PDA

View Full Version : C - Chúa nhật XV Thường Niên (Lan Tỏa Ánh Sáng Tin Mừng )



Dan Lee
07-11-2009, 02:15 PM
LAN TOẢ ÁNH SÁNG TIN MỪNG ( Mc 6:7-13 )


=====================================



Định cư ở xứ người cho đến nay đã hơn một thập niên, tôi vẫn không sao quên được những kỷ niệm thuở nào sống thực tập mục vụ tại quê nhà đất Mẹ. Ngày ấy, giáo xứ vùng kinh tế mới quá nghèo nàn giản dị: nhà thờ chỉ toàn vách tranh với mái tôn rỉ sét, các cột kèo được cưa xẻ từ trong rừng mang về, một máy điện cũng không đủ tiền mua sắm, cha con sớm tối kinh nguyện lễ lạy trong đèn dầu ABC sáng tỏ.

Ngày nào cũng thế, khi bầu trời còn trong u tối, từng nhóm giáo dân lác đác thức dậy từ 3 giờ 30 sáng: họ lầm lũi đi từ cuối làng cách giáo đường khoảng 3 cây số, tay cầm chiếc đèn bão nho nhỏ, âm thầm vội đến nhà thờ dâng lễ đầu ngày. Miệng thì thầm lần hạt Mân Côi, chân bước nhanh thoăn thoắt trên con đường lầy lội, ai ai cũng nao nức mong gặp Chúa từng giờ. Bước vào nhà Chúa, mỗi người không ai bảo ai, họ giơ cao đèn dầu của mình cầm trong tay, treo vào các cột khắp nguyện đường. Một rừng ánh sáng toả lan giữa đêm trường khuya vắng. Nhà thờ vốn lặng lẽ u uất trước đó, bây giờ bổng rực sáng cả một gian nhà. Kinh nguyện râm ran, hồn thiêng bay vút, sức sống tuôn tràn.

Với phương thức “góp gió thành bão” vô tình ấy, Nhà Chúa dù lạnh lẽo tăm tối vì thiếu máy phát điện, nay cũng được sưởi nóng thắp sáng niềm tin nhờ sự “góp sức chung công” của từng chiếc đèn dầu của cụ ông cụ bà, của người già con trẻ. Cánh đồng nước Chúa còn rộng mở, Lời Chúa vẫn vang vọng bên tai: Ngài cần Amos vốn ở miền Nam xứ Giuđa, đi lên miền Bắc xứ Israel góp sức công bố sứ điệp của Chúa / Ngài cần Nhóm Mười Hai lên đường đi khắp nơi góp sức lan toả chân lý Nước Trời đến muôn dân.

Trăm ngọn đèn dầu, trăm ánh sáng bừng dậy. Sức sống Phúc Âm lan toả mọi nẻo đường.

A. Công cuộc lan toả sứ điệp của Chúa.


1. Bài Đọc I (Am 7:12-15) hôm nay cho ta thấy sứ vụ khó khăn của Amos khi Chúa sai tiên tri lên đường loan báo sứ điệp của Chúa. Thời ấy, đất nước Do Thái bị phân chia làm hai:
+ Miền Bắc (Israel) thịnh vượng trù phú với nền công, nông nghiệp phát triển. Dân chúng tuy dâng lễ vật tạ ơn kính Chúa ở Bêthel, nhưng sống nền luân lý suy đồi, gian lận ức hiếp lường gạt lẫn nhau. Tư tế Amasia đã bị thoái hoá: ông nịnh bợ Nhà Vua dám bỏ Chúa mà thờ thần Baal của lương dân.
+ Miền Nam (Giuđa) tuy nghèo nàn với nền kinh tế tương đối, nhưng họ luôn trung thành cùng Thiên Chúa, tuân giữ luật Ngài nghiêm minh. Amos đang chăn chiên và hái sung ở miền Nam, bất ngờ được Chúa sai đi ngược lên miền Bắc loan báo sứ điệp của Chúa. Amos công kích tệ nạn xấu xa của dân, vạch rõ sai sót của Nhà Vua, mời gọi họ sám hối ăn năn, nếu không sẽ bị Chúa giáng phạt. Nhà Vua bực tức, tư tế Amasia khó chịu, họ đồng thanh trục xuất Amos ra khỏi xứ sở Israel, trở về quê cũ xứ Giuđa mà nói tiên tri.

Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Amos chỉ biết lan toả sứ điệp của chính Chúa cho dân Israel,nhưng ông đã bị chối từ và xua đuổi. Họ đã khước từ đón nhận lời sự thật và công chính.

2. Bài Phúc Âm (Mc 6:7-13) tuần này cũng gợi lên trong ta một hình ảnh: Chúa ban lệnh lên đường cho Các Tông Đồ. Ngài sai họ đi từng hai người một, khích lệ các ông can đảm rao giảng Tin Mừng của Chúa, trợ lực các ông với vài đặc quyền hiếm có (chữa bệnh, trừ qủy…). Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn thử thách trên đường, nhưng lòng tín thác nơi Chúa Quan Phòng giúp họ vững tâm góp sức mình vào công cuộc xây dựng Nước Chúa giữa trần gian.

B. Chúa mời gọi ta góp sức, lan toả sứ điệp của Chúa.

1. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) kết thúc. Trong vết tích hoang tàn của chiến trường, người ta thấy có một ngôi nhà thờ Công Giáo bị thiệt hại nặng nề. Đạn hoả tiễn pháo kích đã làm mất tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đặt trước nhà thờ, giờ đây chỉ còn một cái bệ trơ trọi trống không đứng giữa trời. Sau một ngày tìm kiếm, cuối cùng Quân Đội Đồng Minh đã tìm được pho tượng bị bắn văng đi khá xa, nằm lẫn lộn trong đống gạch vụn gần đấy.

Bức tượng Trái Tim Cực Thánh Chúa vẫn còn nguyên vẹn, tiếc thay hai cánh tay Ngài đã bị nát hoàn toàn. Lực lượng Đồng Minh đề nghị nhà thờ cho phép họ chuyển tượng Chúa về Hoa Kỳ, để nhờ điêu khắc gia đại tài đắp lại 2 cánh tay đã mất. Linh mục chánh xứ từ chối, Ngài muốn đặt lại Tượng Thánh Tâm Chúa vào chỗ cũ. Trên bệ đá trơ trọi ấy, Cha Xứ viết một hàng chữ trước tượng Chúa: “Hãy cho ta mượn hai cánh tay của mỗi người chúng con”.

2. Một linh mục trẻ được Giám Mục Giáo Phận sai đi làm Quản Nhiệm một cộng đoàn Giáo Họ nhỏ bé, vỏn vẹn khoảng 150 giáo dân. Suốt tháng đầu tiên nhận nhiệm sở, vị tư tế của Chúa luôn băn khoăn và nhận thấy: nhân sự Cộng Đoàn khá khiêm tốn, dự lễ ngày thường xem ra lác đác có vài người, Ca Đoàn ít ca viên và không ai quen tập hát, đánh đàn giúp nhà thờ, Giúp Lễ thì thiếu trẻ nam phục vụ và phiền đến trẻ nữ thì bị phản ứng ngược, Cắm Hoa hàng tuần trang trí Phụng Vụ cũng chưa có người năng khiếu, Ban Hành Giáo Khu Họ thì người có người không, thậm chí dạy Việt Ngữ cuối tuần giúp con em duy trì văn hoá truyền thống cũng không có người thiện nguyện góp sức…Mọi sinh hoat sống Đạo tưởng chừng như muốn dậm chân tại chỗ.

