PDA

View Full Version : C - Chủ nhật 21 thường niên B (Thái độ cần có trước những Mầu Nhiệm )



Dan Lee
08-21-2009, 08:15 PM
THÁI ĐỘ CẦN CÓ TRƯỚC NHỮNG MÀU NHIỆM


Sau khi nghe Chúa Giêsu phán rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ … Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:35, 51), thì thánh Gioan ghi nhận rằng, đám thính giả ở trong hội đường Ca-phác-na-um đã bị phân chia ra làm ba nhóm, với ba thái độ khác nhau:


Nhóm thứ nhất, là nhóm gồm những người có thái độ hồ nghi và không chấp nhận những lời của Chúa Giêsu, nhóm này chỉ ngấm ngầm, không ra mặt, họ chỉ xầm xì và bàn tán sôi nổi với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6:52).
Nhóm thứ hai, là nhiều môn đệ của Chúa Giêsu, họ không những đã không chấp nhận lời của Ngài: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe [cho] nổi?" (Ga 6:60), mà lại còn tỏ thái độ phản đối Chúa Giêsu ra mặt, họ rút lui, không còn đi theo Người nữa! (Ga 6:66).
Nhóm thứ ba, là nhóm Mười Hai, giống như hai nhóm trên, họ không hiểu tí ti ông cụ gì về lời phán hứa của Chúa Giêsu, họ cũng chẳng hiểu tại sao Chúa Giêsu lại có thể lấy Thịt và Máu của Ngài để nuôi sống và ban cho họ sự sống đời đời, nhưng họ chấp nhận Lời của Ngài và kiên vững đi theo Ngài. "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:68-69).


Bạn nghĩ sao về ba nhóm người trên? Nhóm nào là nhóm đáng cho bạn và tôi noi gương, bắt chước và học hỏi đây?

Nhóm thứ nhất hả? I don’t think so! Nhóm này chẳng đáng cho bạn và cho tôi tôn trọng họ, chứ đừng nói đến chuyện noi gương bắt chước! Tại sao vậy? Xin thưa là tại vì những người thuộc nhóm thứ nhất này là những con người nông nổi nhất thời, chỉ nghĩ đến những lợi lộc trước mắt mà thôi. Thật vậy, sau khi được ăn bánh no nê, và sau khi nghe Chúa Giêsu phán: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian" thì họ liền vội vàng xin ngay: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6:32-34). Thế nhưng sau khi nghe Chúa Giêsu giải thích: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6:35), thì họ đã ngãng ra, đã hồ nghi, đã dè bỉu, không chấp nhận lời của Ngài, rồi còn tụm năm túm ba, xì xèo bàn tán với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6:52).

Còn những người thuộc nhóm thứ hai thì sao? Tôi nghĩ những người thuộc nhóm này còn tệ hơn cả những người thuộc nhóm thứ nhất nữa, nếu không muốn nói đây là những người đáng chê trách và là nhóm người tệ bạc nhất, bạc hơn cả vôi nữa! Họ chẳng có gì đáng cho chúng mình học hỏi cả. Tại sao tôi dám nói như vậy? Xin thưa là bởi vì Phúc Âm ghi nhận rằng, họ chính là những người đã từng tận mắt chứng kiến nhiều phép lạ cả thể do chính Chúa Giêsu thực hiện: Họ đã có mặt trong bữa tiệc cưới ở Ca-na, đã biết Chúa Giêsu là người đã làm phép lạ biến nước hóa thành rượu ngon (Ga 2:1-12); họ đã thấy Chúa Giêsu dùng LỜI để chữa bệnh cho đứa con trai của một viên sĩ quan đang hấp hối trên giường bệnh (Ga 4:46-54); họ đã từng chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa ra nhiều, cũng chính họ đã cộng tác với Chúa Giêsu trong việc phân phát cho hàng ngàn người ăn uống no nê (Ga 6:1-15); họ đã từng mục kích cảnh Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ đến với họ (Ga 6:16-21) … Vậy mà họ vẫn cứng lòng tin, vẫn nghi ngờ về quyền năng của Chúa Giêsu, tệ hơn nữa, họ đã dám cả gan buông ra những lời phản đối công khai và có pha chút hỗn xược: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe [cho] nổi?" (Ga 6:60). Những người bạc bẽo và bất tín bất trung như vậy có xứng đáng để cho chúng mình noi gương bắt chước hay học hỏi nơi họ không? Never! Không bao giờ!

Chỉ có nhóm thứ ba, tức là nhóm Mười Hai, mới là nhóm đáng cho bạn và cho tôi học hỏi, noi gương và bắt chước. Tại sao vậy? Là tại vì qua lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô, tôi có thể học được nơi các ngài về niềm tín thác và lòng trung thành tuyệt đối vào Đức Giêsu. Thật vậy, cũng giống như những thính giả khác ở trong hội đường Ca-phác-na-um, nhóm Mười Hai chẳng hiểu ất giáp gì về những lời mà Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” Thế nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Thầy Giêsu của họ, và trung tín với Ngài một cách trọn vẹn: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Khi tuyên xưng niềm tin như vậy, phải chăng ông Phêrô có ý nói rằng: “Thưa Thầy, tại sao chúng con lại phải bỏ Thầy cơ chứ? Mặc dù chúng con chẳng hiểu mô tê gì về những lời Thầy vừa mới nói. Với trí óc non nớt và u mê này, chúng con chẳng thể nào hiểu nổi, làm thế nào mà Thầy có thể lấy Thịt và Máu của Thầy để cho chúng con ăn, để cho chúng con có được sự sống vĩnh cửu, nhưng chúng con tin rằng Thầy là Thiên Chúa, và Thầy có quyền năng làm được tất cả mọi sự kia mà, ai bỏ Thầy thì mặc họ, chúng con vẫn quyết trung thành với Thầy cho đến cùng!”

Bạn thân mến, qua bài Tin Mừng hôm nay, qua mẫu gương của thánh Phêrô và của nhóm Mười Một, tôi hy vọng rằng, khi đứng trước những màu nhiệm cao cả trong đạo, ví dụ như màu nhiệm bí tích Thánh Thể, màu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, màu nhiệm Đức Maria trọn đời đồng trinh, màu nhiệm của đau khổ, của sự chết, sự phục sinh … thì bạn và tôi phải cố gắng tránh hết sức, đừng bao giờ có thái độ giống như những người thuộc nhóm thứ nhất và những kẻ thuộc nhóm thứ hai. Đừng bao giờ ngôn ngữ bất toàn của con người, đừng dùng trí óc non kém, cũng đừng nên dùng những lý luận, cộng với những kiến thức hạn hẹp và nông cạn của mình, để hòng đâm thủng bức màn của những màu nhiệm. It’s impossible! Bạn và tôi hãy bắt chước và hãy học hỏi nơi thánh Phêrô và nhóm Mười Một đức tính khiêm tốn, luôn mở rộng tâm hồn ra, để đón nhận những mạc khải của Thiên Chúa về các màu nhiệm, đặc biệt là màu nhiệm về bí tích Thánh Thể. Đứng trước các màu nhiệm về đạo, chúng mình hãy xác tín rằng Thiên Chúa quyền phép vô cùng, Ngài có thể làm được mọi sự, bởi vì: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37). Và xin bạn hãy ghi nhớ nằm lòng, đừng bao giờ quên: “Tư tưởng của [Thiên Chúa] không phải là tư tưởng của [chúng ta], và đường lối [chúng ta] không phải là đường lối của [Thiên Chúa]. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của [Thiên Chúa] cũng cao hơn đường lối [chúng ta], và tư tưởng của [Thiên Chúa] cũng cao hơn tư tưởng [chúng ta]chừng ấy” (Is 55:8-9).

Chúng mình hãy cầu nguyện cho nhau, xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Phêrô ban cho bạn và cho tôi một tấm lòng khiêm tốn, một niềm tin vững mạnh, và có một trái tim chân thành, để nhờ vậy chúng mình mới có thể vui vẻ và sẵn sàng đón nhận những mạc khải của Thiên Chúa, và qua đó, Ngài sẽ soi lòng mở trí để tôi và bạn hiểu rõ hơn về các màu nhiệm, đặc biệt là màu nhiệm về bí tích Thánh Thể. Chúc bạn một tuần lễ an bình, tràn đầy ơn Chúa và vui khoẻ.

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD