PDA

View Full Version : M - Mai kia sống với vầng trăng ấy



Dan Lee
07-12-2009, 07:24 PM
“Mai kia sống với vầng trăng ấy “

người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?
(dẫn từ thơ Du Tử Lê)

Mc 6: 30-34
Đành rằng, nhà thơ nay sống với vầng trăng ấy, có còn thương? Đương nhiên, là nhà Đạo khi xưa không chỉ thế. Đâu cứ là, ngàn năm mải nhớ một ngón tay. Vầng trăng hay bóng cây hôm nay, là khung cảnh lạnh vắng, chốn ngơi nghỉ. Nguyện cầu. Như trình thuật, nay nói đến.
Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô mô tả đồ đệ Chúa báo cáo với Thầy, về công tác các thánh đã làm. Tất cả, đều hân hoan, hãnh diện. Nhưng xem ra, ai cũng mệt. Mệt, về thể xác. Xơ xác, quên nguyện cầu. Thế nên, Thầy đã khuyên: “Anh em hãy lánh riêng ra, vào nơi hiu quạnh mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6: 30). Lời khuyên của Chúa, chứa đựng những hai điều:

1.Thầy Chí Ái, muốn các thánh có cơ hội ở nơi vắng lặng, mà suy tư nguyện cầu. Nguyện cầu, về kinh nghiệm từng trải, ngang qua công cuộc mục vụ. Vào nơi vắng lặng, còn là lời căn dặn Hội thánh gửi đến dân con mọi người, trong cuộc sống. Căn dặn, rằng: hãy để giờ ra mà nguyện cầu, dù chóng vánh. Về nguyện cầu, nhiều người vẫn nghĩ rằng: người Công giáo mình ít có thì giờ rảnh rỗi để nguyện cầu. Và, cũng ít sống đời tín hữu, chuyên chăm. Đạo đức.

2.Có thể, đồ đệ Chúa đang vui với với hoạt động mục vụ và cũng hơi bận về nhiều công chuyện. Nên, không nhớ mà tìm nơi hoang vắng, để nghỉ ngơi. Có thể, các thánh đang trầm ngâm chiêm suy tưởng cảnh đám đông dân chúng đang vây quanh, níu kéo. Cũng có thể, là các ngài mải chiêm niệm về quyền uy được Chúa phú ban. Và, đó cũng là lúc Chúa khuyên các ngài trở về với con người, của chính mình. Về, để suy tư/nghiềm ngẫm xem mình đã và đang làm gì. Về, để xét xem “quyền uy” đích thực từ đâu đến. Chính vì thế, “Thầy trò mới xuống thuyền đi đến một nơi hiu quạnh, biệt riêng ra." (Mc 6: 32)

Có lẽ, vì hôm ấy sức gió chuyển động mạnh làm thuyền đi chậm, nên dân con theo Chúa kịp đến
trước, mà ngồi chờ. Có lẽ, khi các thánh đưa thuyền cập bờ cập bến, đã thấy dân chúng ngồi đó chực chờ sẵn. Ở đây, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì về phản ứng của các tông đồ theo Chúa, hôm đó. Nhưng, xem ra các thánh cũng đà rất nản. Nản, vì mệt đã đành. Nản, còn vì thời gian để nghỉ, nay luột mất. Cũng có thể, vài vị tông đồ thánh, đã chụp lấy cơ hội để biểu tỏ quyền uy Chúa cho. Quyền trừ quỷ. Quyền chữa lành. Có thể, chán nản là tâm tình của các thánh đã tác động lên Thầy, cũng không chừng.

Nhìn chúng dân đông đảo kéo đến để được nghe, Chúa đã “chạnh lòng thương”. Chạnh lòng ở đây, là ngôn từ thánh Mác-cô sử dụng để mô tả niềm xúc động cực mạnh của Chúa, xuất từ đáy lòng Ngài. Chạnh lòng, còn là tâm tình Chúa tỏ lộ cho đoàn người “như bầy chiên không kẻ chăn dắt”.