Với những giờ nhiệm hiệp tâm sự bên Chúa tìm sức nâng đỡ, bằng sự thăm dò đàn anh kinh nghiệm, bằng sự thăm viếng từng gia đình giáo dân để lắng nghe và trao đổi, bằng tất cả nhiệt tâm trăn trở và kêu gọi tín hữu hàng tuần “Mỗi người là một cành hoa, cùng nhau về đây góp gió, làm thành vườn hoa ,muôn mầu muôn sắc tươi xinh. Mỗi người là một cành hoa, cùng nhau về đây góp gió, làm thành vườn hoa, vườn hoa vườn hoa chúng mình”, dần dần sinh hoạt Giáo Họ nhỏ bé ấy đã vươn cao, trở thành một thí điểm truyền giáo vững mạnh giữa vùng sông nước mênh mông.

Chúa đã cần một ngôn sứ lên miền Bắc rao giảng chấn hưng đạo lý: Amos xin có mặt.
Chúa đã cần một tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho dân ngoại: Phaolô mau đáp lời.
Chúa đã cần một vị lãnh đạo dân Chúa đưa dân Israel về Đất Hứa: Maisen vâng dạ OK.

Ngày qua ngày, Chúa luôn thao thức: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thí ít”. Ngài vẫn còn thiếu những cánh tay vươn ra góp sức vào cánh đồng Giáo Hội.Hãy cho Ngài mượn đôi tay của ta.

C. Sống trách nhiệm lan toả sứ điệp của Chúa.

Ngôn sứ là sứ giả loan báo, nói lời của Chúa cho muôn người nhận biết. Người làm ngôn sứ cần được Chúa tuyển chọn và sai đi, phải chăm lo việc Chúa hơn việc thế gian. Bởi thế, sống chu toàn ơn gọi Ngôn Sứ thật không dễ dàng và đơn giản.

1. Sứ mạng Ngôn Sứ không bình thường, cũng không thoải mái.


+ Phải nói sứ điệp của Chúa hơn là truyền bá tư tưởng riêng mình.
+ Lời Chúa luôn thẳng thắn rõ ràng, trong khi lời con người ưa xuyên tạc bóp méo theo chiều hướng ích lợi cá nhân.
Do đó, nói trung thực theo ý Chúa, dễ bị mất lòng tư lợi của con người, nhiều khi bị khinh miệt và xua đuổi.

Thí dụ: Êlia bị truy nã bởi Hoàng Hậu I-de-ven phải trốn lên núi Hô-rép (I V 19:1-8)

Amos bị dân miền Bắc khinh miệt, đuổi ông về miền Nam mà nói tiên tri ( Am 7:12-15)

2. Đời sống người rao giảng Lời Chúa thường khó khăn, thiếu thốn, phiêu lưu.
+ Lên đường đi rao giảng, không nặng nề vướng viú hành trang rườm rà ( Mc 6:8 ).
+ Trên đường rao giảng, không mải mê vui thú trần gian mà lãng quên sứ vụ (Lc 10:4)
+ Rao giảng nơi nào, chấp nhận cuộc sống lữ thứ, không cư trú cố định (Mc 6:10-11)
Vì vậy, để thành đạt cho trách nhiệm Lan Toả Sứ Điệp của Chúa, mỗi tâm hồn thiện chí cần :
- bám chặt, kết hiệp với Chúa thường xuyên (cầu nguyện, suy ngắm, viếng Thánh Thể, đón nhận Lời Chúa và Mình Chúa hàng ngày…)
- liên đới với tập thể hơn là sống tự mãn tài năng cá nhân (sống cho đàn chiên, kết đoàn với anh em đồng hướng, tuân theo hướng dẫn của Giáo Hội…)

D. Lời Nguyện kết thúc:


Lạy Chúa! Chúa luôn gọi mời con cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.
Con luôn ý thức rằng: một khi con đã nhận nhưng không thì phải biết cho nhưng không.
Xin giúp con sẵn sàng Mở Rộng Đôi Tay, góp sức tham gia vào mọi sinh hoạt tông đồ. Amen.



Rev.Dominic Dieu Tran, SDD