PDA

View Full Version : L - Lễ Vọng, Lễ Buộc & Miễn Lễ



Dan Lee
06-07-2009, 04:19 PM
LỄ VỌNG, LỄ BUỘC & MIỄN LỄ



Bạn có biết rằng có nhiều người đi tham dự LỄ VỌNG, LỄ BUỘC & MIỄN LỄ triền miên suốt năm này qua tháng nọ trong tâm trạng sợ sệt, buồn chán và đơn điệu không?

Tại sao lại có chuyện tham dự LỄ VỌNG triền miên như vậy? Mỗi năm chỉ có bốn Chúa Nhật mùa Vọng trước lễ Giáng Sinh thôi kia mà? Xin thưa với bạn, LỄ VỌNG triền miên là tình trạng đến nhà thờ tham dự thánh lễ nhưng chỉ đứng bên ngoài VỌNG VÀO chứ không muốn vào ngồi trong nhà thờ dù rằng nhà thờ còn rất nhiều chỗ trống (đặc biệt là những hàng ghế trên cùng sát với cung thánh, bao giờ cũng trống lỏng!)

Còn chuyện LỄ BUỘC nữa? Bây giờ đại đa số các lễ buộc đều được dời vào Chúa Nhật rồi kia mà? Xin thưa đó là tình trạng người ta đi tham dự thánh lễ nhưng vì bị BUỘC phải đi chứ không phải tự nguyện hay vì lòng yêu mến Thiên Chúa:

Không đi lễ thì bố la, mẹ mắng, ông ngoại càm ràm, bà ngoại ca cải lương…
Không đi tham dự thánh lễ thì “Mai này chết mất linh hồn, sa hỏa ngục con ạ!…”
Không đi tham dự thánh lễ thì “Chúa phạt cho trắng mắt ra lúc đó đừng có trách…”
Không đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và những ngày lễ buộc thì phải đi xưng tội…


MIỄN LỄ cũng tương tự như LỄ BUỘC, là tình trạng đi lễ vì MIỄN CƯỠNG, vì luật lệ bó buộc:

Cũng đi lễ như người ta nhưng mình thích đi trễ nhưng về sớm, cha bước ra tôi bước vào, cha bước vào tôi bước ra … thánh lễ mất đầu, mất đuôi, cụt ngủn, chẳng bao giờ trọn vẹn.
Cũng đến nhà thờ hẳn hoi nhưng tôi chỉ đứng xa xa, y hệt như người thu thuế khi xưa. Nhưng tôi không đấm ngực nhìn nhận tội lỗi như người thu thuế mà để trò chuyện với người này, hỏi thăm công chuyện làm ăn người nọ về cổ phiếu, giá nhà, giá xe, giá quần giá áo, nhẫn, hột xoàn… trong lúc thánh lễ đang cử hành bên trong nhà thờ. Hoặc xông hương, tranh thủ hút thuốc lá trong lúc linh mục hay thầy phó tế đang rao giảng và cắt nghĩa Lời Chúa trong nhà thờ.
Cũng đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật nhưng tôi đến nhà Chúa với một bộ mặt buồn ơi là buồn. Buồn đến độ ruồi bậu ở mép cũng không buồn đuổi nữa. Tôi chỉ ngồi đó, chẳng thèm đọc kinh, cũng chẳng buồn thưa đáp hay hát hỏng gì cả, cứ đúng một tiếng đồng hồ là Amen ra về bình an! Xong bổn phận của một công dân nước trời: Giữ ngày Chúa Nhật và những ngày lễ buộc.

Bạn có biết tại sao nhiều người lại thích đi LỄ VỌNG & LỄ BUỘC quanh năm suốt tháng như vậy không? Là bởi vì họ SỢ CHÚA. Tại sao người ta lại sợ Chúa? Tôi nghĩ là tại vì:

Họ chưa tin và chưa nhận ra địa vị làm con cái của Thiên Chúa của họ sau khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức. “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa … Thần Khí đã làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "
Họ chưa thấy và chưa cảm nghiệm được quyền lợi vô cùng lớn lao của họ khi trở thành con cái Thiên Chúa, họ được đồng thừa kế với Đức Ki-tô…[và] cùng được hưởng vinh quang với Người.


