Dan Lee
06-24-2009, 09:16 PM
THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI MẪU GƯƠNG CỦA GIÁO LÝ VIÊN
(Bài thuyết trình của Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo tại Đại hội Giáo lý X, ngày 12-14.06.2009, Baton Rouge, Louisiana)
I. Tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô
1. Đôi nét chấm phá về công việc truyền giáo của thánh Phaolô
2. Áp dụng vào đời sống và công tác tông đồ của giáo lý viên
3. Nhu cầu ưu tiên của Giáo Hội: một thế hệ tông đồ quả cảm và nhiệt thành
II. Thương yêu tha nhân
1. Tình yêu tha nhân nơi thánh Phaolô
2. Giáo lý viên theo mẫu gương thánh Phaolô
III. Lòng say mến Chúa Giêsu
1. Bí quyết lòng hăng say dấn thân truyền giáo của thánh Phaolô: lòng say mến Chúa Giêsu
2. Hành trình thanh luyện nội tâm, dõi theo tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô
Nhập đề
Với lòng qúi mến rất chân thành, tôi xin chào qúi Sơ và quí Anh Chị Giáo Lý Viên cùng với quí Cha Tuyên Úy. Có nhiều Sơ và Anh Chị tham gia công việc trong vườn nho của Chúa vào giờ thứ 9, người khác vào giờ thứ 12 hay vào lúc 3 giờ chiều. Nhưng tất cả cùng chung niềm vui và hân hạnh được Chúa mời gọi cộng tác trong việc thông truyền sứ điệp Tình Yêu của Người. Chúng ta cần trân trọng công tác đã lãnh nhận và cùng nhau cảm tạ Chúa.
Chúng ta đã bắt đầu Đại Hội bằng Thánh Lễ, cử hành mầu nhiệm tình yêu tuyệt hảo của Chúa, suối nguồn của cuộc đời và công việc của mỗi giáo lý viên. Chúng ta cầu xin để những ngày này là những ngày của ân phước, chảy xuống đầy tràn như một dòng suối cứ chan hòa chảy tràn lan khắp nơi, vào tận thâm cung thầm kín trong lòng mỗi người để gột rửa, tưới mát và biến đổi tâm hồn thành những thửa vườn mầu mỡ, làm cho mọc lên cây cối tươi xanh và đâm hoa nở trái cho thiên hạ được chiêm ngắm vẻ đẹp và thưởng thức hương thơm ngọt ngào của sự thánh thiện.
Nói về thánh Phaolô, các nhà chuyên môn nói đêm, nói ngày cũng không hết. Ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ đôi tâm tình thiêng liêng rất đơn sơ rút tỉa từ đời sống của thánh Phaolô. Xin quí Sơ và quí Anh Chị đón nhận như món quà trong tình thân, chứ không như lời nói uyên bác của các nhà chuyên môn. Tôi xin mượn lời của thánh Phaolô khi ngài nói với giáo đoàn Corintô: “Thưa anh chị em, khi tôi đến với anh chị em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa… Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh chị em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cor 2,1-5).
Cầu mong qua đôi lời chia sẻ của tôi, góp phần với những giờ học hỏi và chia sẻ do các chuyên viên hướng dẫn, được nâng đỡ bởi bầu khí linh thiêng của của các Thánh Lễ và những giờ cầu nguyện, mọi người sẽ hiểu sâu xa hơn các hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô để chiếu soi cho công tác giảng dạy giáo lý của mình và nhất là được bổ dưỡng tâm hồn, khơi lên niềm vui mừng và lòng hăng say thông truyền sứ điệp của Chúa cho mọi người.
Và bây giờ chúng ta sẽ tìm kiếm đôi yếu tố trong cuộc đời truyền giáo của thánh Phaolô để từ đó tìm ra một vài ánh sáng chiếu soi cho cuộc sống và công việc tông đồ của các giáo lý viên.
I. Tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô
1. Đôi nét chấm phá về công việc truyền giáo của thánh Phaolô
Khi nói đến công cuộc truyền giáo của thánh Phaolô, các nhà chuyên môn thường nói đến 3 hành trình truyền giáo. Hành trình I: năm 45 – 48; hành trình II: năm 49 – 51; hành trình III: năm 53 – 58. Thực ra, cả thời gian tù tội từ năm 58 và sau đó bị giải đến Roma và ở đó, chết tử đạo vào quãng năm 67/68, cũng phải coi là một hành trình dấn thân truyền giáo. Vì vậy, có thể nói là thánh Phaolô đã làm 4 hành trình truyền giáo. Ba hành trình đầu tiên, có thể tạm nói thánh Phaolô là người khởi xướng; hành hình truyền giáo thứ bốn là do chính Chúa Thánh Thần khởi xướng và chuẩn bị cho ngài để ngài dõi theo.
Lần theo vết chân truyền giáo của thánh Phaolô, chúng ta thấy có mấy điểm đặc trưng gợi chú ý. Thứ nhất là tâm hồn rộng mở, ôm ấp cả thế giới. Trên 20 năm truyền giáo, ngài bôn ba khắp vùng Địa Trung Hải, xuyên qua Á Châu, Trung Đông và Hy Lạp và sau cùng sang tận Roma, lúc đó là thủ đô Đế Quốc Roma và cũng là trung tâm thế giới. Đối với khả năng hiểu biết lúc đó, thánh Phaolô đúng là đã đi tới tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, đáp lại lời ký thác của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Người: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).
2. Áp dụng vào đời sống và công tác tông đồ của giáo lý viên
Dõi theo gương thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại, các giáo lý viên là môn đệ và tông đồ của Chúa hôm nay cũng cần mở lòng ôm ấp tất cả thế giới với con tim của Chúa Giêsu để chia sẻ niềm vui Tin Mừng với mọi người, nhất là những anh chị em chưa biết Chúa Giêsu. Đây là một công tác mênh mông, trời bể, vì những người chưa nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế còn là một đoàn lũ đông đảo, trên 4.500.000.000 người (xem biểu đồ). Anh chị em lương dân, thuộc nhiều thành phần khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, về chính kiến, về niềm tin, về tôn giáo, về học thức, về khả năng chuyên môn và kinh tế, và về thái độ đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội. Tất cả những người này, môn đệ của Chúa đều có sứ mệnh phải loan báo và truyền đạt niềm vui ơn cứu độ đến cho họ.
http://vietcatholic.net/pics/90624thongke.jpg
Đối với các giáo lý viên trong trách nhiệm dạy giáo lý tại các giáo xứ, ngoài những khó khăn của chính công tác dạy giáo lý, còn có những bận tâm của công ăn việc làm và những nhu cầu của gia đình hay cộng đoàn, nếu là nữ tu. Có lẽ thách đố truyền giáo đầu tiên đối với giáo lý viên là phải biết chu toàn công tác dạy giáo lý và các trách nhiệm khác, mà không để chúng gò bó tâm hồn đến độ không còn khả năng vươn lòng trí ra cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo Hội. Trái lại, chính trong khi lo lắng chu toàn những nhiệm vụ hằng ngày, vẫn còn biết ấp ủ tất cả thế giới trong lòng để thông truyền cho các em trong giờ dạy giáo lý hoặc cho những người thân yêu trong gia đình, giúp họ mở lòng vươn ra cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với anh chị em lương dân.
Trong những năm gần đây, Bản Tin các giáo phận bên Âu Mỹ liên tục đưa tin các giám mục quyết định đóng cửa nhà thờ. Sức sống của Giáo Hội mỗi ngày cứ co cụm lại và như đang dãy chết. Tình trạng này làm tôi nhớ lại cuốn sách “Love in action” đã đọc nhiều năm trước đây. Cuốn sách nói về Cộng đoàn Methodist tại Sydney bên Úc được thành lập năm 1812 và đã phát triển rất mạnh. Số giáo dân tăng thật nhanh. Cộng đoàn tổ chức nhiều sinh hoạt, nhiều công tác phục vụ và hai lần phải mua nhà thờ lớn hơn. Rồi xã hội thay đổi, giáo dân bỏ đi xa, di dân tới nên cộng đoàn rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Đến năm 1884, cộng đoàn chỉ còn 18 thành viên. Trong cuộc họp cuối năm, người ta tính bán nhà thờ và giải tán cộng đoàn. Nhưng trước khi bỏ phiếu quyết định, vị mục sư già có mặt lên tiếng đề nghị trước khi quyết định bán nhà thờ, xin tìm một mục sư trẻ có khả năng rao giảng Tin Mừng để làm sống lại cộng đoàn. Người ta đồng ý và mời mục sư W. G. Taylor. Mỗi Chúa nhật, thay vì ngồi trong nhà thờ chờ dân chúng và giam mình trong văn phòng làm việc bàn giấy, mục sư W. G. Taylor ra ngoài rao giảng Tin Mừng, tổ chức các buổi rước kiệu, tổ chức công tác phục vụ, mời gọi dân chúng nhập đạo… Một năm sau, thay vì nói đến việc bán nhà thờ vì không có giáo dân, người ta phải bàn tính mua một nhà thờ lớn hơn. Đến năm 1958, một lần nữa, hoàn cảnh kinh tế, xã hội thay đổi, cộng đoàn lại khủng hoảng lần nữa. Một mục sư khác, tên là Alan Walker, nhưng cũng với tinh thần truyền giáo, không những giữ vững cộng đoàn, mà còn làm cho phát triển thêm.
Nếu có được những giáo lý viên có tinh thần truyền giáo và hăm hở xông pha như hai mục sư W.G. Taylor và Alan Walker, chắc các giáo phận Âu Mỹ sẽ không phải tính truyện đóng cửa nhà thờ, mà phải mua nhà thờ lớn hơn, và còn có khả năng gửi người đi khắp năm châu, đem Tin Mừng của Chúa đến muôn dân.
a. Nhu cầu ưu tiên của Giáo Hội: một thế hệ tông đồ quả cảm và nhiệt thành
Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Giêsu và đem Tin Mừng của Người thấm nhuần vào mọi môi trường sống và làm việc, thực vô cùng khó khăn và phức tạp. Nhiệm vụ này đòi phải có những suy tư thần học mới, tìm những phương pháp mới và sử dụng những phương tiện tân tiến, thích hợp thời đại. Nhưng trước tiên, Giáo Hội cần có một thế hệ tông đồ, mới trong tinh thần và lòng nhiệt thành, dám dấn thân và sẵn sàng chịu đựng mọi thiệt thòi vì Chúa Giêsu và Tin Mừng để làm chứng cho Người và trình bày cho thế giới tiêu chuẩn và cách sống của Người. Giáo Hội không chỉ cần có nhiều giáo lý viên, nhưng cần những giáo lý viên hạnh phúc được là giáo lý viên và nhiệt thành, hăm hở đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người.
Loại tông đồ truyền giáo này, trong thời đại chúng ta đang sống cũng không thiếu. Có một khuôn mặt được nói đến nhiều trong thời gian gần đây. Đó là cha Pio Ngô Phúc Hậu. Tôi muốn ghi lại một kinh nghiệm truyền giáo ngài viết trong cuốn “Nhật Ký Truyền Giáo”:
Cà Mâu, Chúa nhật 17.8.1988:
Hôm nay mình bước lên giảng đài một cách hiên ngang hơn bao giờ hết. Mình dõng dạc tuyên bố: Năm nay chúng ta sẽ mừng ngày truyền giáo một cách long trọng.
1. Mỗi người lớn bé già trẻ đều mời bạn lương dân của mình đế dự lễ. Người lương dân tới thì người đạo nhường ghế ngay. Đạo đời hiểu nhau sẽ dễ dàng gây tình đoàn kết dân tộc.
2. Mỗi người hãy hỏi bạn lương dân xem họ thắc mắc điều gì và gửi thắc mắc đó cho cha sở biết trước để giải đáp trong thánh lễ.
3. Sau thánh lễ mỗi người hãy mời bạn lương dân của mình ghé quán hoặc về nhà liên hoan mặn nhạt tùy nghi. Yêu thương nhau thì phải ăn uống với nhau. Trong bữa liên hoan hãy hỏi xem bạn lương dân có cám tưởng gì về thánh lễ.
4. Để bạn lương dân khỏi bỡ ngỡ, nên nhắc họ:
- Đứng và ngồi như người công giáo cho vui.
- Nhưng khi người công giáo qùi, thì bạn lương dân cứ ngồi, vì qùi là cử chỉ thuần túy tôn giáo và dành cho người có niềm tin.
5. Mỗi gia đình hãy nhắc nhau cầu nguyện cho anh em lương dân sẽ tham dự thánh lễ truyền giáo. Nên noi gương Đức Gioan 23, xin trẻ em, ông bà già và người bệnh tật cầu nguyện tiếp vì lời cầu nguyện của họ đáng được Chúa chấp nhận hơn hết.
6. Nhà thờ phải được trang trí đẹp tối đa. Ca đoàn phải tập dượt để hát thật hay. Phụng vụ Giáo hôi được tổ chức chu đáo sẽ là bối cảnh thuận lợi đưa tâm hồn lương dân vào khung cảnh thần linh. Người lương dân sẽ cảm thấy đứng tim khi mọi ngườ cùng hát và bất ngờ mọi ngườ im lặng như tờ.
7. Chính Chúa Giêsu hiện diện trong thánh 1ễ sẽ đưa các tâm hồn lên với Chúa Cha. Ngài sẽ chinh phục các tâm hồn cứng cỏi mà ta không đủ sức chinh phục. Đó là kinh nghiệm của Philip. Philip hí hửng khoe với Natanaen rằng: “Tôi đã gặp Đấng mà Môsê và các tiên tri loan báo, đó là Đức Giêsu con ông Giuse, người làng Nadarét”. Natanaen cả cười làm Philip cụt hứng: “Ở Nadarét! Nadarét thì có gì hay ho đâu”. Bí lối, Philip chỉ còn biết trả lời: "Thì anh đến mà xem". Quả thật khi Natanaen đến gặp Chúa thì ông bị chinh phục ngay tức khắc.
Cà Mau, Chúa nhât 24.8.1988
Hôm nay mình bước lên giảng đài ủ rũ như con gà trống bị dầm mưa. Hết một tuần rồi mà chưa nhận được một lời thắc mắc nào của lương dân gửi tới. Chưa thấy người giáo dân nào mời bạn lương dân đi dự lễ ngày truyền giáo. Mình không giấu diếm nỗi thất vọng ngay trên giảng đài này, nơi mà cách đây một tuần mình đã hí hửng như con nít xách đèn trung thu đi dạo phố.
Phải có một kế hoạch cụ thể hơn nữa.
1. Phải tiếp xúc với một số người nồng cốt như giáo viên, công nhân viên bệnh viện... trao đổi với họ về cách thức mời lương dân, cách thức xin những câu thắc mắc và cách thức trao đổi trong bữa liên hoan.
2. Phải tiếp xúc ngay với một số người lớn tuổi, năng nổ để đốc thúc họ và nhờ họ đôn đốc bạn bè.
3. Phải nhờ các khu trưởng đến thăm những người bệnh hoạn tật nguyền để xin họ mỗi ngày lần một chuỗi Môi Khôi cho lương dân.
4. Cứ mỗi ngày Chúa nhật phải nhắc lại chương trình tổ chức lễ truyền giáo như một điệp khúc.
Cà Mau, Khánh nhật truyền giáo 1998
Chiều nay sân nhà thờ tấp nập khác thường. Người công giáo và không công giáo tay trong tay đi dạo xung quanh nhà thờ. Các bà các cô khoe những chiếc áo dài mới may, may để đi dự lễ.
Hôm nay mình không ngồi tòa, nên đi lượn khắp khuôn viên nhà thờ. Thấy mình, người giáo dân cười toe toét giới thiệu lia chia:
- Cha, bạn lương dân của con nè!
- Cha, đây là chị Năm, vợ của ông trưởng khóm. Chị Năm mới may áo dài để đi dự 1ễ đó.
- Ông cố, thằng bạn của con nó muốn theo đạo.
- Con xin giới thiệu với cha ông Tù Giỏi. Ông ngoại nhưng mến đạo lắm.
- Lễ xong, mời cha đi liên hoan với tụi con nghen!
- …
Chuông nhà thờ đổ hồi. Dòng người tràn vào nhà thờ như thác lũ. Bạn đạo dành chỗ cho bạn lương. Các bà phước, các ông bà trưởng khu lăng xăng đi tìm chỗ cho người lương dân đến trễ. Lâu lâu 1ại có một người đứng dậy nhường chỗ cho một người mới tới... Hết chỗ! Có những bàn tay giơ lên, lắc lắc tỏ vẻ thất vọng. Một bà phước dẫn theo hai người lương đến chỗ có hai chú nhí.
- Tụi con đứng dậy nhường chỗ cho người lương đi!
Thằng cu tí nhỏng mỏ cự nự:
- Đây là khách lương dân của con mà.
Bà phước đáp 1ại bằng nụ cười đắc chí:
- Vậy thì con cứ ngồi đó đi…
Đọc kinh nghiệm truyền giáo của cha Hậu thấy hay quá. Đúng là đồ đệ của thánh Phaolô, đầy nhiệt huyết, đem lại nhiều hứng khởi, chảy tràn lan sang giáo dân của ngài, cả mấy chú nhí cũng vui và hãnh diện đi mời bạn lương dân của mình đến dự lễ.
Thực ra, tại nhiều nước có dịp viếng thăm, tôi đã được gặp nhiều người, rất nhiều người đầy nhiệt huyết, tinh thần truyền giáo hăng say và quả cảm, nhưng ít được ai biết đến. Có lẽ vì việc viết lách, văn tự không đến đâu; sống nhiều, làm nhiều, dấn thân nhiều, nhưng nói ít, viết lách thì coi như không có, nên ít người biết đến họ và hiểu được lòng của họ. Nhưng có lẽ đấy cũng là chương trình Chúa Quan Phòng. Để chiếu sáng khắp không gian, cần đặt một vài ngọn đèn pha trên mái nhà, nhưng cũng cần rất nhiều các ngọn đèn nho nhỏ, nhiều cỡ, nhiều loại trong các căn phòng, dưới hầm cầu thang, và ngay cả dưới tầng hầm, nơi để đồ đạc ngổn ngang, đầy bụi bặm… Cả những nơi đó cũng cần có những ngọn đèn chiếu sáng!
Trong những năm tôi có bổn phận thăm viếng các cộng đoàn, các dòng tu, các phong trào, hội đoàn của chúng ta tại hải ngoại, và đôi lần trở về Quê Hương, tôi cũng gặp rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và nhiều giáo dân phục vụ ở nhiều lãnh vực khác nhau, có tâm hồn rất đáng cảm phục. Chúng ta cần khích lệ nhau sống kết hợp với Chúa, sống theo con đường của Chúa để loan báo và làm chứng cho Chúa.
Hai năm trước đây, tôi có dịp về thăm Quê Hương. Hôm đó đi với Đức Tổng Kiệt lên Lạng Sơn. Tôi đang đi dạo cuối nhà thờ, thấy có 2 ông và 1 bà đến. Đó là đôi vợ chồng và một người bạn của đôi vợ chồng. Tôi đang đứng nói truyện với họ thì ĐT Kiệt tới; ngài chỉ vào 3 người này và giới thiệu: “Ba ông bà này là cách mạng đấy. Bây giờ về hưu, trở lại, cả ngày chỉ đi truyền giáo thôi”. Tôi hỏi ba người: “Vậy bây giờ các ông bà thấy thế nào, có vui không?”. Người đàn bà nhanh miệng trả lời ngay: “Hạnh phúc nhất đời. Chúng con chẳng muốn gì hơn.” Trên mấy giáo phận miền Bắc, các bà, nhất là Dân Tộc, truyền giáo mạnh lắm. Các bà bảo: “Các ông ở nhà, để đàn bà chúng tôi đi truyền giáo cho. Các ông đi, thôi thì ăn, uống, lại còn hút nữa, mất giờ lắm. Đàn bà chúng tôi ăn ít, nói nhiều, chúng tôi truyền giáo cho”. Cứ cái gùi đeo trên lưng, các bà đi ngày đêm, đi khắp nơi. Đó là hình ảnh của thánh Phaolô. Đi và đi, không phải là đi chơi, nhưng là đi để gặp gỡ, để nối một nhịp cầu, để chia vui sẻ buồn với anh chị em, nhất là anh chị em lương dân và nói cho mọi người biết là có một niềm vui vượt trên mọi niềm vui. Đó là niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu, niềm vui của người đã tìm được viên bích ngọc, tìm được kho tàng quí báu chôn cất dưới đất (x. Mt 13:44-46).
Chúng ta cần học cách trân trọng, quí mến nhau để hun đúc cho nóng hơn, cho bừng sáng tinh thần truyền giáo. Lắm khi cũng không cần đi đâu xa cả. Có lẽ cũng vẫn đến những nơi thường đến, gặp những người vẫn thường gặp, nhưng bây giờ ra đi gặp gỡ mà mang trong lòng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu đễ thông truyền niềm vui, niềm an bình dào dạt trong lòng. Như vậy, các giáo lý viên sẽ là hiện thân của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Dù ở vị thế và hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể là những ngọn đèn chiếu sáng tâm hồn, đem an bình và niềm vui vào lòng người và vào môi trường sống, thứ an bình và niềm vui chỉ có Chúa mới ban cho được (x. Ga 14,27).
II. Thương yêu tha nhân
Trong hoạt động tông đồ truyền giáo, ba nguồn mạch có sức mạnh thúc đẩy và hướng dẫn thánh Phaolô là tình yêu say mến Chúa Giêsu, sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần và tình yêu sâu đậm đối với tha nhân. Bây giờ chúng ta nhìn qua sức mạnh thứ ba là tình yêu đối tha nhân.
1. Tình yêu tha nhân nơi thánh Phaolô
Đọc các thư của thánh Phaolô, ai cũng cảm thấy được đánh động bởi tâm tình của ngài đối với các cộng tác viên và ngay cả với những người mới quen biết. Chúng ta có thể đọc một vài đoạn trong các thư của ngài sau đây:
- “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.” (Fil 1,3-10).
- “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa, khi nhớ đến anh trong lời cầu nguyện, bởi được nghe nói về lòng mến và lòng tin của anh đối với Chúa Giê-su: lòng mến và lòng tin ấy có ích cho mọi người trong dân thánh. Chớ gì lòng tin mà anh chia sẻ với chúng tôi trở nên hữu hiệu, giúp anh hiểu biết tất cả những gì tốt chúng ta có thể làm để phục vụ Đức Ki-tô. Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi. Vì thế, mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều anh phải làm. Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tư nguyện. Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi. Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả... Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết điều này: tôi sẽ hoàn trả lại. Tôi khỏi cần nói với anh là anh còn mắc nợ tôi: món nợ đó là chính anh. Phải, thưa anh, xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Ki-tô. Tôi viết thư này cho anh với niềm tin tưởng là anh sẽ nghe theo. Tôi biết rằng anh sẽ còn làm hơn những gì tôi xin nữa. Đồng thời, xin anh dọn cho tôi một chỗ ở, bởi vì tôi hy vọng là nhờ lời anh em cầu nguyện, tôi sẽ được trở về với anh em. Anh Ê-pa-pha, người bạn tù với tôi trong Đức Ki-tô Giê-su, gửi lời chào anh, cùng với các cộng sự viên của tôi là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca. Cầu chúc anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô. A-men.” (Fm 4-20).
- “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng rúng động?” (2 Cor 11, 28-29).
- “Khi nào tôi sai anh A-tê-ma hay anh Ty-khi-cô đến với anh, thì hãy liệu mau đến với tôi ở Ni-cô-pô-li, vì tôi đã quyết định ở lại đó suốt mùa đông. Anh hãy lo tiễn đưa luật gia Dê-na và anh A-pô-lô cho chu đáo, đừng để họ phải thiếu thốn gì. Các anh em của chúng ta cũng phải học cho biết trổi vượt về những việc tốt đẹp, để đáp ứng những nhu cầu cấp bách; như vậy họ không phải là không sinh hoa kết quả.” (Tit 3,12-14).
- “Về việc quyên tiền giúp các thánh, tôi đã truyền dạy cho các Hội Thánh ở Ga-lát như thế nào, thì anh em cũng làm như vậy. Ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh em hãy để riêng ra những gì đã may mắn thu góp được, chứ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên. Khi tới, tôi sẽ cử những người được anh em chấp thuận đi Giê-ru-sa-lem, mang thư và quà anh em đã rộng rãi quyên tặng. Và nếu xét là tôi nên đi, thì họ sẽ cùng đi với tôi.” (1 Cor 16,1-4)
Qua mấy đoạn trích dẫn trên, chúng ta thấy một số đặc điểm trong tình yêu của thánh Phaolô như sau:
- Tâm tình thương yêu nơi thánh Phaolô rất người, nhưng đồng thời cũng rất thần thánh. Trong những liên hệ với tha nhân, thánh Phaolô có những câu nói, những diễn tả hết sức tình nghĩa, rất âu yếm, nhưng cũng hết sức siêu thoát. Hai yếu tố nhân loại và thần linh hòa lẫn vào nhau làm thành một thực tại và do đó, tình nghĩa không đọa ra tình cảm suông, cũng không chỉ là lịch sự và tình yêu thiêng liêng không biến ra trừu tượng, lơ lửng trên không.
- Tình yêu nơi thánh Phaolô vừa cụ thể, vừa phổ quát. Một đàng, ngài để ý đến nhu cầu của cộng đoàn và các cá nhân cụ thể, đàng khác ngài mở lòng ôm ấp tất cả mọi người, mọi cộng đoàn không phân biệt.
- Tình yêu không chỉ chú ý đáp ứng các nhu cầu, mà còn sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì người mình thương yêu nữa.
“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (2 Cor 1,3-6).
2. Giáo lý viên theo mẫu gương thánh Phaolô
Nhìn vào mẫu gương thánh Phaolô, nhiệm vụ giảng dạy giáo lý không chỉ đòi giáo lý viên hiểu biết giáo lý phải giảng giải, cắt nghĩa, mà còn đòi phải có khả năng thương yêu: thương yêu chính những người mình có bổn phận dạy dỗ, thương yêu Giáo Hội, thương yêu anh chị em lương dân. Đây là khả năng tuyệt vời Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đã phú bẩm vào lòng mỗi người. Do đó, con người ta, bất cứ thuộc chủng tộc, tôn giáo nào, khi sinh ra là khao khát thương yêu và được thương yêu. Tôi muốn đọc lại đây một kinh nghiệm yêu thương:
Đầu cá chốt, Cao Thị Ni - 16/01/2008:
Tôi nhớ rõ năm ấy ba tôi bị bệnh ho ra máu (còn bây giờ người ta gọi là lao phổi) tôi cũng chẳng biết bệnh đó có nguy hiểm không, có chết không, nhưng mỗi lần ba ho khạc ra máu là me lại khóc, thấy mẹ khóc rồi mấy chị em tôi cũng khóc theo. Ba bệnh lâu ngày không có tiền chạy thuốc, mẹ chỉ đâm lá thuốc nam cho ba uống nhưng không khỏi, ngày qua ngày ba càng ốm yếu xanh xao hơn, vì năm đó thuốc lao chưa xuống địa phương như bây giờ. Mẹ nghe hàng xóm bảo nếu muốn hết bệnh thì phải lo tiền đi bệnh viện Hồng Bàng ở Sài Gòn mới có thuốc trị. Mẹ nghe vậy quyết định bán hết mấy giạ lúa cuối cùng trong nhà cho ba làm lộ phí lên Sài Gòn trị bệnh, còn mẹ thì ở nhà lo ruộng rẫy và để chờ ngày ba tôi xuất viện trở về.
Tôi nhớ lúc ấy sáng ngày nào mẹ tôi cũng xách cái thau và cây cân ra chợ mua cá đi bán lại để kiếm tiền lời, và còn có cá cho các con ăn, đến trưa về nhà lúc nào mẹ cũng đem một mớ cá chốt, chớ chẳng có thứ cá nào ngon hơn. Mỗi lần mẹ làm cá tôi hay ngồi gần nhìn mẹ làm và hỏi: “Mẹ ơi sao làm cá chốt mẹ không chặt bỏ đầu, đầu xương không ăn sao được hả mẹ?” Mẹ tôi cười bảo: “Có ít cá mẹ hà tiện để đầu kho xong mình lấy đầu cho con chó con mèo ăn cũng đỡ con à”. Câu nói của mẹ, tôi cũng vô tình không để ý tới, mà thật sự ngày nào tôi đi học về, mẹ dọn cơm cho mấy chị em tôi ăn cũng cá chốt kho và dĩa rau luộc mẹ hái cạnh sau nhà, tôi chỉ biết ăn say sưa chớ chẳng để ý tới cá chốt kho như thế nào.
Vô tình một ngày nọ tôi được nghỉ hai tiết học cuối nên về nhà sớm hơn mọi ngay. Khi bước vào nhà, tôi tình cờ thấy mẹ tôi ngồi ăn cơm một mình với dĩa rau luộc và một chén cá kho toàn là đầu cá chốt. Thì ra bấy lâu nay mẹ ăn cơm trước, chỉ ăn đầu còn để dành khúc mình cho các con. Tôi đứng lặng trước mâm cơm của mẹ mà nghe nghèn nghẹn ở cổ, tôi chẳng nói được câu nào với mẹ chỉ sợ không cầm được giọt nước mắt. Như hiểu được ý tôi, mẹ bảo: “Ba con đang bị bệnh, mẹ con mình ở nhà phải ăn cần ở kiệm dành dụm tiền còn lo thuốc men cho ổng nữa con à, chừng nào ba con hết bệnh về làm có tiền thì nhà mình ăn sẽ ngon hơn”. Nghe mẹ nói tôi thấy mủi lòng rồi khóc như mưa.
Nhưng mẹ ơi những gịot nước mắt con rơi lúc ấy không phải buồn vì nhà mình nghèo, mình khổ mà vì con cảm thấy thương mẹ, thương nhất trên đời mẹ ơi, cả cuộc đời mẹ đã vì chồng vì con mà chẳng nghĩ đến bản thân mình, lúc ấy con chỉ biết thầm cầu trời khấn phật cho ba mau hết bệnh để về nhà cùng mẹ chung sức lo cho đàn con thơ dại.
Tôi xin viết những dòng chữ này gởi đến mẹ thân yêu như những lời cảm ơn mẹ đã vì chị em tôi mà cực khổ và chịu đựng hy sinh cả cuộc đời của mẹ, đến bây giờ tôi đã làm mẹ càng thấm thía hơn câu thơ của một nhà văn đã viết:
Biển cả mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Đến bao giờ các giáo lý viên mới yêu được các em mình dạy dỗ như bà mẹ trong câu truyện trên? Dĩ nhiên câu truyện trên nói đến kinh nghiệm tình máu mủ, mẹ con. Nhưng, trong mầu nhiệm cứu chuộc, Chúa đã thanh luyện tình yêu tự nhiên cho thêm tinh tuyền và còn ban ơn cứu chuộc để thánh hóa, làm cho tình yêu tự nhiên vươn lên để biết yêu như chính Chúa (Ga 13,34-35). Thánh Phaolô đã thương yêu các cộng tác viên, thương yêu các giáo đoàn, cả Giáo Hội và mọi người. Đó là những người chẳng có liên hệ máu mủ với ngài. Vậy mà ngài đã sẵn sàng và còn vui mừng chịu khổ vì họ, để họ được bổ dưỡng, được xây đắp. Đó là tấm gương cho các giáo lý viên.
“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24). Tình yêu đối với Giáo Hội, với các phần tử của Giáo Hội là một thách đố rất lớn đối với mọi người, dĩ nhiên cũng đối với các giáo lý viên. Giáo Hội đang gặp khó khăn trăm phần. Nhiều khó khăn đến từ bên ngoài. Xem như các sức mạnh của thế gian đang hợp lực đánh phá Giáo Hội, trên mọi trận tuyến. Nhưng trầm trọng hơn, có lẽ là những khó khăn phát xuất từ chính trong lòng Giáo Hội. Các lỡ lầm, yếu đuối của con cái Giáo Hội cứ lồ lộ trước mắt, mà nhiều khi cả những con cái ưu tú, được tuyển chọn nữa. Rồi tệ nạn chia rẽ, gièm pha, gây hoang mang, ngờ vực, tạo ra trăm bè bảy mối. Cứ như thể làm như vậy là trưởng thành, là công bằng, là yêu mến Giáo Hội. Người ta không có khả năng phân biệt ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận, cần phải có để thăng tiến và việc nói hành, nói xấu, và vu vạ cáo gian. Để phân biệt được sự khác biệt, cần phải có tinh thần khiêm nhượng và thành thực (honest) để nhận diện những tình cảm, những ý nghĩ thầm kín trong lòng mình và gọi chúng với chính tên của chúng. Nhiều lý do nói ra để biện minh thì hay lắm, nhưng lý do thực trong bụng thì có thể chỉ là ghen ghét hay tham vọng, lợi lộc.
Tình yêu đối với Giáo Hội đòi phải có tinh thần khách quan, tìm hiểu sự thật. Nếu thấy một phần tử của Giáo Hội bị oan, phải biết cảm thông nỗi đau khổ và bênh đỡ. Nếu thấy có tội, không đứng như kẻ ngoài cuộc mà tố khổ, nhưng phải biết lãnh trách nhiệm trong tình liên đới và nếu cần, cộng tác để đền trả các thiệt hại do sự yếu đuối của các phần tử của Giáo Hội gây ra, vì đây là Giáo Hội của tôi và đó là anh chị em của tôi. Tôi không phải là người ngoài cuộc, nhưng là anh em trong nhà. Đó là tâm tình của thánh Phaolô khi ngài viết cho giáo đoàn Colosê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24). Đó là mẫu sống của mỗi kitô hữu đích thực, nhất là kitô hữu đó lại là một giáo lý viên.
III. Lòng say mến Chúa Giêsu
1. Bí quyết lòng hăng say dấn thân truyền giáo của thánh Phaolô: lòng say mến Chúa Giêsu
Một điểm đặc biệt kéo sự chú ý của chúng ta là khi đã lãnh nhận sứ mệnh truyền giáo, thánh Phaolô lập tức lao mình đem Tin Mừng vào mọi môi trường. Chúng ta có thể nhận ra 4 môi trường khác nhau: môi trường đa chủng tộc và đa văn hóa (Tarso và Corintô); môi trường trí thức của văn hóa Hy Lạp (Athen); môi trường quyền lực (Roma); môi trường lao tù (Giêrusalem và Roma).
Ngoài ra, trên đường truyền giáo, thánh Phaolô đã gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Chúng ta có thể kể ra một số khó khăn chính sau đây:
- Những tranh luận, bàn cãi chung quanh việc cắt bì những người dân ngoại muốn tin theo Chúa Giêsu (Cv 15,1-12);
- Bất đồng ý kiến với tông đồ Barnaba liên quan đến việc cho môn đệ Marcô tham dự hành trình truyền giáo (Cv 15,36-40);
- Khó khăn, chông gai và nguy hiểm trên đường truyền giáo: “Vì có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào… Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: tôi phục vụ Đức Kitô còn hơn họ nữa!
Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đập ba mươi chín cú; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.” (2 Cor 11,18-27).
- Hoàn cảnh cô đơn, trơ trọi một mình đứng trước khó khăn thử thách, như ngài đã viết cho người môn đệ yêu quí của ngài: “Lần thứ nhất khi cha phải ra biện hộ trước tòa án, chẳng có ai bênh vực cha. Tất cả đều đã bỏ rơi cha. Con đừng chấp nhất với họ. Nhưng có Chúa ở bên cạnh cha, Người đã ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.” (2 Tm 4,16-17).
Cho dù gặp trăm ngàn khó khăn, nguy hiểm và chiến đấu với bao thử thách, thánh Phaolô không bao giờ nản chí, thay đổi mục đích hay than thân, trách phận; ngược lại, ngài luôn kiên trì dấn thân và còn biết biến khó khăn thành cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng. Đâu là bí quyết của ngài?
Bí quyết của Thánh Phaolô là sức mạnh nội tâm, kín múc từ 4 nguồn mạch: lòng say mến Chúa Giêsu; sự nhậy cảm và vâng lời tuyệt đối các tác động của Chúa Thánh Thần; tâm tình yêu mến Giáo Hội và, sau cùng, tình yêu sâu đậm đối với anh chị em lương dân. Chúng ta đã suy gẫm về tình yêu mến Giáo Hội và anh chị em lương dân. Bây giờ chúng ta tìm hiểu lòng say mến Chúa Giêsu nơi thánh Phaolô. Đây cũng là nguồn mạch chính yếu, làm nền tảng cho các nguồn mạch khác.
Thánh Phaolô không chỉ yêu mà say mến Chúa Giêsu. Đối với ngài, Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết để bàn cãi, hay chỉ là đối tượng để chiêm ngắm, nhưng là sự sống, là tiêu chuẩn hướng dẫn chọn lựa, là đối tượng phục vụ, là nguồn gợi hứng cho các hành động. Lòng say mến Chúa được diễn tả bằng nhiều cách.
a) Tâm tình của thánh Phaolô: để hiểu lòng say mến Chúa Giêsu, chúng ta chỉ cần nghe một vài tâm tư của ngài diễn tả trong các thư ngài gửi các giáo hữu của ngài:
- “Đối với tôi, sống chính là Chúa Kitô” (Pl 1,21)
- “Không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
- “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2Cor 5,14).
- “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng và phó thác hy vọng” (2 Tim 1,12).
- “Khi ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết điều gì khác, ngoài Chúa Giêsu Kitô, và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cor 2,2).
- “Trong khi người Do-thái đòi xem những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1,22-25).
- “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6,14).
b) Cách thức giới thiệu chính mình
Nhìn qua cách thức thánh Phaolô tự giới thiệu mình, chúng ta cũng có thể hiểu thêm tâm tình say mến Chúa Giêsu của ngài. Ngài là người Do Thái, dòng dõi nhóm Pharisêu, có quốc tịch Roma, tiến sĩ luật thuộc trường nổi tiếng nhất lúc đó. Tất cả những danh hiệu đó là lý do để tự hào, nhưng từ khi gặp được Chúa Giêsu, thánh Phaolô chỉ xưng mình là: tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, môn đệ của Chúa Kitô, đầy tớ của Chúa Kitô, đầy tớ của Thiên Chúa, tù nhân của Chúa Giêsu Kitô. Dù dưới danh hiệu nào, cũng vẫn là người thuộc về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là thẻ căn cước, là giấy thông hành định nghĩa căn tính của ngài. Trong lòng ngài, Chúa Giêsu sống động, là sức mạnh thúc đẩy, là lý do vì sao ngài chấp nhận hy sinh, chịu đựng hiểu lầm, khổ cực…
Đúng là một tâm hồn say mến Chúa Giêsu. Tôi muốn nói đến lòng say mến chứ không chỉ tình yêu, tình bạn. Một lúc người ta có thể yêu nhiều người, nhưng chỉ có thể say mê một người và những người mình yêu không ảnh hưởng hoàn toàn đến cuộc đời của mình, nhưng người mình say mê thì chi phối cuộc đời mình.
c) Sẵn sàng hy sinh vì Chúa Giêsu: “Tất cả vì Chúa và vì Tin Mừng của Ngài” (1Cor 9,23)
Lòng say mê Chúa Giêsu nơi thánh Phaolô không phải là thứ tình cảm suông hay những xúc động bồng bột trong đôi lúc nhất thời, nhưng là tình nghĩa thân thương, lòng cảm phục kính mến đến độ ngài đã sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa, để bảo vệ tình nghĩa với Chúa. Để hiểu tâm tình của thánh Phaolô, chúng ta có thể đọc lại một vài lời của ngài:
- “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đã chấp nhận mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3,7-11).
- “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật (Môsê), tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật (Môsê), dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Ki-tô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” (1Cor 9,19-23).
Điều đáng được chú ý ở đây là thánh Phaolô không chỉ sẵn sàng hy sinh, mà hy sinh TẤT CẢ vì Chúa Giêsu. Dâng hiến tất cả, dâng hiến trọn vẹn cho Chúa, không giữ lại một chút nào cho mình. Đây chính là bí quyết của lòng hăng say, của những kết quả truyền giáo của thánh Phaolô và cũng là cái khó cho những ai muốn dõi theo tinh thần của ngài. Yêu Chúa không khó, phục vụ Chúa không khó, hy sinh vì Chúa cũng không khó. Cái khó nằm ở chỗ, “yêu Chúa với tất cả con tim, tất cả tâm hồn, tất cả sức lực và tất cả trí khôn” (Lc 10,27), phục vụ chỉ duy mình Chúa thôi và do đó, chấp nhận mất tất cả vì Chúa (Pl 3,7-11). Điều đó không có nghĩa là khinh chê tất cả, nhưng là nhìn và chọn lựa tất cả dưới ánh sáng và trong mối tương quan với Chúa Giêsu và do đó, trân trọng tất cả một cách chân thực.
Trong thực tế, ít khi có giáo lý viên nào chống đối hay hoàn toàn chối bỏ Chúa. Cái khác giữa các giáo lý viên ở chỗ một giáo lý viên coi Chúa là một giá trị như trăm ngàn giá trị khác, còn giáo lý viên khác thì đặt Chúa Giêsu làm ưu tiên và qua đó chấp nhận và soi sáng tất cả các giá trị khác. Đó là trường hợp Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Ta có thể diễn tả sự khác biệt theo mô hình dưới đây.
http://vietcatholic.net/pics/90624dao1.jpg
Trong thời đại chúng ta, một khuôn mặt sáng ngời, lôi cuốn đông đảo dân chúng và cũng có thể nói là hình ảnh của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại, là ĐTC Gioan Phaolô II đáng kính. Suốt 26 năm trong sứ mệnh chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, ngài đã vượt trùng dương loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi tầng lớp. Chính cái chết của ngài cũng là một lời loan báo Chúa Giêsu một cách hùng hồn. Chắc chắn mọi người đã theo dõi đầy đủ các tin tức và hình ảnh chung quanh cái chết và Thánh Lễ an táng của ngài. Con xin được nhắc lại đây 4 sự kiện:
- Ngay sau khi ngài qua đời, không ai bảo ai, không ai tổ chức, tự nhiên dân chúng ùn ùn kéo về đền thờ Thánh Phêrô kính viếng thi hài của ngài. Người ta nói là có chừng 4 triệu người. Để có thể vào đền thờ, đi qua trước thi hài của ngài trong giây lát, người ta phải nối đuôi chờ đợi 12 giờ, hay có thể 14 giờ đồng hồ, chịu đựng ban ngày trời nóng, ban đêm khí hậu lạnh. Họ là mọi thứ bậc người: đàn ông, đàn bà, già, trẻ, lớn, bé; họ là các giáo hữu, con cái của Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng có nhiều người thuộc các giáo hội Chính Thống, Tin Lành và ngay cả các tín hữu của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, và có thể cũng có những người vô thần hoặc thù địch với Tin Mừng của Chúa…
- Hiện diện trong Thánh Lễ an táng, có đầy đủ thủ lãnh các quốc gia và của các tôn giáo. Họ xin đến chứ không phải được mời và họ phải ngồi ở hàng ghế đã được Toà Thánh xếp theo vần thứ tự tên các nước theo tiếng Pháp. Cho nên có sự kiện thủ lãnh các quốc gia kình địch với nhau ngồi bên nhau và cũng bắt tay chào hỏi nhau!
- Các hãng truyền hình đã đồng loạt loan báo tin tức về cái chết và các sự kiện diễn tiến sau khi ngài qua đời. Có những đài truyền hình phát hình 24/24 giờ một ngày.
- Cỗ quan tài gỗ trơn đơn sơ được đặt nằm ngay trên nền của công trường đền thờ Thánh Phêrô.
- Trong Thánh Lễ, tự nhiên có một cơn gió mạnh nổi lên, tư từ lật mở từng trang, từ đầu đến cuối cuốn Thánh Kinh đặt trên quan tài của ngài.
Cái chết của ĐTC Gioan Phaolô II là một lời loan báo hùng hồn và vĩ đại về Chúa Giêsu. Ngài đã lôi kéo bao nhiêu người, không phải chỉ những người về Roma, mà còn bao nhiêu người theo dõi tin tức và các lễ nghi qua các phương tiện truyền thông. Sức mạnh nào đã lôi kéo người ta, đoàn lũ đông đảo như vậy? Sức mạnh nào đã qui tụ được các thủ lãnh các quốc gia và đại diện các tôn giáo và có sức hoà giải tất cả như vậy?
Đây không thể là kết quả của sức người phàm, nhưng phải là sức mạnh linh thiêng của Thiên Chúa, có sức thúc đẩy, hàn gắn và qui tụ lòng người. Về phía ĐTC Gioan Phaolô II, ngài đã là một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Thiên Chúa, diễn tả qua khẩu hiệu của ngài: “Totus Tuus”. “Tất cả con là của Mẹ” và phần thứ II hiểu ngậm: “để tất cả con thuộc về Chúa Giêsu”. Yếu tố quan trọng ở đây nằm ở chữ “Totus”, có nghĩa là “tất cả”, ‘trọn vẹn”.
Cỗ quan tài bằng gỗ đơn sơ đặt trên nền công trường đền thờ Thánh Phêrô cũng kéo sự chú ý của nhiều người. Lý do không phải vì nói lên sự nghèo khó. Nghèo khó thì có gì mà hấp dẫn? Sức hấp dẫn nằm ở sự lựa chọn của ngài, là lý do của sự nghèo hèn đơn sơ: Ngài đã chọn duy chỉ mình Chúa, đã sống hoàn toàn cho Chúa và vì Chúa. Đúng là “Totus Tuus”. Chính vì thế, qua sự nghèo hèn và đơn sơ của ngài, Chúa đã thể hiện được tất cả sức mạnh của ơn thánh và tình yêu của Người.
Sự kiện cơn gió nổi lên, như thể một ngón tay từ từ lật giở từng trang, từ đầu đến cuối của cuốn Thánh Kinh đặt trên cỗ quan tài: có người cho đó là tình cờ, người khác cho đó là sự can thiệp trực tiếp của Chúa. Ai muốn cắt nghĩa theo chiều hướng nào tùy ý. Nhưng sự kiện đó có nói lên một điều quan trọng của cuộc đời thiêng liêng của ĐTC Gioan Phaolô II. Đó là ngài đã sống theo Tin Mừng; cuộc đời của ngài đã được thấm nhuần bằng Lời Chúa; ngài đã sống theo tất cả sứ điệp Ơn Cứu Độ. Đúng là “Totus Tuus”.
Sự kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một khía cạnh tế vi của tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Đó là sự dâng hiến tất cả cho Chúa không phải chỉ có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa và chịu thiệt thòi vì Chúa, mà còn có nghĩa là để cho lòng mình được thay đổi theo tinh thần của Chúa và mọi khía cạnh của con người mình đều được thấm nhuần bằng tinh thần của Chúa Giêsu để trở thành hương thơm của Người như lời ngài viết trong thư gửi giáo đoàn Corintô: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng cho chúng ta tham dự cuộc khải hoàn trong Chúa Kitô, và đã dùng chúng ta mà làm cho hương thơm của sự nhận biết Chúa Kitô lan toả khắp nơi trong thế giới. Thực vậy, chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.” (2Cor 2,14-15).
Trong lịch sử Giáo HộiViệt Nam đã có một giáo lý viên làm sống động lại tinh thần say mến Chúa Giêsu của thánh Phaolô. Đó là Thầy Giảng Anrê. Trở lại đạo lúc 15-16 tuổi. Sau đó gia nhập nhóm thầy giảng đầu tiên của cha Đắc Lộ. Đến năm 19 tuổi, Thầy bị bắt và sau đó được phúc Tử Đạo. Khi quan nghè Bộ dụ dỗ, đe dọa bắt Thầy bỏ đạo, Thầy trả lời: “Chúa Giêsu đã thương yêu tôi, đã chết vì tôi, làm sao tôi có thể chối bỏ Người? Tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống đáp trả mạng sống”. Và theo chứng từ của Cha Đắc Lộ và nhiều người có mặt khi Thầy chịu tử đạo, lúc đầu Thầy bị chém và đã ngả ra, người ta vẫn còn thấy nơi cổ họng Thầy phát ra 3 lần tên cực trọng: “Giêsu, Giêsu, Giêsu”. Bức hình vẽ đầu tiên cuộc tử đạo của Thầy đã diễn tả sự kiện này.
Ước chi trong hàng các giáo lý viên hôm nay, có nhiều người là hiện thân của thánh Phaolô, như Thầy Giảng Anrê Phú Yên, yêu mến Chúa Giêsu hết lòng và thấm nhuần tinh thần của Người nên làm lan tỏa hương thơm của Người để ướp thế gian. Gặp được một giáo lý viên là người ta ngửi được một mùi thơm ngào ngạt: “mùi Giêsu”.
d) Trung kiên rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng cho các giáo hữu đã tin theo Chúa, cũng như cho anh chị lương dân, thánh Phaolô đã không ngần ngại loan báo sứ điệp Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh; cho dù biết là người ta không muốn nghe, nhưng ngài vẫn loan báo. Chỉ khi say mến Chúa Giêsu, cảm nghiệm và xác tín là Chúa Giêsu là kho tàng quí báu và là viên bích ngọc (x. Mt 13,44-46), là nguồn sống của nhân loại, mới dám chèo ngược dòng nước và kiên trì trong sứ mệnh như thánh Phaolô đã làm. Ta có thể nghe đời lời tâm sự của thánh Phaolô:
- “Khi ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết điều gì khác, ngoài Chúa Giêsu Kitô, và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cor 2,2).
- “Trong khi người Do-thái đòi xem những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1,22-25).
Xem ra chúng ra đang sống trong môi trường văn hóa cũng tương tự như môi trường thánh Phaolô nói trong thư gửi giáo đoàn Corintô. Nhiều người cho sứ điệp Chúa Giêsu chịu đóng đinh nghe chói tai và có tính cách bi quan sầu thảm.
“Chói tai” thì có thể có, vì chúng ta đang sống trong một nền văn minh phản Thánh Giá. Có rất nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống đi ngược hoàn toàn với sứ điệp Thánh Giá, với lý tưởng trở thành Hy Lễ. Trào lưu tư tưởng và nếp sống đầu tiên là coi thành công, ích lợi, hiệu quả (tất cả phải đo lường được, phải nhìn thấy được) là tiêu chuẩn đánh giá các dự án, hoạt động và ngay cả giá trị con người.
Cách nghĩ và nếp sống thứ hai là tìm tiện nghi, thoải mái và đồng hóa thú vui với hạnh phúc. Về lý thuyết, người ta coi cuộc sống dễ dàng, thoải mái như lý tưởng và ngược lại, những khó khăn, hy sinh, đau khổ là bất nhân. Trong thực tế, cuộc sống dễ dãi không còn phải là giấc mơ mà là điều có thể thực hiện được nhờ phương tiện vật chất dồi dào, nhờ các phương pháp và dụng cụ do khoa học kỹ thuật cung cấp…
Trong bầu khí văn hóa và môi trường sống nói trên, không những người ta không chấp nhận những khó khăn, đau khổ khi xảy đến cho mình mà còn coi bất cứ đau khổ nào, ngay cả những đau khổ của Chúa Giêsu là vô ích, bất nhân. Cách suy nghĩ hôm nay đã thay đổi rất nhiều.
Nhưng nói sứ điệp Chúa Kitô chịu đóng đinh là bi quan, sầu thảm thì nhất định không phải, vì đây là diễn tả tình yêu tuyệt hảo hai chiều: đối với Chúa Cha và đối với nhân loại.
Đối với Chúa Cha: vâng lời tuyệt đối (tình yêu chung thủy), phó thác.
Đối với nhân loại: vẫn tiếp tục thương yêu, tha thứ cho dù không được thương yêu lại, hơn nữa, còn bị chà đạp bất công, bị xỉ nhục, bị tra tấn đau đớn vô ngàn; chấp nhận gánh chịu mọi hình phạt mà đáng lẽ loài người phải chịu để đền trả tội lỗi nhân loại.
Chúa Kitô chịu đóng đinh đúng là sức mạnh vô song của tình yêu thần linh và vì vậy Người đã biến Thánh Giá thành nguồn ơn cứu độ, đem lại sự an bình và niềm vui cho tâm hồn con người. Mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ là chúng ta nhắc lại cái chết bất công, nhục nhã của Chúa chúng ta, mà chúng ta không sầu thảm, không căm phẫn, thù hận những người đã chối bỏ Chúa, đã giết Chúa, mà ngược lại, trong lòng chúng ta cảm thấy phơi phới và cùng nhau hát “Vinh danh Thiên Chúa…”, “Alleluia”… Khi chúng ta cử hành lễ kính các thánh Tử Đạo, môn đệ của Chúa Kitô chịu đóng đinh, bầu khí cũng vui tươi như vậy. Như thế thì Chúa Kitô chịu đóng đinh đâu có gì là yếu đuối, là sầu thảm, bi quan, mà ngược lại, như thánh Phaolô nói, là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ cùng uống chén với Người:
Mc 10,38-40: “Các con không biết các con xin gì! Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: "Thưa được." Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, các con cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Thánh Phaolô cũng đã chấp nhận lời mời gọi này: “Giờ đây, được Thánh Thần Chúa thuyết phục và thúc đẩy, tôi lên Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi đi hết hành trình của tôi, chu toàn sứ vụ Chúa Giêsu đã phó thác nơi tôi, là làm chứng cho sứ điệp ân sủng của Thiên Chúa.” (Cv 20,22-24).
e) Biến khó khăn thành cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” (Ep 1,3-10).
Lá thư gửi giáo đoàn Ephêsô là lá thư thánh Phaolô viết trong tù ngục. Tù đầy là thời gian đầy đau khổ, nhục nhã và có thể gây ra chán nản và thất vọng, nhưng ngài đã không sờn lòng nản chí, hoặc buồn sầu trách móc, chửi rủa; ngược lại, ngài đã lợi dụng thời giờ và hoàn cảnh để viết thư khích lệ và hướng dẫn các giáo hữu và ngài bắt đầu bức thư bằng những lời chúc tụng. Ngài đã biến đau khổ thành lời chúc tụng và biến khó khăn thành cơ hội mới để loan truyền Tin Mừng.
Không ai không gặp khó khăn trong cuộc sống và trong nhiệm vụ dạy giáo lý, cộng tác với nhiều người, cũng sẽ có những lúc xảy ra khó khăn, không thực hiện được chương trình như dự tính và do đó, đôi tâm tình chán nản, bất mãn cũng có thể xuất hiện trong đầu óc. Lúc đó, nếu giáo lý viên biết theo gương thánh Phaolô biến đau khổ thành lời chúc tụng và biến khó khăn thành cơ hội mới để loan truyền Tin Mừng thì tâm tình và thái độ sẽ loan báo mầu nhiệm cứu chuộc (mầu nhiệm tử nạn và sống lại) của Chúa một các mạnh mẽ và xây đắp tâm hồn và cộng đoàn gắp trăm lần các bài giảng dạy uyên bác.
3. Hành trình thanh luyện nội tâm, dõi theo tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô
a) Mâu thuẫn giữa ước vọng say mến, phục vụ Chúa và thực tại của cuộc sống
Trong lòng con người có một sự giằng co, mâu thuẫn rất sâu đậm. Chính trong lúc muốn tôn thờ yêu mến Chúa, lại thấy nổi lên trong lòng một sức mạnh chống đối, từ khước Chúa. Nhiều khi không dám nói rõ ràng từ khước Chúa, nhưng bịt tai, giả vờ như không biết gì; chính trong lúc ao ước say mến, phục vụ Chúa và tha nhân, lại thấy nổi lên ước vọng danh giá, lợi lộc; chính trong lúc muốn thương yêu mọi người vô vị lợi, lại thấy lòng mình bực bội, ghét bỏ người nọ người kia nên ganh tị, dèm pha, nói xấu…
Mỗi người cảm thấy trong lòng một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác và rất nhiều khi sức mạnh của sự ác chiến thắng. Đó là kinh nghiệm sống thánh Phaolô nói trong thư gửi giáo đoàn Roma: “Điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm, trong khi tôi đi làm điều xấu tôi không muốn làm” (Rom 7,15).
b) Lý do
* Tội nguyên tổ
Hành trình dõi theo thánh Phaolô trong lòng say mến Chúa Giêsu, chúng ta phải nhìn với con mắt thực tế. Đó là hoàn cảnh của những người thừa hưởng một bản tính nhân loại đã bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ và những hậu quả của nó, gây ra một sự rạn nứt rất sâu sa trong lòng mỗi người. Đoạn sách Sáng Thế diễn tả những sự rạn nứt đó như sau:
“Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu? “ Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? “ Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế? “ Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” (St 3,1-13).
Đoạn sách Sáng Thế cho thấy, trong lòng mỗi người đã có mầm mống rạn nứt trong 4 mối liên hệ thiết yếu: với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ vạn vật và với chính mình. Do đó, để thực sự sống tình say mến Chúa Giêsu, cần phải dõi theo hành trình hòa giải 4 mối liên hệ để tìm lại sự an hòa nội tâm. Để nhìn và hiểu vấn đề cách rõ ràng hơn, chúng ta có thể cắt nghĩa sự rạn nứt sâu đậm trong nội tâm mỗi người theo hai mô hình dưới đây. Mô hình bên trái diễn tả tình trạng nội tâm an hòa trước tội nguyên tổ. Mô hình bên phải diễn tả tình trạng nội tâm rạn nứt sau tội nguyên tổ.
http://vietcatholic.net/pics/90624dao2.jpg
* Hoàn cảnh gia đình, học đường, môi trường sống trong thời thơ ấu và niên thiếu
- Vết thương lòng: sống với nhau là con người tội lỗi, ai cũng có những yếu đuối, thiếu sót và do đó, ghễ gây cho nhau những vết thương để lại tâm khảm và chi phối cuộc đời.
- Vai trò trong gia đình: tương quan cha mẹ - con cái; vợ - chồng; phái tính: con trai, con gái. Khi vì hoành cảnh, các vai trò bị lẫn lộn, người ta sẽ lẫn lộn hoặc mất căn tính và gây ra sự hỗn độn trong tâm lý.
- Hoàn cảnh, tình trạng đặc biệt của gia đình. Những hoàn cảnh hay tình trạng đặc biệt của gia đình để lại một dấu vết rất sâu đậm trong tâm khảm mỗi người. Cũng cần để ý là tuy hai gia đình cùng trải qua một hoàn cảnh tương tự, nhưng thái độ và phản ứng của các phần tử của hai gia đình có thể cũng rất khác nhau, tùy theo bầu khí sống và đường hướng giáo dục trong gia đình. Ví dụ hai gia đình cùng phải trải qua hoàn cảnh lầm than, nghèo đói, túng quẫn. Gia đình I luôn thủ thế, dè sẻn lo cho ngày mai; gia đình II, tìm cách hưởng thụ, vì “biết ngày mai thế nào?” Xuất thân từ gia đình I, người ta sẽ dễ hà tiện, dễ nhận mà khó cho; xuất thân từ gia đình II, người ta dễ phung phí, tiêu xài xả láng…
* Môi trường, xã hội, lịch sử tập thể
Anh hùng tạo thời thế nhưng thường thì thời thế tạo anh hùng. Mỗi người có thể ảnh hưởng đến xã hội, nhưng xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến mỗi cá nhân. Ngoài ra, còn những sức mạnh, tuy vô hình nhưng có một ảnh hưởng rất lớn trên cách suy nghĩ, thái độ, hành động của mỗi cá nhân: lịch sử, văn hóa của tập thể. Dưới đây là một số tâm thức văn hóa và trào lưu xã hội tân tiến hiện nay có thể trở thành chướng ngại vật, ngăn cản cuộc sống kitô của giáo lý viên:
- Coi danh dự (thể diện) cá nhân hay tập thể như một giá trị tuyệt đối hay ít nữa, giá trị quan trọng nhất.
- Tâm thức làng xóm, gia đình tạo được tinh thần liên đới sâu đậm giữa các phần tử, nhưng có thể gây khó khăn cho tinh thần trách nhiệm trong cộng đoàn và tình yêu phổ quát của giáo lý viên, môn đệ Chúa.
- Đề cao lý trí và biến nó thành giá trị tuyệt đối. Do đó, đánh giá con người theo bằng cấp…
- Đề cao nhân phẩm của mỗi cá nhân như tuyệt đối.
- Đồng hóa hạnh phúc với thoả mãn, khoái cảm, thoải mái.
- Đề cao thẩm mỹ, nghệ thuật tách rời khỏi tôn giáo và luân lý: nghệ thuật trỏ thành “đẹp mắt”, khích thích giác quan…
- Văn hóa thực dụng, hiệu quả, đánh mất giá trị biểu tượng
- Văn hóa và nếp sống chuyên môn và thành công trong nghề nghiệp gây chia rẽ, cạnh tranh nhau.
- Văn hóa đổi mới liên tục: "dùng và vất"
c) Hành trình mở lòng thắng lướt chướng ngại vật để đón nhận ơn Chúa, thay đổi con người của mình và thấm nhuần tinh thần của Chúa
* Cơ cấu tâm linh sinh động của con người
http://vietcatholic.net/pics/90624dao3.jpg
* Công tác thiêng liêng
i. Biến đổi các ý tưởng: suy niệm
Suy niệm đòi áp dụng 3 khả năng để suy niệm mầu nhiệm:
Trí nhớ: gợi lại sự hiểu biết về mầu nhiệm.
Lý trí: có 2 khả năng: suy nghĩ, lý luận và tưởng tượng. Cần dùng cả hai khả năng để hiểu thêm về mầu nhiệm và áp dụng vào cuộc sống để chiếu soi, thay đổi ý tưởng, tình cảm và thái độ, hành động.
Ý chí: chấp nhận sống theo những gì lý trí đã soi sáng.
ii. Hòa giải nội tâm: chữa lành các vết thương và hóa giải tình cảm
Nguyên nhân chính yếu làm mất an bình nội tâm và cản trở sống hạnh phúc và hiệp thông thì nhiều, nhưng nguyên nhân chính yếu và trầm trọng nhất là tình cảm. Các tình cảm nếu không được hóa giải, chúng sẽ tụ tập lại dày xéo tâm can và làm mất an bình nội tâm.
Các loại tình cảm chính yếu
Các tình cảm gây khốn khổ cho cuộc sống, cho chính mình và cho tha nhân, nhất là những người gần gũi thì nhiều, nhưng tựu trung có thể gom lại thành 3 loại chính:
- Tức giận: thứ tình cảm này biểu lộ dưới nhiều hình thức, tỉ dụ như bực tức, tránh lé, bất hợp tác, khinh miệt, nghi kỵ, loại trừ, bạo động, thù hằn...
- Lo sợ: tình cảm này diễn tả qua sự mất bình tĩnh, run rẩy, ngập ngừng, thiếu ý chí, dễ chiều theo ý người khác dù phải làm ngược lại các giá trị, tiêu chuẩn sống.
- Buồn sầu: tình cảm này diễn tả dưới những hình thức như chán nản, ngao ngán, thụ động, lười biếng, khép kín...
Nguồn gốc của tình cảm
Vết thương lòng (đã cắt nghĩa trong phần “Cơ cấu tâm linh sinh động”
Ý tưởng
- Tình cảm tức giận nảy sinh khi mình nhìn sự vật hay người khác như một chướng ngại vật.
- Tình cảm lo sợ sinh ra khi mình nghĩ đó là một nguy hiểm: nguy hiểm tính mạng; nguy hiểm mất danh dự, mất đồ vật, mất bạn bè; nguy hiểm không được người khác qúy mến và chấp nhận.
- Tình cảm buồn sầu sinh ra khi mất một điều mình cho là quí giá: mất sự vật, mất người thân hay bạn bè; mất danh thơm tiếng tốt, chức vụ hay một dự tính. Sự vật càng qúy báu, nỗi buồn càng sâu đậm.
Hành trình hòa giải nội tâm
Chặng 1: Khiêm nhượng nhìn nhận là mình có vấn đề
Chặng 2: Chấp nhận đau đớn
Chặng 3: "Mở nắp vung" nếu cần: theo định luật tâm lý, tình cảm khi bị dồn ép trong tiềm thức thì phá phách làm mất an bình, nếu đưa lên miền ý thức, chúng sẽ mất sức và ít ảnh hưởng đến nội tâm. Để đưa một tình cảm lên miền ý thức, cần có ba động tác:
- Không chối bỏ, không chạy trốn, nhưng khiêm nhượng nhìn nhận sự hiện hiện cả tình cảm đó, cho dù nó có làm cho xấu hổ đến đâu.
- Diễn tả tình cảm đó qua những ý tưởng cụ thể để nhận diện rõ ràng và gọi nó với tên của nó; chẳng hạn tức giận, ghen ghét, thù hằn...
- Tìm hiểu nguyên nhân của tình cảm đó: một ý tưởng hay một vết thương lòng.
Chặng 4: Cách nhìn mới: Một trong hai nguồn gốc căn bản của tình cảm là ý tưởng. Muốn thay đổi tình cảm, phải thay đổi ý tưởng.
Chặng 5: Nhìn với con mắt của Chúa: Vẫn theo định luật tâm lý nói trên, nếu biết nhìn với con mắt của Chúa thì sẽ thay đổi hoàn toàn tình cảm của mình (Ga 10,10-27; Lc 15,4-7).
Chặng 6: Sống trong lòng xác tín đức tin là được Chúa thương yêu vô điều kiện: Tình yêu hàn gắn, chữa lành tất cả. Khi một người cảm nghiệm là được thương yêu vô điều kiện, được say yêu thì tâm hồn được an bình ( Is 43,1-5; Is 49,15).
iii. Huấn luyện lại ý chí: tập quyết định và thực hiện điều đã quyết định. Ba điều cần để ý:
Suy nghĩ, bàn hỏi, cân nhắc hơn thiệt trước khi quyết định.
Bắt đầu bằng những điều nhỏ và dễ để từ từ tiến đến những quyết định khó và phức tạp hơn.
Cần phải có một qui luật sống và cố gắng sống theo qui luật ấy.