Và, thánh sử viết tiếp: “Và, Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6: 34). Ở đoạn khác, người đến nghe Chúa dạy, vẫn bám víu vào Lời Ngài nói. Lời Ngài nói, có cường độ và uy lực, mà ít ai có kinh nghiệm từng trải. Ở những đoạn tiếp theo, người người sẽ còn thấy Chúa “chạnh lòng thương” bằng nhiều cách. Bằng vào cách phân phát thực phẩm nuôi sống hằng ngày. Tất cả đều được Chúa bộc lộ, để chỉ về Tiệc Thánh Thể, Chúa thiết lập. Tiệc sẻ san Lời của Chúa. Tiệc ban phát, những cá và bánh.

Còn một điểm ta cần minh định ngay ở đây, rằng: Đức Giêsu không phải là người ghiền say làm việc. Đến độ quên sống, quên chết. Ngài cũng chẳng là Đấng truyền rao Tin Mừng, gượng gạo. Nhưng, đây là dịp để ta thấy rằng Ngài luôn mau mắn đáp ứng nhu cầu không lường trước, của chúng dân. Đây, còn là lúc giúp ta hiểu rằng: Chúa quyết định mọi việc, đúng thời điểm. Đúng việc Ngài muốn. Chẳng bao giờ ta thấy Ngài gượng gạo làm những việc mà Ngài không muốn.
Và, cũng chẳng ai thấy Ngài đối xử một cách gượng ép với những người đang có nhu cầu cần thiết.

Nói cách khác, Ngài chẳng bao giờ từ chối một ai, khi họ khẩn cầu Ngài ra tay giúp giùm. Tin Mừng các thánh ghi lại, đều cho thấy Chúa vào nơi hoang vắng, ở riêng mình. Dù, đám đông quần chúng có níu kéo, quyết van nài cho bằng được.

Mặt khác, Đức Giêsu chẳng bao giờ bị gò bó, trói buộc vào với đòi hỏi của mọi người. Chẳng bao giờ Ngài hành động để mưu tìm lợi ích cho riêng ai. Ngài không đánh bóng thiên tính của Ngài. Nhưng, khi đáp ứng nhu cầu của quần chúng, không có nghĩa là Ngài thuận theo đòi hỏi, hoặc ước vọng của riêng ai. Chí ít, là những ước vọng không kể gì đến phẩm cách con người. Chúa đối xử với mọi người hoàn toàn theo tính tự do. Ngài hành động cho công bình. Sự thật. Có lòng thương xót, với mọi người.

Chúa sai phái đồ đệ đi khắp nơi để giảng rao Tin Mừng và chữa lành, tức là sai phái cả ta nữa để mọi người cũng sẽ làm các công việc như thế. Nhìn về góc cạnh nào đó, chúng ta nên hiểu mình cũng là mục tử, được Chúa sai đi. Sai, như Ngài đã sai các tông đồ làm công việc mục vụ. Trong đó có cả Giáo Hoàng, Giám Mục, linh mục, hoặc các giáo dân. Mỗi người, đều rất cần. Mỗi vai trò, đều mang tính chất tông đồ, mục vụ. Của kẻ chăn. Của mục tử.
Bài đọc 1, ngôn sứ Giê-rê-mia đã có những lời rất mạnh bạo với các kẻ chăn không giữ đúng vai trò/trọng trách của mình. Những người cứ để mặc chiên đàn bé nhỏ chạy tứ tán. Thất lạc. Rời rạc. Thời buổi trước, các ngôn sứ có lời lẽ rất mạnh đối với lãnh tụ tôn giáo. Thời của Chúa, Đức Giêsu đã cực lực lên án các lãnh tụ phe nhóm/giáo hội mà Ngài gọi là “bọn giả hình”. Là, “mồ mả tô vôi” đội lốt mục tử. Là, đám chuyên trút gánh nặng lên đầu người khác. Và, không có thói quen giúp đỡ dân lành. Vô tội.

Thời này, ta nguyện cầu cho Hội thánh Chúa có nhiều mục tử làm việc có trách nhiệm. Có hiệu quả. Có lòng xót thương, với chiên ràn. Bơ vơ. Vô tội. Nay, là lúc ta không quên nguyện cầu cho các vị làm đầu ở địa hạt khác. Cầu cho các bậc cha mẹ/thày cô/giáo chức, để tất cả, bằng cách này cách khác, biết lãnh nhận trọng trách tạo trách nhiệm yêu thương/giùm giúp cho nhau. Cho mọi người. Kẻ chăn tốt bụng/mục tử hiền lành/thủ lãnh chuyên chăm, nhất nhất đều phải là những vị biết đoàn kết, hết mọi người. Các vị không bao giờ tìm cách rẽ chia thành phần mọi giới, trong cộng đoàn.

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói: Đức Giêsu nối kết người Do Thái với dân ngoại, là để tất cả chúng ta cùng nhau tạo thành gia đình thân thương. Đầm ấm. Thánh nhân quyết bẻ gẫy mọi rào cản gây phân rẽ các thành phần dân Chúa, trong cộng đoàn. Thánh nhân dùng hình ảnh bức tường ngăn cách, của đền thờ. Quả thật, Đền Thờ là công trình xây cất có nhiều tường. Mỗi bức tường, làm thành rào cản ngăn cách, hạn chế mọi kết đoàn. Hoà hợp. Bên ngoài tường, nhiều người không thể đến được. Có tường, chỉ dành cho dân ngoại. Có tường, cho phụ nữ. Có tường cho đàn ông thanh niên. Có tường chỉ để cho các vị mục tử. Thậm chí, có tường còn cản ngăn không để ta đến được với Đấng Thánh ở trên cao. Nơi, dành cho vị Thượng tế cao vút, mỗi năm chỉ một lần.

Bằng vào cái chết trên thập tự, Đức Giêsu đã phá bỏ mọi tường rào phân chia, ngăn cách. Tường, của hờn căm. Chia rẽ. Bằng vào việc sống lại, Ngài tạo ra Con Người Mới. Và, gia đình mới. Gia đình, không dựa trên máu mủ. Chủng tộc. Cũng không dựa vào dân tộc tính. Giới tính. Giai cấp. Ngài phá huỷ mọi tường thành ngăn cách. Tức, tường rào chỉ nhằm phân cách/rẽ chia nhóm này với nhóm khác.

Giáo huấn của Đức Giêsu nhằm đạt đến cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Cả nam lẫn nữ. Cả người công chính, lẫn phạm nhân. Nô lệ lẫn tự do. Người tật bệnh, lẫn kẻ lành lặn. Ngài gọi mời tất cả mọi người chúng ta hãy về cùng một gia đình. Gia đình của Ngài. Gia đình, có Chúa Cha. Ở đó, tất cả thành viên đều là anh em, chị em với nhau. Rẽ chia, là tà thần/ác quỷ chỉ chực ngăn chặn mọi người đến với nhau, trong chung sống. An bình. Hạnh phúc. Rẽ chia, là kẻ thù ngăn chặn ý định của Chúa, muốn thu thập mọi người về với gia đình. Với Thân Mình của Chúa.

Điều mọi người trong gia đình/Thân Mình của Chúa cần làm, là phải nói tốt cho nhau. Nói tốt về các Giám mục/linh mục. Về cha mẹ hoặc mọi thành viên trong gia đình, những người chuyên tạo bình an. Phá bỏ mọi rào cản. Mọi yếu tố rẽ chia. Tất cả, phải đem mọi người về lại với nhau trong tình thương. Qua Đức Giêsu. Nhờ Đức Giêsu. Vì, tất cả đều có cùng con đường. Cùng một Thần Khí. Để đến với Cha, như đoạn cuối bài đọc 2, đã nhắc nhớ.

Trong chiều hướng nối kết mọi người về chung cùng nhà, ta cứ vui lên mà ca hát. Hát rằng:
“Người yêu ơi anh muốn nói
Ngày nào còn tình yêu lứa đôi,
thì em ơi em hãy nhớ,
phải sớt chia hạnh phúc cho đời!”

(Lê Hựu Hà – Lời Trái Tim Muốn Nói)
Chính đó, là lời của trái tim. Lời nhắn nhủ, ta “sớt chia hạnh phúc” cho đời. Cho mọi người.

Lm Phan Đỗ Thục Linh