PDA

View Full Version : L - Lễ Mình và Máu Chúa Kitô ( Thánh Thể: Nguồn ơn cứu độ )



Dan Lee
06-12-2009, 09:09 PM
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Thánh Thể: Nguồn ơn cứu độ

(Xh 24, 3-8; Mc 14, 12-16.22-26)

Máu: biểu hiện của sự sống ! Con người sẽ chết nếu không còn máu trong người. Vào các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Điều đầu tiên các y bác sĩ cho bệnh nhân làm đó là xét nghiệm máu. Qua các chỉ số về máu, các y bác sĩ sẽ tìm biểu đồ, tìm cách điều trị một cách tốt nhất cho bệnh nhân. Như vậy, chúng ta thấy máu đóng một vai trò mang tính “sống còn” trong đời sống con người. Nhờ có máu mà con người được sống, nếu không có máu, con người sẽ phải chết.

Là người bình thường, rất cần máu. Riêng những ai mang danh mình là Kitô hữu, không chỉ cần máu bình thường như mọi người nhưng cần và cần lắm máu cứu độ mà chính Chúa Kitô đã đổ ra để cứu những con người tội lỗi.

Dừng lại một chút để đọc lại, suy gẫm lại những trang Thánh Kinh, chúng ta thấy máu là chủ đề xuyên suốt từ đầu đến cuối. Chính nhờ máu đã mang lại sự sống, đã cứu độ con người. Cách riêng trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói rõ cho các môn đệ rằng máu Chúa sẽ đổ ra để nuôi sống con người. Ở Cựu Ước, Thánh Thể như là hình bóng đã được tiên báo cho Máu của Chúa Giêsu ở Tân Ước phải đổ ra để cứu chuộc con người.

Những hình bóng chính yếu về Máu của Chúa Kitô trong Cựu ước là Chiên vượt qua (Xh 24,8), và máu xá tội mà thầy thượng tế đưa vào gian cực thánh trong ngày lễ xá tội (x Lv 16, 14), Tất cả những hình bóng này không bị mất đi tầm quan trọng khi Chúa Giêsu đổ máu thật sự trên thập giá vì khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cùng gợi lại ba hình bóng trên, qua những từ ngữ được Ngài sử dụng như “tưởng nhớ” (Xh 12,14); “Máu giao ước mới” và “được tha tội”. Điều này được các hình bóng giúp mô tả, giải thích và làm nổi bật tính ưu việt tuyệt đối của bí tích Thánh Thể so với những hình bóng tiên trưng.

Trong Cựu ước, “Máu” đóng một vai trò quan trọng vì nó được coi là nguyên lý sự sống; “Sinh khí thân xác tụ trong huyết (Lv 17,11)” “Huyết, tức là sự sống” (Đnl 12, 23). Do đó ngày xưa Môsê đã lấy mà đóng ấn giao ước Đức Giavê muốn ký với dân (Xh 24, 3-8). Người ta đã sát tế những con bò mộng tơ, lấy máu rưới lên bàn thờ một phần, một phần rảy trên dân, chứng tỏ rằng Giao ước đã được thiết lập cách long trọng. Đây là hình bóng của Giao ước mới mà sau này chính Đức Kitô đã lâp Giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại bằng chính máu mình. Không phải như Môisen khi làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đã phải nhờ đến việc sát tế các con vật. Chính Máu của Đức Kitô đổ ra trên núi Sọ, Ngài sẽ không ngừng dâng lại trong hy tế thánh lễ để không ngừng tái diễn Giao ước của Ngài.