Đ.Ô. Đinh Đức Đạo
(Bài thuyết trình của Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo tại Đại hội Giáo lý X, ngày 12-14.06.2009, Baton Rouge, Louisiana)
I. Tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô
1. Đôi nét chấm phá về công việc truyền giáo của thánh Phaolô
2. Áp dụng vào đời sống và công tác tông đồ của giáo lý viên
3. Nhu cầu ưu tiên của Giáo Hội: một thế hệ tông đồ quả cảm và nhiệt thành
II. Thương yêu tha nhân
1. Tình yêu tha nhân nơi thánh Phaolô
2. Giáo lý viên theo mẫu gương thánh Phaolô
III. Lòng say mến Chúa Giêsu
1. Bí quyết lòng hăng say dấn thân truyền giáo của thánh Phaolô: lòng say mến Chúa Giêsu
2. Hành trình thanh luyện nội tâm, dõi theo tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô
Nhập đề
Với lòng qúi mến rất chân thành, tôi xin chào qúi Sơ và quí Anh Chị Giáo Lý Viên cùng với quí Cha Tuyên Úy. Có nhiều Sơ và Anh Chị tham gia công việc trong vườn nho của Chúa vào giờ thứ 9, người khác vào giờ thứ 12 hay vào lúc 3 giờ chiều. Nhưng tất cả cùng chung niềm vui và hân hạnh được Chúa mời gọi cộng tác trong việc thông truyền sứ điệp Tình Yêu của Người. Chúng ta cần trân trọng công tác đã lãnh nhận và cùng nhau cảm tạ Chúa.
Chúng ta đã bắt đầu Đại Hội bằng Thánh Lễ, cử hành mầu nhiệm tình yêu tuyệt hảo của Chúa, suối nguồn của cuộc đời và công việc của mỗi giáo lý viên. Chúng ta cầu xin để những ngày này là những ngày của ân phước, chảy xuống đầy tràn như một dòng suối cứ chan hòa chảy tràn lan khắp nơi, vào tận thâm cung thầm kín trong lòng mỗi người để gột rửa, tưới mát và biến đổi tâm hồn thành những thửa vườn mầu mỡ, làm cho mọc lên cây cối tươi xanh và đâm hoa nở trái cho thiên hạ được chiêm ngắm vẻ đẹp và thưởng thức hương thơm ngọt ngào của sự thánh thiện.
Nói về thánh Phaolô, các nhà chuyên môn nói đêm, nói ngày cũng không hết. Ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ đôi tâm tình thiêng liêng rất đơn sơ rút tỉa từ đời sống của thánh Phaolô. Xin quí Sơ và quí Anh Chị đón nhận như món quà trong tình thân, chứ không như lời nói uyên bác của các nhà chuyên môn. Tôi xin mượn lời của thánh Phaolô khi ngài nói với giáo đoàn Corintô: “Thưa anh chị em, khi tôi đến với anh chị em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa… Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh chị em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cor 2,1-5).
Cầu mong qua đôi lời chia sẻ của tôi, góp phần với những giờ học hỏi và chia sẻ do các chuyên viên hướng dẫn, được nâng đỡ bởi bầu khí linh thiêng của của các Thánh Lễ và những giờ cầu nguyện, mọi người sẽ hiểu sâu xa hơn các hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô để chiếu soi cho công tác giảng dạy giáo lý của mình và nhất là được bổ dưỡng tâm hồn, khơi lên niềm vui mừng và lòng hăng say thông truyền sứ điệp của Chúa cho mọi người.
Và bây giờ chúng ta sẽ tìm kiếm đôi yếu tố trong cuộc đời truyền giáo của thánh Phaolô để từ đó tìm ra một vài ánh sáng chiếu soi cho cuộc sống và công việc tông đồ của các giáo lý viên.
I. Tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô
1. Đôi nét chấm phá về công việc truyền giáo của thánh Phaolô
Khi nói đến công cuộc truyền giáo của thánh Phaolô, các nhà chuyên môn thường nói đến 3 hành trình truyền giáo. Hành trình I: năm 45 – 48; hành trình II: năm 49 – 51; hành trình III: năm 53 – 58. Thực ra, cả thời gian tù tội từ năm 58 và sau đó bị giải đến Roma và ở đó, chết tử đạo vào quãng năm 67/68, cũng phải coi là một hành trình dấn thân truyền giáo. Vì vậy, có thể nói là thánh Phaolô đã làm 4 hành trình truyền giáo. Ba hành trình đầu tiên, có thể tạm nói thánh Phaolô là người khởi xướng; hành hình truyền giáo thứ bốn là do chính Chúa Thánh Thần khởi xướng và chuẩn bị cho ngài để ngài dõi theo.
Lần theo vết chân truyền giáo của thánh Phaolô, chúng ta thấy có mấy điểm đặc trưng gợi chú ý. Thứ nhất là tâm hồn rộng mở, ôm ấp cả thế giới. Trên 20 năm truyền giáo, ngài bôn ba khắp vùng Địa Trung Hải, xuyên qua Á Châu, Trung Đông và Hy Lạp và sau cùng sang tận Roma, lúc đó là thủ đô Đế Quốc Roma và cũng là trung tâm thế giới. Đối với khả năng hiểu biết lúc đó, thánh Phaolô đúng là đã đi tới tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, đáp lại lời ký thác của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Người: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).
2. Áp dụng vào đời sống và công tác tông đồ của giáo lý viên
Dõi theo gương thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại, các giáo lý viên là môn đệ và tông đồ của Chúa hôm nay cũng cần mở lòng ôm ấp tất cả thế giới với con tim của Chúa Giêsu để chia sẻ niềm vui Tin Mừng với mọi người, nhất là những anh chị em chưa biết Chúa Giêsu. Đây là một công tác mênh mông, trời bể, vì những người chưa nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế còn là một đoàn lũ đông đảo, trên 4.500.000.000 người (xem biểu đồ). Anh chị em lương dân, thuộc nhiều thành phần khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, về chính kiến, về niềm tin, về tôn giáo, về học thức, về khả năng chuyên môn và kinh tế, và về thái độ đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội. Tất cả những người này, môn đệ của Chúa đều có sứ mệnh phải loan báo và truyền đạt niềm vui ơn cứu độ đến cho họ.
http://vietcatholic.net/pics/90624thongke.jpg
Đối với các giáo lý viên trong trách nhiệm dạy giáo lý tại các giáo xứ, ngoài những khó khăn của chính công tác dạy giáo lý, còn có những bận tâm của công ăn việc làm và những nhu cầu của gia đình hay cộng đoàn, nếu là nữ tu. Có lẽ thách đố truyền giáo đầu tiên đối với giáo lý viên là phải biết chu toàn công tác dạy giáo lý và các trách nhiệm khác, mà không để chúng gò bó tâm hồn đến độ không còn khả năng vươn lòng trí ra cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo Hội. Trái lại, chính trong khi lo lắng chu toàn những nhiệm vụ hằng ngày, vẫn còn biết ấp ủ tất cả thế giới trong lòng để thông truyền cho các em trong giờ dạy giáo lý hoặc cho những người thân yêu trong gia đình, giúp họ mở lòng vươn ra cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với anh chị em lương dân.
Trong những năm gần đây, Bản Tin các giáo phận bên Âu Mỹ liên tục đưa tin các giám mục quyết định đóng cửa nhà thờ. Sức sống của Giáo Hội mỗi ngày cứ co cụm lại và như đang dãy chết. Tình trạng này làm tôi nhớ lại cuốn sách “Love in action” đã đọc nhiều năm trước đây. Cuốn sách nói về Cộng đoàn Methodist tại Sydney bên Úc được thành lập năm 1812 và đã phát triển rất mạnh. Số giáo dân tăng thật nhanh. Cộng đoàn tổ chức nhiều sinh hoạt, nhiều công tác phục vụ và hai lần phải mua nhà thờ lớn hơn. Rồi xã hội thay đổi, giáo dân bỏ đi xa, di dân tới nên cộng đoàn rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Đến năm 1884, cộng đoàn chỉ còn 18 thành viên. Trong cuộc họp cuối năm, người ta tính bán nhà thờ và giải tán cộng đoàn. Nhưng trước khi bỏ phiếu quyết định, vị mục sư già có mặt lên tiếng đề nghị trước khi quyết định bán nhà thờ, xin tìm một mục sư trẻ có khả năng rao giảng Tin Mừng để làm sống lại cộng đoàn. Người ta đồng ý và mời mục sư W. G. Taylor. Mỗi Chúa nhật, thay vì ngồi trong nhà thờ chờ dân chúng và giam mình trong văn phòng làm việc bàn giấy, mục sư W. G. Taylor ra ngoài rao giảng Tin Mừng, tổ chức các buổi rước kiệu, tổ chức công tác phục vụ, mời gọi dân chúng nhập đạo… Một năm sau, thay vì nói đến việc bán nhà thờ vì không có giáo dân, người ta phải bàn tính mua một nhà thờ lớn hơn. Đến năm 1958, một lần nữa, hoàn cảnh kinh tế, xã hội thay đổi, cộng đoàn lại khủng hoảng lần nữa. Một mục sư khác, tên là Alan Walker, nhưng cũng với tinh thần truyền giáo, không những giữ vững cộng đoàn, mà còn làm cho phát triển thêm.
Nếu có được những giáo lý viên có tinh thần truyền giáo và hăm hở xông pha như hai mục sư W.G. Taylor và Alan Walker, chắc các giáo phận Âu Mỹ sẽ không phải tính truyện đóng cửa nhà thờ, mà phải mua nhà thờ lớn hơn, và còn có khả năng gửi người đi khắp năm châu, đem Tin Mừng của Chúa đến muôn dân.
a. Nhu cầu ưu tiên của Giáo Hội: một thế hệ tông đồ quả cảm và nhiệt thành
Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Giêsu và đem Tin Mừng của Người thấm nhuần vào mọi môi trường sống và làm việc, thực vô cùng khó khăn và phức tạp. Nhiệm vụ này đòi phải có những suy tư thần học mới, tìm những phương pháp mới và sử dụng những phương tiện tân tiến, thích hợp thời đại. Nhưng trước tiên, Giáo Hội cần có một thế hệ tông đồ, mới trong tinh thần và lòng nhiệt thành, dám dấn thân và sẵn sàng chịu đựng mọi thiệt thòi vì Chúa Giêsu và Tin Mừng để làm chứng cho Người và trình bày cho thế giới tiêu chuẩn và cách sống của Người. Giáo Hội không chỉ cần có nhiều giáo lý viên, nhưng cần những giáo lý viên hạnh phúc được là giáo lý viên và nhiệt thành, hăm hở đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người.
Loại tông đồ truyền giáo này, trong thời đại chúng ta đang sống cũng không thiếu. Có một khuôn mặt được nói đến nhiều trong thời gian gần đây. Đó là cha Pio Ngô Phúc Hậu. Tôi muốn ghi lại một kinh nghiệm truyền giáo ngài viết trong cuốn “Nhật Ký Truyền Giáo”:
Cà Mâu, Chúa nhật 17.8.1988:
Hôm nay mình bước lên giảng đài một cách hiên ngang hơn bao giờ hết. Mình dõng dạc tuyên bố: Năm nay chúng ta sẽ mừng ngày truyền giáo một cách long trọng.
1. Mỗi người lớn bé già trẻ đều mời bạn lương dân của mình đế dự lễ. Người lương dân tới thì người đạo nhường ghế ngay. Đạo đời hiểu nhau sẽ dễ dàng gây tình đoàn kết dân tộc.
2. Mỗi người hãy hỏi bạn lương dân xem họ thắc mắc điều gì và gửi thắc mắc đó cho cha sở biết trước để giải đáp trong thánh lễ.
3. Sau thánh lễ mỗi người hãy mời bạn lương dân của mình ghé quán hoặc về nhà liên hoan mặn nhạt tùy nghi. Yêu thương nhau thì phải ăn uống với nhau. Trong bữa liên hoan hãy hỏi xem bạn lương dân có cám tưởng gì về thánh lễ.
4. Để bạn lương dân khỏi bỡ ngỡ, nên nhắc họ:
- Đứng và ngồi như người công giáo cho vui.
- Nhưng khi người công giáo qùi, thì bạn lương dân cứ ngồi, vì qùi là cử chỉ thuần túy tôn giáo và dành cho người có niềm tin.
5. Mỗi gia đình hãy nhắc nhau cầu nguyện cho anh em lương dân sẽ tham dự thánh lễ truyền giáo. Nên noi gương Đức Gioan 23, xin trẻ em, ông bà già và người bệnh tật cầu nguyện tiếp vì lời cầu nguyện của họ đáng được Chúa chấp nhận hơn hết.
6. Nhà thờ phải được trang trí đẹp tối đa. Ca đoàn phải tập dượt để hát thật hay. Phụng vụ Giáo hôi được tổ chức chu đáo sẽ là bối cảnh thuận lợi đưa tâm hồn lương dân vào khung cảnh thần linh. Người lương dân sẽ cảm thấy đứng tim khi mọi ngườ cùng hát và bất ngờ mọi ngườ im lặng như tờ.
7. Chính Chúa Giêsu hiện diện trong thánh 1ễ sẽ đưa các tâm hồn lên với Chúa Cha. Ngài sẽ chinh phục các tâm hồn cứng cỏi mà ta không đủ sức chinh phục. Đó là kinh nghiệm của Philip. Philip hí hửng khoe với Natanaen rằng: “Tôi đã gặp Đấng mà Môsê và các tiên tri loan báo, đó là Đức Giêsu con ông Giuse, người làng Nadarét”. Natanaen cả cười làm Philip cụt hứng: “Ở Nadarét! Nadarét thì có gì hay ho đâu”. Bí lối, Philip chỉ còn biết trả lời: "Thì anh đến mà xem". Quả thật khi Natanaen đến gặp Chúa thì ông bị chinh phục ngay tức khắc.
Cà Mau, Chúa nhât 24.8.1988
Hôm nay mình bước lên giảng đài ủ rũ như con gà trống bị dầm mưa. Hết một tuần rồi mà chưa nhận được một lời thắc mắc nào của lương dân gửi tới. Chưa thấy người giáo dân nào mời bạn lương dân đi dự lễ ngày truyền giáo. Mình không giấu diếm nỗi thất vọng ngay trên giảng đài này, nơi mà cách đây một tuần mình đã hí hửng như con nít xách đèn trung thu đi dạo phố.
Phải có một kế hoạch cụ thể hơn nữa.
1. Phải tiếp xúc với một số người nồng cốt như giáo viên, công nhân viên bệnh viện... trao đổi với họ về cách thức mời lương dân, cách thức xin những câu thắc mắc và cách thức trao đổi trong bữa liên hoan.
2. Phải tiếp xúc ngay với một số người lớn tuổi, năng nổ để đốc thúc họ và nhờ họ đôn đốc bạn bè.
3. Phải nhờ các khu trưởng đến thăm những người bệnh hoạn tật nguyền để xin họ mỗi ngày lần một chuỗi Môi Khôi cho lương dân.
4. Cứ mỗi ngày Chúa nhật phải nhắc lại chương trình tổ chức lễ truyền giáo như một điệp khúc.
Cà Mau, Khánh nhật truyền giáo 1998
Chiều nay sân nhà thờ tấp nập khác thường. Người công giáo và không công giáo tay trong tay đi dạo xung quanh nhà thờ. Các bà các cô khoe những chiếc áo dài mới may, may để đi dự lễ.
Hôm nay mình không ngồi tòa, nên đi lượn khắp khuôn viên nhà thờ. Thấy mình, người giáo dân cười toe toét giới thiệu lia chia:
- Cha, bạn lương dân của con nè!
- Cha, đây là chị Năm, vợ của ông trưởng khóm. Chị Năm mới may áo dài để đi dự 1ễ đó.
- Ông cố, thằng bạn của con nó muốn theo đạo.
- Con xin giới thiệu với cha ông Tù Giỏi. Ông ngoại nhưng mến đạo lắm.
- Lễ xong, mời cha đi liên hoan với tụi con nghen!
- …
Chuông nhà thờ đổ hồi. Dòng người tràn vào nhà thờ như thác lũ. Bạn đạo dành chỗ cho bạn lương. Các bà phước, các ông bà trưởng khu lăng xăng đi tìm chỗ cho người lương dân đến trễ. Lâu lâu 1ại có một người đứng dậy nhường chỗ cho một người mới tới... Hết chỗ! Có những bàn tay giơ lên, lắc lắc tỏ vẻ thất vọng. Một bà phước dẫn theo hai người lương đến chỗ có hai chú nhí.
- Tụi con đứng dậy nhường chỗ cho người lương đi!
Thằng cu tí nhỏng mỏ cự nự:
- Đây là khách lương dân của con mà.
Bà phước đáp 1ại bằng nụ cười đắc chí:
- Vậy thì con cứ ngồi đó đi…
Đọc kinh nghiệm truyền giáo của cha Hậu thấy hay quá. Đúng là đồ đệ của thánh Phaolô, đầy nhiệt huyết, đem lại nhiều hứng khởi, chảy tràn lan sang giáo dân của ngài, cả mấy chú nhí cũng vui và hãnh diện đi mời bạn lương dân của mình đến dự lễ.
Thực ra, tại nhiều nước có dịp viếng thăm, tôi đã được gặp nhiều người, rất nhiều người đầy nhiệt huyết, tinh thần truyền giáo hăng say và quả cảm, nhưng ít được ai biết đến. Có lẽ vì việc viết lách, văn tự không đến đâu; sống nhiều, làm nhiều, dấn thân nhiều, nhưng nói ít, viết lách thì coi như không có, nên ít người biết đến họ và hiểu được lòng của họ. Nhưng có lẽ đấy cũng là chương trình Chúa Quan Phòng. Để chiếu sáng khắp không gian, cần đặt một vài ngọn đèn pha trên mái nhà, nhưng cũng cần rất nhiều các ngọn đèn nho nhỏ, nhiều cỡ, nhiều loại trong các căn phòng, dưới hầm cầu thang, và ngay cả dưới tầng hầm, nơi để đồ đạc ngổn ngang, đầy bụi bặm… Cả những nơi đó cũng cần có những ngọn đèn chiếu sáng!
Trong những năm tôi có bổn phận thăm viếng các cộng đoàn, các dòng tu, các phong trào, hội đoàn của chúng ta tại hải ngoại, và đôi lần trở về Quê Hương, tôi cũng gặp rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và nhiều giáo dân phục vụ ở nhiều lãnh vực khác nhau, có tâm hồn rất đáng cảm phục. Chúng ta cần khích lệ nhau sống kết hợp với Chúa, sống theo con đường của Chúa để loan báo và làm chứng cho Chúa.
Hai năm trước đây, tôi có dịp về thăm Quê Hương. Hôm đó đi với Đức Tổng Kiệt lên Lạng Sơn. Tôi đang đi dạo cuối nhà thờ, thấy có 2 ông và 1 bà đến. Đó là đôi vợ chồng và một người bạn của đôi vợ chồng. Tôi đang đứng nói truyện với họ thì ĐT Kiệt tới; ngài chỉ vào 3 người này và giới thiệu: “Ba ông bà này là cách mạng đấy. Bây giờ về hưu, trở lại, cả ngày chỉ đi truyền giáo thôi”. Tôi hỏi ba người: “Vậy bây giờ các ông bà thấy thế nào, có vui không?”. Người đàn bà nhanh miệng trả lời ngay: “Hạnh phúc nhất đời. Chúng con chẳng muốn gì hơn.” Trên mấy giáo phận miền Bắc, các bà, nhất là Dân Tộc, truyền giáo mạnh lắm. Các bà bảo: “Các ông ở nhà, để đàn bà chúng tôi đi truyền giáo cho. Các ông đi, thôi thì ăn, uống, lại còn hút nữa, mất giờ lắm. Đàn bà chúng tôi ăn ít, nói nhiều, chúng tôi truyền giáo cho”. Cứ cái gùi đeo trên lưng, các bà đi ngày đêm, đi khắp nơi. Đó là hình ảnh của thánh Phaolô. Đi và đi, không phải là đi chơi, nhưng là đi để gặp gỡ, để nối một nhịp cầu, để chia vui sẻ buồn với anh chị em, nhất là anh chị em lương dân và nói cho mọi người biết là có một niềm vui vượt trên mọi niềm vui. Đó là niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu, niềm vui của người đã tìm được viên bích ngọc, tìm được kho tàng quí báu chôn cất dưới đất (x. Mt 13:44-46).
Chúng ta cần học cách trân trọng, quí mến nhau để hun đúc cho nóng hơn, cho bừng sáng tinh thần truyền giáo. Lắm khi cũng không cần đi đâu xa cả. Có lẽ cũng vẫn đến những nơi thường đến, gặp những người vẫn thường gặp, nhưng bây giờ ra đi gặp gỡ mà mang trong lòng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu đễ thông truyền niềm vui, niềm an bình dào dạt trong lòng. Như vậy, các giáo lý viên sẽ là hiện thân của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Dù ở vị thế và hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể là những ngọn đèn chiếu sáng tâm hồn, đem an bình và niềm vui vào lòng người và vào môi trường sống, thứ an bình và niềm vui chỉ có Chúa mới ban cho được (x. Ga 14,27).
II. Thương yêu tha nhân
Trong hoạt động tông đồ truyền giáo, ba nguồn mạch có sức mạnh thúc đẩy và hướng dẫn thánh Phaolô là tình yêu say mến Chúa Giêsu, sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần và tình yêu sâu đậm đối với tha nhân. Bây giờ chúng ta nhìn qua sức mạnh thứ ba là tình yêu đối tha nhân.
1. Tình yêu tha nhân nơi thánh Phaolô
Đọc các thư của thánh Phaolô, ai cũng cảm thấy được đánh động bởi tâm tình của ngài đối với các cộng tác viên và ngay cả với những người mới quen biết. Chúng ta có thể đọc một vài đoạn trong các thư của ngài sau đây:
- “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.” (Fil 1,3-10).
- “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa, khi nhớ đến anh trong lời cầu nguyện, bởi được nghe nói về lòng mến và lòng tin của anh đối với Chúa Giê-su: lòng mến và lòng tin ấy có ích cho mọi người trong dân thánh. Chớ gì lòng tin mà anh chia sẻ với chúng tôi trở nên hữu hiệu, giúp anh hiểu biết tất cả những gì tốt chúng ta có thể làm để phục vụ Đức Ki-tô. Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi. Vì thế, mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều anh phải làm. Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tư nguyện. Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi. Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả... Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết điều này: tôi sẽ hoàn trả lại. Tôi khỏi cần nói với anh là anh còn mắc nợ tôi: món nợ đó là chính anh. Phải, thưa anh, xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Ki-tô. Tôi viết thư này cho anh với niềm tin tưởng là anh sẽ nghe theo. Tôi biết rằng anh sẽ còn làm hơn những gì tôi xin nữa. Đồng thời, xin anh dọn cho tôi một chỗ ở, bởi vì tôi hy vọng là nhờ lời anh em cầu nguyện, tôi sẽ được trở về với anh em. Anh Ê-pa-pha, người bạn tù với tôi trong Đức Ki-tô Giê-su, gửi lời chào anh, cùng với các cộng sự viên của tôi là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca. Cầu chúc anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô. A-men.” (Fm 4-20).
- “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng rúng động?” (2 Cor 11, 28-29).
- “Khi nào tôi sai anh A-tê-ma hay anh Ty-khi-cô đến với anh, thì hãy liệu mau đến với tôi ở Ni-cô-pô-li, vì tôi đã quyết định ở lại đó suốt mùa đông. Anh hãy lo tiễn đưa luật gia Dê-na và anh A-pô-lô cho chu đáo, đừng để họ phải thiếu thốn gì. Các anh em của chúng ta cũng phải học cho biết trổi vượt về những việc tốt đẹp, để đáp ứng những nhu cầu cấp bách; như vậy họ không phải là không sinh hoa kết quả.” (Tit 3,12-14).
- “Về việc quyên tiền giúp các thánh, tôi đã truyền dạy cho các Hội Thánh ở Ga-lát như thế nào, thì anh em cũng làm như vậy. Ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh em hãy để riêng ra những gì đã may mắn thu góp được, chứ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên. Khi tới, tôi sẽ cử những người được anh em chấp thuận đi Giê-ru-sa-lem, mang thư và quà anh em đã rộng rãi quyên tặng. Và nếu xét là tôi nên đi, thì họ sẽ cùng đi với tôi.” (1 Cor 16,1-4)
Qua mấy đoạn trích dẫn trên, chúng ta thấy một số đặc điểm trong tình yêu của thánh Phaolô như sau:
- Tâm tình thương yêu nơi thánh Phaolô rất người, nhưng đồng thời cũng rất thần thánh. Trong những liên hệ với tha nhân, thánh Phaolô có những câu nói, những diễn tả hết sức tình nghĩa, rất âu yếm, nhưng cũng hết sức siêu thoát. Hai yếu tố nhân loại và thần linh hòa lẫn vào nhau làm thành một thực tại và do đó, tình nghĩa không đọa ra tình cảm suông, cũng không chỉ là lịch sự và tình yêu thiêng liêng không biến ra trừu tượng, lơ lửng trên không.
- Tình yêu nơi thánh Phaolô vừa cụ thể, vừa phổ quát. Một đàng, ngài để ý đến nhu cầu của cộng đoàn và các cá nhân cụ thể, đàng khác ngài mở lòng ôm ấp tất cả mọi người, mọi cộng đoàn không phân biệt.
- Tình yêu không chỉ chú ý đáp ứng các nhu cầu, mà còn sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì người mình thương yêu nữa.
“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (2 Cor 1,3-6).
2. Giáo lý viên theo mẫu gương thánh Phaolô
Nhìn vào mẫu gương thánh Phaolô, nhiệm vụ giảng dạy giáo lý không chỉ đòi giáo lý viên hiểu biết giáo lý phải giảng giải, cắt nghĩa, mà còn đòi phải có khả năng thương yêu: thương yêu chính những người mình có bổn phận dạy dỗ, thương yêu Giáo Hội, thương yêu anh chị em lương dân. Đây là khả năng tuyệt vời Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đã phú bẩm vào lòng mỗi người. Do đó, con người ta, bất cứ thuộc chủng tộc, tôn giáo nào, khi sinh ra là khao khát thương yêu và được thương yêu. Tôi muốn đọc lại đây một kinh nghiệm yêu thương:
Đầu cá chốt, Cao Thị Ni - 16/01/2008:
Tôi nhớ rõ năm ấy ba tôi bị bệnh ho ra máu (còn bây giờ người ta gọi là lao phổi) tôi cũng chẳng biết bệnh đó có nguy hiểm không, có chết không, nhưng mỗi lần ba ho khạc ra máu là me lại khóc, thấy mẹ khóc rồi mấy chị em tôi cũng khóc theo. Ba bệnh lâu ngày không có tiền chạy thuốc, mẹ chỉ đâm lá thuốc nam cho ba uống nhưng không khỏi, ngày qua ngày ba càng ốm yếu xanh xao hơn, vì năm đó thuốc lao chưa xuống địa phương như bây giờ. Mẹ nghe hàng xóm bảo nếu muốn hết bệnh thì phải lo tiền đi bệnh viện Hồng Bàng ở Sài Gòn mới có thuốc trị. Mẹ nghe vậy quyết định bán hết mấy giạ lúa cuối cùng trong nhà cho ba làm lộ phí lên Sài Gòn trị bệnh, còn mẹ thì ở nhà lo ruộng rẫy và để chờ ngày ba tôi xuất viện trở về.
Tôi nhớ lúc ấy sáng ngày nào mẹ tôi cũng xách cái thau và cây cân ra chợ mua cá đi bán lại để kiếm tiền lời, và còn có cá cho các con ăn, đến trưa về nhà lúc nào mẹ cũng đem một mớ cá chốt, chớ chẳng có thứ cá nào ngon hơn. Mỗi lần mẹ làm cá tôi hay ngồi gần nhìn mẹ làm và hỏi: “Mẹ ơi sao làm cá chốt mẹ không chặt bỏ đầu, đầu xương không ăn sao được hả mẹ?” Mẹ tôi cười bảo: “Có ít cá mẹ hà tiện để đầu kho xong mình lấy đầu cho con chó con mèo ăn cũng đỡ con à”. Câu nói của mẹ, tôi cũng vô tình không để ý tới, mà thật sự ngày nào tôi đi học về, mẹ dọn cơm cho mấy chị em tôi ăn cũng cá chốt kho và dĩa rau luộc mẹ hái cạnh sau nhà, tôi chỉ biết ăn say sưa chớ chẳng để ý tới cá chốt kho như thế nào.
Vô tình một ngày nọ tôi được nghỉ hai tiết học cuối nên về nhà sớm hơn mọi ngay. Khi bước vào nhà, tôi tình cờ thấy mẹ tôi ngồi ăn cơm một mình với dĩa rau luộc và một chén cá kho toàn là đầu cá chốt. Thì ra bấy lâu nay mẹ ăn cơm trước, chỉ ăn đầu còn để dành khúc mình cho các con. Tôi đứng lặng trước mâm cơm của mẹ mà nghe nghèn nghẹn ở cổ, tôi chẳng nói được câu nào với mẹ chỉ sợ không cầm được giọt nước mắt. Như hiểu được ý tôi, mẹ bảo: “Ba con đang bị bệnh, mẹ con mình ở nhà phải ăn cần ở kiệm dành dụm tiền còn lo thuốc men cho ổng nữa con à, chừng nào ba con hết bệnh về làm có tiền thì nhà mình ăn sẽ ngon hơn”. Nghe mẹ nói tôi thấy mủi lòng rồi khóc như mưa.
Nhưng mẹ ơi những gịot nước mắt con rơi lúc ấy không phải buồn vì nhà mình nghèo, mình khổ mà vì con cảm thấy thương mẹ, thương nhất trên đời mẹ ơi, cả cuộc đời mẹ đã vì chồng vì con mà chẳng nghĩ đến bản thân mình, lúc ấy con chỉ biết thầm cầu trời khấn phật cho ba mau hết bệnh để về nhà cùng mẹ chung sức lo cho đàn con thơ dại.
Tôi xin viết những dòng chữ này gởi đến mẹ thân yêu như những lời cảm ơn mẹ đã vì chị em tôi mà cực khổ và chịu đựng hy sinh cả cuộc đời của mẹ, đến bây giờ tôi đã làm mẹ càng thấm thía hơn câu thơ của một nhà văn đã viết:
Biển cả mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Đến bao giờ các giáo lý viên mới yêu được các em mình dạy dỗ như bà mẹ trong câu truyện trên? Dĩ nhiên câu truyện trên nói đến kinh nghiệm tình máu mủ, mẹ con. Nhưng, trong mầu nhiệm cứu chuộc, Chúa đã thanh luyện tình yêu tự nhiên cho thêm tinh tuyền và còn ban ơn cứu chuộc để thánh hóa, làm cho tình yêu tự nhiên vươn lên để biết yêu như chính Chúa (Ga 13,34-35). Thánh Phaolô đã thương yêu các cộng tác viên, thương yêu các giáo đoàn, cả Giáo Hội và mọi người. Đó là những người chẳng có liên hệ máu mủ với ngài. Vậy mà ngài đã sẵn sàng và còn vui mừng chịu khổ vì họ, để họ được bổ dưỡng, được xây đắp. Đó là tấm gương cho các giáo lý viên.
“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24). Tình yêu đối với Giáo Hội, với các phần tử của Giáo Hội là một thách đố rất lớn đối với mọi người, dĩ nhiên cũng đối với các giáo lý viên. Giáo Hội đang gặp khó khăn trăm phần. Nhiều khó khăn đến từ bên ngoài. Xem như các sức mạnh của thế gian đang hợp lực đánh phá Giáo Hội, trên mọi trận tuyến. Nhưng trầm trọng hơn, có lẽ là những khó khăn phát xuất từ chính trong lòng Giáo Hội. Các lỡ lầm, yếu đuối của con cái Giáo Hội cứ lồ lộ trước mắt, mà nhiều khi cả những con cái ưu tú, được tuyển chọn nữa. Rồi tệ nạn chia rẽ, gièm pha, gây hoang mang, ngờ vực, tạo ra trăm bè bảy mối. Cứ như thể làm như vậy là trưởng thành, là công bằng, là yêu mến Giáo Hội. Người ta không có khả năng phân biệt ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận, cần phải có để thăng tiến và việc nói hành, nói xấu, và vu vạ cáo gian. Để phân biệt được sự khác biệt, cần phải có tinh thần khiêm nhượng và thành thực (honest) để nhận diện những tình cảm, những ý nghĩ thầm kín trong lòng mình và gọi chúng với chính tên của chúng. Nhiều lý do nói ra để biện minh thì hay lắm, nhưng lý do thực trong bụng thì có thể chỉ là ghen ghét hay tham vọng, lợi lộc.
Tình yêu đối với Giáo Hội đòi phải có tinh thần khách quan, tìm hiểu sự thật. Nếu thấy một phần tử của Giáo Hội bị oan, phải biết cảm thông nỗi đau khổ và bênh đỡ. Nếu thấy có tội, không đứng như kẻ ngoài cuộc mà tố khổ, nhưng phải biết lãnh trách nhiệm trong tình liên đới và nếu cần, cộng tác để đền trả các thiệt hại do sự yếu đuối của các phần tử của Giáo Hội gây ra, vì đây là Giáo Hội của tôi và đó là anh chị em của tôi. Tôi không phải là người ngoài cuộc, nhưng là anh em trong nhà. Đó là tâm tình của thánh Phaolô khi ngài viết cho giáo đoàn Colosê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24). Đó là mẫu sống của mỗi kitô hữu đích thực, nhất là kitô hữu đó lại là một giáo lý viên.
III. Lòng say mến Chúa Giêsu
1. Bí quyết lòng hăng say dấn thân truyền giáo của thánh Phaolô: lòng say mến Chúa Giêsu
Một điểm đặc biệt kéo sự chú ý của chúng ta là khi đã lãnh nhận sứ mệnh truyền giáo, thánh Phaolô lập tức lao mình đem Tin Mừng vào mọi môi trường. Chúng ta có thể nhận ra 4 môi trường khác nhau: môi trường đa chủng tộc và đa văn hóa (Tarso và Corintô); môi trường trí thức của văn hóa Hy Lạp (Athen); môi trường quyền lực (Roma); môi trường lao tù (Giêrusalem và Roma).
Ngoài ra, trên đường truyền giáo, thánh Phaolô đã gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Chúng ta có thể kể ra một số khó khăn chính sau đây:
- Những tranh luận, bàn cãi chung quanh việc cắt bì những người dân ngoại muốn tin theo Chúa Giêsu (Cv 15,1-12);
- Bất đồng ý kiến với tông đồ Barnaba liên quan đến việc cho môn đệ Marcô tham dự hành trình truyền giáo (Cv 15,36-40);
- Khó khăn, chông gai và nguy hiểm trên đường truyền giáo: “Vì có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào… Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: tôi phục vụ Đức Kitô còn hơn họ nữa!
Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đập ba mươi chín cú; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.” (2 Cor 11,18-27).
- Hoàn cảnh cô đơn, trơ trọi một mình đứng trước khó khăn thử thách, như ngài đã viết cho người môn đệ yêu quí của ngài: “Lần thứ nhất khi cha phải ra biện hộ trước tòa án, chẳng có ai bênh vực cha. Tất cả đều đã bỏ rơi cha. Con đừng chấp nhất với họ. Nhưng có Chúa ở bên cạnh cha, Người đã ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.” (2 Tm 4,16-17).
Cho dù gặp trăm ngàn khó khăn, nguy hiểm và chiến đấu với bao thử thách, thánh Phaolô không bao giờ nản chí, thay đổi mục đích hay than thân, trách phận; ngược lại, ngài luôn kiên trì dấn thân và còn biết biến khó khăn thành cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng. Đâu là bí quyết của ngài?
Bí quyết của Thánh Phaolô là sức mạnh nội tâm, kín múc từ 4 nguồn mạch: lòng say mến Chúa Giêsu; sự nhậy cảm và vâng lời tuyệt đối các tác động của Chúa Thánh Thần; tâm tình yêu mến Giáo Hội và, sau cùng, tình yêu sâu đậm đối với anh chị em lương dân. Chúng ta đã suy gẫm về tình yêu mến Giáo Hội và anh chị em lương dân. Bây giờ chúng ta tìm hiểu lòng say mến Chúa Giêsu nơi thánh Phaolô. Đây cũng là nguồn mạch chính yếu, làm nền tảng cho các nguồn mạch khác.
Thánh Phaolô không chỉ yêu mà say mến Chúa Giêsu. Đối với ngài, Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết để bàn cãi, hay chỉ là đối tượng để chiêm ngắm, nhưng là sự sống, là tiêu chuẩn hướng dẫn chọn lựa, là đối tượng phục vụ, là nguồn gợi hứng cho các hành động. Lòng say mến Chúa được diễn tả bằng nhiều cách.
a) Tâm tình của thánh Phaolô: để hiểu lòng say mến Chúa Giêsu, chúng ta chỉ cần nghe một vài tâm tư của ngài diễn tả trong các thư ngài gửi các giáo hữu của ngài:
- “Đối với tôi, sống chính là Chúa Kitô” (Pl 1,21)
- “Không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
- “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2Cor 5,14).
- “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng và phó thác hy vọng” (2 Tim 1,12).
- “Khi ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết điều gì khác, ngoài Chúa Giêsu Kitô, và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cor 2,2).
- “Trong khi người Do-thái đòi xem những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1,22-25).
- “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6,14).
b) Cách thức giới thiệu chính mình
Nhìn qua cách thức thánh Phaolô tự giới thiệu mình, chúng ta cũng có thể hiểu thêm tâm tình say mến Chúa Giêsu của ngài. Ngài là người Do Thái, dòng dõi nhóm Pharisêu, có quốc tịch Roma, tiến sĩ luật thuộc trường nổi tiếng nhất lúc đó. Tất cả những danh hiệu đó là lý do để tự hào, nhưng từ khi gặp được Chúa Giêsu, thánh Phaolô chỉ xưng mình là: tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, môn đệ của Chúa Kitô, đầy tớ của Chúa Kitô, đầy tớ của Thiên Chúa, tù nhân của Chúa Giêsu Kitô. Dù dưới danh hiệu nào, cũng vẫn là người thuộc về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là thẻ căn cước, là giấy thông hành định nghĩa căn tính của ngài. Trong lòng ngài, Chúa Giêsu sống động, là sức mạnh thúc đẩy, là lý do vì sao ngài chấp nhận hy sinh, chịu đựng hiểu lầm, khổ cực…
Đúng là một tâm hồn say mến Chúa Giêsu. Tôi muốn nói đến lòng say mến chứ không chỉ tình yêu, tình bạn. Một lúc người ta có thể yêu nhiều người, nhưng chỉ có thể say mê một người và những người mình yêu không ảnh hưởng hoàn toàn đến cuộc đời của mình, nhưng người mình say mê thì chi phối cuộc đời mình.
c) Sẵn sàng hy sinh vì Chúa Giêsu: “Tất cả vì Chúa và vì Tin Mừng của Ngài” (1Cor 9,23)
Lòng say mê Chúa Giêsu nơi thánh Phaolô không phải là thứ tình cảm suông hay những xúc động bồng bột trong đôi lúc nhất thời, nhưng là tình nghĩa thân thương, lòng cảm phục kính mến đến độ ngài đã sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa, để bảo vệ tình nghĩa với Chúa. Để hiểu tâm tình của thánh Phaolô, chúng ta có thể đọc lại một vài lời của ngài:
- “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đã chấp nhận mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3,7-11).
- “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật (Môsê), tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật (Môsê), dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Ki-tô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” (1Cor 9,19-23).
Điều đáng được chú ý ở đây là thánh Phaolô không chỉ sẵn sàng hy sinh, mà hy sinh TẤT CẢ vì Chúa Giêsu. Dâng hiến tất cả, dâng hiến trọn vẹn cho Chúa, không giữ lại một chút nào cho mình. Đây chính là bí quyết của lòng hăng say, của những kết quả truyền giáo của thánh Phaolô và cũng là cái khó cho những ai muốn dõi theo tinh thần của ngài. Yêu Chúa không khó, phục vụ Chúa không khó, hy sinh vì Chúa cũng không khó. Cái khó nằm ở chỗ, “yêu Chúa với tất cả con tim, tất cả tâm hồn, tất cả sức lực và tất cả trí khôn” (Lc 10,27), phục vụ chỉ duy mình Chúa thôi và do đó, chấp nhận mất tất cả vì Chúa (Pl 3,7-11). Điều đó không có nghĩa là khinh chê tất cả, nhưng là nhìn và chọn lựa tất cả dưới ánh sáng và trong mối tương quan với Chúa Giêsu và do đó, trân trọng tất cả một cách chân thực.
Trong thực tế, ít khi có giáo lý viên nào chống đối hay hoàn toàn chối bỏ Chúa. Cái khác giữa các giáo lý viên ở chỗ một giáo lý viên coi Chúa là một giá trị như trăm ngàn giá trị khác, còn giáo lý viên khác thì đặt Chúa Giêsu làm ưu tiên và qua đó chấp nhận và soi sáng tất cả các giá trị khác. Đó là trường hợp Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Ta có thể diễn tả sự khác biệt theo mô hình dưới đây.
http://vietcatholic.net/pics/90624dao1.jpg
Trong thời đại chúng ta, một khuôn mặt sáng ngời, lôi cuốn đông đảo dân chúng và cũng có thể nói là hình ảnh của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại, là ĐTC Gioan Phaolô II đáng kính. Suốt 26 năm trong sứ mệnh chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, ngài đã vượt trùng dương loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi tầng lớp. Chính cái chết của ngài cũng là một lời loan báo Chúa Giêsu một cách hùng hồn. Chắc chắn mọi người đã theo dõi đầy đủ các tin tức và hình ảnh chung quanh cái chết và Thánh Lễ an táng của ngài. Con xin được nhắc lại đây 4 sự kiện:
- Ngay sau khi ngài qua đời, không ai bảo ai, không ai tổ chức, tự nhiên dân chúng ùn ùn kéo về đền thờ Thánh Phêrô kính viếng thi hài của ngài. Người ta nói là có chừng 4 triệu người. Để có thể vào đền thờ, đi qua trước thi hài của ngài trong giây lát, người ta phải nối đuôi chờ đợi 12 giờ, hay có thể 14 giờ đồng hồ, chịu đựng ban ngày trời nóng, ban đêm khí hậu lạnh. Họ là mọi thứ bậc người: đàn ông, đàn bà, già, trẻ, lớn, bé; họ là các giáo hữu, con cái của Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng có nhiều người thuộc các giáo hội Chính Thống, Tin Lành và ngay cả các tín hữu của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, và có thể cũng có những người vô thần hoặc thù địch với Tin Mừng của Chúa…
- Hiện diện trong Thánh Lễ an táng, có đầy đủ thủ lãnh các quốc gia và của các tôn giáo. Họ xin đến chứ không phải được mời và họ phải ngồi ở hàng ghế đã được Toà Thánh xếp theo vần thứ tự tên các nước theo tiếng Pháp. Cho nên có sự kiện thủ lãnh các quốc gia kình địch với nhau ngồi bên nhau và cũng bắt tay chào hỏi nhau!
- Các hãng truyền hình đã đồng loạt loan báo tin tức về cái chết và các sự kiện diễn tiến sau khi ngài qua đời. Có những đài truyền hình phát hình 24/24 giờ một ngày.
- Cỗ quan tài gỗ trơn đơn sơ được đặt nằm ngay trên nền của công trường đền thờ Thánh Phêrô.
- Trong Thánh Lễ, tự nhiên có một cơn gió mạnh nổi lên, tư từ lật mở từng trang, từ đầu đến cuối cuốn Thánh Kinh đặt trên quan tài của ngài.
Cái chết của ĐTC Gioan Phaolô II là một lời loan báo hùng hồn và vĩ đại về Chúa Giêsu. Ngài đã lôi kéo bao nhiêu người, không phải chỉ những người về Roma, mà còn bao nhiêu người theo dõi tin tức và các lễ nghi qua các phương tiện truyền thông. Sức mạnh nào đã lôi kéo người ta, đoàn lũ đông đảo như vậy? Sức mạnh nào đã qui tụ được các thủ lãnh các quốc gia và đại diện các tôn giáo và có sức hoà giải tất cả như vậy?
Đây không thể là kết quả của sức người phàm, nhưng phải là sức mạnh linh thiêng của Thiên Chúa, có sức thúc đẩy, hàn gắn và qui tụ lòng người. Về phía ĐTC Gioan Phaolô II, ngài đã là một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Thiên Chúa, diễn tả qua khẩu hiệu của ngài: “Totus Tuus”. “Tất cả con là của Mẹ” và phần thứ II hiểu ngậm: “để tất cả con thuộc về Chúa Giêsu”. Yếu tố quan trọng ở đây nằm ở chữ “Totus”, có nghĩa là “tất cả”, ‘trọn vẹn”.
Cỗ quan tài bằng gỗ đơn sơ đặt trên nền công trường đền thờ Thánh Phêrô cũng kéo sự chú ý của nhiều người. Lý do không phải vì nói lên sự nghèo khó. Nghèo khó thì có gì mà hấp dẫn? Sức hấp dẫn nằm ở sự lựa chọn của ngài, là lý do của sự nghèo hèn đơn sơ: Ngài đã chọn duy chỉ mình Chúa, đã sống hoàn toàn cho Chúa và vì Chúa. Đúng là “Totus Tuus”. Chính vì thế, qua sự nghèo hèn và đơn sơ của ngài, Chúa đã thể hiện được tất cả sức mạnh của ơn thánh và tình yêu của Người.
Sự kiện cơn gió nổi lên, như thể một ngón tay từ từ lật giở từng trang, từ đầu đến cuối của cuốn Thánh Kinh đặt trên cỗ quan tài: có người cho đó là tình cờ, người khác cho đó là sự can thiệp trực tiếp của Chúa. Ai muốn cắt nghĩa theo chiều hướng nào tùy ý. Nhưng sự kiện đó có nói lên một điều quan trọng của cuộc đời thiêng liêng của ĐTC Gioan Phaolô II. Đó là ngài đã sống theo Tin Mừng; cuộc đời của ngài đã được thấm nhuần bằng Lời Chúa; ngài đã sống theo tất cả sứ điệp Ơn Cứu Độ. Đúng là “Totus Tuus”.
Sự kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một khía cạnh tế vi của tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Đó là sự dâng hiến tất cả cho Chúa không phải chỉ có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa và chịu thiệt thòi vì Chúa, mà còn có nghĩa là để cho lòng mình được thay đổi theo tinh thần của Chúa và mọi khía cạnh của con người mình đều được thấm nhuần bằng tinh thần của Chúa Giêsu để trở thành hương thơm của Người như lời ngài viết trong thư gửi giáo đoàn Corintô: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng cho chúng ta tham dự cuộc khải hoàn trong Chúa Kitô, và đã dùng chúng ta mà làm cho hương thơm của sự nhận biết Chúa Kitô lan toả khắp nơi trong thế giới. Thực vậy, chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.” (2Cor 2,14-15).
Trong lịch sử Giáo HộiViệt Nam đã có một giáo lý viên làm sống động lại tinh thần say mến Chúa Giêsu của thánh Phaolô. Đó là Thầy Giảng Anrê. Trở lại đạo lúc 15-16 tuổi. Sau đó gia nhập nhóm thầy giảng đầu tiên của cha Đắc Lộ. Đến năm 19 tuổi, Thầy bị bắt và sau đó được phúc Tử Đạo. Khi quan nghè Bộ dụ dỗ, đe dọa bắt Thầy bỏ đạo, Thầy trả lời: “Chúa Giêsu đã thương yêu tôi, đã chết vì tôi, làm sao tôi có thể chối bỏ Người? Tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống đáp trả mạng sống”. Và theo chứng từ của Cha Đắc Lộ và nhiều người có mặt khi Thầy chịu tử đạo, lúc đầu Thầy bị chém và đã ngả ra, người ta vẫn còn thấy nơi cổ họng Thầy phát ra 3 lần tên cực trọng: “Giêsu, Giêsu, Giêsu”. Bức hình vẽ đầu tiên cuộc tử đạo của Thầy đã diễn tả sự kiện này.
Ước chi trong hàng các giáo lý viên hôm nay, có nhiều người là hiện thân của thánh Phaolô, như Thầy Giảng Anrê Phú Yên, yêu mến Chúa Giêsu hết lòng và thấm nhuần tinh thần của Người nên làm lan tỏa hương thơm của Người để ướp thế gian. Gặp được một giáo lý viên là người ta ngửi được một mùi thơm ngào ngạt: “mùi Giêsu”.
d) Trung kiên rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng cho các giáo hữu đã tin theo Chúa, cũng như cho anh chị lương dân, thánh Phaolô đã không ngần ngại loan báo sứ điệp Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh; cho dù biết là người ta không muốn nghe, nhưng ngài vẫn loan báo. Chỉ khi say mến Chúa Giêsu, cảm nghiệm và xác tín là Chúa Giêsu là kho tàng quí báu và là viên bích ngọc (x. Mt 13,44-46), là nguồn sống của nhân loại, mới dám chèo ngược dòng nước và kiên trì trong sứ mệnh như thánh Phaolô đã làm. Ta có thể nghe đời lời tâm sự của thánh Phaolô:
- “Khi ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết điều gì khác, ngoài Chúa Giêsu Kitô, và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cor 2,2).
- “Trong khi người Do-thái đòi xem những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1,22-25).
Xem ra chúng ra đang sống trong môi trường văn hóa cũng tương tự như môi trường thánh Phaolô nói trong thư gửi giáo đoàn Corintô. Nhiều người cho sứ điệp Chúa Giêsu chịu đóng đinh nghe chói tai và có tính cách bi quan sầu thảm.
“Chói tai” thì có thể có, vì chúng ta đang sống trong một nền văn minh phản Thánh Giá. Có rất nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống đi ngược hoàn toàn với sứ điệp Thánh Giá, với lý tưởng trở thành Hy Lễ. Trào lưu tư tưởng và nếp sống đầu tiên là coi thành công, ích lợi, hiệu quả (tất cả phải đo lường được, phải nhìn thấy được) là tiêu chuẩn đánh giá các dự án, hoạt động và ngay cả giá trị con người.
Cách nghĩ và nếp sống thứ hai là tìm tiện nghi, thoải mái và đồng hóa thú vui với hạnh phúc. Về lý thuyết, người ta coi cuộc sống dễ dàng, thoải mái như lý tưởng và ngược lại, những khó khăn, hy sinh, đau khổ là bất nhân. Trong thực tế, cuộc sống dễ dãi không còn phải là giấc mơ mà là điều có thể thực hiện được nhờ phương tiện vật chất dồi dào, nhờ các phương pháp và dụng cụ do khoa học kỹ thuật cung cấp…
Trong bầu khí văn hóa và môi trường sống nói trên, không những người ta không chấp nhận những khó khăn, đau khổ khi xảy đến cho mình mà còn coi bất cứ đau khổ nào, ngay cả những đau khổ của Chúa Giêsu là vô ích, bất nhân. Cách suy nghĩ hôm nay đã thay đổi rất nhiều.
Nhưng nói sứ điệp Chúa Kitô chịu đóng đinh là bi quan, sầu thảm thì nhất định không phải, vì đây là diễn tả tình yêu tuyệt hảo hai chiều: đối với Chúa Cha và đối với nhân loại.
Đối với Chúa Cha: vâng lời tuyệt đối (tình yêu chung thủy), phó thác.
Đối với nhân loại: vẫn tiếp tục thương yêu, tha thứ cho dù không được thương yêu lại, hơn nữa, còn bị chà đạp bất công, bị xỉ nhục, bị tra tấn đau đớn vô ngàn; chấp nhận gánh chịu mọi hình phạt mà đáng lẽ loài người phải chịu để đền trả tội lỗi nhân loại.
Chúa Kitô chịu đóng đinh đúng là sức mạnh vô song của tình yêu thần linh và vì vậy Người đã biến Thánh Giá thành nguồn ơn cứu độ, đem lại sự an bình và niềm vui cho tâm hồn con người. Mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ là chúng ta nhắc lại cái chết bất công, nhục nhã của Chúa chúng ta, mà chúng ta không sầu thảm, không căm phẫn, thù hận những người đã chối bỏ Chúa, đã giết Chúa, mà ngược lại, trong lòng chúng ta cảm thấy phơi phới và cùng nhau hát “Vinh danh Thiên Chúa…”, “Alleluia”… Khi chúng ta cử hành lễ kính các thánh Tử Đạo, môn đệ của Chúa Kitô chịu đóng đinh, bầu khí cũng vui tươi như vậy. Như thế thì Chúa Kitô chịu đóng đinh đâu có gì là yếu đuối, là sầu thảm, bi quan, mà ngược lại, như thánh Phaolô nói, là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ cùng uống chén với Người:
Mc 10,38-40: “Các con không biết các con xin gì! Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: "Thưa được." Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, các con cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Thánh Phaolô cũng đã chấp nhận lời mời gọi này: “Giờ đây, được Thánh Thần Chúa thuyết phục và thúc đẩy, tôi lên Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi đi hết hành trình của tôi, chu toàn sứ vụ Chúa Giêsu đã phó thác nơi tôi, là làm chứng cho sứ điệp ân sủng của Thiên Chúa.” (Cv 20,22-24).
e) Biến khó khăn thành cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” (Ep 1,3-10).
Lá thư gửi giáo đoàn Ephêsô là lá thư thánh Phaolô viết trong tù ngục. Tù đầy là thời gian đầy đau khổ, nhục nhã và có thể gây ra chán nản và thất vọng, nhưng ngài đã không sờn lòng nản chí, hoặc buồn sầu trách móc, chửi rủa; ngược lại, ngài đã lợi dụng thời giờ và hoàn cảnh để viết thư khích lệ và hướng dẫn các giáo hữu và ngài bắt đầu bức thư bằng những lời chúc tụng. Ngài đã biến đau khổ thành lời chúc tụng và biến khó khăn thành cơ hội mới để loan truyền Tin Mừng.
Không ai không gặp khó khăn trong cuộc sống và trong nhiệm vụ dạy giáo lý, cộng tác với nhiều người, cũng sẽ có những lúc xảy ra khó khăn, không thực hiện được chương trình như dự tính và do đó, đôi tâm tình chán nản, bất mãn cũng có thể xuất hiện trong đầu óc. Lúc đó, nếu giáo lý viên biết theo gương thánh Phaolô biến đau khổ thành lời chúc tụng và biến khó khăn thành cơ hội mới để loan truyền Tin Mừng thì tâm tình và thái độ sẽ loan báo mầu nhiệm cứu chuộc (mầu nhiệm tử nạn và sống lại) của Chúa một các mạnh mẽ và xây đắp tâm hồn và cộng đoàn gắp trăm lần các bài giảng dạy uyên bác.
3. Hành trình thanh luyện nội tâm, dõi theo tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô
a) Mâu thuẫn giữa ước vọng say mến, phục vụ Chúa và thực tại của cuộc sống
Trong lòng con người có một sự giằng co, mâu thuẫn rất sâu đậm. Chính trong lúc muốn tôn thờ yêu mến Chúa, lại thấy nổi lên trong lòng một sức mạnh chống đối, từ khước Chúa. Nhiều khi không dám nói rõ ràng từ khước Chúa, nhưng bịt tai, giả vờ như không biết gì; chính trong lúc ao ước say mến, phục vụ Chúa và tha nhân, lại thấy nổi lên ước vọng danh giá, lợi lộc; chính trong lúc muốn thương yêu mọi người vô vị lợi, lại thấy lòng mình bực bội, ghét bỏ người nọ người kia nên ganh tị, dèm pha, nói xấu…
Mỗi người cảm thấy trong lòng một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác và rất nhiều khi sức mạnh của sự ác chiến thắng. Đó là kinh nghiệm sống thánh Phaolô nói trong thư gửi giáo đoàn Roma: “Điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm, trong khi tôi đi làm điều xấu tôi không muốn làm” (Rom 7,15).
b) Lý do
* Tội nguyên tổ
Hành trình dõi theo thánh Phaolô trong lòng say mến Chúa Giêsu, chúng ta phải nhìn với con mắt thực tế. Đó là hoàn cảnh của những người thừa hưởng một bản tính nhân loại đã bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ và những hậu quả của nó, gây ra một sự rạn nứt rất sâu sa trong lòng mỗi người. Đoạn sách Sáng Thế diễn tả những sự rạn nứt đó như sau:
“Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu? “ Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? “ Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế? “ Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” (St 3,1-13).
Đoạn sách Sáng Thế cho thấy, trong lòng mỗi người đã có mầm mống rạn nứt trong 4 mối liên hệ thiết yếu: với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ vạn vật và với chính mình. Do đó, để thực sự sống tình say mến Chúa Giêsu, cần phải dõi theo hành trình hòa giải 4 mối liên hệ để tìm lại sự an hòa nội tâm. Để nhìn và hiểu vấn đề cách rõ ràng hơn, chúng ta có thể cắt nghĩa sự rạn nứt sâu đậm trong nội tâm mỗi người theo hai mô hình dưới đây. Mô hình bên trái diễn tả tình trạng nội tâm an hòa trước tội nguyên tổ. Mô hình bên phải diễn tả tình trạng nội tâm rạn nứt sau tội nguyên tổ.
http://vietcatholic.net/pics/90624dao2.jpg
* Hoàn cảnh gia đình, học đường, môi trường sống trong thời thơ ấu và niên thiếu
- Vết thương lòng: sống với nhau là con người tội lỗi, ai cũng có những yếu đuối, thiếu sót và do đó, ghễ gây cho nhau những vết thương để lại tâm khảm và chi phối cuộc đời.
- Vai trò trong gia đình: tương quan cha mẹ - con cái; vợ - chồng; phái tính: con trai, con gái. Khi vì hoành cảnh, các vai trò bị lẫn lộn, người ta sẽ lẫn lộn hoặc mất căn tính và gây ra sự hỗn độn trong tâm lý.
- Hoàn cảnh, tình trạng đặc biệt của gia đình. Những hoàn cảnh hay tình trạng đặc biệt của gia đình để lại một dấu vết rất sâu đậm trong tâm khảm mỗi người. Cũng cần để ý là tuy hai gia đình cùng trải qua một hoàn cảnh tương tự, nhưng thái độ và phản ứng của các phần tử của hai gia đình có thể cũng rất khác nhau, tùy theo bầu khí sống và đường hướng giáo dục trong gia đình. Ví dụ hai gia đình cùng phải trải qua hoàn cảnh lầm than, nghèo đói, túng quẫn. Gia đình I luôn thủ thế, dè sẻn lo cho ngày mai; gia đình II, tìm cách hưởng thụ, vì “biết ngày mai thế nào?” Xuất thân từ gia đình I, người ta sẽ dễ hà tiện, dễ nhận mà khó cho; xuất thân từ gia đình II, người ta dễ phung phí, tiêu xài xả láng…
* Môi trường, xã hội, lịch sử tập thể
Anh hùng tạo thời thế nhưng thường thì thời thế tạo anh hùng. Mỗi người có thể ảnh hưởng đến xã hội, nhưng xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến mỗi cá nhân. Ngoài ra, còn những sức mạnh, tuy vô hình nhưng có một ảnh hưởng rất lớn trên cách suy nghĩ, thái độ, hành động của mỗi cá nhân: lịch sử, văn hóa của tập thể. Dưới đây là một số tâm thức văn hóa và trào lưu xã hội tân tiến hiện nay có thể trở thành chướng ngại vật, ngăn cản cuộc sống kitô của giáo lý viên:
- Coi danh dự (thể diện) cá nhân hay tập thể như một giá trị tuyệt đối hay ít nữa, giá trị quan trọng nhất.
- Tâm thức làng xóm, gia đình tạo được tinh thần liên đới sâu đậm giữa các phần tử, nhưng có thể gây khó khăn cho tinh thần trách nhiệm trong cộng đoàn và tình yêu phổ quát của giáo lý viên, môn đệ Chúa.
- Đề cao lý trí và biến nó thành giá trị tuyệt đối. Do đó, đánh giá con người theo bằng cấp…
- Đề cao nhân phẩm của mỗi cá nhân như tuyệt đối.
- Đồng hóa hạnh phúc với thoả mãn, khoái cảm, thoải mái.
- Đề cao thẩm mỹ, nghệ thuật tách rời khỏi tôn giáo và luân lý: nghệ thuật trỏ thành “đẹp mắt”, khích thích giác quan…
- Văn hóa thực dụng, hiệu quả, đánh mất giá trị biểu tượng
- Văn hóa và nếp sống chuyên môn và thành công trong nghề nghiệp gây chia rẽ, cạnh tranh nhau.
- Văn hóa đổi mới liên tục: "dùng và vất"
c) Hành trình mở lòng thắng lướt chướng ngại vật để đón nhận ơn Chúa, thay đổi con người của mình và thấm nhuần tinh thần của Chúa
* Cơ cấu tâm linh sinh động của con người
http://vietcatholic.net/pics/90624dao3.jpg
* Công tác thiêng liêng
i. Biến đổi các ý tưởng: suy niệm
Suy niệm đòi áp dụng 3 khả năng để suy niệm mầu nhiệm:
Trí nhớ: gợi lại sự hiểu biết về mầu nhiệm.
Lý trí: có 2 khả năng: suy nghĩ, lý luận và tưởng tượng. Cần dùng cả hai khả năng để hiểu thêm về mầu nhiệm và áp dụng vào cuộc sống để chiếu soi, thay đổi ý tưởng, tình cảm và thái độ, hành động.
Ý chí: chấp nhận sống theo những gì lý trí đã soi sáng.
ii. Hòa giải nội tâm: chữa lành các vết thương và hóa giải tình cảm
Nguyên nhân chính yếu làm mất an bình nội tâm và cản trở sống hạnh phúc và hiệp thông thì nhiều, nhưng nguyên nhân chính yếu và trầm trọng nhất là tình cảm. Các tình cảm nếu không được hóa giải, chúng sẽ tụ tập lại dày xéo tâm can và làm mất an bình nội tâm.
Các loại tình cảm chính yếu
Các tình cảm gây khốn khổ cho cuộc sống, cho chính mình và cho tha nhân, nhất là những người gần gũi thì nhiều, nhưng tựu trung có thể gom lại thành 3 loại chính:
- Tức giận: thứ tình cảm này biểu lộ dưới nhiều hình thức, tỉ dụ như bực tức, tránh lé, bất hợp tác, khinh miệt, nghi kỵ, loại trừ, bạo động, thù hằn...
- Lo sợ: tình cảm này diễn tả qua sự mất bình tĩnh, run rẩy, ngập ngừng, thiếu ý chí, dễ chiều theo ý người khác dù phải làm ngược lại các giá trị, tiêu chuẩn sống.
- Buồn sầu: tình cảm này diễn tả dưới những hình thức như chán nản, ngao ngán, thụ động, lười biếng, khép kín...
Nguồn gốc của tình cảm
Vết thương lòng (đã cắt nghĩa trong phần “Cơ cấu tâm linh sinh động”
Ý tưởng
- Tình cảm tức giận nảy sinh khi mình nhìn sự vật hay người khác như một chướng ngại vật.
- Tình cảm lo sợ sinh ra khi mình nghĩ đó là một nguy hiểm: nguy hiểm tính mạng; nguy hiểm mất danh dự, mất đồ vật, mất bạn bè; nguy hiểm không được người khác qúy mến và chấp nhận.
- Tình cảm buồn sầu sinh ra khi mất một điều mình cho là quí giá: mất sự vật, mất người thân hay bạn bè; mất danh thơm tiếng tốt, chức vụ hay một dự tính. Sự vật càng qúy báu, nỗi buồn càng sâu đậm.
Hành trình hòa giải nội tâm
Chặng 1: Khiêm nhượng nhìn nhận là mình có vấn đề
Chặng 2: Chấp nhận đau đớn
Chặng 3: "Mở nắp vung" nếu cần: theo định luật tâm lý, tình cảm khi bị dồn ép trong tiềm thức thì phá phách làm mất an bình, nếu đưa lên miền ý thức, chúng sẽ mất sức và ít ảnh hưởng đến nội tâm. Để đưa một tình cảm lên miền ý thức, cần có ba động tác:
- Không chối bỏ, không chạy trốn, nhưng khiêm nhượng nhìn nhận sự hiện hiện cả tình cảm đó, cho dù nó có làm cho xấu hổ đến đâu.
- Diễn tả tình cảm đó qua những ý tưởng cụ thể để nhận diện rõ ràng và gọi nó với tên của nó; chẳng hạn tức giận, ghen ghét, thù hằn...
- Tìm hiểu nguyên nhân của tình cảm đó: một ý tưởng hay một vết thương lòng.
Chặng 4: Cách nhìn mới: Một trong hai nguồn gốc căn bản của tình cảm là ý tưởng. Muốn thay đổi tình cảm, phải thay đổi ý tưởng.
Chặng 5: Nhìn với con mắt của Chúa: Vẫn theo định luật tâm lý nói trên, nếu biết nhìn với con mắt của Chúa thì sẽ thay đổi hoàn toàn tình cảm của mình (Ga 10,10-27; Lc 15,4-7).
Chặng 6: Sống trong lòng xác tín đức tin là được Chúa thương yêu vô điều kiện: Tình yêu hàn gắn, chữa lành tất cả. Khi một người cảm nghiệm là được thương yêu vô điều kiện, được say yêu thì tâm hồn được an bình ( Is 43,1-5; Is 49,15).
iii. Huấn luyện lại ý chí: tập quyết định và thực hiện điều đã quyết định. Ba điều cần để ý:
Suy nghĩ, bàn hỏi, cân nhắc hơn thiệt trước khi quyết định.
Bắt đầu bằng những điều nhỏ và dễ để từ từ tiến đến những quyết định khó và phức tạp hơn.
Cần phải có một qui luật sống và cố gắng sống theo qui luật ấy.
Đ.Ô. Đinh Đức Đạo