Dan Lee
08-01-2009, 11:49 PM
Công Giáo An Giang Làm Chứng Cho Chúa Theo Tinh Thần Hai Thánh Tử Đạo Của An Giang
Để mừng kỷ niệm 150 năm của hai Thánh Tử Đạo Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng (31/7/1859 - 31/7/2009)
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã hoạt động tôn giáo tại An Giang. Hai ngài đã chết vì đạo tại An Giang.
Hai thánh đã sống và chết, để đáp lại một ơn gọi. Chúa gọi các ngài hãy là những hạt lúa gieo vào An Giang và hãy chết trong lòng đất An Giang.
Chúa Giêsu phán: "Thật, Thầy bảo thật các con. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Đúng là hai thánh đã sinh ra nhiều hạt lúa mới làm nên một cánh đồng bát ngát Tin Mừng.
Cánh đồng này là cách sống đạo nhẹ nhàng mà phong phú. Nếu mỗi giáo đoàn thường có những nét riêng, thì Công giáo An Giang cũng có vài nét riêng, nhờ hai thánh An Giang để lại.
1/ Nét riêng thứ nhất là sự gần gũi đậm tình gia đình giữa linh mục và giáo dân
Đang khi nhiều giáo đoàn địa phương khác bảo vệ khoảng cách cơ chế giữa linh mục và giáo dân, thì Công giáo An Giang lại phát triển tinh thần gia đình giữa mọi thành phần trong cộng đoàn, đặc biệt là giữa linh mục và giáo dân.
Sự kiện này có vẻ không mới. Vì thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Galata thế này: "Bất cứ ai trong anh em đã được thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Tất cả, không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô" (Gl 3,27).
Thánh Phaolô kêu gọi sự hiệp nhất nhân danh phép Rửa tội. Còn sự yêu thương, gần gũi, hiệp nhất của Công giáo An Giang thì không chỉ do phép Rửa, mà còn do tình hình truyền thống. Nếp sống gia đình gần gũi giữa linh mục và giáo dân được phát triển, nhờ gương hai thánh tử đạo An Giang. Thánh Quý là linh mục, thánh Phụng là giáo dân. Hai đấng sống với nhau trong tình thương cha con thân thiết. Sống nhờ nhau. Chết bên nhau.
2. Nét riêng thứ hai là liên hệ tốt với các tôn giáo bạn
Hai thánh chịu chết là vì lệnh triều đình. Chứ các ngài không hề có mâu thuẫn nào với tôn giáo bạn. Không những thế, giữa các ngài và các tín đồ tôn giáo bạn luôn có liên hệ tốt. Rất nhiều người ngoài công giáo đã tỏ lòng xót xa trước cái chết của các ngài.
Liên hệ tốt đó nay đang phát triển trong Công giáo An Giang. An Giang hiện có nhiều tôn giáo. Đặc biệt là Phật giáo Hoà Hảo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Hồi giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Công giáo. Liên hệ của công giáo với các tôn giáo bạn luôn được xây dựng trên nền tảng đạo đức nghĩa tình.
Đã có nhiều người ngoài công giáo tham gia vào các đoàn thể công giáo. Thậm chí đã có chùa dựng bàn thờ kính Đức Mẹ.
Tiếp xúc với các tôn giáo bạn, chúng tôi nhiều khi khám phá thấy những giá trị không ngờ. Người ngoại đạo Samaritanô trước nạn nhân bị cướp trấn lột nằm vệ đường đã nhân ái hơn các tư tế đạo Chúa (x. Lc 10,29). Dụ ngôn đó cũng xảy ra tại nhiều nơi hiện giờ.
3/ Nét riêng thứ ba là sự hài hoà giữa đời và đạo
Hai thánh của An Giang đã không vâng lệnh vua bắt bỏ đạo. Còn bao nhiêu việc khác, thì các ngài vẫn vâng phục. thánh Phaolô khuyên các giáo đoàn: "Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa" (Rm 13,1).
An Giang có 4 dân tộc chính: Người Kinh, người Khơme, người Chăm, người Hoa. Các dân tộc sống chung với nhau. Đời sống chung ấy rất hài hoà. Các dân tộc ấy và chính quyền cùng lo xây dựng một Đất Nước Việt Nam hoà bình, công bình, thịnh vượng.
Để có hoà bình, công bình, thịnh vượng, công giáo đóng góp phần mình về mọi mặt. Nhất là về mặt tâm linh.
Những giá trị tâm linh phủ khắp miền đất An Giang. Những giá trị tâm linh ấy không những được diễn tả rộng rãi ở việc đọc kinh, giữ chay, tu thân, từ thiện, mà cũng ở sự tin tưởng vào những Đấng thiêng liêng vô hình. Những giá trị tâm linh ấy làm nên một chiều kích thiêng liêng đào tạo lương tâm mỗi người An Giang. Công giáo làm chứng chiều kích thiêng liêng ấy là một yếu tố không thể thiếu của hạnh phúc con người và phục hưng đất nước. Thiết tưởng hai thánh sẽ rất hài lòng với cách làm chứng này.
Với ba chiều kích trên đây, Công giáo An Giang cùng với hai thánh đang làm chứng cho Chúa. Với nhiều sáng tạo, con đường làm chứng đã được vạch ra rõ ràng. Kết quả chưa nhiều. Sự thực đó đòi phải có một tấm lòng khiêm tốn, cậy trông vào Chúa, khiêm tốn đón nhận những bất ngờ.
Chúng ta hiểu biết thế nào là mong manh trong lịch sử, nhưng lại vững mạnh trước tôn nhan Chúa.
Dù nhỏ bé, Công giáo An Giang vẫn đi về phía trước. Hy vọng là không nhỏ.
+GM JB Bùi Tuần
Để mừng kỷ niệm 150 năm của hai Thánh Tử Đạo Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng (31/7/1859 - 31/7/2009)
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã hoạt động tôn giáo tại An Giang. Hai ngài đã chết vì đạo tại An Giang.
Hai thánh đã sống và chết, để đáp lại một ơn gọi. Chúa gọi các ngài hãy là những hạt lúa gieo vào An Giang và hãy chết trong lòng đất An Giang.
Chúa Giêsu phán: "Thật, Thầy bảo thật các con. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Đúng là hai thánh đã sinh ra nhiều hạt lúa mới làm nên một cánh đồng bát ngát Tin Mừng.
Cánh đồng này là cách sống đạo nhẹ nhàng mà phong phú. Nếu mỗi giáo đoàn thường có những nét riêng, thì Công giáo An Giang cũng có vài nét riêng, nhờ hai thánh An Giang để lại.
1/ Nét riêng thứ nhất là sự gần gũi đậm tình gia đình giữa linh mục và giáo dân
Đang khi nhiều giáo đoàn địa phương khác bảo vệ khoảng cách cơ chế giữa linh mục và giáo dân, thì Công giáo An Giang lại phát triển tinh thần gia đình giữa mọi thành phần trong cộng đoàn, đặc biệt là giữa linh mục và giáo dân.
Sự kiện này có vẻ không mới. Vì thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Galata thế này: "Bất cứ ai trong anh em đã được thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Tất cả, không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô" (Gl 3,27).
Thánh Phaolô kêu gọi sự hiệp nhất nhân danh phép Rửa tội. Còn sự yêu thương, gần gũi, hiệp nhất của Công giáo An Giang thì không chỉ do phép Rửa, mà còn do tình hình truyền thống. Nếp sống gia đình gần gũi giữa linh mục và giáo dân được phát triển, nhờ gương hai thánh tử đạo An Giang. Thánh Quý là linh mục, thánh Phụng là giáo dân. Hai đấng sống với nhau trong tình thương cha con thân thiết. Sống nhờ nhau. Chết bên nhau.
2. Nét riêng thứ hai là liên hệ tốt với các tôn giáo bạn
Hai thánh chịu chết là vì lệnh triều đình. Chứ các ngài không hề có mâu thuẫn nào với tôn giáo bạn. Không những thế, giữa các ngài và các tín đồ tôn giáo bạn luôn có liên hệ tốt. Rất nhiều người ngoài công giáo đã tỏ lòng xót xa trước cái chết của các ngài.
Liên hệ tốt đó nay đang phát triển trong Công giáo An Giang. An Giang hiện có nhiều tôn giáo. Đặc biệt là Phật giáo Hoà Hảo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Hồi giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Công giáo. Liên hệ của công giáo với các tôn giáo bạn luôn được xây dựng trên nền tảng đạo đức nghĩa tình.
Đã có nhiều người ngoài công giáo tham gia vào các đoàn thể công giáo. Thậm chí đã có chùa dựng bàn thờ kính Đức Mẹ.
Tiếp xúc với các tôn giáo bạn, chúng tôi nhiều khi khám phá thấy những giá trị không ngờ. Người ngoại đạo Samaritanô trước nạn nhân bị cướp trấn lột nằm vệ đường đã nhân ái hơn các tư tế đạo Chúa (x. Lc 10,29). Dụ ngôn đó cũng xảy ra tại nhiều nơi hiện giờ.
3/ Nét riêng thứ ba là sự hài hoà giữa đời và đạo
Hai thánh của An Giang đã không vâng lệnh vua bắt bỏ đạo. Còn bao nhiêu việc khác, thì các ngài vẫn vâng phục. thánh Phaolô khuyên các giáo đoàn: "Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa" (Rm 13,1).
An Giang có 4 dân tộc chính: Người Kinh, người Khơme, người Chăm, người Hoa. Các dân tộc sống chung với nhau. Đời sống chung ấy rất hài hoà. Các dân tộc ấy và chính quyền cùng lo xây dựng một Đất Nước Việt Nam hoà bình, công bình, thịnh vượng.
Để có hoà bình, công bình, thịnh vượng, công giáo đóng góp phần mình về mọi mặt. Nhất là về mặt tâm linh.
Những giá trị tâm linh phủ khắp miền đất An Giang. Những giá trị tâm linh ấy không những được diễn tả rộng rãi ở việc đọc kinh, giữ chay, tu thân, từ thiện, mà cũng ở sự tin tưởng vào những Đấng thiêng liêng vô hình. Những giá trị tâm linh ấy làm nên một chiều kích thiêng liêng đào tạo lương tâm mỗi người An Giang. Công giáo làm chứng chiều kích thiêng liêng ấy là một yếu tố không thể thiếu của hạnh phúc con người và phục hưng đất nước. Thiết tưởng hai thánh sẽ rất hài lòng với cách làm chứng này.
Với ba chiều kích trên đây, Công giáo An Giang cùng với hai thánh đang làm chứng cho Chúa. Với nhiều sáng tạo, con đường làm chứng đã được vạch ra rõ ràng. Kết quả chưa nhiều. Sự thực đó đòi phải có một tấm lòng khiêm tốn, cậy trông vào Chúa, khiêm tốn đón nhận những bất ngờ.
Chúng ta hiểu biết thế nào là mong manh trong lịch sử, nhưng lại vững mạnh trước tôn nhan Chúa.
Dù nhỏ bé, Công giáo An Giang vẫn đi về phía trước. Hy vọng là không nhỏ.
+GM JB Bùi Tuần