Trong nghi lễ Do thái, bữa ăn chiên vượt qua không phải chỉ có một tầm quan trọng hàng đầu, mà nó còn có một ý nghĩa nổi bật là tưởng nhớ một biến cố lịch sử, biến cố Thiên Chúa Giavê cứu độ dân Do thái. Ngài đã ra tay giải thoát dân Ngài khỏi ách Ai cập. Vì thế bữa ăn vượt qua có một giá trị rõ ràng do sự kiện lịch sử, mà nó có nhiệm vụ gợi lại cho người ta nhớ những điều vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm cho họ, con chiên vượt qua nhắc lại con vật mà máu nó đã gìn giữ các nhà dân Israel xưa, khi mà máu của nó được bôi trên thành cửa làm dấu để sứ Thần Chúa “Vượt Qua” mà tha cho dân. Trong khi ăn bữa này, người ta cảm tạ Chúa vì những ơn lộc vô biên của cuộc giải thoát ấy. Nên bữa ăn này là hình bóng của bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong bữa tiệc ly.

Để lập phép Thánh Thể và chuẩn bị cho giao ước mà Chúa Giêsu thiết lập giữa Thiên Chúa và loài người bằng chính giá máu của Ngài khi Ngài bị người ta đóng đinh trên thập giá. Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn vượt qua, và lễ vượt qua “cuối cùng” này đã được chuẩn bị một cách chu đáo. Điều này các tin mừng đã thuật lại cho ta biết các môn đệ “đã chuẩn bị lễ vượt qua” như thế nào, theo các chỉ dẫn của Chúa Giêsu đã dạy (Mt 26, 17-19; Mc 14, 12-16; Lc 22, 7-13). Đặc biệt Thánh Luca còn nhắc lại Lời của Chúa Giêsu “Thầy ước ao ăn lễ vượt qua này với anh em trước khi Thầy chịu khổ nạn…” (Lc 22, 15). Qua đó Đức Kitô muốn cho ta hiểu Ngài chính là con chiên vượt qua thật, con chiên lấy máu mình để cứu độ nhân loại. Mặc dù, trong trình thuật về bữa tiệc ly, ta không thấy ám chỉ gì về con chiên, nhưng đối với các môn đệ thì biểu tượng ấy khá rõ vì việc truyền phép rượu đi liền sau khi ăn thịt chiên. Với việc truyền phép làm hai nhịp như thế, phép Thánh Thể đã bao gồm con chiên vượt qua vào trong đó, và nếu con chiên này không được nhắc đến cũng chỉ vì nó thuần túy là một hình bóng mà từ đây sẽ phải tự xóa mình đi trước thực tại: chỉ có một thực tại phải kể đến, đó là Mình và Máu Đức Kitô, “Máu sẽ đổ ra cho muôn người” cũng như xưa máu con chiên đã đổ ra để cứu các nhà dân Israel. Do đó Thánh Thể là thực tại thay thế cho hình bóng con chiên vượt qua, như lời Thánh Phaolô: “Đức Kitô, chiên vượt qua của chúng ta, đã chịu sát tế” (1 Cr 5, 7).

Sách xuất hành đã ghi lại những qui định của luật lệ về việc ăn lễ Vượt qua nhắc nhở giao ước Giavê đã ký kết với dân Do thái, cũng như việc chuẩn bị lễ như nghi thức, chọn chiên tế lễ phải vẹn toàn, không được đánh đập nó bể xương…(Xh 12, 5-47). Đây là hình bóng giao ước mới mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập bằng chính Máu Người. Truyền thống Kitô giáo vẫn thấy hình bóng “con chiên tinh tuyền không bị gãy xương” (Xh 12.47) là chính Chúa Giêsu, chiên tinh tuyền của Đức Chúa Cha. Vì loài người tội lỗi không thể dâng lên Thiên Chúa của lễ vô tỳ tích, nên Chúa Cha đã lập ra hy tế bằng chính Con một của Người nhập thể. Do đó, chỉ có Đức Kitô có thể dâng lên Chúa Cha một hy tế Thánh thiện, vẹn toàn, là con chiên tinh tuyền. Con chiên ấy đã gánh tội trần gian và tự hiến để hủy diệt tội lỗi cho nhân loại, và con chiên này cũng không bị người ta đập gãy xương (Ga 19, 46).

