PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa (Này là Mình Thầy)



Dan Lee
06-11-2009, 09:57 PM
SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU CHÚA

Hoc est corpus meum
Này là Mình Thầy

Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị trong Năm Thánh Mân Côi (năm 2003) đã suy tư, chiêm niệm và dọn cho gia đình Giáo hội một bữa tiệc tinh thần thịnh soạn, đó là công bố mầu nhiệm Năm Sự Sáng, để từ đó, đời sống tinh thần của Giáo hội thêm phong phú nhờ hằng suy niệm những mầu nhiệm cực thánh này. Sở dĩ nói đến mầu nhiệm Mân Côi này là bởi vì trong đó, mầu nhiệm cuối nói đến việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể- mầu nhiệm Mình và Máu Chúa mà toàn thể Giáo hội mừng kính hôm nay. Chúng ta cùng nhau suy chiêm mầu nhiệm cực trọng này.

Chúng ta biết, Tin mừng Nhất lãm và thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô của Thánh Phaolô đều cho biết việc Chúa Kytô lập bí tích Thánh Thể trong bối cảnh trước lúc Chúa chịu khổ hình để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Và vì thế, trình thuật về việc Chúa lập bí tích cực thánh này được các tác giả Tin mừng ghi lại rất xúc tích, được chia làm hai phần rõ ràng.

Trước hết, cũng như Mátthêu và Luca, Máccô biến bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các tông đồ trở nên một bữa Tiệc Vượt qua của chính Chúa. Đó chính là ý nghĩa của câu hỏi mà các tông đồ đã hỏi Thầy mình. “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt qua ở đâu?”. Chúng ta lưu ý từ “dọn cho Thầy”. Bởi theo các nhà chú giải Kinh thánh, “dọn cho Thầy” cũng có nghĩa là ăn tiệc Vượt qua của Thầy hay chính Thầy là tiệc Vượt qua. Như thế, tác giả Tin mừng cho thấy, bữa tiệc này không chỉ đơn thuần là một bữa tiệc chia tay, mà còn bao hàm một ý nghĩa thánh thiêng, một ý nghĩa phượng tự.

Chúa Giêsu dường như “thấy trước” những gì xảy ra như Người đã chỉ cách tỉ mỉ cho các ông cách thức đi vào thành, gặp người mang vò nước như thế nào, rồi một ám hiệu để cho biết đích thực việc Chúa sẽ thực hiện. “Thầy nhắn : căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt qua với các môn đệ của tôi ở đâu?”. Như đã nói ở trên, một bữa tiệc không đơn thuần là ăn với uống, mà còn bao hàm ý nghĩa tinh thần, vì thế việc chuẩn bị chu đáo cho bữa tiệc cực thánh này quả là điều cần thiết

Trong bữa tiệc đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu lặp lại hai cử chỉ đúng theo nghi thức của người Dothái để mở đầu và kết thúc bữa tiệc. Theo truyền thống, bữa tiệc được bắt đầu khi chủ nhà cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng : “Đây là chiếc bánh lầm than mà cha ông chúng ta đã phải ăn khi ra khỏi ai cập” (Đnl 16,3), rồi bẻ ra trao cho mọi người. Khi ăn miếng bánh này, dân Dothái cho rằng đó chính là quà tặng của Giavê Thiên Chúa dành cho họ. Họ đón nhận chúng trong tâm tình cảm tạ tri ân. Vào cuối bữa ăn, chủ tiệc cầm chén rượu thứ ba, nâng lên đọc lời chúc tụng, kêu mời mọi người tạ ơn theo nghi thức : “Nào ta hãy tạ ơn Chúa, Người đã nuôi dưỡng ta no thoả”. Mọi người đáp : “Chúc tụng Đấng đã dùng sự phú túc nuôi dưỡng ta và dùng lòng nhân hậu làm cho ta được sống”. Sau đó tất cả đồng thanh hát kinh “Chúc tụng” để tạ ơn vì Giavê đã thương đoái; đồng thời cầu nguyện cho sự thịnh vượng của thành thánh Giêrusalem. Rồi mọi người chia nhau uống chén rượu này.

Khi làm lại những nghi thức của dân tộc Dothái, Chúa Giêsu đã mặc cho nghi thức này một bộ mặt hoàn toàn mới, mang ý nghĩa linh thánh và đặt chúng trong tương quan với mầu nhiệm Phục sinh của Người. Ý nghĩa đó là gì?

“Này là Mình Thầy” (Hoc est corpus meum) và “Này là Máu Thầy” (Hoc est calix sanguinis mei), chính là mầu nhiệm của bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu muốn trao ban cho con người làm của ăn của uống. Đây còn là tặng phẩm Thần linh mà Chúa Cha ban tặng cho loài người để nhờ đó, con người được tham dự vào chính sự sống Thần linh với Thiên Chúa. Như thế, khi thiết lập bí tích Thánh Thể để qua đó, dân Chúa được hưởng dùng chính Mình và Máu Chúa Kytô, Thiên Chúa muốn quy tụ, mời gọi và đón nhận mỗi người chúng ta vào dự Tiệc với Người. Bữa tiệc đó rất cụ thể, rất sinh động và sinh muôn ơn ích. Bàn tiệc mà chúng ta tham dự không đơn thuần là một bữa tiệc thông thường, mà là một bữa Tiệc Sự Sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến kín múc nơi bàn tiệc Thánh Thể để toàn thể con người chúng ta qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta được hiệp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa, được sống chính đời sống Thần linh của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể còn là một lời mời gọi chúng ta can đảm lên đường, đến với thế giới đang chia rẽ, đến với đồng loại đang đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn tù đày để liên kết, an ủi, nâng đỡ và cưu mang họ.

Tạ ơn Chúa đã ban tặng cho nhân loại bí tích cực thánh. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của việc lãnh nhận linh dược vô giá này, mà Giáo hội đòi buộc mọi tín hữu cần chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường. Điều này được thánh Phaolô ghi lại rất rõ ràng. “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa… Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11, 27.29). Xin cho mỗi Kytô hữu ý thức điều trọng yếu này để không ngừng chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng và tinh tuyền để lãnh nhận cách xứng đáng Mình và Máu Chúa Kytô.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb