PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 23 Thường Năm B (Thà Chúa Để Chúng Con Câm Đi )



Dan Lee
09-06-2009, 06:23 PM
CN 23B: THÀ CHÚA ĐỂ CHÚNG CON CÂM ĐI

Lời Thánh Vịnh 39 vang lên quen thuộc với dân Thiên Chúa: “Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi”. Thế nhưng trong cuộc đời con người, có những lúc miệng họ phải ngậm lại vì nhiều thế lực gian tà chung quanh lên tiếng quá lớn, chát chúa và hung hăng. Sứ mạng của Đấng Cứu Thế là trả lại tiếng nói cho người câm, âm thanh cho người điếc và ánh sáng cho người mù. Và hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa dùng quyền năng của mình và lên tiếng: “Ephata”, hãy mở ra.
Dân chúng thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, họ kinh ngạc kêu lên: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Người ta kinh ngạc vì họ thấy con người mộc mạc và nghèo khổ như họ, lại có uy quyền khiến âm thanh phải vâng phục. Họ không biết rằng chính Người là Lời làm cho đất trời này thành hình, và nếu Người không lên tiếng thì tất cả đến bây giờ vẫn là hư vô.

Phép lạ chữa người câm điếc được thánh sử Máccô xếp ngay sau phép lạ Chúa trừ quỉ cho con gái của người phụ nữ ngoại giáo. Phải chăng có mối liên hệ nào đó giữa sự kiện quỉ ám và sự kiện người ta câm điếc trước các thực tại trần gian? Có những lúc người ta cũng phải tự hỏi: “Liệu câm điếc có phải luôn luôn là điều xấu không?” Và câu trả lời không đơn giản chỉ là có hay không. Có lúc người ta im lặng vì lời nói là dư thừa, vì rõ ràng người nghe “có tai mà chẳng nghe”, như lúc Chúa Giêsu im lặng trước Philatô. Chỉ có cái câm do quỉ xúi giục mới là cái câm nguy hiểm. Vậy làm sao nhận ra được cái câm lặng nào đáng trách?

Trước hết, câm lặng trước bất công là cái câm đáng trách. Đã thành thói quen, người dân chúng ta ngày hôm nay không còn phản ứng tích cực trước những nghịch lý nhan nhản chung quanh mình. Nhìn những ngổn ngang và bừa bộn trên đường đi mỗi ngày hay những xô xát, ẩu đả giữa nơi công cộng, ta lạnh lùng lảng tránh và coi như chuyện bình thường. Dường như có một sức ép nào đó khiến ta đi qua mà không tự hỏi tại sao những cảnh tượng ấy diễn ra ngang nhiên đến thế. Nhìn đoàn lũ những con người chạy vạy để giành lại từng tấc đất hay giật lại chút công lý còn rơi vãi đó đây, ta lầm lũi đi, đi… mà không ngoái nhìn lại dù chỉ để nói một lời “cố lên”. Ta câm mất rồi, có thể vì ta chẳng còn hơi mà lên tiếng mà cũng có thể vì thiên hạ chẳng còn nhạy cảm để lắng nghe. Trời ơi, sao cái lặng im lạnh lùng cô quánh lại, đến nỗi tất cả cứ đi qua đi qua như dòng kênh đen. Chẳng lẽ cứ mãi mãi là câm?

Câm lặng trước nỗi khổ người nghèo là cái câm đáng trách. Nhìn một em bé đen đúa gầy gò bế một trẻ sơ sinh cũng đen đúa, mệt mỏi không còn cất lên nổi tiếng khóc trẻ thơ, ta cũng lạnh lùng như nhìn một con mèo ngồi ngơ ngác bên hè phố. Nhìn cụ già lang thang như đứa trẻ lúc khóc lúc cười, ta lạnh lùng y như chuyện lề đường chẳng chút liên quan. Thỉnh thoảng lạc vào con hẻm lầy lội, tối tăm dơ bẩn, ta đi như chạy trốn mà không hề tỏ ra đồng cảm với kiếp người. Có những người bạn của Giêsu đang lặng lẽ chờ ta dừng lại với một nụ cười khích lệ họ, mà ta cũng cố gắng giấu đi. Ta câm mất rồi.

Câm lặng để mưu cần danh lợi là cái câm đáng trách. Thời nay thiên hạ dễ im tiếng cho xong chuyện hoặc để đổi lấy sự an thân. Đứng im cười cười bắt tay chụp hình thì quá dễ. Nhận những quà như một bố thí để quay phim thì luôn hấp dẫn. Nhưng phía sau tấm hình đó, đoạn cuối thước phim đó là gì thì ta không quan tâm và ta không dám nói đến. Theo Chúa rồi, tận hiến rồi mà cũng còn mê chút hư danh. Hớn hở cười, hả hê nói, lên TV phát biểu hay được trích lời đó đây, người ta mừng như được gói bánh ngon. Chẳng biết lúc đó người ta nói hay người ta câm, nhưng chắc chắn một điều là những lời ca tụng thế gian không thể “vang lên trong Đại Hội”, và lúc họ nói chính là lúc “ngậm môi”, và “Chúa cũng biết rồi” (xem TV 39).

Có những lúc chúng ta phải thưa với Chúa, thà Ngài để con câm và điếc còn hơn để con có tai mà chẳng nghe, có miệng mà chẳng nói; thà Ngài để con sống giữa rừng sâu cùng hoang thú còn hơn để con giữa đời mà lạnh lùng nhìn anh em đau khổ mà chẳng biết làm gì giúp đỡ họ.
Theo Chúa không chỉ là hướng về vinh quang của ngày Phục Sinh và ngày Chúa Quang Lâm, nhưng còn là đi bằng đôi chân người nghèo khổ bất hạnh, là lăn vào dòng đời với trái tim biết rung cảm, vì nơi người nghèo, Chúa thực hiện chương trình cứu độ. Theo Chúa không chỉ là hát vang lời ca tụng Chúa, mà còn là hoà điệu với tiếng than của người cùng khổ, vì chính tiếng than ấy kéo xuống ơn cứu độ. “Ta đã nghe tiếng dân Ta bên Ai cập”.

Im lặng trước bất công, trước người nghèo là tự mình hoá câm, và khi ta đã tự do câm lặng, Chúa tôn trọng tự do ấy, nhưng người câm lặng thì được gì ? Người can trường lên tiếng luôn chịu thiệt thòi, nhưng chính lúc ấy họ hoà mình vào mầu nhiệm ngôn sứ chịu đóng đinh của Đức Kytô. Đức Tổng Giám Mục Giuse của Hà nội, Đức Giám Mục Phaolô của Vinh và ngày càng nhiều mục tử anh dũng khác đã và đang lên tiếng ca ngợi sự công minh của Thiên Chúa và nhờ đó, các ngài nâng đỡ đức tin cho dân Chúa.

Lạy Cha Thánh Giuse, Cha giữ thinh lặng trong cuộc đời tại thế, và Cha làm gương cho chúng con về sự thinh lặng nội tâm. Nhưng việc vâng phục ý Chúa, đưa Thánh Gia ra đi tránh những bất công và việc Cha lặng lẽ làm thợ để đưa Thánh Gia thoát khỏi cảnh nghèo, dạy cho chúng con biết lên tiếng ca ngợi kỳ công của Chúa và quyết liệt lên tiếng để công lý được thực thi. Và do đó mà Cha được muôn đời ca ngợi là Đấng Công Chính, Đấng sống cho công lý. Xin Cha giúp chúng con biết noi gương Cha mà làm cho trần gian vang tiếng yêu thương.

Gioan Lê Quang Vinh