PDA

View Full Version : C - Chúa nhật XX Thường niên B (Thánh ca lời nguyện mở đầu )



Dan Lee
08-12-2009, 09:52 PM
Chúa nhật XX Thường niên B

THÁNH CA LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU


Kinh Thánh: Ê-phê-xô 5: 15-20

Bài đọc hôm nay và Chúa Nhật tới thuộc về phần thứ ba của huấn dụ (5:15-6:9), trong đó thánh Phao-lô đề cập tới đời sống nội tâm của cộng đoàn, nhất là của gia đình. Ngay trước phần khuyên nhủ này, ngài nêu lên lý do tại sao phải sống đời nội tâm: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (5:8). Để giúp tín hữu Ê-phê-xô tiếp tục cư xử như con cái ánh sáng, Phao-lô nêu lên mấy điểm chính yếu sau đây:

a) Thái độ Ki-tô hữu phải có trong khihọ “đang sống những ngày đen tối.”

Trước hết tín hữu cần nhận định hoàn cảnh mình đang sống là hoàn cảnh nào. Phao-lô gọi hoàn cảnh này là “những ngày đen tối.” Đen tối không có nghĩa hoàn cảnh nội tâm của tín hữu, nhưng là môi trường bên ngoài, là xã hội với những xấu xa và suy đồi của nó. Nếu đen tối không gian có thể làm cho chúng ta khó nhận định được đâu là chướng ngại vật và nguy hiểm cho sự an toàn thể xác của mình, thì đen tối về luân lý và đạo đức cũng sẽ làm cho tâm hồn chúng ta khó nhận ra được những tác hại vô hình của một xã hội sa đọa và đầy cám dỗ. Vì thế, tín hữu cần giữ những thái độ cơ bản là phải “cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình” để coi mình thuộc loại người khờ dại hay khôn ngoan. Lời cảnh giác này khiến chúng ta nhớ tới dụ ngôn “mười trinh nữ” Chúa Giê-su đã nói để nhắc nhở chúng ta phải sẵn sàng. Sống trong những ngày đen tối, cây đèn đức tin của người khôn ngoan lúc nào cũng đầy ắp dầu, và họ biết “tận dụng thời buổi hiện tại,” giống như “chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52), biết tận dụng mọi sự và mọi hoàn cảnh mình có để mưu ích phần rỗi cho mình và cho anh chị em.

Từ sau khi được lãnh nhận bí tích Rửa tội, tín hữu phải sống đúng với căn tính của mình là con cái sự sáng. Thời điểm hiện tại đối với họ luôn luôn là “đêm sắp tàn, ngày gần đến.” Đêm tượng trưng cho thế giới xấu xa hiện nay và ngày tượng trưng cho vũ trụ mới của chiến thắng sẽ đến. Đêm cũng là thời của tội lỗi và ma quỷ, còn ngày là thời của Đức Ki-tô và Hội Thánh đang chiếm lĩnh nhân loại. Màn đêm lui dần và ngày mỗi lúc một hiện ra rõ rệt hơn. Sống với viễn tượng ấy, Ki-tô hữu mới thực sự có niềm hy vọng chắc chắn và họ sẽ sẵn sàng “loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13:12).

b) Ki-tô hữu phải làm gì để sống như người khôn ngoan?

Sau khi nói lên thái độ căn bản của Ki-tô hữu, thánh Phao-lô đưa ra một số đề nghị thực tế liên quan tới đời sống cá nhân và cộng đoàn. Trước hết, mỗi cá nhân tín hữu “hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.” Ý Chúa không hẳn là Chúa muốn tôi làm điều này điều nọ, hoặc phải quyết định thế này thế kia, nhưng ý Chúa là Người muốn trong mọi hoàn cảnh tôi phải sống như thế nào cho xứng đáng là con cái Người. Ý Chúa là “Chính anh em là muối cho đời..., là ánh sáng cho trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:13-16).

Tiếp đến, tín hữu hãy giữ cuộc sống tiết độ, đừng say sưa rượu chè. Rượu chè là lối sống theo tính xác thịt, đối nghịch với lối sống theo Thần Khí. Rượu chè làm cho thân xác ra nặng nề và đưa tới trụy lạc. “Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26:41). Do đó, thay vì say sưa do rượu chè, tín hữu hãy để cho tâm hồn mình say sưa Thánh Thần, hăng hái nhờ sức mạnh của Người.

Thánh Phao-lô cũng không quên nói đến đời sống cộng đoàn. Chính đời sống cộng đoàn là một yếu tố cần thiết giúp mỗi cá nhân phát triển đời sống nội tâm của mình. Phao-lô coi sinh hoạt phụng vụ của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi như môi trường giúp họ phát triển đời sống đức tin. Quả thực là một cộng đoàn đức tin đầy sức sống khi mọi người tích cực tham dự vào cử hành phụng vụ. Cùng nhau đối đáp thánh vịnh, cùng ngâm nga thánh thi và cất tiếng hát lên những bài thánh ca, mọi tâm hồn tín hữu đều hướng về cùng một mục đích là chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Hy vọng mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cùng với cộng đoàn, chúng ta cũng cảm nghiệm được cùng những tâm tình này! Ở đây, có lẽ nhiều người chúng ta cần phải đặt lại vấn đề về cách chúng ta tham dự cử hành phụng vụ. Phần đông, chúng ta quá thụ động, quá yên lặng trong các Thánh lễ Chúa Nhật. Chúng ta “khoán trắng” việc hát thánh ca cho ca đoàn, việc đọc Sách Thánh cho người đọc sách, việc đọc kinh nguyện Thánh Thể cho các cha... Chúng ta chỉ cần có mặt, “xem” lễ, “nghe” hát... rồi ra về. Thế là xong bổn phận... đi lễ Chúa Nhật! Tại sao có tình trạng dửng dưng như vậy? Đó là vì chúng ta không được “thấm nhuần Thần Khí,” chỉ có cái xác trong nhà thờ mà vắng cái hồn. Thêm một lý do nữa, là vì chúng ta không làm “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô,” nhưng nhân danh những cái không tên khác, thí dụ để cha mẹ khỏi buồn vì thấy chúng ta khô khan, để không phạm tội bỏ lễ Chúa Nhật, để kiếm bồ bịch, để cho cộng đoàn thấy chúng ta là người siêng năng đạo đức... Tóm lại có biết bao nhiêu cái “nhân danh” ẩn núp trong chúng ta khiến chúng ta không còn thờ phượng Chúa “trong tinh thần và sự thật” nữa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Tôi thường hiểu sai thế nào về ý Chúa? Nhìn vào cuộc sống hiện tại với tất cả những bổn phận và trong hoàn cảnh gia đình và xã hội của tôi, tôi hiểu ý Chúa là gì?

Sinh hoạt cầu nguyện của gia đình tôi thế nào? Cầu nguyện chung và cùng nhau hát thánh ca có là một sinh hoạt đều đặn của gia đình không? Sinh hoạt ấy giúp mọi người trong nhà phát triển đời sống đạo đức như thế nào?

Đối với việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, tôi và gia đình tôi có thể đóng góp được những gì? Đọc Sách Thánh? Giúp lễ? Gia nhập ca đoàn? Giúp quyên tiền? Nói chung, mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật với cộng đoàn, tôi có nhận ra đó là môi trường giúp tôi lớn lên trong đức tin không?

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa.

Lm. Ðaminh Trần đình Nhi