PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật XVII là Chúa Nhật (phép lạ bánh hóa nhiều.)



Dan Lee
07-23-2009, 05:39 PM
Chúa Nhật XVII là Chúa Nhật phép lạ bánh hóa nhiều.


2V 4: 42-44

Phép lạ bánh hóa nhiều đã là cử chỉ của ngôn sứ Ê-li-sa vào thờii kỳ đói kém ở miền Pha-lệ-tinh, vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên. Số người được thụ hưởng thành quả phép lạ thì khiêm tốn.

Ga 6: 1-15

Phép lạ bánh hóa nhiều là cử chỉ của Đức Giê-su cho đông đảo dân chúng ăn thỏa thích mà trước đó Ngài đã nuôi dưỡng bằng lời của Ngài. Cử chỉ nầy tiên báo “ân ban bánh ban sự sống”.

Ep 4: 1-6

Ở Bài Đọc II, chúng ta đọc trong thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô lời tuyên xưng đức tin theo đó thánh Phao-lô ca ngợi sự hiệp nhất của các tín hữu theo hình ảnh của sự hiệp nhất Thiên Chúa: chỉ có một thân thể, một Thánh Thần, một Đức Chúa, một niềm tin, một phép rửa.

BÀI ĐỌC I (2V 4: 42-44)

Ngôn sứ Ê-li-sa, đồ đệ và người đồng hành trung thành của ngôn sứ Ê-li-a. Ông đã tiếp tục sự nghiệp của ngôn sứ Ê-li-a và sống vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên trong vương quốc phương Bắc. Ông thi hành thừa tác vụ của mình chủ yếu dưới triều đại vua Giô-ram (852-841 B.C.).

Sách Các Vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai, sưu tập những tiểu sử vương triều (19 vua Ít-ra-en và 20 vua Giu-đa), dành một chỗ lớn cho vai trò của các ngôn sứ. Vai trò tôn giáo: họ là những người bảo vệ phụng tự tinh tuyền của Đức Chúa; họ tố cáo những nhiễm uế của dân ngoại và tất cả hình thức thờ ngẫu tượng; vai trò luân lý: họ lên tiếng chống lại bạo lực và bất công xã hội; vai trò chính trị: họ là những nhà cải cách các triều đại thối nát.

Trong số các tác phẩm Cựu Ước, hai sách Các Vua là những cuốn sách chứa đựng nhiều giai thoại ý nhị nhất, những chuyện tích về các nhân vật như chuyện thật người thật.
Ngôn sứ Ê-li-sa xuất hiện ở đây một chân dung kém huyền nhiệm hơn chân dung ngôn sứ Ê-li-a. Ông gần với người phàm hơn, dù ông không phải kém thần thông biến hóa.

1. Thời kỳ đói kém.

“Hồi ấy, trong miền có nạn đói”. Sự cố nầy không phải là hi hữu. Cựu Ước nhiều lần trích dẫn những trường hợp đói kém ở miền Pha-lê-tinh; chính vì lý do đó mà ông Áp-ra-ham xuống Ai-cập và sau nầy các anh em ông Giu-se đi xuống đất nước của các Pha-ra-on. Đôi khi nhiều năm hạn hán liên tục. Sách Sa-mu-en trích dẫn một nạn đói kéo dài ba năm, và sách Các Vua quyển thứ hai kể lại một nạn đói khác kéo dài bảy năm. Có lẽ vào lúc diễn ra nạn đói này mà câu chuyện của chúng ta được định vị.

“Có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem biếu ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, sản phẩm đầu mùa…”. Đây là của lễ đầu mùa. Vào đầu mùa thu hoạch, người ta trích ra một phần để biếu cho các tư tế hay “những người của Thiên Chúa”, tức “các ngôn sứ”. Sách Lê-vi viết: “Cho đến chính ngày đó, khi các ngươi mang lễ phẩm của Thiên Chúa các ngươi đến, các ngươi không được ăn bánh, ăn gié lúa rang và hột lúa mới” (Lv 23: 14).
Chúng ta lưu ý rằng mối quan tâm của chuyện tích nầy rõ ràng tập trung vào phép lạ nên truyền thống đã không lưu giữ tên của người biếu tặng vật: “có một người”; cũng không cho biết địa danh biến cố đã xảy ra nhưng chỉ nói trống “trong miền”.

2. Quà tặng của tấm lòng biết chia sẻ:

Vị ngôn sứ chia sẻ ngay tức khắc những quà biếu cho mình và những quà biếu nầy sẽ hóa nhiều. Quà tặng nầy được biếu cho ngôn sứ Ê-li-a: qua cử chỉ của vị ngôn sứ của Ngài, chính Thiên Chúa làm cho tặng phẩm phàm nhân trở nên phong phú. Chính đó là cách thức mà Thiên Chúa thường sử dụng.

Chuyện tích về ngôn sứ Ê-li-sa làm phép lạ bánh hóa nhiều từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch có nhiều điểm tương đồng với những bản văn của các sách Tin Mừng tường thuật Đức Giê-su làm phép lạ bánh hóa nhiều từ năm chiếc bánh lúa mạch.

- Ngôn sứ Ê-li-sa bảo: “Hãy cho người ta ăn”. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6: 37; Mt 14: 16; Lc 9: 13).

- Đầy tớ của vị ngôn sứ thưa: “Có bằng nầy, thì làm sao con có thể cho cả trăm người ăn được?”. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su thưa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy thì thấm vào đâu !” (Ga 6: 9).

- Vị ngôn sứ nói: “Cứ cho người ta ăn ! Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Các thánh ký viết: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẫu bánh được mười hai thúng đầy”.

“Cả trăm người” được hưởng thành quả của phép lạ nầy nầy là ai? Những người đồng hành của vị ngôn sứ và chắc chắn những người khác nữa. Cách nói “cả trăm người” hiển nhiên là biểu tượng, theo nghĩa “rất đông người”. Ngôn sứ Ê-li-sa làm no thỏa nhu cầu của những người túng thiếu vật chất. Quả thật, Đức Giê-su cũng vậy làm mãn nguyện nhu cầu thể lý của đám đông đang mệt và đói, nhưng cử chỉ của Ngài chất chứa biết bao ý nghĩa: Ngài là “dấu chỉ”, dấu chỉ của chiếc bánh khác, “chiếc bánh ban sự sống”: “Chính tôi là bánh ban sự sống. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ !” (Ga 6: 35).

BÀI ĐỌC II (Ep 4: 1-6)

Bản văn nầy chúng ta đã đọc rồi vào ngày lễ Thăng Thiên, với đoạn trích dẫn dài hơn (Ep 4: 1-13).

Xin nhắc lại rằng sau khi đã trình bày thần học liên quan đến mầu nhiệm cứu độ và Giáo Hội, thân thể của Đức Ki tô, thánh Phao-lô gởi đến các tín hữu của mình những lời khuyên bảo luân lý. Nhờ máu của Đức Ki tô đổ ra, người Do thái và lương dân trở nên một dân duy nhất, vì thế, mỗi tín hữu phải ra sức hiệp nhất với nhau.

Về phần chú giải đoạn thư nầy, tôi xin lấy lại ở Bài Đọc II Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên năm B.
Thánh Phao-lô đã viết thư gởi cho các tín hữu Ê-phê-sô khi thánh nhân bị cầm tù ở Rô-ma vào những năm 61-63.

Lời chào của bức thư nầy rất tổng quát gởi đến “các tín hữu trong Đức Giê-su Ki tô”, điều nầy khiến nghĩ rằng bức thư nầy nhằm lưu chuyển giữa các cộng đoàn (các cộng đoàn khác miền Tiểu Á).

Bức thư được chia thành hai phần: phần thứ nhất về đạo lý và phần thứ hai về luân lý và khích lệ. Phần thứ hai được liên kết chặc chẽ với phần thứ nhất như một phần bất khả phân. Đoạn trích hôm nay là đoạn mở đầu của phần thứ hai.

1. “Tôi là người đang bị tù vì Chúa”.

Để tăng thêm sức mạnh cho những lời khích lệ của mình, thánh Phao-lô trước tiên nhắc nhở rằng ngài đang bị giam cầm, như vậy thánh nhân muốn nói rằng ngài không chỉ là vị tông đồ giảng dạy, nhưng còn là một nhân chứng chịu thương chịu khó vì Đức Ki tô.

Trong phần thứ nhất về đạo lý, thánh Phao-lô đã chú tâm trình bày “mầu nhiệm cứu độ” như thánh nhân đã được chính Đức Ki tô mặc khải và truyền cho thánh nhân truyền đạt lại cho Giáo Hội của Ngài: trong kế hoạch của Thiên Chúa, mọi người, dù Do thái hay lương dân, đều được mời gọi hưởng nhận cùng một ơn cứu độ.

2. Ơn gọi làm người Ki tô hữu.

Vì thế, thánh nhân nhắc nhở với hết mọi người Ki tô hữu, dù họ xuất thân từ đâu, hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho họ.

Thánh nhân khuyến khích họ hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Chúng ta ghi nhận rằng thánh nhân đã đặt lên hàng đầu những nhân đức mà chính Đức Giê-su trở thành mẫu gương: “Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Đoạn thánh nhân mời gọi họ hãy hiệp nhất với nhau qua việc “ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau”. Trước đó, thánh nhân đã gợi lên sự bình an mà Đức Giê-su mang lại: “Thật vậy, chính Người là sự bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tương ngăn cách là sự thù ghét” (2: 14).

Lời kêu gọi “sống thuận hòa với nhau” không là nét đặc thù trong các thư của thánh Phao-lô. Việc chung sống giữa những người Ki tô hữu gốc Do thái và những người Ki tô gốc lương dân đã là vấn đề trong lòng Giáo Hội tiên khởi.

3. Lời tuyên xưng đức tin.

Đoạn, trong một niềm hưng phấn, thánh Phao-lô công bố lời tuyên xưng đức tin được xoay quanh chủ đề duy nhất: chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, vân vân.

Công thức nguyên thủy có thể là một lời công bố phụng vụ mà những người chịu phép rửa công bố khi khẳng định niềm tin của mình, và chắc chắn được thánh Phao-lô quảng diễn. Những thuật ngữ của lời tuyên xưng nầy rõ ràng đã có ảnh hưởng trên kinh Tin Kính của công đồng Ni-xê.

Thật kỳ lạ và có thể có chủ ý, khi ngỏ lời cả với những Ki tô hữu gốc Do thái lẫn những Ki tô hữu gốc lương dân, thánh Phao-lô sử dụng những diễn ngữ nhắc nhớ trước hết lời tuyên xưng độc thần của Ít-ra-en: chỉ có một Chúa; đoạn sử dụng từ vựng rất gần với từ vựng của phái Khắc Kỷ.

Thiên Chúa của phái Khắc Kỷ, nguyên lý hiệp nhất, là “cha của muôn loài muôn vật”, Đấng duy trì sự cố kết và sự hòa điệu của vũ trụ.

Đức Ki tô cũng là nguyên lý hiệp nhất, nhưng không là một vị thần linh vũ trụ. Vai trò siêu việt của Ngài (chứ không nội tại) chính là hiệp nhất tất cả mọi sinh linh: Ngài là “Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”.

Công thức hoàn vũ của thánh Phao-lô cũng thay thế những suy luận Do thái giáo. Những suy luận nầy đề cao những quyền lực trung gian giữa Thiên Chúa và con người và nhất là gán cho các thiên sứ trật tự vũ trụ.

TIN MỪNG (Ga 6: 1-15)

Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã đọc đoạn trích Tin Mừng Mác-cô, theo đó Đức Giê-su đã động lòng thương dân chúng tuôn đến với Ngài như “đàn chiên bơ vơ không người chăm sóc”. Ngài đã đáp ứng nhu cầu của họ, trước tiên bằng lời ban sự sống của Ngài và tiếp đó, phép lạ bánh hóa nhiều, loan báo Ngài là bánh ban sự sống từ trời xuống. Nhưng đoạn trích Tin Mừng chỉ dừng lại ở nơi việc Chúa Giê-su ban lời Ngài cho dân chúng.

Tuy nhiên, đoạn trích Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay không tiếp tục Tin Mừng Mác-cô tường thuật việc Chúa Giê-su làm phép lạ bánh hóa nhiều cho dân chúng ăn no nê. Thay vì đó, phụng vụ đề nghi cho chúng ta đoạn trích Tin Mừng Gioan, cùng một câu chuyện với Tin Mừng Mác-cô. Thánh Gioan sử dụng câu chuyện nầy để mở đầu bài diễn từ dài của Đức Giê-su về “bánh ban sự sống”, mà chúng ta sẽ đọc bốn tuần Chúa Nhật tiếp theo.

Phép lạ bánh hóa nhiều là một trong những phép lạ được viện dẫn nhiều nhất: nó là phép lạ duy nhất được cả bốn thánh ký tường thuật, thêm nữa thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô lại tường phép lạ nầy đến hai lần từ một dị bản khác: bảy chiếc bánh.

Quả thật phép lạ nầy đánh dấu đỉnh cao thừa tác vụ của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê.

1. Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ.

Bài tường thuật của Gioan bắt đầu thật bất ngờ. Trong chuyện kể trước Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem. Ngài trở về miền Ga-li-lê. Ngài băng qua biển hồ Ti-bê-ri-a, nhưng Ngài đến từ đâu?

Chúng ta khó xác đinh nơi diễn ra phép lạ bánh hóa nhiều. Thánh Lu-ca nói về các làng mạc chung quanh thành Bết-sai-đa, thành phố được định vị ở đông bắc biển hồ, phía bên bờ sông Giô-đan đối với thành Ca-phác-na-um.

2. Đức Giê-su lên núi.

Đức Giê-su không lưu lại trên bờ. Ngài lên núi. Núi là nơi ưu tiên để đánh dấu một sứ điệp siêu việt: núi của các Mối Phúc, đỉnh núi cao của cuộc Biến Hình, ngọn đồi của phép lạ bánh hóa nhiều, vân vân.

3. Sắp đến lễ Vượt Qua.

Móc điểm thời gian nầy rất quý. Trước tiên nó giải thích tầm quan trọng của đám đông. Chính ở Ca-phác-na-um và trong các thành phố ven biển mà những người hành hương đến từ khắp nơi quy tụ lại: từ đó mà người ta khởi hành thành từng nhóm đến thành thánh Giê-ru-sa-lem để tham dự đại lễ Vượt Qua.

Nhưng nhất là, lễ Vượt Qua sắp đến đem lại một cung điệu sâu xa cho cử chỉ của Đức Giê-su; đại lễ nầy làm cho cử chỉ của Ngài thành cử chỉ ngôn sứ, loan báo lễ Vượt Qua mới ở đó một phép lạ bánh hóa nhiều khác được thực hiện, bí tích Thánh Thể.


4. Đức Giê-su thấy đông đảo dân chúng đến với mình.

Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, chính các môn đệ lưu ý Đức Giê-su là giờ đã khá muộn nên giải tán đám đông nầy để “họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6: 35-36). Trong Tin Mừng Gioan, chính Đức Giê-su ý thức hoàn cảnh và đề xuất sáng kiến.

Ngài ngỏ lời với ông Phi-líp. Ông Phi-líp (chúng ta biết người môn đệ nầy chỉ nhờ Tin Mừng thứ tư) bày tỏ tâm trí rất năng động và thiết thực. Khi ông Na-tha-na-en chất vấn ông về Đức Giê-su, ông trả lời: “Cứ đến mà xem!” (Ga 1: 46). Khi Đức Giê-su gợi lên sự thân mật của Ngài với Chúa Cha, ông Phi-líp hỏi ngay: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14: 8). Ở trong câu chuyện bánh hóa nhiều nầy, có thể câu hỏi gây bối rối mà Đức Giê-su đặt ra cho ông Phi-líp: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” hàm chứa một sự dí dõm: nếu một môn đệ có tài xoay xở nhất trong các môn đệ mà cũng không thể gặp thấy một giải pháp, chính vì hoàn cảnh bế tắc, lúc đó phép lạ sẽ là thích đáng nhất.

Mặt khác, chúng ta không thể không lưu ý rằng chỉ có hai môn đệ can dự, ông Phi-líp và ông An-rê, cả hai đều xuất thân từ Bết-sai-đa. Nếu phép lạ bánh hóa nhiều đã xảy ra gần Bết-sai-đa, thông thường Đức Giê-su hỏi những môn đệ biết rõ nơi nầy nhất để giải quyết vấn đề.

Dù thế nào, câu hỏi được nêu lên cho ông Phi-líp chỉ để thử ông: phải chăng ông ý thức rằng nếu chỉ nhờ vào những phương tiện nhân loại, ông đành bất lực không thể nào chu toàn công việc nầy được hay ông nhận ra rằng không có gì khác ngoài việc đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giê-su ?

Ông Phí-líp tính toán một cách chính xác: “Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Tiền lương của một ngày làm việc là một đồng bạc (chúng ta biết điều nầy nhờ dụ ngôn về người làm thuê vào giờ thứ mười một), vậy thì hai trăm đồng bạc mua được bao nhiêu bánh lúa mạch. Ấy vậy, ba Tin Mừng Nhất Lãm nói cho chúng ta biết có “năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ con”.

Vì thế, ông Phí-líp nhận ra về phương diện nhân loại không thể đáp ứng nhu cầu cho một đám người đông đảo như thế.

5. Quà tặng của tấm lòng biết chia sẻ.

“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”.

Em bé trao tặng lương thực của riêng mình; như ngôn sứ Ê-li-a, ông trao tặng quà biếu của mình và quà tặng của ông sẽ hóa nhiều. Chính cũng một bài học. Phải nói thêm, Đức Giê-su không bao giờ làm phép lạ từ hư không; ở nơi nền tảng của một phép lạ luôn luôn có một yếu tố vật chất, tự nhiên. Giáo Hội cũng sẽ thực hiện như vậy đối với các bí tích.

6. Vị Mục Tử Mê-si-a.

Thánh Gioan nói: “Chỗ ấy có nhiều cỏ”. Thánh Mác-cô xác định “Cỏ xanh” (6: 39). Đây là cỏ xanh non vào thời điểm mùa xuân ở miền Pha-lê-tinh. Điều nầy không muốn nói rằng Đức Giê-su là vị mục tử nhân lành mà các ngôn sứ loan báo Ngài dẫn đàn chiên của mình vào đồng cỏ xanh tươi sao? Thánh Mác-cô gợi ra điều nầy. Đối diện với các vị lãnh đạo Ít-ra-en, Đức Giê-su hành xử như vị Mục Tử Mê-si-a tận tình chăm lo dân Ngài.

7. Dấu chỉ Thánh Thể.

Không ai chối cải được phép lạ bánh hóa nhiều đã làm sáng tỏ việc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Các Tông Đồ đã hiểu như vậy, các thánh ký cũng đã ghi lại như vậy.

“Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát…”. Lời nói và cử chỉ nầy tương tự với lời nói và cử chỉ của Tiệc Ly. Và chỉ một mình bánh được kể ra trong lời nguyện tạ ơn.
Tấm lòng chia sẻ và bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng tấm lòng chia sẻ và bánh hóa nhiều khác, bánh Thánh Thể, tức là tấm lòng chia sẻ và sự hiện diện hóa nhiều của thân thể vinh quang của Đức Ki tô, không còn chỉ cho vài ngàn người, nhưng cho hằng triệu, đồng một lúc, và trong khắp hoàn vũ, cho đến thời cánh chung.

8. Mười hai thúng.

Như rượu được ban cho một cách dồi dào ở tiệc cưới Ca-na, bánh cũng được ban cho một cách dư dật, phần dư được thu lại đến mười hai thúng đầy. Con số mười hai đại diện mười hai bộ tộc Ít-ra-en, và cũng là mười hai Tông Đồ đại diện dân Chúa chọn mới. Không phải những phần dư lại muốn nói rằng có chỗ cho nhiều người khác được mời vào bàn tiệc Thiên Chúa sao?

Quả thật, sự dồi dào dư dật là dấu chỉ bữa ăn Mê-si-a. Các sấm ngôn của các ngôn sứ (Am 9: 13; Is 49: 10; 55: 1-3; Ge 4: 18), những Thánh Vịnh (Tv 132; 15: 78; 24-27), các sách minh triết đã loan báo rồi: triều đại Mê-si-a sẽ được đóng ấn bởi một dấu chỉ của sự phú túc và mãn nguyện, hình ảnh tiên trưng bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho tất cả những người được chọn trong vương quốc của Ngài, biểu tượng của niềm hoan lạc thiên giới cụ thể và mọi của cải tinh thần. (Bàn tiệc Mê-si-a và bàn tiệc cánh chung thường được định vị trong cùng một viễn cảnh).

Phấn khởi trước vị Mô-sê mới, Đấng đã cho họ ăn dư dật “ở nơi hoang vắng nầy”, đám đông đã không thấu hiểu dấu chỉ vương quốc Thiên Chúa, nhưng chỉ nghĩ đến vương quốc trần thế và muốn “bắt Ngài đem đi mà tôn làm vua”.

Đức Giê-su không muốn một chút nào chủ nghĩa Mê-si-a chính trị hẹp hòi và nông cạn nầy, nên “Ngài lại lánh mặt, đi lên núi một mình”.

Thánh Gioan là thánh ký duy nhất trong các thánh ký tường thuật phản ứng nầy của dân chúng. Còn các môn đệ, nhờ Mác-cô chúng ta biết rằng lòng trí các ông vẫn còn ngu muội. Vì cũng chính đêm tiếp theo sau phép lạ bánh hóa nhiều là đêm Đức Giê-su đi trên mặt biển, thánh Mác-cô nói “các ông thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều” (Mc 6: 52).

Lm. Inhaxiô Hồ Thông