Trong các lời tiên tri của Isaia nói về người tôi tớ Đức Chúa (Is 42,1-9; 49, 1-6; 50, 4-11; 50, 113-53) là người công chính, bị đè bẹp, bị nghiền nát dưới sự đau khổ vì tội lỗi của anh em mình, và được Thiên Chúa tôn vinh, là hình bóng báo hiệu Chúa Giêsu “người tôi tớ thánh thiện” (Cv 4, 27-30; 3, 26) đã chịu nhiều đau khổ, bị bắt bớ, chịu nhục hình, cuối cùng chịu sát tế trên thập giá để thiết lập giao ước cho nhân loại khỏi tội, và Người đã được tôn vinh làm Chúa với quyền năng bởi sự phục sinh từ cõi chết (Rm 1,4)

Chính Thịt và Máu của Đức Giêsu đã làm nên Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể chính là Bí Tích mang Ơn Cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng ta. Ơn cứu độ đó đã được Thiên Chúa Cha hứa ban ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Bí tích Thánh Thể là bí tích của ơn cứu độ, ơn cứu độ phổ quát. Mỗi bí tích Thánh Thể (Thánh Lễ) được cử hành, dù ở bất cứ nơi đâu, dù long trọng với sự hiện diện đông đảo của nhiều người hay chỉ âm thầm lặng lẽ của cá nhân vị linh mục, bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành, theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, Linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin được thực hiện trong bí tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại.

Trong Thánh Lễ, mỗi khi chúng ta rước lễ, Hy Tế Thánh Thể tự nó hướng các tín hữu tới việc hiệp nhất thâm sâu với chúa Kitô. Qua việc rước lễ, chúng ta nhận lấy chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá, máu mà Ngài đã đổ ra là để trở thành máu của Giao Ước mới, có mục đích rất rõ ràng là để cho nhiều người được tha tội (Mt 26, 28). Việc hiệp nhất thâm sâu với Đức Kitô qua việc rước lễ ban cho chúng ta sự sống, sự sống đời đời (Ga 6,57). Thánh Thể đích thực còn là một bữa tiệc, tiệc hiệp thông, hiệp thông giữa người rước lễ với chính Đức Kitô và qua Đức Kitô, với Thiên Chúa Ba Ngôi và với anh chị em mình. Trong bữa tiệc hiệp thông đó, Chúa Kitô tự hiến làm của ăn. Đây không phải là của ăn tượng trưng nhưng “Thịt tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật” (Ga 6,55).

Nhớ đến lời dẫn nhập vào Thánh Lễ của một Cha giáo: “Anh chị em thân mến ! Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi một lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một như Đức Kitô. Nếu sau khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta không thay đổi cuộc đời chúng ta thì Thánh Lễ chúng ta tham dự thành ra vô ích. Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đang có mặt ở đây với Ta …”. Lời ấy, nếu nghe qua qua thì thấy chẳng có gì và nghe nhiều đôi khi người nghe sẽ nói: “biết rồi ! khổ lắm nói mãi”.

Vâng ! “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng hình như nghe cho qua lần qua lượt chứ không để những lời ấy thấm vào cuộc đời ta. Nếu như ta ý thức thật, Chúa đã đổ máu mình ra để cứu độ ta mà ta không cảm, không nhận và không biến đổi đời ta qua máu cứu độ của Ngài thì quả thật cuộc đời ta chán thật !

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể mở lòng chúng ta để chúng ta mau mắn đến và gặp Ngài nơi Bí Tích Thánh Thể.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể là của ăn đích thực, là nguồn sống đích thực đến và ở lại trên cuộc đời mỗi người chúng ta để chúng ta có sức để tiếp tục đi theo Ngài trên con đường lữ thứ trần gian đầy gian nan và thử thách này.

Anmai, CSsR