Bạn thân mến, nếu tôi và bạn đến tham dự Thánh Lễ và tiếp cận với Thiên Chúa với thái độ sợ hãi, miễn cưỡng và bị ép buộc như vậy thì thật đáng buồn, bởi vì tôi chứng tỏ rằng mối quan hệ giữa tôi và Thiên Chúa không phải là mối tương giao CHA-CON nhưng chỉ là mối tương giao giữa CHỦ & NÔ LỆ. Và như vậy thì sẽ không bao giờ bạn cảm nghiệm được sự tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa Ba Ngôi với con người, bởi vì chỉ có ai yêu và ở trong tình yêu thì mới có thể phần nào hiểu được màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bạn chịu khó mở sách Phúc Âm ra mà xem, Chúa Giêsu đã khẳng định (tới 19 lần) rằng Thiên Chúa chính là CHA của chúng mình đấy chứ không phải là một ông chủ khắc nghiệt đâu! Tôi chỉ xin đơn cử ra đây vài đoạn thôi!

Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20:17).
… Cha của anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6:7-9).
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời … (Mt 5:44-45).

Trong bài đọc hai của Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, thánh Phaolô cũng nhắc nhở cho chúng mình biết rằng tôi và bạn là CON CÁI của Thiên Chúa chứ không phải là những tên nô lệ của một ông chủ hà khắc và ác độc: “Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!"(Rm 8:15).

Bạn thân mến, sự nhận thức về mối quan hệ CHA-CON giữa chúng mình với Thiên Chúa rất quan trọng trong đời sống đức tin, cực kỳ quan trọng nữa là đàng khác! Cực kỳ quan trọng là bởi vì sự nhận thức về mối tương giao CHA-CON sẽ giúp cho chúng mình thoát khỏi những sự sợ hãi khi tôi và bạn đi nhà thờ, khi đi tham dự thánh lễ và khi cầu nguyện với Chúa.

Thật vậy, khi tôi nhận thức và xác tín rằng Thiên Chúa là Cha của tôi thì có ít nhất ba mối lợi sau:
* Tôi sẽ cảm thấy bình an và thoải mái hơn khi đến tham dự những thánh lễ, đặc biệt là những thánh lễ Chúa Nhật.
* Tôi sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn và tự nhiên hơn khi tôi tâm sự, than thở, van xin và thậm chí khi tôi khóc lóc, và than thở trách móc Ngài…
* Tôi sẽ kiên nhẫn và tin tưởng hơn vào bàn tay quyền năng và quan phòng của Ngài. Bởi vì Cha thì luôn luôn chăm lo, săn sóc, giữ gìn và cho con những gì tốt nhất và đẹp nhất. “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7:11).

Bạn có muốn thoát khỏi những nỗi sợ hãi, gò bó, miễn cưỡng và buồn chán khi đi nhà thờ, khi tham dự thánh lễ và cầu nguyện không? Bạn có muốn chấm dứt cảnh đi LỄ VỌNG, LỄ BUỘC & MIỄN LỄ triền miên hay không?

Nếu muốn thì bạn hãy thay đổi cái não trạng cũ của bạn đi! Đừng nghĩ Thiên Chúa là Đấng chỉ biết trừng phạt, hung dữ và khắc nghiệt mà hãy tin rằng Ngài chính là tình yêu, là bình an và sự tha thứ. Bất luận bạn và tôi làm gì, phạm tội gì, hay bất kính ra sao đi chăng nữa, Ngài vẫn yêu thương và chăm sóc cho chúng mình với tất cả tình yêu của một người Cha dành cho một người con.

Chỉ khi nào chúng mình có một mối quan hệ CHA-CON với Thiên Chúa và sống trong tình yêu thương của Ngài, với Ngài và trong Ngài, thì lúc đó tôi và bạn mới có thể phần nào hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bởi vì Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một sự kết hiệp tuyệt diệu bằng tình yêu của Cha, của Con và của Thánh Thần dành cho nhau. "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy …” (Ga 14: 23).

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD