỏ gay nhưng không làm cho bó đũa gẫy được dễ dàng. Chờ đến lúc anh chịu thua, người cha bảo người con thứ hai tiếp tục. Cũng như người con lớn, người con thứ hai không bẻ được và chịu thua. Ông kiên nhẫn chờ đến khi người con thứ năm bỏ cuộc mới ôn tồn nói:

- Đó, các con xem, thế nào là sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu các con cứ tiếp tục hiềm tị chia rẽ nhau thì các con cũng lẻ loi và yếu đuối không khác gì một chiếc đũa và các con sẽ bị kẻ thù bẻ gãy dễ dàng. Nhưng nếu các con biết thương yêu đoàn kết lại với nhau như bó đũa thì không một sức mạnh nào bẻ gãy được các con.

Năm người con ông hiểu ý cha và bài học ông vừa dạy. Cảm động và hối hận vì ăn ở với nhau không phải rồi còn làm cha buồn, các con ông ôm lấy ông vừa khóc, vừa hứa là từ nay về sau sẽ bỏ thói tị hiềm ích kỷ để yêu thương đoàn kết với nhau.

Sau đó người cha mất đi. Năm người con vâng lời cha dạy. Họ rất đoàn kết và thương mến lẫn nhau. Đời sống gia đình họ rất hoà thuận và không một ai có thể cạnh tranh được với sự giàu mạnh trong việc làm ăn buôn bán của gia đình họ.

Kinh nghiệm, bài học của người cha trong câu chuyện để lại cho các con cũng chính là kinh nghiệm cho mỗi người chúng ta. Chúng ta vẫn thường mang trong mình cái tính tự cao tự đại để rồi chẳng có ai có thể cộng tác với chúng ta.

Nhiều người lớn từ lâu vẫn đùa chơi với một phép tính như thế này: ba người Nga thì bằng một người Do Thái, ba người Do Thái thì bằng một người Việt Nam, nhưng ba người Việt Nam thì. .. cái phép tính cuối cùng này mỗi người tính một cách, chỉ có chữ "nhưng" là vẫn giữ nguyên ý nghĩa cho phép người tiếp nhận dù không thể cân đo vẫn hiểu được thâm ý của phép so sánh. Lại còn một hình ảnh ví von khác, cũng chẳng biết là từ đâu ra: một người Việt Nam rớt xuống hồ thì tự leo lên được, nhưng ba người thì không, vì người này lên thì người kia kéo xuống. ..

... Những câu chuyện truyền miệng có tính phóng đại, ai cũng biết thế nhưng giải thích nguyên nhân thì thật khó khăn và thật khó hiểu nổi vì sao.

Cái tính thiếu hiệp nhất và manh mún, nhiều người còn nói nặng lời là tính đố kỵ nhau, rõ ràng đã là mâu thuẫn với tinh thần hiệp nhất đã gây khổ cho không biết bao nhiêu người.

Là kitô hữu, đứng trước căn tính hiệp nhất của Ba Ngôi chúng ta phải làm sao ? Chúng ta phải chiêm ngưỡng, bắt chước và sống tình yêu thương với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể hiệp nhất được.

Phải nhìn nhận thẳng với nhau một điều rằng đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình ngày hôm nay đang phải đối diện với một thách đố lớn giữa một xã hội phát triển. Ngày hôm nay người ta dường như tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và đã tìm mọi cách sống cái chủ nghĩa cá nhân đấy một cách triệt để nhất.

Gia đình: Ngày hôm nay khó mà tìm được gia đình hiệp nhất. Vì lẽ chồng, vợ, con cái không nhìn nhận ra đúng vai trò của mình để rồi gây ra không biết bao nhiêu là rạn nứt cho chính người thân yêu của mình. Ngày hôm nay tình trạng ly dị quá cao, tình trạng trẻ em bỏ đi bụi đời càng nhiều. Con người ngày nay đã không khiêm tốn đủ để sống vai trò mà Thiên Chúa mời gọi họ.

Cộng đoàn tu trì: Cộng đoàn tu trì cũng thế thôi. Khó mà tìm ra được cộng đoàn hiệp nhất. Cũng giống như câu chuyện về người Nga, người Do Thái và người Việt ở trên. Người Việt chỉ giỏi làm việc độc lập để rồi trong cộng đoàn, chúng ta thấy được sự khập khiễng rất lớn. Có những người có chút tài và họ đã phát triển biệt tài mà Thiên Chúa phú ban cho họ. Đáng tiếc là họ đã quên đi những người nhỏ bé trong cộng đoàn mà họ đang sống. Dẫu là nhỏ bé đi chăng nữa nhưng rất cần sự nâng đỡ, sự cầu nguyện, sự hợp tác của những người nhỏ bé trong cộng đoàn.

Lời của thánh Phaolô tông đồ khuyên mỗi người chúng ta rất thiết thực trong thư thứ 2 của Ngài: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và là bình an, sẽ ở cùng anh em”.

Ngài khuyên chúng ta nhất trí nhưng xem lại chúng ta có nhất trí hay không ? Hay là chúng ta chính là nguyên nhân gây chia rẽ, gây rạn nứt trong cộng đoàn ?

Thiên Chúa, trong tin mừng theo Thánh Gioan đã xác tín với chúng ta rằng qua Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời...”

Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành và nhất là ban thêm niềm tin cho chúng ta để dẫu rằng trải qua thế sự thăng trầm này chúng ta luôn luôn tín thác cuộc đời của chúng ta trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu thương, của sự hiệp nhất ban cho chúng ta thêm tình yêu, ban thêm cho chúng ta tình hiệp nhất để chúng ta xây dựng gia đình, cộng đoàn chúng ta ngày mỗi ngày tốt hơn theo như lòng Chúa mong muốn.


Anmai, DCCT